Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga và những vụ cứu nạn nhớ đời

TƯỜNG ANH (TỔNG HỢP) 19/10/2020 21:10 GMT+7

Lũ lụt miền Trung và liên tục các vụ cứu hộ cứu nạn bi thảm một lần nữa nhắc nhở chúng ta về sự mỏng manh của con người trước thiên tai lẫn nhân tai, về việc tổ chức cứu nạn cần được chuyên nghiệp hóa để giảm thiểu tổn thất. TTCT giới thiệu kinh nghiệm làm việc của một trong những cơ quan cấp cứu chuyên nghiệp và tiên tiến nhất thế giới: Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga.

Là đất nước có diện tích lớn nhất thế giới, bao phủ hơn 1/9 diện tích lục địa Trái đất, trải dài trên 11 múi giờ với nhiều loại môi trường, khí hậu, và địa hình, không khó hiểu khi việc bảo vệ sự bình yên của công dân, ngăn chặn các trường hợp gây nguy hiểm tính mạng con người có hẳn một cơ quan chuyên trách. Ở Nga, trách nhiệm này thuộc về Bộ Tình trạng khẩn cấp (Министерство по чрезвычайным ситуациям, MCS).

Từ Quân đoàn Cứu hộ đến Bộ Tình trạng khẩn cấp

Tiền thân của cơ quan này, từ rất xa xưa, là các đội cứu hỏa thời Sa hoàng. Sau đó, dưới thời nước Nga Xô viết là hệ thống “phòng thủ dân sự” giúp người dân chuẩn bị trong tình huống bị kẻ thù tấn công. Ngày 27-12-1990, Quân đoàn Cứu hộ Nga chính thức ra đời. Không lâu sau đó, lực lượng này được nâng cấp lên thành Ủy ban Quốc gia về tình trạng khẩn cấp. Dần dà, nhiều tổ chức cứu hộ và kiểm tra khác được thành lập từ thời Liên Xô sáp nhập vào ủy ban này. Đến năm 1994, ủy ban trở thành MCS, với người lãnh đạo đầu tiên là ông Sergey Shoigu - nay là bộ trưởng quốc phòng Nga.

Trực thăng của MCS tham gia cứu hộ động đất tại Sakhalin năm 1995. Ảnh: Reuters

Thời gian đầu, số lượng nhân viên MCS không quá 70.000 người, nhưng hàng trăm nghìn nhân viên cứu hỏa cũng trở thành một bộ phận của cơ quan mới. Đến nay, nhân sự MCS được quy định không quá 288.000. MCS là một cấu trúc biến động liên tục, được sửa đổi và cập nhật, cải tiến để đáp ứng nhu cầu thời đại. Chẳng hạn mới đây MCS đã quyết định thành lập các trung tâm cứu hộ tích hợp Bắc Cực trải từ đất liền ở thành phố Arkhangelsk đến làng Providenya ở Chukotka, do sự gia tăng mối quan tâm tới vùng cực và thực tế là cư dân cùng các lao động thời vụ tập trung về đó nhiều hơn. Sự củng cố về mặt tổ chức cũng diễn ra liên tục. Năm 2001, Cơ quan Phòng cháy chữa cháy nhà nước được chuyển giao cho MCS, năm 2003 là Cơ quan Kiểm tra nhà nước với các tàu nhỏ, năm 2010 là các đơn vị cứu hộ mìn bán quân sự…

Cần phải nói, MSC có cấu trúc khá phân tán, qua nhiều năm hoạt động đã chứng tỏ hiệu quả của nó. Cấu trúc này được hình dung như sau: (1) văn phòng trung tâm bao gồm bộ máy hành chính, với bộ trưởng, các cấp phó, thư ký, chuyên gia quân sự và trưởng thanh tra hỏa lực; (2) khoảng mười cục thuộc bộ với các chức năng và nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn Cục Thông tin có trách nhiệm cung cấp và phân tích dữ liệu thiên tai kịp thời; (3) 9 phòng ban với chi nhánh đặt khắp nước Nga, chẳng hạn như các ban quản lý và kinh tế tài chính. Đặc biệt, một cơ cấu mạnh mẽ như MCS phải có cơ sở khoa học đáng kể, do đó, trực thuộc bộ còn có 5 cơ quan nghiên cứu chuyên trách.

Trách nhiệm lớn nhất của MCS có lẽ không phải là cứu hộ cứu nạn, mà là ngăn chặn kịp thời các trường hợp khẩn cấp. Đứng đầu mục tiêu hoạt động của tổ chức này là dự đoán và cảnh báo sớm cho dân chúng, giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng giải quyết mọi hậu quả. Thông báo cho người dân trong trường hợp khẩn cấp đóng vai trò rất quan trọng, bởi các đội cứu hộ không thể ngay lập tức có mặt trong vùng nguy hiểm. Nếu mọi người có thể định hướng kịp thời trong những khoảnh khắc như vậy, họ sẽ cứu được mạng sống của chính mình và người khác.

Ngoài ra, nhiệm vụ của MCS còn quy định việc ứng phó với các tình huống bên ngoài đất nước (đến nay, MCS đã thực hiện trên 400 hoạt động cứu hộ ở nước ngoài); phối hợp hành động của các tổ chức khác nhau trong quá trình giải quyết vấn đề; thu thập, phân loại và trao đổi thông tin về tình hình các vùng miền trên cả nước.

Các nguyên tắc cơ bản của công tác cứu hộ ở MCS là dựa trên lòng nhân đạo và trắc ẩn (ưu tiên bảo vệ mạng sống và môi trường), quản lý cứu hộ hiệu quả, lường định mức độ rủi ro hợp lý trong công tác cứu hộ, và luôn trực chiến. Nói tóm lại, MCS có nhiệm vụ cảnh báo và bảo vệ người dân khi xuất hiện tình huống khẩn cấp, không lúc nào được lơi lỏng và luôn sẵn sàng trợ giúp.

Cứu nạn: nguồn lực và chuyên gia

Đêm 28-5-1995, một trận động đất mạnh 7 độ Richter làm rung chuyển toàn bộ phía bắc đảo Sakhalin. Tại làng Neftegorsk, 17 tòa nhà năm tầng bị phá hủy. Lực lượng cứu hộ do Bộ trưởng Shoigu đứng đầu đã bay thẳng đến hiện trường thảm họa.

Các đơn vị cứu hộ làm việc trong điều kiện khó khăn nhất, cả ngày lẫn đêm, với sự tham gia của những chú chó được huấn luyện đặc biệt. Nhờ lực lượng cứu hộ bốn chân này, nhiều nạn nhân đã được tìm thấy dưới đống đổ nát. Người sống sót cuối cùng được tìm thấy và đưa ra vào ngày thứ bảy sau thảm kịch và trong số khoảng 3.000 cư dân của ngôi làng, chỉ còn khoảng 500 người sống sót.

Bộ trưởng Shoigu sau này kể lại trận động đất ở Sakhalin đã hằn rất sâu trong trí nhớ của ông. Vài ngày sau thảm họa, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một người đàn ông dưới đống đổ nát. Suốt thời gian này, chân ông bị kẹp dưới một tấm bêtông. Người đàn ông vẫn tỉnh táo, vui mừng khi được tìm thấy và hi vọng sẽ sớm được đưa ra. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, ngay sau khi nâng phiến bêtông lên, máu nhiễm độc từ các chi sẽ chảy vào thận và người này sẽ tử vong. “Khi được tin đấy, ông ấy đã xin một ly vodka và một điếu thuốc. Sau khi uống và hút thuốc xong, ông nói: 'Rồi, hãy nâng lên đi!'”, ông Shoigu nhớ lại. Nạn nhân này đã qua đời trong vòng tay lực lượng cứu hộ. Bộ trưởng Shoigu nói chính trường hợp này khiến ông nghĩ đến việc chế tạo một thiết bị lọc máu di động mà hiện MCS đang dùng.

Ba năm sau đó là trận lũ lụt lịch sử ở Lensk, Yakutia, vào tháng 5-1998. Đội hiện trường gồm 25 nhân viên cứu hộ, chuyên gia, các kỹ sư và liên lạc viên, đã làm việc trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt: ban ngày nhiệt độ không quá 1-2 độ C, ban đêm xuống tới âm 10-12 độ C, trời đổ tuyết liên tục, và dòng chảy mạnh từ thượng nguồn sông Lena liên tục đổ về. Lực lượng cứu hộ đã di chuyển đến những nơi khó tiếp cận bằng thuyền. Người dân được di dời bằng trực thăng lẫn thuyền khỏi các mái nhà ngập nước, các ngọn cây, từ bất kỳ độ cao nào, và được hỗ trợ nhân đạo. Nhà bếp được vận chuyển bằng trực thăng và các bữa ăn nóng hổi đã được sắp xếp cho gần 700 người.

Đến năm 2011, xảy ra vụ đắm tàu “Bulgaria”. Nhóm cứu hộ của MCS được cử khẩn cấp đến khu vực xảy ra sự cố trên sông Volga ở Tatarstan, bao gồm các thợ lặn, liên lạc viên, và kỹ sư. Tại hiện trường, họ đã khảo sát vùng nước, tiến hành công tác thăm dò rồi xuống nơi tàu bị chìm. “Được gọi khẩn cấp”, nhân viên cứu hộ Vladimir Komarov nhớ lại: “Chúng tôi liền thu thập thiết bị và đi bằng thuyền từ Kazan. Tối hôm đó trên sông Volga sóng lớn. Vì hồi hộp và gió mạnh, chúng tôi không nhìn thấy gì ở độ dài một sải tay. Đã quen với thực tế là sau khi lặn vài mét, bóng tối sẽ bao trùm, nên chúng tôi lặn xuống độ sâu 20 mét với đèn pin. Đến khoảng 11 giờ tối, thi thể người phụ nữ đầu tiên được đưa lên. Chúng tôi đã làm việc không nghỉ suốt đêm đó và cả ngày hôm sau. Sau đó từ khắp nước Nga các nhân viên được điều đến, một lịch trình lặn và kế hoạch tìm kiếm rõ ràng hiện ra. Ngày đầu tiên trời vẫn còn giông bão. Sự khác biệt giữa ngày và đêm dưới nước hầu như không đáng chú ý. Chúng tôi làm việc cật lực, nhưng các lối đi của “Bulgaria” hẹp và bị cản trở bởi nhiều đồ đạc, khăn trải giường và những thứ linh tinh khác. Tôi phải di chuyển vào bên trong gần như theo kiểu dò dẫm bằng tay. Đầu tiên chúng tôi tìm người sống, thực sự hi vọng ai đó có thể sống sót. Chúng tôi liên tục dùng búa bổ xuống, gõ vào thân tàu, nhưng than ôi…”.

Năng lực của MCS còn khiến cơ quan này đủ sức triển khai hàng trăm vụ cứu hộ ở nước ngoài, như việc xây dựng và vận hành bệnh viện dã chiến ở Serbia trong thời gian NATO không kích Nam Tư năm 1999, cứu trợ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng năm 1999… Nhờ những cuộc cứu hộ gần như xả thân đó, uy tín của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga trong xã hội rất cao và nhiều người trẻ Nga nhìn thấy tương lai của họ trong cơ quan này. Cho đến nay, việc đào tạo các nhân viên tương lai của MCS được thực hiện tại 8 cơ sở giáo dục đại học nằm ở các thành phố khác nhau của Nga. ■

Theo ước tính của chính MCS, chỉ trong năm 2019, tổ chức này đã cứu sống được hơn 200.000 người trong những nỗ lực cứu hộ cứu nạn của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận