Những bài học quý giá về xử lý ổ dịch trong bệnh viện

HỒNG VÂN 10/08/2020 20:08 GMT+7

TTCT - Nhiều quốc gia trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu, châu Phi đã nhận quả đắng khi “một phút lơ là, mất cảnh giác”, không kịp thời phát hiện và cách ly người nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên và một ổ dịch mới lập tức bùng lên, rất thường xuyên là bắt đầu từ các bệnh viện.

Công nhân lưu trú thuộc Khu chế xuất Tân Thuận được nhân viên y tế lấy dịch ở họng và mũi (ảnh chụp tháng 4-2020). Ảnh: DUYÊN PHAN
Công nhân lưu trú thuộc Khu chế xuất Tân Thuận được nhân viên y tế lấy dịch ở họng và mũi (ảnh chụp tháng 4-2020). Ảnh: DUYÊN PHAN

Báo cáo ở Lombardy (Ý) cho thấy có 20% nhân viên bệnh viện (BV) nhiễm bệnh trong thời gian ngắn. Ở Trung Quốc, có khoảng 4% người dương tính với virus là nhân viên y tế. Kinh nghiệm từ các dịch bệnh như SARS, Ebola trước đây, kể cả các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, lao... cũng cho thấy rủi ro nhiễm bệnh của các BV và nhân viên y tế là rất cao nếu không có quy trình phòng ngừa chặt chẽ.

Ổ dịch COVID-19 tại bệnh viện ở Nam Phi

Ngày 9-3, một bệnh nhân từng đi du lịch châu Âu đến khám ở khoa cấp cứu BV St. Augustine, một BV tư nhân ở Durban (Nam Phi). Trong vòng 8 tuần sau đó, có 39 bệnh nhân và 80 nhân viên BV này nhiễm virus, 15 người đã tử vong. Số ca tử vong này chiếm phân nửa số ca tử vong của tỉnh KwaZulu-Natal tại thời điểm trên.

Các nhà khoa học Trường ĐH KwaZulu-Natal đã vẽ lại lộ trình lây nhiễm virus qua từng khoa, phòng, giữa các bệnh nhân, bác sĩ, y tá dựa trên sơ đồ BV, phân tích sự di chuyển của các nhân viên và bộ gen của virus.

Theo đó, virus lây lan qua năm khoa - phòng gồm: khoa thần kinh, phẫu thuật, chăm sóc đặc biệt (ICU), một viện dưỡng lão và trung tâm lọc máu gần đó. Trong báo cáo dài 37 trang xuất bản ngày 22-5, nghiên cứu được cho là đầy đủ nhất đến nay về ổ dịch COVID-19 trong BV của Trường ĐH KwaZulu-Natal cho thấy tất cả các trường hợp dương tính với virus là từ nguồn lây duy nhất.

Bệnh nhân đầu tiên chỉ ở BV vài giờ, nhưng nhiều khả năng đã lây cho một bệnh nhân lớn tuổi khác nhập viện cùng ngày do bị đột quỵ. Cả hai được đưa vào khoa cấp cứu cùng lúc. Bệnh nhân đầu tiên nằm riêng trong khu sàng lọc, nhưng phòng này là nơi đi tới khu hồi sức chính, nơi bệnh nhân đột quỵ nằm. Hai bệnh nhân được cùng một nhân viên y tế thăm khám.

Ngày 13-3, bệnh nhân đột quỵ bị sốt và bệnh nhân này có thể đã lây cho nhân viên y tế đầu tiên, là y tá đã chăm sóc cho cụ. Người y tá xuất hiện triệu chứng vào ngày 17-3. Bốn bệnh nhân khác có thể đã bị lây virus từ bệnh nhân bị đột qụy, trong đó có một phụ nữ 46 tuổi bị hen suyễn nặng nằm giường đối diện. Cả bệnh nhân đột quỵ và bị hen suyễn đều tử vong.

Nhưng nhìn chung các bệnh nhân ít lây trực tiếp cho bệnh nhân khác, mà do nhân viên BV phát tán virus từ bệnh nhân này cho bệnh nhân khác, từ khoa này sang khoa khác. Các nhân viên đã mang virus đi từ bề mặt các thiết bị y tế dùng chung như ống nghe, nhiệt kế, máy đo huyết áp.

Tưởng cúm thường, "ai dè" corona

Đây là kinh nghiệm đau thương xảy ra tại BV sản nhi ĐH Regensburg (Đức). Báo cáo về sự cố, họ kết luận: virus SARS-CoV-2 có thể lây lan với tốc độ rất nhanh trong một tổ chức y tế và việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan sớm ngày nào tốt ngày đó.

Ngày 8-3, một nữ hộ sinh BV sản nhi ĐH Regensburg đi làm trở lại sau khi đi trượt tuyết ở Ischgl, Tyrol (Áo). Trong ca trực tối 9-3, cô có các triệu chứng hô hấp cấp tính, sốt và xin nghỉ làm. Trước đó, cô dự họp phân công ca trực của các nữ hộ sinh khác. Trong vòng 3 ngày, đến ngày 12-3, có thêm 5 nữ hộ sinh bị ốm, trong đó có nữ hộ sinh trưởng. Do sự việc xảy ra giữa cao điểm mùa cúm và tỉ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 ngoài các điểm nóng như Ý và Trung Quốc vẫn còn thấp, những ca bệnh này không làm ai nghi ngờ.

Đêm 13-3, bang Tyrol được công bố là khu vực có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao. Lúc này, bộ trưởng y tế Đức cũng cảnh báo du khách trở về từ Ý, Áo và Thụy Sĩ nên tự kiểm dịch. Ngày 4-3, khu trượt tuyết Tyrolian ở Ischgl đã trở thành một trong những điểm nóng lây nhiễm virus corona khắp châu Âu, một sự thật được cơ quan y tế Iceland sớm nhận ra vào ngày 6-3.

Dựa trên những thông tin mới, nữ hộ sinh trưởng đã báo cáo số lượng các nữ hộ sinh nghỉ ốm với phòng nhân sự và BV xét nghiệm PCR dịch họng với một trong các nữ hộ sinh vẫn còn triệu chứng. Ngày 15-3, kết quả xét nghiệm cho thấy nữ hộ sinh này dương tính với virus corona chủng mới.

Ngay lập tức, tất cả những nữ hộ sinh có triệu chứng khác được liên hệ để làm xét nghiệm. Cùng ngày, một số bác sĩ khoa sản có các triệu chứng ho, khó thở, sốt và họ được xét nghiệm ngay. BV cũng yêu cầu tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc và truy vết những người tiếp xúc với người dương tính.

Bệnh viện St. Augustine, một bệnh viện tư nhân ở Durban, Nam Phi, nơi bùng phát một ổ dịch COVID-19 lớn. Ảnh: AP
Bệnh viện St. Augustine, một bệnh viện tư nhân ở Durban, Nam Phi, nơi bùng phát một ổ dịch COVID-19 lớn. Ảnh: AP

Ngày 16-3, kết quả xét nghiệm cho thấy 9/10 nhân viên nghỉ bệnh nhiễm SARS-CoV-2. Toàn bộ khoa sản được xét nghiệm. Thời điểm đó, các mẫu xét nghiệm phải được gửi đến những phòng thí nghiệm đủ chuẩn có chức năng xét nghiệm SARS-CoV-2 nên kết quả bị chậm. Tuy nhiên, BV đã yêu cầu toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang, dù chưa có kết quả xét nghiệm.

Ngày 17-3, những kết quả đầu tiên cho thấy một số nhân viên có nhiệm vụ linh động như vật lý trị liệu và chăm sóc xã hội, dù chỉ tiếp xúc rất ít với nhân viên ở khoa sản và trung tâm chu sinh (nơi chăm sóc trẻ 7 ngày đầu sau sinh), dương tính với virus dù họ không có triệu chứng. Đợt xét nghiệm thứ ba được tiến hành với toàn bộ nhân viên BV, ưu tiên những người đã có triệu chứng.

Trong 14 ngày sau đó, có thêm 41 nhân viên dương tính với COVID-19. Do kết quả xét nghiệm cách xa thời điểm bắt đầu bùng phát, nguồn gốc của chuỗi nhiễm bệnh không còn rõ ràng. Với những ca nhiễm được xác định về sau, có thể các nhân viên đã nhiễm bệnh từ cộng đồng.

Bài học rút ra

Trường hợp tại BV St. Augustine cho thấy ổ dịch trong BV có thể dễ dàng xuất hiện ra sao và một khi nó xảy ra, tất cả mọi người đều sẽ đối mặt rủi ro, từ bệnh nhân, nhân viên đến những người thăm bệnh.

Nghiên cứu cũng cho thấy khả năng lây lan của virus khi không có các biện pháp kiểm soát và BV St. Augustine đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Ngay từ đầu, các nhân viên đã bỏ qua các triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19, dù thực tế có một số bệnh nhân không có các triệu chứng thông thường của bệnh này như sốt.

Các khuyến cáo được đưa ra trong trường hợp ổ dịch tại BV St. Augustine bao gồm: phân loại mức rủi ro của các khoa - phòng trong BV về xác suất tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 và hạn chế sự di chuyển của nhân viên giữa các khoa này. Ngoài ra cần xét nghiệm hằng tuần với các nhân viên y tế tuyến đầu. Tỉ lệ 80 nhân viên y tế nhiễm virus trong tổng số 119 ca bệnh tại ổ dịch này cho thấy việc xét nghiệm các nhân viên y tế là biện pháp cần thiết để chấm dứt sự lây lan của virus.

Với ổ dịch tại Đức, BV đã xử lý bằng cách yêu cầu tất cả những nhân viên nhiễm virus phải cách ly ít nhất 14 ngày và chỉ trở lại làm việc khi có kết quả âm tính hai lần liên tiếp. Những người có tiếp xúc gần với người nhiễm virus được giám sát kỹ triệu chứng, làm xét nghiệm thường xuyên dù vẫn làm việc bình thường. Trong vòng 14 ngày, ổ dịch đã được ngăn chặn bằng cách kết hợp nhiều biện pháp.

Trong báo cáo về ổ dịch tại BV trên, các tác giả cho rằng việc họ có thể kiểm soát ổ dịch sớm là nhờ làm xét nghiệm nhanh, đầy đủ và áp dụng đeo khẩu trang nghiêm ngặt. Ngoài ra, họ còn xác minh tất cả các trường hợp nghỉ ốm của nhân viên BV (bao gồm cả các công ty cung cấp dịch vụ) với phòng nhân sự.

Đảm bảo khoảng cách giữa các nhân viên tại các khu vực như căngtin, phòng nghỉ. Đồng thời xử lý vệ sinh dịch tễ và đào tạo nhân viên liên tục nhằm thay đổi hành vi cùng với thông tin đầy đủ, kịp thời và trực tiếp về các biện pháp hạn chế cho tất cả nhân viên và bệnh nhân.■

Cần quy trình phòng chống lây nhiễm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cơ sở y tế có thể đóng vai trò khuếch đại dịch bệnh, ảnh hưởng đến cả BV và sức khỏe cộng đồng nếu không có các biện pháp kiểm soát lây nhiễm hiệu quả. WHO xác nhận bệnh nhân nghi nghiễm COVID-19 có thể lây cho người khác bất cứ lúc nào, kể cả lúc vận chuyển nếu tiếp xúc với dịch, giọt hô hấp từ bệnh nhân, nên rất cần quy trình an toàn cho việc tiếp nhận, điều trị và vận chuyển bệnh nhân.

WHO khuyến cáo rửa tay thường xuyên, đúng quy trình, môi trường làm việc sạch sẽ và vệ sinh, giám sát lây nhiễm và có kế hoạch hành động nhằm giảm mức độ lây nhiễm... Tuy nhiên, tại Đài Loan, một điển hình chống dịch COVID-19 là ngoài việc áp dụng những bài học từ dịch SARS năm 2003 của chính mình trước đây, giới chức y tế còn phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ bên cạnh xét nghiệm hàng loạt trên diện rộng. Mỗi thời mỗi khác, nhưng chắc chắn phòng dịch dễ và ít tốn kém hơn chống dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận