Tết và thời gian

KHÁNH NAM 30/01/2013 22:01 GMT+7

TTCT - Cả năm hối hả trong dòng đời ngược xuôi, tết nhất là lúc để ta nghĩ đến sự đời. Đã có khi nào bạn nghĩ rằng tết được tổ tiên ta bày ra để dành thời gian giúp chúng ta tìm về triết lý dân tộc hay không?


Tranh: Lê Thiết Cương

Lễ tết trong mắt các chuyên gia nhân học trên thế giới được coi là một nghi lễ chuyển hóa (rite de passage) cực kỳ quan trọng, mang tính đại diện và thể hiện bản sắc của cả dân tộc. 

Đó là khi thời gian bình thường không còn hiện hữu, bởi cả người lẫn vạn vật đều chuyển vào không gian lễ hội. Chúng ta không còn nấu nướng ăn uống như ngày thường, không chỉ vì ông Táo đã về trời mà còn vì tết là dịp để ăn lại những thứ bánh trái được duy trì qua ngàn đời: bánh chưng của Lang Liêu, dưa hấu của An Tiêm. 

Thời gian thường ngày ngưng lại, nhường chỗ cho thời gian linh thiêng, của đêm trừ tịch, khi trời gặp đất, Bụt đuổi ma quỷ và người đốt hình nhân thế mạng, lên chùa rước lộc. Năm mới xóa sạch những tàn tích năm cũ, để con người trong trạng thái quá độ (limbo) mà xây dựng một cái gì mới mẻ, làm lại từ đầu. 

Tết là thời điểm để tổng kết lại và so sánh với năm ngoái, rút kinh nghiệm cho năm sau. Tết là lúc chơi hoa thủy tiên hay ghép đào và đặt mai thế, đặng gởi gắm niềm tin và hi vọng vào một mùa xuân mới mưa thuận gió hòa.

Trong nghi lễ chuyển hóa, người ta có thể đưa vào thêm hơi thở đương đại của bất kỳ nghi lễ nào, từ mừng sinh nhật Đảng cho đến tết thầy cô và hội đền Hùng. Trên bàn thờ tết có cả sâmbanh Nga lẫn thuốc ba số của Anh, hộp kẹo Thái Lan và tờ lịch phong cảnh Nhật Bản.

Xét cho cùng, bánh chưng hay bánh trưng, quả đất hình trụ hay hình vuông, tất cả đều là dấu vết của quá khứ lưu lại trong không gian văn hóa tết, khi thời gian ngưng đọng và quy chiếu tất cả lịch sử dân tộc. Nhìn sâu và diễn giải những đoạn thời gian lịch sử lưu chiếu trong nghi lễ tết chính là phương cách tìm về minh triết Việt một cách dễ dàng và thuận nhất.

Có lẽ cách hiểu thời gian của người Việt không giống với khái niệm thời gian của người phương Tây. Hai môi trường văn hóa xã hội khác nhau đã xây dựng khái niệm thời gian theo hai hướng khác nhau. Người Việt không quan niệm thời gian là điểm gặp gỡ như cách hiểu phương Tây, là khoảnh khắc để tất cả mọi người cùng về một điểm gặp nhau, là giờ xe xuất bến, máy bay cất cánh, cả thế giới cùng tịnh tiến theo một nhịp bước chung.

Thời gian của người Việt trong tiềm thức là vòng tuần hoàn, như con người luân hồi và cây cỏ thì đều đặn chuyển mùa. Trong một năm người Việt có rất nhiều ngày tết vào những thời điểm giao mùa, đón một bát cơm mới cũng có ngày tết riêng... Lễ tết là do người tại chỗ chủ động thực hiện theo đúng thời khắc địa phương, khách từ nước ngoài tìm đến hoặc con cháu trong nhà từ phương xa trở về cứ tự mình tìm nơi chốn mà kết nối, đoàn tụ.

Thực ra, thời gian theo cách hiểu tuyến tính cũng chỉ mới hiện hành ở phương Tây vài trăm năm qua mà thôi. Trước đó và hiện nay ở nhiều vùng quê người ta vẫn tiếp tục sống trong nhịp thời gian tuần hoàn, đều đặn như tiếng chuông nhà thờ mỗi ngày và lễ thánh cùng hội làng mỗi tháng mỗi năm, liên tục lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Huyền thoại nhờ có vòng lặp thời gian tuần hoàn mà lưu truyền qua năm tháng, như câu chuyện Lang Liêu làm bánh chưng từ mấy ngàn năm trước.

Và nếu đã là vòng lặp thì khi kinh tế không còn phụ thuộc vào nông nghiệp tức gắn chặt với lịch mặt trăng thì có lẽ việc dịch chuyển tết ta sang lịch Tây, như đề nghị của GS Võ Tòng Xuân, cũng có thể trở thành hiện thực. Quan trọng là nghi lễ nào sẽ được chọn lọc để đưa vào cuộc sống mới. 

Nhìn lại những gì đã được bỏ bớt và thêm vào tết ta, tết Tây trong vài chục năm qua, ta có thể biết được những đường nét bản sắc truyền thống nào đã được tiếp biến vào dân tộc Việt Nam đương đại.

Có lúc người ta hối hả chạy theo hiện đại, mặc áo nilông, xách bao plastic, ngồi ghế nhựa, nhưng thời gian trôi đi mà những chiếc áo tơ tằm, chiếc túi da thuộc lại quay về, dân ghiền cà phê nhớ những chiếc ghế gỗ chắc bền nổi vân theo năm tháng không tự nhiên quẹo một chân ngã uỵch xuống đất. 

Thế giới vẫn chuyển động theo vòng lặp thời gian tuần hoàn như vậy, cũng như quả đất và các hành tinh lần lượt xoay quanh mặt trời, đều đặn hết ngày rồi lại đêm, xuân hạ thu đông, mà ngày tết chính là thời khắc linh thiêng để ta một lần nữa ngẫm nghĩ về... thời gian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận