Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Trong cuộc và ngoài cuộc

DANH ĐỨC 06/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Tình hình Triều Tiên, vốn đã là một câu chuyện dài tập 66 năm qua, sẽ chưa có kết cục ngày một ngày hai, dù cho những tuyên ngôn có vang dội tới đâu.

Ông Trump (trái) và ông Kim cùng nhau bước qua giới tuyến khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: AFP
Ông Trump (trái) và ông Kim cùng nhau bước qua giới tuyến khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: AFP

“Rời Hàn Quốc sau cuộc gặp tuyệt vời với Chủ tịch Kim Jong Un. Đã ở trên đất Triều Tiên, một tuyên bố quan trọng cho mọi người, và một vinh dự lớn!”, mẩu tweet “chia tay” của Tổng thống Mỹ Donald Trump tóm tắt niềm hân hoan của ông sau cuộc gặp đột xuất với ông Kim Jong Un chiều chủ nhật 30-6.

Câu hỏi đặt ra là “mỗi bên được gì” từ cuộc gặp đó, cũng như ai cùng vui với ông Trump, và ngược lại thì ai thấy chạnh lòng?

Tất cả bắt đầu bằng một mẩu tweet ngắn của ông Trump đề ngày 28-6: “Sau một số cuộc họp rất quan trọng, bao gồm cuộc gặp của tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi sẽ rời Nhật Bản đến Hàn Quốc (với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In). Trong khi ở đó, nếu Chủ tịch Kim của Triều Tiên nhìn thấy tin này, tôi sẽ gặp ông ấy tại biên giới/khu phi quân sự chỉ để bắt tay và nói Xin chào! (?)”.

Vua Twitter

Mẩu tweet vỏn vẹn 49 chữ của ông Trump hôm 28-6 quả là một “tuyệt tác úp mở” mà các sinh viên PR cần để ý khi học viết thông cáo báo chí.

Thông tin “sau... cuộc gặp của tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình” không chỉ để cho biết ông đã gặp ông Tập, mà còn khiến người đọc phải tự hỏi: vậy chớ ông Tập có bàn gì với ông Trump về chuyện gặp ông Kim hay không?

Cũng thế, thông tin “tôi sẽ rời Nhật Bản đến Hàn Quốc (với Tổng thống Moon)” dẫn đến câu hỏi: Thế hai ông Trump và Moon có bàn gì với nhau về chuyện đó không?

Sở dĩ cần đặt các câu hỏi đó là do trước đấy một ngày, vào 27-6, tức 3 ngày trước cuộc gặp “nóng hổi” Trump - Kim, ngay trước khi Thượng đỉnh G20 khai mạc, ông Tập đã gặp ông Moon và đoan chắc: “Xu hướng giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên qua đối thoại không thay đổi. Chúng ta nên mở rộng những nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Trung Quốc ủng hộ các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ có một vòng đối thoại mới. Chúng tôi hi vọng cả hai bên sẽ thể hiện sự linh hoạt và thúc đẩy tiến trình đối thoại” và “ông Kim đang cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện mức sống thông qua con đường chiến lược mới của đất nước. Ông Kim cũng hi vọng cải thiện môi trường bên ngoài.

Ai cũng nhớ rằng ông Tập trước đó một tuần đã sang Triều Tiên và mấy lần gặp ông Kim trong một bầu không khí rất hội hè, song kín như bưng, đến nỗi một tờ báo chuyên về châu Á như tờ Asia Times 21-6 phải than: “Cho dù các lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên có bàn những gì, thì họ cũng giấu các lá bài của họ tận ngực”.

Ông Tập Cận Bình và ông  Kim Jong Un gặp nhau tại Bắc Triều Tiên tháng 6-2019. (Ảnh: trích từ video của CCTV)

Từ đó, không thể không đặt câu hỏi: ngoài những gì truyền thông Trung Quốc công bố, ông Tập còn nói gì với ông Moon - “chủ nhà” của cuộc gặp Trump - Kim thứ ba, sau Singapore tháng 6-2018 và Hà Nội tháng 3-2019?

Trở lại với mẩu tweet của ông Trump, đây không phải là một lời mời chính thức. Dấu (?) kèm theo dấu “!” đặt ở cuối mẩu tin vừa có ý nghĩa của một rủ rê bâng quơ, vừa là một thách đố “có bắt không?” như trong môn bài poker (xì tố) mà người Mỹ rất khoái: dám theo thì đặt thêm tiền, không dám theo thì úp bài xuống! Tin nhắn Twitter đấy, vì thế, là rất nhiều thông điệp được truyền tải cùng lúc.

Clip về cuộc gặp sau đó được đăng lên trang Twitter của ông Trump chỉ dài 1 phút, song trình bày được tất cả: ông Trump đến Bàn Môn Điếm lúc nào, ghé thăm những gì, bước ra đón ông Kim ra sao, bước qua bên kia ranh giới, rồi về họp thế nào với ông Kim, bên một cái bàn nhỏ không hoa hoét gì cả cho rườm rà vô ích - rồi chia tay.

Sau 21 giờ đăng đã có 1,95 triệu lượt xem! Tất nhiên êkip truyền thông của Nhà Trắng là “bàn tay” thể hiện “đầu óc” của ông Trump.

Phản ứng trên bán đảo

Có lẽ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là một trong những người có thể cùng hi vọng với ông Trump.

Trước cuộc gặp Trump - Kim, trong phát biểu ở cuộc họp báo chung với ông Trump, ông Moon bày tỏ hi vọng: “Hôm nay, bán đảo Triều Tiên, với Tổng thống Trump, đã trở thành nơi được chú ý nhất trên Trái đất. Kể từ khi tuyên bố đình chiến cách đây 66 năm, Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ đối mặt tại Bàn Môn Điếm, biểu tượng của sự chia rẽ, và bắt tay vì hòa bình. Nếu chúng ta tiếp tục liên lạc và đối thoại, chúng ta có thể tiến tới tình huống tốt nhất từ trước đến nay. Đó là điều mà chúng ta có thể tự mình nhìn thấy hôm nay. Miền Nam và miền Bắc sẽ có thể tự tin về hòa bình, và thế giới sẽ ủng hộ và cổ vũ cho Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim với những kỳ vọng cao”.

Thật là hoan hỉ nếu so với chỉ cách đây hai năm, khi tên lửa của ông Kim còn rơi lả tả trên biển Nhật Bản, thậm chí bay qua đầu người Nhật trong hành trình nhắm bắn đảo Guam, còn ông Trump thì dọa “bão lửa và cuồng nộ” sẽ trút xuống Triều Tiên.

Từ Triều Tiên, bản tin ngày 1-7 của Hãng tin nhà nước KCNA thì tỏ ra chừng mực hơn. Bản tin không có nhiều cảm xúc: “Ông Kim Jong Un, chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, chủ tịch Ủy ban Quốc vụ CHDCND Triều Tiên và nguyên soái lực lượng vũ trang CHDCND Triều Tiên, đã có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Bàn Môn Điếm vào chiều chủ nhật theo đề nghị của ông Trump”.

“Lãnh đạo tối cao của đảng, nhà nước và các lực lượng vũ trang CHDCND Triều Tiên đã chấp nhận đề xuất gặp gỡ của Tổng thống Trump tại khu phi quân sự trong chuyến thăm Hàn Quốc từ 29 đến 30-6, và đã đến vùng phía nam Bàn Môn Điếm để gặp gỡ đột xuất... Sau đó, các nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên và Hoa Kỳ đã có cuộc trò chuyện và đàm phán tay đôi... Các nhà lãnh đạo đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ trong tương lai, và tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại hữu ích nhằm tạo ra bước đột phá mới trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và trong quan hệ song phương. Ông Kim Jong Un nói chính mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Trump đã khiến cho cuộc gặp gỡ kịch tính như vậy diễn ra chỉ trong một ngày”.

Những góc nhìn khác

Ngoài thái độ của những người trong cuộc, không thể không nhắc tới những bình luận có tính duy lý hơn, không nhiều nghi thức và rào đón, nhưng cũng không lạc quan thái quá.

Sáng 1-7, Hãng tin NK News chẳng hạn (tự nhận là nguồn độc lập chuyên về Triều Tiên có trụ sở tại Washington DC, Seoul và London), nhắn một tweet lạnh lùng và chuyên nghiệp:

“Một hội nghị thượng đỉnh Kim - Trump đầy ngẫu hứng: Ai đã ở đó, kết quả ra sao và các bước tiếp theo là gì? Kết quả chính: Đổi mới cam kết với các cuộc đàm phán cấp độ làm việc kỹ thuật; kết quả phụ: Ông Moon tái xuất với vai trò trung gian hòa giải; kết quả thứ ba: Một số chuyện lần đầu tiên diễn ra ở khu phi quân sự”. Ký tên là Chad O'Carroll, CEO của tập đoàn chuyên phân tích tình hình Triều Tiên Korea Risk Group.

Trước đó, cũng sáng 1-7, Rachel Minyoung Lee - chuyên gia phân tích cao cấp của NK News - nhắn trên Twitter: “Tôi phải nói rằng cách Triều Tiên đối phó với ông Moon trong cuộc gặp Kim - Trump là rất khôn ngoan. Kim ngắn gọn đề cập đến Moon trong lời chào dường như gạt Seoul ra bên lề một cách hiệu quả, trong khi nhấn mạnh hơn nữa sự gắn kết Triều Tiên - Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên đã đăng tải nhiều ảnh về Moon, vẫn dành một số lời khen ngợi cho Moon. Cũng rất ý nghĩa là việc truyền thông Triều Tiên khi đưa tin cuộc họp Kim - Trump tại Bàn Môn Điếm, đã đề cập đến “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Sau Hà Nội, truyền thông nhà nước đã chủ ý tránh sử dụng thuật ngữ đó. Điều này dường như cho thấy một mức độ tự tin nhất định trong các cuộc đàm phán về phía Kim”.

Một góc nhìn nữa không thể không nhắc là từ Nhật Bản. Hãng tin Bloomberg sáng 1-7 chạy tít: “Nhật Bản đã và đang ủng hộ quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ cuộc gặp tại Singapore. Thủ tướng Abe nói ông hi vọng cuộc gặp của Trump với Kim Jong Un sau G20 có thể dẫn đến tiến bộ hơn nữa về phi hạt nhân hóa”.

Có thể hiểu tâm tư Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hơn qua báo cáo “Liên minh Mỹ - Nhật” của Cục Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS), cập nhật hôm 13-6. Lời nói đầu của báo cáo mô tả tình hình liên minh: “Liên minh đã phải đối mặt với sức ép mới trong những năm gần đây. Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump công khai sự hoài nghi về giá trị các liên minh của Hoa Kỳ và sự ngưỡng mộ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã làm trầm trọng thêm sự lo lắng từ lâu ở Tokyo về cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh Nhật Bản”.

Báo cáo nói thẳng: “Đầu năm 2018, khi chính quyền Trump đột ngột điều chỉnh lộ trình và theo đuổi đàm phán với Triều Tiên, nhiều người ở Tokyo đã lo ngại về khả năng các lợi ích của Nhật Bản bị gạt ra bên lề... Giới lãnh đạo Nhật Bản lo ngại rằng việc Trump chỉ trích gay gắt giá trị đóng góp của NATO và Hàn Quốc trong các quan hệ liên minh cho thấy nguy cơ xói mòn của cả các liên minh quân sự lẫn các định chế quân sự”.

Tổng hợp những điều đó, tình hình Triều Tiên, vốn đã là một câu chuyện dài tập 66 năm qua, sẽ chưa có kết cục ngày một ngày hai, dù cho những tuyên ngôn có vang dội tới đâu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận