“Thẻ văn hóa” và lựa chọn của giới trẻ Pháp

MINH KHÔI 28/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Chi tiền để người trẻ khám phá văn hóa nghệ thuật và vực dậy những địa điểm như nhà hát, bảo tàng sau đại dịch là một kế hoạch rất lãng mạn, rất Pháp. Nhưng lựa chọn tiêu thụ văn hóa thế nào của những người thụ hưởng - tất cả công dân 18 tuổi trên toàn nước Pháp - lại có chút bất ngờ.

 
 Ảnh: FBK

Sau hai năm thử nghiệm ở 14 khu vực, Pháp chính thức áp dụng sáng kiến Le Pass Culture (thẻ văn hóa) cho tất cả người 18 tuổi từ ngày 21-5, trùng với thời điểm tái mở cửa các địa điểm văn hóa nhờ phong tỏa toàn quốc được nới lỏng.

Sáng kiến này là một phần của chương trình hỗ trợ, thúc đẩy văn hóa mà Tổng thống Emmanuel Macron đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử. Có gần 800.000 thanh niên Pháp đủ điều kiện hưởng lợi từ chính sách này. Người đủ 18 tuổi không có quốc tịch Pháp nhưng đã sinh sống ở Pháp hơn một năm cũng đủ điều kiện để đăng ký hưởng quyền lợi.

Thông qua một ứng dụng di động, họ sẽ nhận được tài khoản 300 euro có giá trị sử dụng trong 24 tháng, dùng để mua các ấn phẩm văn hóa như sách, đĩa, họa cụ, nhạc cụ..., hoặc chi trả (không quá 100 euro) cho các dịch vụ kỹ thuật số như trò chơi điện tử, nhạc trực tuyến (phải do công ty Pháp cung cấp), theo báo Le Monde.

Chi tiền để “mua” văn hóa?

Theo báo Liberation, từ khi thẻ văn hóa được áp dụng toàn quốc, doanh số manga (truyện tranh Nhật Bản) đã tăng vọt tới mức giới phát hành sách gọi thẻ Pass Culture là Pass Manga (thẻ truyện tranh Nhật). Theo cơ quan điều hành chương trình, tính đến nay, sách chiếm khoảng 75% tổng số giao dịch thực hiện thông qua thẻ văn hóa và khoảng 2/3 số sách đó là truyện tranh.

Truyện tranh Nhật vốn đã rất phổ biến ở Pháp. Các tựa truyện bom tấn như One Piece, Attack on Titan, Demon Slayer đều dài hàng chục tập và không phải bạn trẻ nào cũng đủ tiền sưu tập trọn bộ. “(Nhờ thẻ văn hóa) tôi đã có thể mua những tập cuối của Tokyo Ghoul, bộ manga tôi rất thích nhưng chưa mua đủ vì thiếu tiền” - bạn trẻ Solène nói với trang 20minutes.fr.

Một fan truyện tranh khác chi 200 euro để rước về 30 tập thuộc các bộ truyện khác nhau. Cũng với số tiền đó, Gabriel Tiné thỏa cơn ghiền đĩa than tại cửa hàng băng đĩa Citeaux Sphère ở Paris, sau đó mua nhạc cụ và tham gia các lớp học nghệ thuật. Tiné thích ý tưởng của Pass Culture, vì “mỗi người có thể làm những gì họ muốn với nó”, anh nói với báo New York Times.

 
 Ảnh: AFP

Việc truyện tranh đứng đầu danh sách chi tiêu của tấm thẻ được kỳ vọng sẽ đưa giới trẻ đến với nhiều hình thức văn hóa nghệ thuật hơn đã gây chút băn khoăn với nhiều người trong giới hoạt động văn hóa, thậm chí nhận về những phản ứng gay gắt. 

Những người chỉ trích cho rằng việc trao tiền cho 800.000 thanh niên Pháp và mong đợi họ tránh xa cụm rạp phim gần nhất để đến rạp chuyên chiếu phim nghệ thuật là vô tư lãng phí tiền thuế của dân.

Jean-Michel Tobelem, phó giáo sư tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, cho rằng thẻ văn hóa là nỗ lực đáng khen ngợi nhưng nó mang lại lợi ích nhiều nhất cho các phương tiện truyền thông đại chúng. 

“Bạn không cần phải thúc người trẻ đi xem bộ phim mới nhất của Marvel”, phó giáo sư Tobelem nói. Ông nhấn mạnh rằng không có gì sai khi giới trẻ nghe nhạc pop hay xem phim bom tấn; khi thâm nhập văn hóa Hàn Quốc thông qua K-Pop, người trẻ cũng có thể khám phá nền điện ảnh, văn học, các họa sĩ hay nhà soạn nhạc của đất nước đó. 

Tuy nhiên, Tobelem không tin điều đó đúng, nếu xét tới quy định sử dụng không ràng buộc của thẻ văn hóa. Ông cũng cho rằng sáng kiến này không thật sự khuyến khích người trẻ tiếp cận với các tác phẩm đòi hỏi khả năng cảm thụ nghệ thuật cao hơn là các sản phẩm văn hóa chủ lưu.

Theo trang Francemusique.fr, Liên hiệp công đoàn các công ty biểu diễn sân khấu đã gửi bản kiến nghị yêu cầu hủy bỏ chương trình vì cho rằng đây là một sự lãng phí, đồng thời chỉ trích cách làm này đi ngược triết lý hoạt động của giới văn hóa nghệ thuật. Theo đó, họ không đồng ý với việc “cho tiền thanh niên để khuyến khích tiếp cận văn hóa” mà chính sách đúng đắn về văn hóa là phải “tạo tương tác lên khán giả trẻ để thu hút họ”.

Một tổ chức nghề nghiệp khác của giới nghệ thuật và văn hóa thì chỉ trích chương trình là “món đồ chơi của tổng thống”, với cái giá đắt đỏ. Dự án tiêu tốn 80 triệu euro trong năm nay, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm tới, dù con số này chỉ là một phần nhỏ trong ngân sách 4 tỉ euro của Bộ Văn hóa Pháp, theo New York Times.

Đường nào cũng về văn hóa

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot lại có cái nhìn thoáng hơn về thực tế thanh niên trong nước đang dùng thẻ khám phá văn hóa để mua truyện tranh. “Truyện tranh thật sự là thể loại rất thu hút giới trẻ. Nhờ vào đó, khi các bạn trẻ bước vào nhà sách, họ cũng mua thêm các loại sách khác. Truyện tranh giống như một nhân tố đưa đẩy” - bà Bachelot đầy lạc quan khi trả lời phỏng vấn Đài LCI.

Một người trong cuộc, Gilles Tranchant, giám đốc nhà sách Cheminant ở Vannes, tây bắc Pháp, xác nhận lời bà bộ trưởng. Tranchant rất hoan hỉ khi doanh số đã tăng trên 50% kể từ khi thẻ văn hóa được áp dụng toàn quốc, dù đa số đến từ truyện tranh. “Không có cửa ngõ sai lệch nào dẫn đến văn hóa. Từ manga có thể dẫn đến nhiều thứ khác” - Tranchant nói với báo Le Télégramme.

 
 Quầy bán truyện tranh tại một nhà sách ở phía đông Paris. Ảnh: AFP

Tương tự, Naza Chiffert, chủ hai hiệu sách ở thủ đô Paris, cho biết thẻ văn hóa có tác động tích cực đến việc kinh doanh của cô. “Để những người trẻ tuổi quen với Amazon trở nên ham đọc sách và tới nhà sách mỗi ngày không phải điều dễ dàng” - Naza nói. Giờ đây mỗi ngày cửa hàng của cô đều đón tiếp các thanh niên tới mua sắm.

Gần 630.000 thanh niên đủ điều kiện trên toàn quốc đã kích hoạt và sử dụng thẻ. Nhiều người phản bác các ý kiến chỉ trích nhắm vào lựa chọn tiêu thụ văn hóa của họ. Với họ, “chỉ đường cho hươu chạy” cũng tốt, nhưng tự do tốt hơn. Và vì thế, cơ chế tự do của Le Pass Culture khiến họ hưởng ứng nhiệt tình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, dịch giả Trần Lê Bảo Chân, phó khoa tiếng Pháp Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết các bạn bè người Pháp của cô đều rất hưởng ứng thẻ văn hóa, kể cả khi giới trẻ dùng để mua truyện tranh. “Tôi có gia đình người bạn có 2 người con được hưởng thẻ này và họ tận dụng tối đa vì rất yêu thích sách, bảo tàng và hòa nhạc” - cô Chân cho hay.

Theo cô Chân, bạn bè người Pháp của cô tuy rất ủng hộ thẻ văn hóa nhưng họ có suy nghĩ cho rằng tấm thẻ có lợi nhất cho thanh niên sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu thích nghệ thuật, vì các bạn sẽ đọc sách nhiều, đi xem hòa nhạc hay bảo tàng nhiều. Còn những bạn trẻ ở gia đình lao động tầm trung thì sẽ ít sử dụng hơn.

Đây cũng là lý do giải thích nhiều chủ thẻ chỉ dùng khoảng 100 euro để mua trò chơi điện tử chứ không dùng hết hạn mức được cấp. Bộ trưởng Văn hóa Bachelot thừa nhận có nhiều trường hợp chi rất ít so với hạn mức được cấp, vì nhu cầu về ấn phẩm văn hóa của mỗi người là khác nhau. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính hiệu quả và nguy cơ lãng phí.

Tuy nhiên, nhiều gia đình người Pháp có con được hưởng thẻ văn hóa thì rất ủng hộ chương trình và không phàn nàn về lãng phí thuế. Theo họ, có chương trình vẫn tốt hơn là không có gì, dù thực tiễn sử dụng không được như kỳ vọng của nhà chức trách.

Theo báo L’Etudiant, Tổng thống Macron cho biết hiện chương trình chỉ áp dụng cho người 18 tuổi, nhưng kể từ tháng 1-2022 sẽ mở rộng ra các lứa tuổi nhỏ hơn. Học sinh lớp 8 và lớp 9 sẽ được cấp thêm 25 euro, còn học sinh lớp 10, 11 và 12 sẽ được thêm 50 euro vào tài khoản mỗi năm. Như vậy, mỗi học sinh từ 14 tuổi cho tới tuổi trưởng thành có thể nhận tổng cộng 500 euro để chi tiêu tùy thích cho các hoạt động, dịch vụ, sản phẩm văn hóa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận