Nghĩ gì khi uống cà phê?

LÊ QUANG 11/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Vấn đề không phải cà phê gì, bao nhiêu cà phê, mà là chừng ấy cà phê sinh ra bao nhiêu rác?

Câu trả lời thực ra đơn giản: không nên nghĩ gì.

Vì từ khi thứ nước uống đen ngòm đắng nghét của Vương quốc Kaffa (miền tây nam Ethiopia hôm nay) được phát tán ra toàn thế giới hồi thế kỷ 17, nó đã liên tục thay đổi công năng: từ dược phẩm, chất kích thích, ma túy đến dạng nước uống khoái khẩu hằng ngày.

Xứ Kaffa.

Cái mà ta, tuy vậy, vẫn nên suy nghĩ là ngay trong khi uống tách cà phê mỗi sáng, con người cũng đang góp tay làm tổn hại môi sinh.

KỶ LỤC XỨ LẠNH

Ai từng sinh sống, thậm chí lưu bước vài tuần ở miền Bắc Âu, sẽ hiểu vì sao quá nửa các bản tình ca của họ nhắc đến Mặt trời. Khác với cái nắng thiêu da đốt thịt ở xứ mình, nửa năm liền người ở đó phải ngắm bầu trời như cái chăn bông xám xịt.

Ở đó, người mới vào công ty bị hạn chế nghỉ phép vào mấy tháng hè, để cho các đồng nghiệp thâm niên có được thời cơ tắm nắng. Chắc để tránh trầm cảm hay nhằm giữ được trạng thái tỉnh táo trong không gian u ám đó mà họ cần cái chất methyltheobromine, gọi một cách dân dã hơn là cafein.

Cafein ẩn chứa nhiều trong cà phê, trà, hạt cây cola..., có tác dụng kích thích hệ thần kinh, nhịp tim, nhu động ruột. Kỷ lục về tiêu thụ cà phê nằm trong tay người Phần Lan: mỗi người uống mỗi năm một bịch 10 kg. Nhìn chung, mấy nước lạnh lẽo này uống cà phê như uống nước. Sau Phần Lan là đến Na Uy (9,9kg), Iceland (9kg), Đan Mạch (8,7kg)...

Vấn đề không phải họ uống bao nhiêu cà phê. Mà chừng ấy cà phê sinh ra bao nhiêu rác?

Phần Lan giữ kỷ lục về quốc gia uống nhiều cà phê nhất.

RÁC NHÀ GIÀU

Đúng, phải gọi đó là rác nhà giàu. Trong khi người uống cà phê bình dân chỉ gây ra chút bã trong phin thì các ông lớn như Nestlé, Jacobs đóng bột cà phê vào các túi lọc và ngày càng hướng tới dùng viên nén vỏ nhựa tổng hợp hoặc vỏ nhôm. Máy cà phê sẽ ép nước nóng với áp suất 1,2 - 1,9 bar để tận thu bột cà phê nén trong đó, trong nháy mắt ta có tách cà phê ngon lành mà không mất công rửa phin. Tùy vào thành phần trong viên nén mà ta nhận được cà phê đen hay nâu, Espresso, Cappuccino, Latte hay Macchiato...

Hiện tại, viên nén mới chiếm 5% thị phần, song nó đang tăng trưởng không ngừng.

Hàng chục cân viên nén cà phê của một nhà hàng
Hàng chục cân viên nén cà phê của một nhà hàng

Chậm nhất đến đây, ta nhận ra vấn đề: nhựa tổng hợp hay nhôm đều là các tác nhân có hại cho môi trường. Để có 1kg nhôm từ bôxit, ta cần 14kWh và quá trình chế biến còn tống ra môi trường 8kg thán khí.

Từ 1kg nhôm làm ra 1.000 vỏ viên nén, nghe có vẻ nhiều, song nếu mỗi năm - đoán non - có 8 tỉ viên nén bán ra thì ta cần 8 triệu ký nhôm! Chưa kể đến hàng tỉ cốc nhựa dùng một lần ở Starbucks hoặc các tiệm cà phê bán cho người vội vã qua đường.

Một số thảm họa khác mà người tiêu dùng không nhìn thấy hoặc cố tình lờ đi: mấy nước nghèo chuyên cung cấp cà phê thô dần dần chuyển sang chuyên môn hóa một loại nguyên liệu. Xin nhớ “chuyên môn hóa” chỉ là một mỹ từ ám chỉ “độc canh”, khiến đất đai bạc màu nhanh. Chẳng mấy chốc họ phải trích nguồn thu ít ỏi ra mua phân hóa học, thuốc trừ cỏ, hóa chất diệt rầy của chính các khách hàng lớn.

Thật khó hình dung ra một thế giới không cà phê. Và cà phê có quá đắng khi ta biết đến hậu quả? Vậy ta nghĩ theo hướng khác: làm gì với rác thải từ thú vui cà phê?

Tách cà phê “Weducer”
Tách cà phê “Weducer”

GIÀY, BỘT, LY TÁCH

Từ khi châu Âu tiên phong ra lộ trình cấm đồ nhựa dùng một lần, hàng loạt nhà sản xuất tìm cách son phấn cho bộ mặt sứt mẻ của mình. Nestlé Úc trả thưởng cho nhân viên bưu điện để họ thu gom viên nén bằng nhôm và nộp cho trạm tái chế. Có lẽ tốt nhất vẫn là không dùng viên nén? Câu hỏi đó dĩ nhiên không được Nestlé trả lời.

Bã cà phê ở các gia đình thường được cho vào chậu cây cảnh, nghe nói cũng là một dạng phân xanh. Song ở quy mô công nghiệp thì dân Bắc Âu lại dẫn đầu: Công ty RENS của Phần Lan làm từ bã cà phê và cốc nhựa thành một loại sợi, từ đó may giày thể thao. Giày này không ngấm nước, chống mùi mồ hôi, vừa được giải nhì cuộc thi sáng kiến thân thiện với khí hậu “Climate Launch Pad 2018”.

Julian Lechner là sinh viên người Berlin, qua Bolzano (Ý) học thiết kế sản phẩm. Anh biết mỗi ngày châu Âu ném vào thùng rác 8 triệu kg bã cà phê và mày mò tìm cách tận dụng thứ chất thải ấy.

Thí nghiệm trộn bã cà phê với gỉ đường để làm tách đựng cà phê thất bại, vì tách bị tan chảy khi đổ nước nóng vào. Sau nhiều tháng mất ngủ, Lechner tìm ra hỗn hợp gồm bã cà phê, sợi gỗ dẻ, cellulose và polyme sinh học. Bộ ly “Weducer” có màu cà phê nguyên thủy, nhẹ, dễ phân hủy, vừa được giải Red Dot Design Award.

Bộ chén đĩa Weducer dễ phân hủy
Bộ ly Weducer dễ phân hủy

Ai không trồng cà phê thì không biết: hơn một nửa quả cà phê tươi là rác, vì 50kg quả mới ra 10kg hạt khô. Dan Belliveau, sáng lập viên của CoffeeFlour (ở Seattle), biết rằng nông dân Nicaragua hay Việt Nam ném rác xuống ao hồ hoặc chất đống rồi đốt - từng là quản lý của Starbucks nên ông mục sở thị chuyện đó.

Công ty của Dan Belliveau sấy khô thịt quả cà phê (sau khi tách hạt) và xay thành bột, gọi nó là bột cà phê (CoffeeFlour), dùng để nấu nướng như bột mì hay bột ngô. CoffeeFlour chứa nhiều sắt, đạm, kali, chất xơ hơn bột mì và người trồng cà phê nay có thêm thu nhập.

Coffee flour

Giờ thì đã xong chầu cà phê sáng, chỉ nghĩ thêm một điều nữa: các vấn đề với cà phê sẽ tuyệt đối không thể giải quyết, mà còn trở nên khủng khiếp hơn nếu ta thay cà phê bằng bắp rang, đậu nành, hạt muồng, hóa chất tạo bọt, tạo sánh...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận