TTCT - Người Đức nhìn nhận nguy cơ tai họa ra sao và tâm thế sẵn sàng đối phó với thảm họa tới mức nào mà lại cần đến cả một Ngày báo động quốc gia? Ảnh: DPAChính quyền các bang của Đức tổ chức Ngày báo động quốc gia (Nationaler Warntag) hôm 10-9 để thử nghiệm và kiểm tra sự hiệu quả của hệ thống báo động toàn quốc này. Theo kế hoạch, đúng 11 giờ tất cả còi báo động trên khắp cả nước sẽ đồng loạt reo lên và hệ thống báo động điện tử MoWaS phát tín hiệu báo động đến các cơ sở và phương tiện truyền thanh, truyền hình, màn hình ở các nơi công cộng.MoWaS cũng phát tín hiệu đến các máy chủ ứng dụng để truyền lại tín hiệu báo động cho các điện thoại di động có ứng dụng thông tin khẩn cấp NINA của chính quyền. Tín hiệu cảnh báo đi kèm với hướng dẫn xử lý tình huống. Tuy nhiên, người dân được thông báo trước đây là diễn tập và không cần hành động gì khi có cảnh báo.Cũng trong ngày 10-9, Sở Bảo vệ người dân và cứu hộ tai họa (BKK), cơ quan khởi xướng và tổ chức sự kiện thuộc Bộ Nội vụ Đức, nhận xét kết quả của cuộc thử nghiệm là “thất bại” vì MoWaS gặp sự cố vì quá tải khi có quá nhiều đơn vị cơ sở phát tín hiệu cùng lúc. Tại một số nơi, điện thoại di động có cài ứng dụng NINA đã nhận tin báo động muộn hơn khoảng 30 phút.Mặc dù sự kiện được coi là thất bại, Bộ Nội vụ tuyên bố rằng kết quả này sẽ cho phép tìm hiểu thêm về các vấn đề kỹ thuật của hệ thống MoWaS và sự giao tiếp giữa các đơn vị cơ sở và bộ có liên quan.Nhận thức thảm họa của người ĐứcNước Đức đối mặt những nguy cơ tai họa gì? Tai họa là một phạm trù bao gồm nhiều mối nguy cơ đối với tính mạng con người và sở hữu vật chất. Trong lịch sử cận đại nước Đức, hơn mọi tai họa là chiến tranh, thứ đem lại nạn đói và sự tàn phá vật chất với nhà ở và cơ sở hạ tầng. Không chỉ từ đầu thế kỷ 20 chiến tranh mới là nguy cơ chính, ví dụ Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai xuất phát từ chính đất Đức; sang thập niên 1950, Tây Đức và Đông Đức lại bị đặt vào trung tâm bối cảnh Chiến tranh lạnh của hai khối Mỹ và Liên Xô, đặt ra khả năng Đức trở thành bàn cờ xung đột chính ở châu Âu.Và hơn hết là bóng tối vũ khí hạt nhân, với sự tàn phá toàn diện, lại bao trùm mối nguy cơ chiến tranh giữa lòng nước Đức. Vào thời kỳ có nguy cơ chiến tranh hạt nhân, việc mua dự trữ lương thực và xây tầng hầm cùng phòng ẩn nấp dưới nhà là một điều bình thường đối với một số người. Sau khi Đức đã thống nhất và Liên Xô tan rã, nguy cơ này không còn nữa.Ngày nay, Đức nằm giữa trung tâm châu Âu ở một vị trí lợi thế - cách xa các xung đột và chiến tranh ở Trung Đông. Theo quan điểm phần lớn người Đức, dựa trên một cuộc khảo sát dân trí về tai họa của Tập đoàn bảo hiểm Allianz năm 2008, thì các mối nguy cơ đáng lo sợ theo người dân là các loại thiên tai như ngập lụt, bão, hạn hán, sóng thần, cháy rừng quy mô lớn, lở tuyết, lở đất… chiếm tỉ lệ từ 57-88%, trong khi chỉ có 27% lo sợ về nạn đói hay chiến tranh. Một lượng lớn người tham gia khảo sát (60%) đề cập đến các “mối nguy cơ ABC” (tức là tai họa hạt nhân, sinh học và hóa chất).Cũng theo khảo sát trên, phần lớn người Đức (89%) có ý thức về hàng loạt nguy cơ tai họa, nhưng họ tin tưởng vào năng lực đề phòng và báo động của chính quyền có trách nhiệm. Hơn nữa, vị trí địa lý và khí hậu của nước Đức rất thuận lợi nên số lượng cũng như cường độ của các loại thiên tai trong quá khứ rất hạn chế. Thế nhưng, cuộc khảo sát của Allianz cũng kết luận rằng khả năng nhận ra tín hiệu báo động như còi hụ của dân còn ít, và người dân đồng ý với việc giới thiệu chương trình dạy cách phản ứng trong trường hợp khẩn cấp, tai họa trong trường học.Từ thập niên 1990 đến nay, tâm thế về các loại nguy cơ đã thay đổi ít nhiều, có thể nói chỉ có hai nguy cơ đặc biệt đáng chú ý: biến đổi khí hậu và khủng bố. Với diễn biến của biến đổi khí hậu trên thế giới và thực tế rằng thiên tai càng gia tăng sức mạnh tàn phá ở nhiều nước, biến đổi khí hậu đã đi vào ý thức nhiều người Đức hơn so với 10 năm trước, đặc biệt sau khi Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đăng báo cáo chấn động về thực trạng biến đổi khí hậu trên thế giới vào năm 2018.Ở Đức, biến đổi khí hậu đã dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ trung bình khoảng 1,5 độ C từ giữa những năm 1881 đến 2018. Trên thực tế điều này cũng làm tăng số lượng thiên tai như lũ lụt, bão và cháy rừng quy mô lớn. Ví dụ, năm 2018 đã có 1.708 vụ cháy rừng (con số cao nhất trong 15 năm vừa qua) trên toàn lãnh thổ Đức.Điều thứ hai là sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan ở châu Âu kể từ vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ. Vụ việc mở ra thời đại chống khủng bố, và từ đó nhiều nước châu Âu đã phải chịu đựng hàng loạt vụ khủng bố. Tháng 12-2016, một vụ khủng bố xảy ra tại một khu chợ Giáng sinh ở Berlin làm 11 người thiệt mạng và 67 người bị thương nặng. Mối đe dọa mới này đã đi vào ý thức và tăng lên mối lo sợ về khủng bố.Chiến lược mới nhằm nâng cao hiểu biết và khả năng “tự bảo vệ” của người dân được Chính phủ và Bộ Nội vụ Đức đưa ra trên cơ sở các diễn biến mới nói trên, và từ một thực tế khác: tổng dân số Đức đang giảm dần, do đó sẽ không còn đủ lực lượng tình nguyện trong các đội cứu hỏa, cấp cứu và đội cứu hộ kỹ thuật.Thông báo nêu rõ tín hiệu báo động chỉ là thử nghiệm chứ không có nguy cơ thật sự. Ảnh: DPACách người Đức chuẩn bị cho tai họaNgười Đức có tâm thế gì trước các nguy cơ tai họa và họ chuẩn bị thế nào? Trước khi COVID-19 đặt chân vào Đức, gần đây chưa có tai họa nghiêm trọng nào khiến đa số người dân Đức mất bình tĩnh, kể cả trong khủng hoảng người tị nạn và vụ khủng bố ở Berlin.Tuy nhiên, trong thời gian đầu của đại dịch, khá nhiều người Đức đã xông vào siêu thị “mua dự trữ như chuột hamster” (hamsterkaufen, cách ví von của người Đức vì hamster là một loài chuột có thể “dự trữ” hạt dẻ và các loại thức ăn trong đôi túi má đặc biệt của nó). Trong mấy tuần đầu tiên khi virus xuất hiện ở Đức, hầu như không có siêu thị nào không buộc phải thông báo “hết hàng” với nhiều mặt hàng và sản phẩm như khẩu trang, nước rửa tay, nước diệt vi khuẩn, bánh mì, mì Ý, gạo, bột mì, đồ hộp và giấy vệ sinh (nguyên nhân tâm lý của việc mua dự trữ giấy vệ sinh đến tận ngày nay còn vô cùng bí hiểm). Không ít khách hàng đã đứng trước các kệ hàng hóa siêu thị trống rỗng với vẻ mặt bất ngờ. Nhưng mấy tuần sau tình hình đã ổn định, sau khi Thủ tướng Angela Merkel bảo đảm dân sẽ không thiếu lương thực và sản phẩm thiết yếu. Rồi dần dần, người dân cũng quen với việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đi mua đồ.Hóa ra phần lớn người Đức đã không chuẩn bị cho một tai họa như đại dịch. Có thể một phần là do bản chất của virus - một mối nguy cơ người ta không thể thấy bằng mắt, trái với hình ảnh của một cơn bão sắp tiến về đất liền hay quét qua một thành phố. Trên thực tế phải nói rằng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc không có một nguy cơ nghiêm trọng đáng kể nào, nên những người Đức không sống trong vùng có khả năng cao có lở tuyết, lở đất hay lũ lụt không để ý đến các nguy cơ này.Trong tương lai gần, thiên tai sẽ được nhiều người lưu ý hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhưng liệu COVID-19 có khiến người Đức thay đổi cách phản ứng và chuẩn bị cho tai họa là một câu hỏi chưa có thể đáp lời. Có một điều chắc chắn là trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch bùng phát ở các nước lân cận và tổng số ca COVID-19 lại gia tăng ở Đức, người dân sẽ có ý thức cao hơn về việc chuẩn bị mua dự trữ sản phẩm cần thiết nhất để đề phòng và tự bảo vệ.■Từ ngày nước Đức thống nhất, đây là lần đầu tiên chính quyền Đức khởi xướng kế hoạch thử nghiệm hệ thống báo động toàn quốc. Kể từ nay trở đi, mỗi năm vào tháng 9, chính quyền sẽ tổ chức Ngày báo động quốc gia.Theo Bộ Nội vụ, mục đích của sự kiện là “nâng cao hiểu biết và sự chấp nhận của người dân về việc báo động trong các trường hợp khẩn cấp và để làm tăng khả năng tự bảo vệ của người dân”. Tầm quan trọng của sự báo động này cũng thể hiện trong những diễn biến của bối cảnh đại dịch COVID-19, theo BMI.Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng tình hình thiên tai như lũ lụt, bão tố hoặc như đợt cháy rừng lớn hiện nay mà Mỹ đang đối mặt, chính quyền các bang và Chính phủ Đức sẽ sử dụng hệ thống báo động trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, khủng bố, tai nạn hóa chất…, theo lời Christoph Unger - chủ tịch BKK. Trong những thảm họa đó, theo Ulrike Demmer, phó phát ngôn viên của chính phủ, “một báo động phát đúng lúc sẽ cứu được mạng người. Ai được cảnh báo đủ sớm sẽ có thể giúp bản thân, gia đình và bạn bè an toàn”. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Đối mặt thiên tai Tiếp theo Tags: ĐứcThảm họaNgày Báo động
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.