Tin hay không thì tùy!

TTCT - Bây giờ, chẳng còn ai dám hó hé khi thấy chúng xuất hiện.

Phóng to
Tranh: Hoàng Tường

Trước đó mấy ngày, buổi sáng, vào thời điểm quán cà phê bà Sáu chật ních hết các bàn, những câu chuyện đang hồi gay cấn nhất từ trận đá banh khuya qua cho đến trộm viếng nhà ông Năm đầu hôm. Ai đó kể lại trộm bây giờ ngang nhiên như chỗ không người, rõ ràng khi ấy cả xóm còn thức, mấy đứa trai gái còn tụ tập dưới trụ đèn nói chuyện rôm rả, ông Năm vừa ra khỏi nhà mua gói thuốc lá, về đã thấy cái laptop không cánh mà bay, mất luôn cái túi xách của thằng con để cạnh đó.

Người bảo ông Năm chủ quan, ra khỏi nhà không đóng cửa khác nào mời trộm. Thời buổi khó khăn, lũ trẻ giờ mất laptop giống như mất xe máy, chặt tay, chặt chân, khép cánh cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, tỉ món trong đó, thứ chơi nhiều mà thứ để học cũng không ít. Tùy đứa à, có đứa ôm laptop chỉ biết chơi thì cũng có đứa cần laptop để học hành... Mất gì chớ mất máy tính phải mua lại ngay, nó ăn cắp bán cao lắm hai “củ”, mình mua mới bét chục “chai” mới có cấu hình ngon lành để... chơi ghêm. Ngày nào cái loa trên cột điện cũng ra rả bài ca cảnh giác vậy mà sơ hở quá!

Thôi, ông ở đó mà nói ngon, ai dám chắc trộm không viếng nhà mình, có của thì giữ, để hớ hênh mang tội đánh động lòng tham. Nhà thằng Linh xóm trên, bữa ngủ quên đóng cửa sổ, trộm nạy song chui vô hốt giỏ tiền con vợ đi bán chiều qua về. Ngủ say dữ không biết. Say gì, chỉ cần xịt chút xíu thuốc là mê mệt! Con chó nhà Hai Lâm thính mũi, thính tai cỡ đó, ngủ ở hàng hiên tuốt bên trong còn bị nó đánh chết kéo đi, sáng ra thấy vết máu hàng dài cả xóm mới biết.

Địa phương mình nào giờ yên lành vậy mà trộm lộng hành quá sức rồi. Trộm bỏ phố về thị trấn. Nghe nói có đội quân gì đó tăng cường trấn áp tội phạm, chắc dạt tạm về mình năm bữa nửa tháng rồi đi thôi mà, xứ mình trộm riết cũng không còn gì để trộm, chó dần cũng hết mà của nã giờ ai cũng rút kinh nghiệm cố thủ trong tay.

Thành phố mới là nơi kiếm ăn, người càng đông càng dễ làm ăn, không chỉ trộm cắp mà hầm bà lằng như nồi lẩu. Chỗ mình còn hiền, mới chỉ thấy trộm, chưa thấy cướp của, giết người; ngày nào trên báo cũng có án, không đâm thì chém, không đốt thì cho nổ, hiếp xong rồi giết, mấy chục ngàn đồng cũng lấy đi một mạng người, ghê răng, ớn lạnh luôn. Bộ ông muốn lắm hả, trộm thôi cũng đủ điêu đứng, bất an, thêm cướp nữa khác nào sống trong sợ hãi...

Hai, ba người vừa đồng thanh chợt bỏ lửng, không ai bảo ai mà mọi người cùng nhìn về một hướng khi có tiếng “suỵt” phát ra từ bàn phía ngoài thềm. Tiếng thì thào, đó, nó đó, kinh khủng chưa? Ai đó xùy nhỏ, giọng nói như xiết qua hai hàm răng, im coi, người ta đồn nó mà nghe ai hó hé, tối nó trả thù, biết chưa? Thù ai trả đúng người đó, không gỡ được!

Khó thể tưởng tượng chỉ trong tích tắc, quán cà phê đang ồn ào cười nói vậy mà thình lình im bặt, nín thở đến ghê người. Bà Sáu đang lạch cạch ấm nước sôi chế bình thủy bỗng tay chân cứng đờ. Nó là gì mà ghê gớm vậy, có quyền lực làm im tức khắc hàng chục cái loa đang mở hết công suất như bị cúp điện đột ngột, còn hơn lớp học đang ồn ào chợ vỡ bỗng thầy giám thị xuất hiện?

Từ phía gốc cây bồ đề, bốn con chuột to đùng, mập ú, lừng lững, ngúc ngắc tiến về quán cà phê. Mọi người ngồi như phỗng, cảm giác ai nấy tay chân bị điểm huyệt không cử động được. Chỉ có con mắt còn linh hoạt theo dõi bước quân hành của đoàn chuột, tệ hơn nữa có vẻ như hơi thở của họ cũng chẳng còn.

Bốn con chuột dàn hàng ngang, đuôi và chân của chúng đánh nhịp đều bước như được tập luyện kỹ càng, hệt trong các bộ phim hoạt hình, chỉ thiếu tiếng nhạc. Chúng tiến gần đến khu vực quán cà phê có ranh giới là cái thềm ximăng phả cao hơn mặt lộ khoảng hai tấc rồi dừng lại, bốn cái đầu chuột nhỏ thó cùng một nhịp quay sang trái, rồi sang phải, con mắt cũng láo liên theo điệu lắc, cuối cùng chúng ngẩng đầu thẳng cao nghe ngóng một chút rồi đàng sau quay, không có một hiệu lệnh nào nhưng đều tăm tắp, cũng ngúc ngắc cái đuôi cong, lặc lè lắc mông, nhịp bước trở về gốc cây bồ đề và mất hút sau đó.

Gánh nặng ngàn cân trong các lồng ngực được hạ xuống bằng những hơi thở thật mạnh. Rồi tiếng bàn cãi bật tung ra hệt cái máy hát vừa có điện trở lại với điệu rock dang dở. Bà Sáu phát ngôn đầu tiên, trời ơi hết hồn, bốn ông đó mà đi thẳng vào trong quán chắc tui té xỉu, nhìn thấy lừng lững về phía mình thiếu điều lên máu. Mà đội hình đi đẹp há, như được tập dượt trước vậy.

Ai đó nói mấy ông bà ảnh hưởng phim hoạt hình, nhìn tưởng như phim. Tui chỉ ngạc nhiên chuột ở đâu ra mà to thế không biết. Ăn cái giống gì mà mập ú? Gì nó chẳng ăn. Ăn càng tạp càng to béo. To béo để làm gì, dễ lên tăngxông, úc ích quá khó di chuyển, không thấy mấy ông nội đó đi lặc lè sao?

Khi ấy, ông Lãm đang ngồi ở bàn cạnh tủ thuốc lá đọc báo. Bỏ tờ báo xuống, tháo mắt kính thả thòng trước ngực, ông chậm rãi lên tiếng. Vốn là thầy giáo nên giọng ông Lãm rõ, to và khiến ai nấy đều chú ý lắng nghe.

- Tui kể ai tin thì tin. Nhà tui là nạn nhân của mấy con chuột này. Nó biết nghe tiếng người đó, nghe rồi trả thù.

- Thiệt chơi vậy Giáo Lãm, chuột mà nghe tiếng người? Kể chuyện giả tưởng nghe coi?

- Chưa gì đã thấy hấp dẫn rồi nhen. Giáo Lãm đời nào kể chuyện bịa.

- Im nghe đã, mấy ông cứ muốn nhảy vô họng người khác.

- Chuyện vầy, cách đây ba tuần, tự dưng cặp gà nòi nhà tui sáng ra thấy không đứng nổi. Hai con này chân cao, vảy dày, cứng, cựa đều, mỏ to và nhọn, đã qua ba lần xổ, đá đẹp, hiểm, có người trả bảy triệu mà tui chưa bán. Xem xét kỹ tui thấy đùi con gà có vết đỏ bầm như bị con gì cắn. Vợ xót một, tui xót mười. Bả tiếc của, tức lắm, càm ràm suốt ngày.

Chuyện tiếp theo, hai ngày sau đó, sáng vợ tui mở tủ lấy áo mặc đi dạy, ui trời, tui ở nhà dưới nghe bả la làng tưởng đâu có ai lẻn vô nhà trên uy hiếp bả. Dù ban ngày ban mặt nhưng phản xạ tự nhiên, tui cầm cây chạy lên, thấy mặt mày bả xám ngoét, tui nhìn quanh quất tìm coi có phải thích khách không thì bả ngồi phịch xuống đất chỉ tay vào tủ áo, miệng ú ớ không thành lời.

Tui tưởng thằng ăn trộm chui vô tủ áo, chuẩn bị sẵn tinh thần, đứng xa lấy cây hất cánh cửa tủ mở toang ra thì chẳng thấy ai núp trong đó mới quay lại hỏi bả có chuyện gì. Lúc này bả mới lắp bắp, mấy cái áo dài, áo dài, ông coi mấy cái áo dài... Tui thở phào, bỏ cây xuống, lật mấy cái áo dài ra, thật không thể tưởng tượng được, cái nào cũng bị thủng một lỗ đúng ngay vị trí đường “chít ben” thẳng lên, chục cái như một.

Xem xét một lúc tui không nhận định được đây là vết cắn rách hay là vết xé hay vết kéo cắt... Vợ tui thều thào, hay nhà mình có ma, em đâu làm gì mà áo dài của em bị như vậy, sợ quá anh ơi, không lý có ai đột nhập vô nhà mình làm chuyện này? Tui nói hay là áo cũ đến lúc vải nó mục mà em không biết đụng vào rách? Vợ tui lúc này giọng điệu có vẻ bình tĩnh hơn: “Toàn áo mới hết. Cái cũ nhất may cuối năm ngoái, mấy áo cũ hơn em bỏ vô bị cất hết rồi, nếu đụng vào rách sao cái nào cũng thủng đúng một chỗ?”.

Tui mới bảo thôi em lấy áo cũ ra ủi rồi đi dạy để chuyện này anh nghiên cứu. Vợ đi rồi, tui cầm từng cái áo dài xem xét vết thủng, nó cỡ đồng bạc cắc năm trăm, tròn vành vạnh, hồi lâu tui cũng không tài nào hiểu được lý do tại sao.

Làm hớp cà phê, thêm ngụm trà đá, Giáo Lãm đằng hắng kể tiếp. Trong quán lúc này độ im lặng, nín thở còn hơn khi mấy con chuột xuất hiện, quang cảnh làm nhớ hồi Giáo Lãm còn đứng lớp, mỗi khi nhịp cây thước trên bàn trật tự được vãn hồi.

- Cả ngày đó nhà tui bao trùm không khí căng thẳng. Suốt buổi sáng tui cứ cầm mấy cái áo suy nghĩ không ra cơ sự. Vợ tui đi dạy về, nét mặt vẫn chưa bình thường, dựng xe, hỏi dồn, anh tìm ra nguyên nhân mấy cái áo bị rách chưa? Tui lắc đầu. Vợ nổi lửa nấu cơm, còn tui thì ngồi mãi bất động với đống áo dài. Lúc vợ dọn cơm, tự nhiên tui buông tiếng chửi thề, vợ tui để mâm cơm trên bàn, khựng lại, anh, hay chuyện này liên quan đến hai con gà? Có đứa nào thù nhà mình?

Tui mới nói thù thế nào, hai con gà nhốt nhà sau, cửa lưới B40 có khả năng có vật tác động hay con gì cắn khiến nó què chân, đàng này mấy cái áo trong tủ, ai vào đây làm chuyện này? Vợ tui ớ ra rồi nói, tiếng chửi thề của anh làm em nhớ bữa hai con gà bị què, em cũng chửi vậy!

Đầu óc tui bưng bưng. Ai làm chuyện này? Vợ chồng tui nào giờ có thù oán ai? Cho là có đứa phá chuyện làm ăn của tui, thấy gà tui nuôi lớn con nào cũng biết đá, đá hay, bán có tiền, nó ghét, nhưng vợ tui đi dạy mấy chục năm nay, bả không hề dạy thêm dạy bớt, chưa bao giờ trù dập đứa học trò nào, môn bả dạy là môn công nghệ, thậm chí không thuộc bài bả còn không la. Điểm kiểm tra bả luôn cho hào phóng vì biết học trò ngán môn này, chủ yếu tụi nó dồn sức vào mấy môn thi đại học.

Cả đời giáo viên bả sống chan hòa, tránh đụng chạm, không nói lời mất lòng ai, cuộc họp nào cũng biết phát biểu chừng mực, không nịnh cấp trên, không góp ý cấp dưới. Người mến nhiều hơn kẻ ghét. Đôi khi người ta còn thấy bả vô thưởng vô phạt. Ghét, một là đứa nói nhiều, nói thẳng, nói thật; hai là đứa cả đời cứ thích nói nịnh mà không biết ngượng; ba là đứa hay nổ, vỗ ngực xưng tên, giựt vương miện đội lên đầu không biết quê, xấu hổ. Loại trung dung như bả cũng có người ghét nhưng không nhiều, chẳng ai chấp nê những người như thế.

Vả lại, môn bả dạy không cạnh tranh thêm bớt với ai. Đứa nào học được, thích học thì học, đứa nào không thích học bả chẳng ép. Ép chi mấy môn học bài, thuộc như vẹt bây giờ mai mốt cũng quên ráo trọi. Ác nghiệt, áo dài rách ở vị trí nào còn vá, mạng lại, hay còn gắn cái hình gì vào kiểu như cách điệu, chứ ngay đỉnh ngực coi như bỏ!

- Rồi sao? Ông kể cà kê dê ngỗng, vòng vo, sang đàng sang sá, sốt ruột quá!

- Thì cũng phải có đầu đuôi, pho điển, có lời bình chớ, ông sao nôn vậy?

- Yên để Giáo Lãm kể tiếp coi, mấy ông cứ thích làm cụt hứng người ta.

Nhấp tiếp ngụm cà phê, hớp nước trà, thêm cái đằng hắng nữa Giáo Lãm tiếp tục câu chuyện:

- Nghĩ mãi không ra, một ngày, hai ngày, tui cũng quên. Vợ mặc áo cũ đi dạy, tui thường nhật công việc với bầy gà chọi. Vậy mà sáng ra ngày thứ ba, mở cửa sau tui hết hồn khi thấy bầy vịt con lăn quay hết ra đất. Con nào cũng có vết đỏ bầm ở cổ. Vợ chồng tui mất ăn mất ngủ.

Tui căm lắm, tức vì không biết con gì cắn bầy vịt chết, lại không hiểu có liên quan đến hai con gà nòi và chục cái áo dài hay không? Tui vừa chôn bầy vịt vừa chửi đổng, mẹ cha đứa nào làm chuyện này, cả nhà tao nào giờ có thù oán ai đâu!

Chuyện tưởng dừng ở đó khi tối nào tui cũng đem lũ gà, bầy vịt vô nhà, thiếu điều mắc mùng cho ngủ luôn. Rồi cũng êm, nếu không có bữa đó vợ chồng tui đi đám dạm cho con cháu gái. Vợ tui kịp may áo dài mới, tui thì còn bộ vét may hồi sắp về hưu mặc độc một lần. Sáng đó mở tủ áo tui hỡi ôi, hai áo vét cái nào cũng bị lủng một lỗ ở vai hệt như mấy cái áo dài của bà vợ. Đã vậy, cái quần còn bị ở đầu gối, không biết tự khi nào. Vô phương cứu chữa!

Vợ tui khẳng định nhà có ma, chắc phải coi ngày cúng kiếng. Tui căng thẳng thần kinh muốn điên luôn. Gần mười đêm thức trắng, bạc hết đầu. Uống thuốc ngủ cỡ nào cũng không ngủ được. Vợ tui sụt mất bốn ký lô. Đã gầy lại thêm thảm hại. Hai đứa con học ở thành phố về thăm, thấy cha mẹ vậy hoảng quá mà vợ chồng tui không dám kể sợ con thêm lo.

Tới đó bỗng dưng Giáo Lãm ngừng kể, mắt hướng về phía gốc cây bồ đề, giọng tự nhiên nhỏ lại, tiếng nói phát ra bằng hơi từ cổ thành lào xào âm gió, đó, thủ phạm là đó. Mọi người không ai bảo ai cùng hướng theo mắt nhìn của Giáo Lãm. Có tiếng suỵt nhỏ, lại ra nữa rồi. Hóa ra nó nghe được tiếng người à? Giáo Lãm kể chuyện nó nghe hết giờ mò ra? Không khí ban mai mà quánh đặc lại, đứng tim!

Con chuột bò lên cái rễ to nhất của cây bồ đề, nghễu nghện nhìn về phía đám đông một lúc rồi ngúc ngắc cái đuôi biến mất. Trời ơi, phải thiệt không vậy? Ai đó thốt lên. Giáo Lãm kể tiếp coi, thời này là thời nào mà chuột nghe tiếng người, trong hang bò ra cảnh cáo?

Giáo Lãm từ tốn làm tiếp ngụm cà phê rồi nói:

- Đêm đó, tui không ngủ được, vừa chui ra khỏi mùng định pha ấm nước trà, nghe tiếng sột soạt rất nhỏ trong tủ quần áo. Tự nhiên tui ớn lạnh, bắt đầu từ sau gáy, lan ra hai vai rồi chạy lên đỉnh đầu. Hai cánh tay nổi gai không hiểu vì sợ, vì tức giận hay vì sung sướng biết được thủ phạm. Tui kêu bà vợ thức dậy cho có đồng minh. Hai vợ chồng nhẹ nhàng bước tới tủ áo. Tui không quên mang theo cái cây hất nhẹ cánh cửa tủ. Bốn con chuột hệt bốn ông hồi nãy ngồi ngó ra. Bà vợ tui sợ quá sụp xuống vái như tế sao, tui lỡ dại, lỡ mồm, lỡ miệng, mấy ông tha cho...

Tui thì tức lắm định lấy cây đập mấy con ác ôn đó, bà vợ tui biết ý lật đật đứng dậy níu tay tui, thôi ông, mình xuống nước một chút, trăm sự an lành, mấy ổng không phá thì thôi, quyết phá mình không còn cái giẻ rách mà che. Vậy mà yên, khoảng phút sau, bốn ông to bự kềnh càng rút lui khỏi tủ quần áo. Mà đến giờ tui cũng không hiểu cánh cửa đóng kín vậy nó chui vô bằng cách nào!

Ai đó phá lên cười, bữa nay Giáo Lãm kể chuyện rùng rợn không hay chút nào, chưa ly kỳ lắm. Bữa sau ông thêm mắm, muối vô cho hấp dẫn và logic hơn. Tui không tin. Trời, chuyện nghẹt thở vậy còn gì! Giáo Lãm nào giờ nổi tiếng sáng tác truyện ngắn không xạo không ăn tiền. Người nói câu đó là Hai Lâm, nhà ngay ngã tư, không xa gốc cây bồ đề là mấy.

Tan chầu cà phê buổi sáng, mạnh ai nấy về, tiền ai nấy trả, việc ai nấy làm.

Sáng hôm sau, bà Sáu chưa mở quán đã nghe rần rần từ nhà Hai Lâm. Mọi người ào ra đường đổ xô đến ngã tư. Nguyên bầy gà nhà Hai Lâm khoảng hơn hai chục con chẳng hiểu sao lăn quay ra đất sạch trơn. Vợ Hai Lâm mặt xám ngoét đứng chỉ trỏ vào cây bồ đề. Hai Lâm ngồi như phỗng trên nền sân gạch.

Không lý chuyện hôm qua Giáo Lãm kể ở quán cà phê là có thật? Bởi Hai Lâm không tin chuyện trả thù của bốn con chuột nên giờ ứng vào bầy gà?

Quán cà phê lại đông đúc như mọi hôm. Tuy nhiên câu chuyện không còn rôm rả mà là những tiếng rì rầm nho nhỏ. Căng thẳng như dây đàn chực đứt. Như mọi ngày, Giáo Lãm cũng cầm tờ báo chăm chú đọc. Có người bước tới kề tai Giáo Lãm hỏi nhỏ, thực hư vậy, chuột biết trả thù hả ông? Giáo Lãm không ngẩng đầu lên, nói: “Chuột mà, thứ gì nó không dám làm? Chuột càng to bự càng làm những chuyện động trời”.

Chuyện ông kể hôm qua ai cũng nghe bộ ông không sợ nó trả thù sao? Chuyện tui là chuyện cảnh giác, kể mọi người nghe và biết đừng nói động tới nó. Tin hay không thì tùy, mười cái áo dài và hai bộ vét của tui còn giữ nguyên hiện trạng ở nhà đó, ai muốn coi thì ghé qua...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận