TTCT - Cả thế giới đang háo hức tiến về xây dựng “thành phố thông minh” (smart city). Nhưng từ khóa đầy cảm hứng này cũng đồng thời đang làm đau đầu các nhà quản lý đô thị, các nhà quy hoạch thượng tầng trên khắp thế giới vì quá nhiều lý do. Những công nghệ mới như 4G và 5G đặt người dùng thiết bị di động và thành phố thông minh vào nguy cơ bị giám sát liên tục và bị tấn công mạng. -Ảnh: wccftech.com Vì sao phải “thông minh”?Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, số người sống ở thành thị và các khu vực lân cận đã nhiều hơn số người sinh sống ở khu vực nông thôn: tỉ lệ là 55% và 45% (con số mà Liên Hiệp Quốc đưa ra trước đó là 54%).Con số này sẽ tăng lên 70% (dự báo tới năm 2050, theo một nghiên cứu gần đây của Merrill Lynch). Xu hướng di chuyển tới các thành phố sinh sống và làm việc đang diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt tại những quốc gia đang phát triển, cùng sự hình thành của các trung tâm kinh tế, công nghiệp mới.Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh kéo theo nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, tắc đường, sự quá tải của các cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, nhà thể thao... Các thành phố là những nơi tiêu thụ nhiều tài nguyên, đồng thời là nơi tạo ra lượng khí thải chủ yếu. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), các thành phố dù chỉ chiếm 2% diện tích toàn thế giới song lại đang tiêu thụ tới 80% nguồn tài nguyên, tạo ra 80% lượng khí thải nhà kính.Hiện thực đó, cùng nhu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực ngày càng trở nên cấp bách, đã thúc đẩy các cơ quan quản lý của mỗi thành phố/quốc gia tìm kiếm và xây dựng mô hình quản lý tiên tiến. Không chỉ để giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mà chính quyền các thành phố còn kỳ vọng đây sẽ là động lực giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại các cơ hội phát triển kinh tế mới.Mỗi thành phố/quốc gia có chiến lược riêng phụ thuộc bối cảnh phát triển. Các nước đã phát triển xây dựng thành phố thông minh (TPTM) trong giai đoạn hậu đô thị hóa. New York, Barcelona, London, Amsterdam, Munich, Tokyo... cần thông minh hơn để đối mặt thách thức và duy trì vị thế cạnh tranh. Nhưng mỗi thành phố lại có ưu tiên riêng đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thế mạnh của mình. Một số nơi có đủ nguồn lực và điều kiện phát triển thí điểm các thành phố mới như Songdo (Hàn Quốc) hay Singapore.Các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực đầu tư quy mô lớn như Trung Quốc có 285 dự án thử nghiệm ở trên 100 thành phố, Ấn Độ đang xây dựng dự án smart city ở 100 thành phố, Malaysia có Putrajaya, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là Dubai. Tuy nhiên, dường như các dự án xây mới có quy mô mang tính biểu tượng, chi phí đầu tư lớn và phù hợp với nhóm cư dân có khả năng chi trả cao.Thế giới, đặc biệt là những quốc gia lân cận, đang tăng xu thế xây dựng TPTM hay đô thị thông minh (ĐTTM). Theo báo cáo Smart City Tracker Q1/2017 của Hãng nghiên cứu thị trường Navigant Research, tới nay đã có hơn 250 thành phố trên thế giới có kế hoạch phát triển thành TPTM.Rất nhiều khái niệmKhái niệm TPTM bắt đầu được nhắc tới và phát triển từ những năm đầu tiên của thập kỷ này. Năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc đã hợp tác với Tập đoàn công nghệ Cisco xây dựng TPTM Songdo nằm gần sân bay quốc tế Incheon, nơi đang được coi là TPTM đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới. Từ đó tới nay, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm tới việc xây dựng các TPTM, ĐTTM.Nhưng trong cơn sốt ấy, giới học giả, chuyên gia, các hãng tư vấn công nghệ, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ có những cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau, không thể tránh khỏi dẫn đến sự hoang mang cho những lãnh đạo ra quyết định lẫn người dân quan tâm.Theo một giai thoại mà TS Nguyễn Trọng - nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, cố vấn Hội Tin học TP.HCM - kể trong Hội thảo Smart Cities 360 - Giải pháp tổng thể cho ĐTTM mới đây tại TP.HCM, trong một buổi họp của Hội Tin học TP.HCM, một vị lãnh đạo thành thực thừa nhận: “Người ta nói nhiều về TPTM mà tôi không hiểu nó là gì!”. Và Rick Usher, trợ lý thị trưởng thành phố Kansas City, từng phát biểu hài hước: “Điều lý thú là chúng ta không biết những gì chúng ta không biết về công nghệ TPTM”.Hiện có tới cả trăm định nghĩa về TPTM hay ĐTTM. Khái niệm thường được dùng là của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU):“Một TPTM là một thành phố sử dụng các công nghệ ICT và những phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động và việc cung cấp các dịch vụ tại đô thị, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu hiện tại cũng như trong tương lai ở cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường”.Cách định nghĩa này cũng được các tác giả Doug Washburn và Usman Sindhu nêu trong một nghiên cứu (*) nhằm giúp các lãnh đạo hiểu về TPTM và vai trò dẫn dắt của họ khi thực hiện mô hình này:“TPTM là nơi sử dụng các công nghệ máy tính thông minh để làm thành phần cơ sở hạ tầng then chốt và dịch vụ của một thành phố - bao gồm quản trị thành phố, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh cộng đồng, xây dựng, giao thông và các tiện ích khác... một cách thông minh, thông suốt và hiệu quả”.Nhưng tác giả Rios Patrice trong cuốn sách Creating “The Smart City” (tạm dịch: Tạo ra TPTM) có cách tiếp cận hoàn toàn khác: “TPTM là thành phố tạo cảm hứng, chia sẻ văn hóa, kiến thức, cuộc sống, thúc đẩy cư dân sáng tạo và phát triển trong cuộc sống của họ”.Trong một bài báo có tựa đề “The Spectrum of Control: A Social Theory of the Smart City” (tạm dịch: Độ phủ kiểm soát: Lý thuyết xã hội của TPTM), hai nhà khoa học xã hội Jathan Sadowski và Frank Pasquale tỏ ra ngờ vực hiện tượng phát triển TPTM và chỉ trích thuật ngữ “TPTM” được xác định theo cách hiểu khá mơ hồ.Họ cho rằng các tập đoàn công nghệ lớn đang cố gắng khuếch trương mô hình thành phố lý tưởng, tìm cách lôi kéo các nhà lãnh đạo thành phố cùng các nhà đầu tư nhập cuộc, mở ra thị trường mới. Điều đó chỉ tạo ra nhiều việc làm cho những người đề xướng và nhà thầu cung cấp giải pháp cho TPTM. Chưa kể việc gán nhãn “thông minh” cho các giải pháp cũng tạo ra vỏ bọc cho họ, giúp họ dễ dàng phủi trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sai lầm hoặc kết quả không như lời hứa.Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang thúc đẩy chủ đề TPTM từ mấy năm nay. Dự án thành phố Songdo mới do Tập đoàn công nghệ Cisco đảm nhiệm phần kỹ thuật; dự án thành phố Fujisawa thông minh bền vững do Panasonic chủ xướng cùng 18 hãng công nghệ. Tập đoàn công nghệ Siemens (Đức) tham gia dự án Masdar ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Trong hội đồng TPTM ở Liên minh châu Âu cũng có mặt đại diện các công ty công nghệ.Christoph Laimer, chủ tịch Hội nghiên cứu đô thị Derive của Vienna, phê phán nhóm lợi ích trong các dự án TPTM. Trong mắt ông và các nhà phê bình khác, hầu hết TPTM không theo đuổi lợi ích của người dân và là một dự án từ trên giội xuống, tập trung hóa, do các tập đoàn kinh tế cầm trịch, mang tính áp đặt đối với địa phương mà ở đó cư dân cùng lắm được đóng vai trò người tiêu dùng.Laimer đòi hỏi “một cuộc tranh luận công khai và khách quan với tầm nhìn quy hoạch chủ đạo nhất hiện tại cho tương lai các thành phố của chúng ta”.Những cái giá đắt đỏ Theo chuyên gia phân tích Jack Gold của J. Gold Associates, có thể định nghĩa TPTM là thành phố với cơ sở hạ tầng được quản lý tốt hơn dựa trên dữ liệu đầu vào và điều chỉnh để tận dụng tốt nhất các nguồn tài nguyên hay nâng cao an ninh. Nhưng mặt trái của TPTM chính là chi phí cực lớn. Thành phố Putrajaya của Malaysia tiêu tốn hơn 13 tỉ USD, thành phố Songdo của Hàn Quốc tiêu 40 tỉ USD.Một mối lo ngại khác về mặt trái mà công nghệ TPTM gây ra là hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể bị lạm dụng, dẫn tới vi phạm quyền riêng tư. Hai nhà khoa học xã hội Jathan Sadowski và Frank Pasquale cũng cảnh báo những người ủng hộ TPTM đang tập trung cổ vũ sự thông minh của các mạng cảm biến, giúp giải quyết những vấn đề của thành phố mà lờ đi mặt trái tiêu cực của nó. Một mạng lưới cảm biến phủ khắp nơi có thể được sử dụng để theo dõi quá kỹ việc đi lại của người dân, chẳng hạn thông qua hệ thống nhận diện khuôn mặt. Tùy vào động cơ của người sử dụng công nghệ, việc thu thập thông tin như vậy có thể là cần thiết cho một mục đích, nhưng cũng có thể bị lạm dụng cho những mục đích không được kiểm soát khác.Một số nhà quy hoạch đô thị ở khu vực châu Âu cũng dè dặt, như một nhà quy hoạch đô thị người Đức phân tích: TPTM có những điểm tiêu cực. Ví dụ, khi sử dụng công nghệ để biết nơi nào nên đi, bảo tàng nào nên ghé, quán ăn nào ngon... người ta sẽ không cần giao tiếp với người dân địa phương. Cả một TPTM thuần túy về công nghệ sẽ không cần mọi người quen biết nhau vì tất cả đã nhờ công nghệ, camera, các loại cảm biến thông minh...Nước Đức đang muốn xây dựng một mô hình khác: Thành phố xã hội, nơi con người sống với nhau chan hòa, giản dị, ca hát và nhảy múa, phát triển âm nhạc truyền thống. Người ta ngày càng thích sống gần với thiên nhiên, sợ nhà cao tầng, không cần thang máy, tiện nghi... và muốn giúp con người gần gũi với nhau hơn.Vì vậy, xác quyết một hướng lựa chọn phát triển TPTM đã là quan trọng, nhưng nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc cơ bản của một TPTM phù hợp còn quan trọng hơn để trả lời được những câu hỏi thiết yếu nhất: để tạo nên cấu trúc đó ta phải làm những gì, làm như thế nào, tốn kém ra sao, cuối cùng người dân được gì trong những TPTM ấy?Đành rằng một TPTM cần những ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất. Trên quan điểm này, TPTM là nơi biết cách đầu tư thích đáng để trở thành nơi ứng dụng tốt công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị. Nhưng không chỉ có công nghệ, TPTM là nơi giải quyết các vấn đề đô thị thông minh hơn gồm nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh (xem hình). Câu chuyện của taVN có lợi thế là đi sau nên thừa hưởng kinh nghiệm của các nhà tiên phong. Chúng ta cũng đang ở thời điểm mà nhiều công nghệ hỗ trợ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (Internet of Things) đang rất phát triển.Những mô hình như ở Songdo (Hàn Quốc), Singapore hay Đài Loan đều mang lại những tham khảo hữu ích, nhưng muốn xây dựng hiệu quả và thành công một TPTM thì không thể không xem xét đặc thù của chính mình.Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, những kết quả tích cực đã được thấy trong xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT trong giao thông vận tải, y tế, môi trường, giáo dục, quản lý nguồn nhân lực...Tuy nhiên, hơn chục năm qua, thành phố vẫn chưa kết nối được với tất cả các quận huyện, bộ ngành trung ương, hệ thống cơ sở dữ liệu còn manh mún, rời rạc, thiếu nhất quán và đặc biệt chưa đáp ứng được nhu cầu về dự báo phát triển cho thành phố. Bên cạnh đó là sự tồn tại những thách thức về phần cứng không an toàn, sự tiêu hao băng thông, những mối hiểm nguy khi hỗ trợ xu thế mang theo thiết bị cá nhân dễ dẫn đến những phần mềm độc hại lây lan, những cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn.Vì vậy, đảm bảo an toàn thông tin cho những cơ sở trọng yếu và trung tâm dữ liệu dùng chung, trong giám sát và truyền dẫn dữ liệu từ các thiết bị camera, các thiết bị IoT... là những vấn đề trọng yếu cần được quan tâm và có sự đầu tư đúng mức. Tính chất phức tạp, rủi ro và chi phí lớn đó trong việc xây dựng TPTM khiến nhiều chuyên gia của TP.HCM thận trọng đề nghị nên bắt đầu bằng thử nghiệm ở những khu “TPTM thu nhỏ”, trước khi triển khai trên toàn thành phố.Sau cùng nhưng vô cùng quan trọng, các ý tưởng, công nghệ về TPTM có hay đến đâu mà không được đông đảo người dân hiểu và ủng hộ thì cũng thất bại. ■(*): “Helping CIOs Understand “Smart City” Initiatives: Defining the Smart City, Its Drivers, and the Role of the CIO”, (Cambridge, MA: Forrester Research, Inc, 2010)4 cái khó để có thể thông minhKinh phí quá lớn (64%).Trở ngại lớn trong khả năng kết nối thông tin giữa các đơn vị (41%).Lệ thuộc lớn vào chính sách và cơ chế khuyến khích của Chính phủ (37%).Hạn chế lớn về nguồn nhân lực (32%).(Tổng kết từ Hội nghị quốc tế Smart City 2017 ngày 25-10 tại TP.HCM)Hiện nay, VN đã có 30 tỉnh, thành phố ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp viễn thông - CNTT trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm TPTM (theo TTXVN). Đà Nẵng, nơi 9 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index), là thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng thí điểm mô hình TPTM dưới sự tư vấn của Hãng công nghệ IBM từ năm 2012. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thành phố thông minh Tags: Thành phố thông minhĐô thị thông minhSao phải thông minh
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".