Phòng ngủ nhiều ánh sáng nhân tạo làm phụ nữ tăng cân

HỒNG VÂN 11/07/2019 02:07 GMT+7

TTCT - Một nghiên cứu mới khẳng định: ngủ trong phòng có nhiều ánh sáng (tivi còn bật, đèn còn mở...) có liên hệ với nguy cơ tăng cân và béo phì ở phụ nữ trung và cao tuổi.

Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học về y khoa JAMA Internal Medicine, các nhà khoa học phát hiện ngủ cùng nhiều loại ánh sáng có liên hệ rõ ràng với việc tăng thêm 5kg thể trọng trong thời gian 5 năm ở phụ nữ.

Không muốn lên cân, đừng bật đèn, mở tivi khi ngủ. Ảnh: REUTERS
Không muốn lên cân, đừng bật đèn, mở tivi khi ngủ. Ảnh: REUTERS

Nghiên cứu phân tích số liệu của hơn 43.722 phụ nữ từ 35-74 tuổi ở Mỹ. Số liệu này được trích từ một nghiên cứu thuần tập khác ở phụ nữ từ năm 2003-2009, trong đó có thông tin về thói quen khi đi ngủ, thói quen để đèn ngủ, bật tivi với chỉ số khối cơ thể của họ.

Thời điểm bắt đầu nghiên cứu, căn cứ trên chỉ số khối cơ thể (BMI), thể trạng của các phụ nữ là thừa cân nhưng chưa đến mức béo phì. Không ai trong số họ phải làm việc theo ca, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thông tin về thói quen khi đi ngủ do người tham gia nghiên cứu tự mô tả được xếp vào bốn nhóm: nhóm tắt hết đèn, nhóm bật đèn ngủ trong phòng, nhóm để đèn bên ngoài phòng ngủ và nhóm để đèn sáng và bật tivi trong phòng.

Những người bật từ 2 nguồn ánh sáng nhân tạo trở lên được xếp vào nhóm tiếp xúc nhiều với ánh sáng. Những người ngủ với tấm che mắt hoặc không bật đèn được xếp vào nhóm không tiếp xúc với ánh sáng.

Tác giả chính của nghiên cứu, TS Yong-Moon Park cho biết nhóm đã phân tích thói quen tiếp xúc với ánh sáng khi ngủ và chỉ số BMI của các phụ nữ tham gia nghiên cứu với nguy cơ bị béo phì trong thời gian 5 năm.

Sau khi đã đánh giá và loại bỏ các tác nhân khác có thể cũng góp phần vào sự tăng cân, họ nhận thấy thói quen đi ngủ mà vẫn bật tivi hay để đèn sáng trong phòng có liên hệ với mức tăng 5kg hoặc hơn ở những người phụ nữ, chỉ số BMI tăng ít nhất 10% và nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì cao hơn so với những người không tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo.

Đồng tác giả, nhà nghiên cứu Dale Sandler của Viện Khoa học quốc gia về sức khỏe môi trường bang North Carolina (Mỹ) cho biết: khả năng bị tăng 5kg ở các phụ nữ trong nghiên cứu là 17%, khả năng bị thừa cân lên đến 22% và 33% với béo phì.

Theo bà Sandler: “Các mức phản ứng sẽ khác nhau trên cơ sở càng nhiều ánh sáng trong phòng thì sự liên hệ với sự tăng cân càng mạnh mẽ”. Theo các tác giả: “Nếu những phát hiện trong nghiên cứu này là chính xác, chúng ta sẽ có một thông điệp rất dễ thực hiện: muốn tránh béo phì, hãy nhớ tắt đèn khi đi ngủ”.

Hạn chế của nghiên cứu là sự liên hệ mà các nhà khoa học rút ra chỉ dựa trên số liệu chứ không phải từ thực nghiệm kiểm chứng. Các nhà khoa học không chứng minh được cơ chế nào gây ra béo phì khi ngủ với ánh sáng nhân tạo. Cần có thêm nghiên cứu để thực sự khẳng định sự liên hệ này. Một hạn chế nữa là thông tin đầu vào của nghiên cứu đều do người tham gia cung cấp. Các phụ nữ cũng không được hỏi về lý do họ để đèn sáng khi ngủ.

Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này giống với một nghiên cứu khác đã xuất bản trên tạp chí khoa học về nội tiết và chuyển hóa lâm sàng (Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism) xuất bản năm 2016. Trong đó, bài báo nêu ra sự liên hệ giữa tiếp xúc với ánh sáng ban đêm với mức tăng 10% ở chỉ số khối (BMI) trong thời gian 10 năm ở người lớn tuổi.

Bác sĩ Nathaniel Watson, giáo sư về thần kinh học và giám đốc phòng khám Harborview về giấc ngủ tại ĐH Washington ở bang Seattle (Mỹ), nói: “Như các tác giả đã chia sẻ, họ không thể chỉ ra mối quan hệ nhân quả trực tiếp của việc tiếp xúc với ánh sáng trong phòng ngủ của từng cá nhân với sự lên cân, nhưng tôi cho rằng đây là một bước đi đúng hướng. Kết quả này cho thấy chúng ta cần tôn trọng giấc ngủ và điều đó đồng nghĩa việc tắt hết các loại ánh sáng nhân tạo khi ngủ, nếu được”.

Giáo sư Malcolm von Schantz - chuyên gia về thời sinh học tại ĐH Surrey (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu - nhận xét: kết luận của nghiên cứu sẽ mạnh hơn nếu những người phụ nữ tham gia đeo thiết bị theo dõi hoạt động hằng ngày và lượng ánh sáng họ tiếp xúc. Nhưng ông cũng công nhận: “kết quả nghiên cứu hoàn toàn hợp lý về mặt sinh học”.

Chúng ta đã biết ánh sáng của buổi chiều muộn sẽ làm chậm lại đồng hồ sinh học của cơ thể. Các nghiên cứu ở người cho thấy tiếp xúc với ánh sáng ban đêm ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của cơ thể theo những cách nhất quán và làm tăng các nguy cơ của hội chứng chuyển hóa. Những phát hiện mới củng cố thêm sức nặng của lời khuyên dành cho mọi người là cần giữ “vệ sinh” cho giấc ngủ, tránh ánh sáng và tránh bị phân tâm vào các thiết bị điện tử trong phòng ngủ.■

Thư viện quốc gia về Y khoa của Mỹ định nghĩa: béo phì là có quá nhiều mỡ trong cơ thể và thừa cân là có cân nặng quá lớn. Cả béo phì và thừa cân đều được xác định dựa trên chỉ số BMI nhưng người béo phì thường có chỉ số BMI cao hơn nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận