Thống kê, gen và hạnh phúc 

LÊ QUANG 25/01/2020 22:01 GMT+7

TTCT - Ta hạnh phúc khi đang trên đường tới một mục tiêu mà ta coi là ý nghĩa cuộc đời. Thực hiện được mục tiêu đó chưa hẳn quan trọng nhất để có hạnh phúc, mà theo lời Phật dạy thì đường đi chính là đích đến. Khi ta thiếu ý thức về cái gì làm ta hạnh phúc, ta sẽ không nghĩ ra được hướng đi tiếp.

Ảnh: diario16.com
Ảnh: diario16.com

Tôi đến thành phố Vienna của Áo vào một ngày cuối xuân nhưng không rõ vì lý do gì mà nóng như mùa hạ. Tháng tư và lễ Phục sinh chưa bao giờ hợp với quần bò rách và T-shirt, song hôm đó là thế thật. 

May mắn chọn được một phòng trọ khá bình dân bên rìa công viên Prater - dạo đó chưa dỡ bỏ hết các hộp gỗ bảo vệ tượng qua mùa đông, vòng đu quay khổng lồ còn đứng im lìm vào lúc trời mới hửng sáng - tôi quăng vội hành lý vào phòng trọ để qua ngắm lá phổi xanh sáu triệu thước vuông của thành phố duyên dáng bậc nhất châu Âu này.

Một tuần nghỉ, không có thời hạn công việc nào đè trên gáy, mặt trời đẹp và ấm bất ngờ ở xứ đồi núi cớm nắng, triển lãm các cuốn vở ký họa quý hiếm của Gustav Klimt vừa mở, cuộc hẹn với mấy người bạn địa phương đã chốt...

Trước Vienna và sau Vienna tôi đã đi qua nhiều thành phố, thậm chí đi lang thang rất chậm và nhìn no mắt nhiều thành phố trên thế giới này. Nhưng mỗi lần nghĩ đến cảm giác thanh thản và hạnh phúc thì tôi phải nhớ đến thủ đô Áo.

Khủng hoảng, chiến tranh, bạo lực, nghèo đói...

Chừng ấy từ khóa buồn bã khiến ta luôn cho rằng hạnh phúc không phải là thứ được phân chia công bằng trên thế giới này. Liên Hiệp Quốc từ nhiều năm nay luôn có một cuộc thăm dò nho nhỏ nhưng bao trọn 157 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Báo cáo về hạnh phúc trên thế giới (World Happiness Report) mới nhất cho biết, đi tìm hạnh phúc dễ nhất là ở Phần Lan và đã thành truyền thống, ở xứ Bắc Âu nói chung.

Con người đầu thai ra thế giới này tình cờ như hạt bụi, nên cảm nhận của họ được nêu trong bản báo cáo trên cũng chỉ mang tính tương đối. Ngay cả ở cùng một địa điểm thì phụ nữ vẫn có xu hướng nhìn đời một cách lạc quan hơn, như nghiên cứu của Trường chính sách công thuộc University of Maryland nêu rõ.

Té ra các mẹ các chị của chúng ta, dù phải chồng chất vô số gánh nặng lên vai, vẫn biết tìm cách sống hạnh phúc hơn đàn ông, chả trách họ được Thượng đế cho sống lâu hơn trên Trái đất này. Rồi thì tuổi trẻ cũng thấy hạnh phúc hơn, trước khi đạt đến quãng giữa cuộc đời rồi sa vào ca cẩm như mọi người già.

Vậy những yếu tố gì làm người ta hài lòng với số phận? Nói cho cùng thì không cần phải là triết gia để nhận ra rằng cảm nhận hạnh phúc luôn là một chuyện rất cá nhân, nói cách khác là rất khó tìm ra thước đo chung cho các đại lượng tạo nên hạnh phúc.

Khi viết bản tường trình World Happiness Report nêu trên, các nhà nghiên cứu buộc phải thống nhất dùng hai bước: trước tiên họ hỏi xem người dân từng nước vì sao hài lòng hoặc kém hài lòng với cuộc sống nói chung, sau đó họ lui về phòng làm việc và so sánh tỉ lệ giữa các cảm giác tích cực và tiêu cực.

Nói thực nhé: tôi chả tin vào cách họ đo đếm hạnh phúc của các xã hội vốn sặc sỡ và dị biệt đến vô cùng. Trong khi người này cho rằng con cái là sản phẩm tuyệt vời nhất của mình trong đời thì vô vàn cha mẹ khác hối hận đã sinh ra những mối stress và áp lực khủng khiếp khi phải nuôi chúng đến hết đời.

Ai đó sướng điên vì trúng xổ số vài chục triệu đồng, song người khác thì tan cửa nát nhà khi không biết dùng bạc tỉ cho đúng chỗ...

Ảnh: UCLA Anderson School
Ảnh: UCLA Anderson School

Có nên tin vào thống kê ?

Thế giới biết đến một ông già khả kính, suốt ngày phả khói xì gà hôi sì và quả thực rất ghét thể thao song vẫn thọ hơn 90 tuổi, đã thế còn là một chính trị gia cự phách trong lĩnh vực thống nhất châu Âu dưới một mái nhà và như tình cờ gặt thêm giải Nobel văn chương 1953: Winston Churchill, hai lần thủ tướng Anh (1940-1945 và 1951-1955).

Vốn đã là người giỏi hùng biện đến độc mồm, song ông lại còn bị người ta ấn thêm vào mồm một lời có cánh bất hủ: “Tôi chỉ tin vào thống kê nào do chính tôi xuyên tạc!”.

Thống kê và con số nói chung vốn dễ bị con người thao túng cho mục đích riêng, song ở góc khách quan rõ ràng chúng có một sức minh chứng đặc biệt. Dẫn nhập dài dòng thế chỉ để giới thiệu một công trình thống kê học dày dặn của nhà nghiên cứu Thụy Điển Bengt Brülde từ Đại học Göteborg.

Trong cuốn Đau khổ và Hạnh phúc sắp ra sạp của ông có một nhận định tưởng chừng ai cũng biết: “Thống kê thuần túy không hề chứng tỏ được giá trị vật chất như ngôi nhà đắt tiền hay kỳ nghỉ xa xỉ làm cho ta hạnh phúc. Ngay cả tiền cũng chỉ tương đối quan trọng”.

Tất nhiên tiền thưởng tết hay mua cái ôtô xịn cũng đem tới một cảm xúc dâng trào... ngắn ngủi. Hiện tượng này được miêu tả khá kỹ trong môn nghiên cứu hạnh phúc và có tên là Hiệu ứng thói quen, thường chỉ kéo dài vài phút đến vài tuần rồi tan thành mây khói: “đơn giản là người ta quen dần với cảm giác sung sướng mê muội ấy, cho đến khi tỉnh cơn say” - Brülde nói, và gửi kèm cho người đọc một bài học: “Vì vậy ta nên chú trọng tính đến hiệu ứng đó trong quy hoạch cuộc sống. Ai đặt quá nhiều hi vọng vào giá trị vật chất làm cơ sở cho hạnh phúc, sẽ nếm phải vài thất vọng”.

Một yếu tố mà ông Brülde cho rằng quan trọng trong thế giới hưởng thụ của phương Tây - thực ra mang tính toàn cầu và càng sâu sắc ở các xã hội phát triển ở mức bản lề: “Xã hội quanh ta và đặc biệt là thế giới quảng cáo khá thành công khi nhồi vào đầu ta các giá trị khác.

Những người xinh đẹp trong khung cảnh hấp dẫn khiến ta dần tin rằng cuộc sống của chúng ta chưa đầy đủ, cho đến khi ta mua được một sản phẩm nhất định hoặc một phong cách sống nhất định”. Cứ thế, nhiều người mê mải rượt theo một trạng thái “hoàn hảo” và coi đó là hạnh phúc, bởi vì họ cho rằng chưa đạt mức hoàn hảo trong cuộc sống của mình.

Brülde chỉ ra trong các thống kê của mình rằng những người như thế có vẻ như chiếm tỉ lệ áp đảo trong xã hội đô thị. Âu cũng là một ý hay để ta tham khảo, cho dù thống kê học luôn có mặt trái của nó.

Phải nói thêm để cảnh báo những ai quá khâm phục Winston Churchill hoặc quá yêu thống kê: Ngay ở nước Anh không ai biết câu danh ngôn vừa trích là của ông, và hình như cũng chẳng có tài liệu đáng tin nào chứng minh tác quyền.

 “Con người chúng ta là sinh vật có chí hướng. Ý nghĩa của cuộc đời là kiến tạo. Không ai hạnh phúc bằng cách ngồi rảnh rỗi không làm gì cả”

                                                                 (Nhà nghiên cứu Bengt Brülde)

Hạnh phúc không phải quà tặng

Thực ra chúng ta đều biết ít nhiều những gì các nhà nghiên cứu hạnh phúc tổng hợp lại, ít nhất là theo trực giác. Cái mà chúng ta thiếu, là ý thức được chúng. Ý thức của ta không đủ sắc sảo để biến chúng thành phương tiện tạo nên hạnh phúc riêng.

Ví dụ, ít ai ý thức được một bài học đơn giản của Brülde: “Con người chúng ta là sinh vật có chí hướng. Ý nghĩa của cuộc đời là kiến tạo. Không ai hạnh phúc bằng cách ngồi rảnh rỗi không làm gì cả”.

Ta hạnh phúc khi đang trên đường tới một mục tiêu mà ta coi là ý nghĩa cuộc đời. Thực hiện được mục tiêu đó chưa hẳn quan trọng nhất để có hạnh phúc, mà theo lời Phật dạy thì đường đi chính là đích đến.

Khi ta thiếu ý thức về cái gì làm ta hạnh phúc, ta sẽ không nghĩ ra được hướng đi tiếp. Brülde nói: “Giống như trong một mối quan hệ làm ta bất hạnh mà ta không chủ động tìm cách thoát ra”.

Quay trở lại nước Cộng hòa xứ Alps xa lạ. Vì lý do cá nhân mà tôi khá lâu không đến Áo, cho đến khi hạ một quyết định tưởng chừng vô lý: Tôi tự tặng mình nhân sinh nhật vào tháng tư một chuyến đến Vienna. Mục đích cũng khá vu vơ, vì ngoài một bạn đồng hương cùng trường đã lâu không thư từ tôi cũng chỉ quen sơ sơ mấy nhạc sĩ qua vài dự án rời rạc.

Nhưng tôi tò mò tìm cách trả một món nợ với chính mình, vì đã lần lữa quá lâu một dự định thực ra không quá khó. Nó không phức tạp hơn một chuyến phượt lên Hà Giang vào mùa đông, rất dễ so với một hành trình đi Tây Tạng chẳng hạn.

Sau này sẽ còn nhiều lần tôi thấy biết ơn số phận (nếu như không dùng từ này một cách đao to búa lớn quá) và biết ơn cái tính bướng bỉnh không chịu bỏ cuộc của mình. Vienna vô hình trung rồi sẽ là Nàng Thơ của tôi theo nghĩa rộng, sẽ là điểm bám mỗi khi tôi định bỏ cuộc trước một thử thách có vẻ bất khả chiến thắng.

Nhiều năm sau, khi Hà Nội kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thiên tài âm nhạc Áo Wolfgang Amadeus Mozart bằng việc dựng vở Cây sáo thần của ông, tôi âm ỉ sung sướng khi được góp một tay mà không quá kinh sợ trước dự án nhạc kịch lớn nhất từng có trên sân khấu Việt Nam.

Phải chăng vì tôi đã hít thở không khí Vienna của Mozart, hoặc khi tôi vượt qua được chính tôi thì sẽ tự tin hơn - trên con đường vươn đến những hạnh phúc nho nhỏ trong cuộc sống?

 

Là người yêu công nghệ và làm nghề kỹ thuật, tôi luôn có một sự nghi ngờ thường trực đối với những gì quá nặng cảm tính. Các nhà khoa học còn tranh cãi đến hôm nay về tác động của bản đồ gen vào hạnh phúc. Những kết quả mà họ trưng ra được hôm nay thường chưa đi quá biên giới của phỏng đoán, song chẳng phải từ nhận thức quả đất tròn đến công nghiệp 4.0 đều bắt đầu từ trí tưởng tượng?

Vậy rồi Vienna, hay di truyền học mới là nàng thơ ?

Xuất phát điểm của phỏng đoán di truyền học liên quan đến hạnh phúc là con người sinh ra với một mức hài lòng nhất định, và mức đó sẽ trồi sụt trong quá trình sống. Để có cơ sở so sánh, người ta bắt đầu soi kính lúp các cặp song sinh.

Trẻ em song sinh một trứng về thống kê học có nhiều điểm chung trong cảm nhận hạnh phúc so với trẻ từ hai trứng. Do đại đa số trẻ song sinh lớn lên trong điều kiện giống hệt nhau, người ta phỏng đoán có một “thành tố hạnh phúc” trong cấu trúc gen.

Sự giống nhau đó cũng tồn tại, dù yếu hơn, giữa cha mẹ, ông bà và con cháu. Hai nhà khoa học Anh là Eugenio Proto và Andrew Oswald ở Đại học Warwick đã phát hiện ra các nhóm cư dân có bản đồ gen gần giống người Đan Mạch (bậc 2 trong World Happiness Report 2019) cũng là những người rất hài lòng với cuộc sống!

Chưa có bằng chứng rõ rệt nào chứng tỏ gen ảnh hưởng đến hạnh phúc, cũng vì ảnh hưởng từ môi trường quá phức hợp và khó đo đếm chính xác. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Sonja Lyubomirsky từ Đại học California ở Riverside đề đạt một mô hình mà theo đó 50% mức độ hài lòng của con người “đến từ trong trứng”.

50% còn lại chia ra thành 10% từ hoàn cảnh sống và 40% từ các hành vi và quan điểm của con người. Nếu đúng thế thì ta còn đủ dư địa để phấn đấu trong đời!? Nghiên cứu theo hướng này đang được tài trợ mạnh mẽ.

Chẳng phải con người sinh ra đều để mưu cầu hạnh phúc sao? Hay nói rộng hơn: khi con người hài lòng hơn với cuộc sống thì sẽ không còn chiến tranh, bóng đen muôn thuở của nhân loại?■

Trong nghiên cứu hạnh phúc người ta khuyên vươn tới tình trạng flow theo nghĩa nhịp chảy, như dòng chảy của một bài hát nhuần nhuyễn, của một bài thơ hài hòa, song cũng theo nghĩa một tình trạng trôi chảy, làm gì cũng thuận lợi, chỉ có thế mới hài lòng được với chính mình và hiện trạng xung quanh.

Cảm xúc đó thường đến khi ta tự đặt cho mình một nhiệm vụ cao hơn thói quen tầm tầm thường nhật, nó phải thách thức và thúc đẩy ta thực sự, tuy nhiên không được quá khó để bẻ gãy ý chí ta.

Nói cách khác là giải pháp mà ta hướng tới phải nằm trong phạm vi thực tế, đồng thời phải đòi hỏi một nỗ lực xứng đáng. Brülde kết luận: “Một khi ta quay lại nhìn thách thức đã vượt qua được ấy, ta sẽ thấy: hạnh phúc là thế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận