Kỷ nguyên hậu corona và nỗi lo “Made in China”

LÊ QUANG 29/05/2020 17:05 GMT+7

TTCT - Dù ngay sáng mai hay cuối năm sau nữa thế giới mới tìm ra thuốc đặc trị hoặc vaccine COVID-19, có một điều hôm nay đã rõ: cuộc khủng hoảng này thể hiện rõ sự phân cực toàn cầu ở mức khó thể đảo ngược, với vị thế rõ ràng của các chủ thể kinh tế đã ngầm thống nhất với nhau mà phân vùng khai thác - bắt đầu từ cái khẩu trang.

Cung cầu thế giới đảo lộn vì COVID-19. Ảnh: ft.com
Cung cầu thế giới đảo lộn vì COVID-19. Ảnh: ft.com

Đại diện cho kinh tế Liên minh châu Âu (EU), Đức, và đại diện cho Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, đã ngồi lại với nhau vào thời điểm đại dịch tạm lắng, cho phép họ “giải lao vài phút”. Họ tính toán và rút ra mấy bài học mà trước khi ngồi vào bàn đàm phán ai cũng biết, cũng định sửa đổi này nọ và rồi cũng sẽ không làm gì khác đi một cách cơ bản. 

Một thảm họa như đại dịch hôm nay không nằm trong dự tính của cả thế giới, nhưng không phải quá bất ngờ. Đội ngũ bác học ẵm giải Nobel không phải quá dốt để tính ra một quốc gia với chừng ấy dân thì cần bao nhiêu giường cấp cứu trong trường hợp có chiến tranh hay thiên tai. Nhưng kinh tế tư bản sống dưới áp lực phải tăng trưởng không ngừng, nên kinh tế thời kỳ AD (tức là After Disease, hậu corona) sẽ không đổi khác lắm về bản chất.

Sạp hàng khi thiếu “Made in China”

Khi cả Bắc bán cầu giật mình vì không thể vào hiệu thuốc mua một cái khẩu trang, họ gọi người đồng minh lớn bên kia Đại Tây Dương. Để rồi người quyền lực nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump, không biết làm gì ngoài nhún vai chán nản - rất có thể sau tháng 11 năm nay, chính ông, ngoài là tổng thống còn là nhà tài phiệt với 3 tỉ đôla tài sản, sẽ phải ngậm ngùi rời Nhà Trắng vì một mặt hàng bình thường giá chỉ vài xu.

Khi báo cáo đầu tiên từ Vũ Hán đặt lên bàn Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 20 kỹ sư đầu ngành của Mỹ và Canada hẹn nhau đến một nhà máy ở South Dakota. Nửa tiếng sau, tất cả đều hiểu rõ đất nước phải dự tính đến mối đe dọa nào.

Không phải tàu ngầm hạt nhân từ Murmansk hay tên lửa vượt đại châu của Bình Nhưỡng, mà một vuông vải đặc chủng để công ty khổng lồ 3M - bên cạnh gần năm vạn mặt hàng khác - làm ra loại khẩu trang tốt nhất thế giới.

Đặc biệt khi đi kèm phin lọc N95 thì khẩu trang 3M được coi là Ferrari trong giới khẩu trang vì nó cản 95% vi khuẩn và hạt siêu mịn, nhỏ đến một phần trăm đường kính sợi tóc.

Tập đoàn ngót 120 tuổi 3M bắt đầu một cuộc chửi bới, vu cáo và đổ tội giữa các thành viên ban lãnh đạo với nhau và với tòa bạch ốc. Tất cả xoay quanh lòng tham vô đáy và câu hỏi vì sao cường quốc công nghiệp giàu nhất hành tinh lại hết sạch trong kho một mặt hàng có giá bán lẻ 75 xu.

3M từng chứng kiến nhiều sự cố khủng khiếp như Ebola, SARS và dịch tả lợn. Nhưng cả sau các nạn lụt, động đất hay bão lốc, nhu cầu khẩu trang N95 đều từng tăng vọt và 3M là nhà sản xuất lớn nhất.

Rủi thay, virus corona vượt trên mọi dự tính. Cả nước Mỹ cần ba tỉ khẩu trang N95 trong bốn tuần sau đó, nhưng 3M chỉ có thể xuất xưởng 30 triệu, tức 1%. Sau khi 3M tung hết lực lượng dự trữ để tăng gấp đôi công suất cũng như kéo theo hai công ty khác là Honeywell và Medicom vào cuộc, tình hình không khá lên mấy.

Ngay các bệnh viện cũng sắp cạn thiết bị cho phòng mổ, phải cử y tá đi lùng mua khẩu trang ở chợ đen vì chính quyền tiền nhiệm Barack Obama sau đại dịch Ebola gần nhất đã quên bổ sung cho đầy kho khẩu trang N95.

Đa số các bệnh viện Mỹ và New York, chấn tâm của đại dịch, xưa nay mua khẩu trang N95 từ Hồ Bắc, nơi bệnh dịch bùng phát cuối năm 2019, vì 3M đã theo gót các nhà sản xuất áo phông và đồ lót để đưa một nửa dây chuyền sản xuất sang Viễn Đông, nơi có lợi thế là lương thấp.

Nhưng khi virus corona bắt đầu hoành hành, chính quyền Hồ Bắc áp dụng luật thời chiến để quốc hữu hóa toàn bộ vật liệu làm phin N95. Nhưng đâu phải chỉ Trung Quốc làm nước Mỹ lao đao: 3M còn một chi nhánh ở Singapore nhưng thay vì chuyển sản phẩm về quê để tỏ tinh thần ái quốc, họ toan lén lút đem bán cho Hàn Quốc vì được giá hơn, trước khi ông Trump áp dụng đạo luật sót lại từ năm 1950, thời chiến tranh Triều Tiên, để cướp lại số hàng đó.

Không “Made in China”, làm sao có lợi nhuận?

Ba thập kỷ trở lại đây, có một định luật bất thành văn là các doanh nghiệp đẩy công việc sang nơi nào sản xuất rẻ nhất, một con tính số học quá đơn giản. Điều đó đã tạo ra “Đàn sếu bay” ở châu Á: lần lượt Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc; rồi Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và sau này là Việt Nam, Campuchia, Bangladesh... tận dụng lao động giá rẻ để trở thành phân xưởng kéo dài của phương Tây.

Khi mọi bên đều có lợi, kinh tế thế giới chạy ro ro như cỗ máy tra đủ dầu. Mỗi ngày, hàng ngàn tàu container và máy bay vận tải dệt kín trời biển để đem vật liệu đi và lấy thành phẩm về. Người tiêu dùng ít khi cắn rứt lương tâm khi mua cái sơmi kèm cà vạt là ủi phẳng phiu trong túi bóng kính với giá 9,49 đôla, trong khi đỗ ôtô dưới hầm chạy lên đã mất 2 đôla tiền gửi.

Giờ thì khác. “Cuộc khủng hoảng sẽ trực tiếp tác động vào quá trình toàn cầu hóa”, thanh tra công nghiệp của EU Thierry Breton nói. “Chúng ta quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phụ họa. Corona đã mở mắt cho thế giới thấy sự giằng chéo chặt chẽ của nền kinh tế toàn cầu cũng có mặt trái đáng ngờ, nhất là với các quốc gia sống bằng chất xám và có mức lương cao.

Thống kê cho thấy từ năm 1900 đến 2002, Hoa Kỳ thường dẫn đầu các nước xuất khẩu. Chỉ trong chu kỳ 1986-1988 và 1990, sau đó từ 2003 đến 2008, Đức mới là hạng nhất và đến năm 2009 bị Trung Quốc đẩy xuống hạng nhì. Có cần phải học kinh tế giỏi để nhìn ra nguyên nhân?

Mấy thập kỷ liền, Tây Âu hưởng lợi từ nền kinh tế Trung Quốc, nơi cung cấp cho thế giới mọi mặt hàng như ý, từ quần áo, đồ chơi, hàng điện tử, dược phẩm... với giá cực kỳ phải chăng. Những đoàn tàu biển rẽ sóng theo chiều ngược lại, chở cho Trung Quốc máy móc “Made in Germany” danh tiếng.

Đức công khai thú nhận nhờ làm ăn với anh bạn lớn châu Á mà họ là nước đầu tiên chói lọi ra khỏi khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Chỉ sau quả bom Vũ Hán, những cặp mắt Đức mới biết nhỏ lệ khi thấy quan tài.

Theo dự đoán gần đây nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổng lượng trao đổi hàng hóa toàn cầu năm 2020 sẽ hụt đi một phần ba. Viện McKinsey Global tính ra rằng kinh tế thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc tăng gấp ba so với năm 2000.

Mọi năm, áo phông và quần ngắn cho mùa hè vào kho trước lễ Phục sinh. Năm nay, Tây Âu đang đợi đỏ mắt. Nhiều mẫu hàng điện tử vắng bóng trên giá hàng, đặc biệt là laptop, máy tính và máy trò chơi điện tử.

Ngành y tế Đức lần đầu tiên bị thiếu nước sát trùng và quần áo bảo hộ mấy tuần liền, hàng trăm loại thuốc không thể mua được theo đơn. Tất cả những hàng hiếm ấy, dù của Sony, Dell hay Boehringer Ingelheim, lật đáy lên đều dán mác “Made in China”.

Ai không ham rẻ?

Sẽ có người nghĩ nước Đức đủ giàu để không cần chơi với Trung Quốc. Nhìn Nhật Bản kìa, họ vừa ký lập quỹ 2,3 tỉ đôla chống lưng cho các doanh nghiệp Nhật chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Cụ thể, người tiêu dùng rồi đây sẽ phải trả giá nào, theo đúng nghĩa đen?

Để minh họa tình cảnh phụ thuộc chết người nhưng không phải do sơ ý, xin trích một so sánh rất đời thường của nhật báo Đức Die Welt, số trực tuyến 15-5-2020:

Quần tất lụa: một trang bị hầu như suốt bốn mùa của phụ nữ châu Âu. Công ty Malte Daun tung ra thị trường mỗi năm 50 triệu chiếc. Thứ sợi tổng hợp dẻo dai do người Mỹ phát minh ra, chuyển giấy phép sang châu Âu, và châu Âu gửi qua công xưởng giá rẻ của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và chủ yếu là Trung Quốc để gia công.

Trung bình mỗi quần tất cần 130 gram sợi hỗn hợp viscose, polyamid và elastan, có giá tại Trung Quốc là 1,34 euro. Người Đức tự làm sợi thì do lương cao nên 130 gram vật tư sẽ có giá 2,43 euro. Giá xuất xưởng bên Trung Quốc là 2,79 euro, ở Đức 7,73 euro.

Ra đến cửa hiệu thì khách hàng phải móc ví 10 euro nếu mua bên Trung Quốc, còn ở Đức giá bán lẻ là 23,78 euro! Khó thuyết phục Công ty Malte Daun về Đức sản xuất: người Trung Quốc tính lương thấp, làm việc ba ca (ở Đức: hai ca), tuần làm sáu ngày (Đức: năm ngày), mua máy rẻ (ban đầu nhập của Đức, giờ có hàng nội địa giống như anh em sinh đôi!).

Thú bông của Công ty Heunec: trẻ con nào cũng thích, kể cả người lớn! Nếu thuê Trung Quốc làm thì có giá 2,89 euro/con, tự làm thì 9,93 euro. Đồ chơi này ở cửa hàng Trung Quốc giá 11,95 euro, nhưng ở Đức 34,95 euro.

Vấn đề không chỉ là giá cả: Công ty Heunec cho biết nước Đức không còn thợ làm nghề này! Cả nước Đức năm nay chỉ mở lớp dạy đúng ba học sinh muốn học nghề làm đồ chơi, bao gồm một em được đào tạo tại Heunec vốn là con gái một gia đình tị nạn chiến tranh từ Afghanistan. Ấy là Heunec đã phải đăng báo 18 tháng mới vồ được người thợ học việc quý hiếm đó!

Giờ thì bạn hẳn đã tin sau khi ký hợp đồng với 72 nhà cung cấp mạng (45 ở châu Âu và 27 ở châu Á), Huawei sớm muộn cũng đặt chân vào Đức và các nước châu Âu khác. Chính phủ Anh của ông Boris Johnson cũng chỉ úp mở đừng để Huawei làm cho các phi trường và nhà máy điện hạt nhân, còn thì... vô tư.

Giờ thì bạn cũng hiểu là người đàn bà quyền lực và khả kính Angela Merkel chẳng đủ uy lực để kể lể dài dòng và thuyết phục các ông chủ doanh nghiệp về lòng yêu nước vì Trung Quốc giúp họ giàu lên dài dài, còn bà Merkel chỉ vài bữa nữa là về hưu rồi!■

Thử lấy một thứ đắt tiền là tai nghe nhạc cao cấp HD599 của Sennheiser ra so sánh, giá bán ở Đức là 600 euro. Sennheiser là công ty gia đình nổi tiếng với truyền thống chất lượng Đức, thành lập năm 1945. Nhưng họ không dại mà sản xuất ở Đức vì giá sản xuất 340 euro, cao gấp mười ở Trung Quốc!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận