Trà sữa trân châu trong cơn đại dịch

TRẦN MINH HƠP 19/09/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Trà sữa trân châu Đài Loan là một hiện tượng trong văn hóa ẩm thực thế giới. Thế nhưng trong đại dịch COVID-19, trà sữa trân châu cũng đang gặp cơn khủng hoảng chưa từng có.

Một quán trà sữa nổi tiếng ở Đài Loan.- Ảnh: T.M.H.

 Những viên trân châu chờ ở cảng biển

Mùa hè 2021, gần hai thập niên từ ngày trà sữa trân châu có mặt tại Mỹ, những viên trân châu nhập khẩu từ Đài Loan đang cạn kiệt ở các quán trà sữa tại đây. 

Báo The New York Times, trong bài viết “Một sự thiếu hụt hiếm có trong đại dịch: trà sữa trân châu” hồi giữa tháng 4 đã phân tích cuộc khủng hoảng hạt trân châu ở Mỹ. Hầu hết những viên trân châu trong các ly trà sữa khắp nước Mỹ đều được nhập khẩu trực tiếp từ Đài Loan. 

Theo bài báo, nhân công làm việc trong ngành hàng hải bị nhiễm COVID-19 và các quy trình kiểm dịch phát sinh dẫn đến việc các chuyến tàu chở trân châu từ Đài Loan ùn ứ tại các bến cảng của Mỹ, như Los Angeles hay San Francisco. Điều này dẫn đến chuỗi cung ứng trân châu tại Mỹ bị đứt gãy. 

Câu chuyện khan hiếm trân châu trở thành vấn đề nan giải cho công việc kinh doanh của các cửa hàng bán trà sữa ở Mỹ, đơn giản vì không có trân châu thì không có trà sữa trân châu. Những khách hàng uống trà sữa lâu năm tỏ ra sốc hoặc tức giận với các cửa hàng vì họ không thể uống trà sữa thiếu trân châu. 

Bài viết “Thiếu hụt trà sữa trân châu năm 2021: Việc vận chuyển tồn đọng khiến việc tìm kiếm trân châu trở nên khó khăn hơn. Sự thiếu hụt trong đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu?”, trên tờ US Today vào tháng 4-2021, cũng chính là câu hỏi của các quán trà sữa tại Mỹ hiện tại. 

Bài báo chia sẻ những lo lắng của các chủ quán trà như BoBa Direct, Tea & Others, Kung Fu Tea... trước tình trạng khách rời đi khi quán không có trà sữa trân châu và họ có nguy cơ đóng cửa sớm nếu không tìm được nguồn trân châu. 

Ly trà sữa biểu tượng của Chun Shui Tang trà quán, Đài Loan. Nguồn: facebook Chui Shui Thang

 Bài báo còn đăng đoạn video chia sẻ về cuộc khủng hoảng trân châu của đại diện BoBa Guys và Fanale Drinks, những thương hiệu trà sữa và nhà cung cấp trân châu nổi tiếng ở Mỹ. Họ cũng có nhà máy sản xuất trân châu nội địa, nhưng trong đại dịch, các chuyến tàu chở khoai mì (nguyên liệu chính làm trân châu, chủ yếu đến từ Thái Lan) cũng bị ùn ứ ở cảng. 

Thông điệp họ gửi đến khách hàng là mong sự thông cảm và chia sẻ về tình trạng khan hiếm trâu châu tại các quán trà sữa trong toàn quốc. Họ cũng khuyên người Mỹ: đây là thời điểm thích hợp để thử những loại topping khác như thạch nha đam, bánh pudding hay thạch sương sáo.

99% nguồn trân châu tại Mỹ đều nhập từ châu Á, hầu hết từ Đài Loan. Trân châu Đài Loan đã tạo nên món trà sữa thi vị, hấp dẫn toàn cầu, dường như cũng mang yếu tố quyết định đối với ngành kinh doanh trà sữa trong đại dịch.

Hình ảnh ly trà sữa màu nâu, với những viên bột trân châu đen lốm đốm dưới đáy ly cùng đoạn ống hút to, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người trên khắp thế giới.

Những viên Fen Yuan luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của các quán trà sữa. -Nguồn: Hanlin Trà Quán

 Khách mua giảm

Tại Đài Loan, hệ thống quán giải khát, trà quán bán trà sữa trân châu và các loại trà lạnh tỏa rộng khắp. Thậm chí, trà sữa trân châu còn được bán chung với thức ăn. Đài Loan còn nổi tiếng là vùng đất của những ga tàu, đi một chút lại thấy một ga tàu. 

Vì vậy có rất nhiều trà quán được mở gần ga tàu. Buổi chiều vắng lặng mà xuống một ga nhỏ, vào trà quán nhỏ, uống một ly trà sữa trân châu thì đủ dạt dào để cảm nhận nét đẹp thinh lặng của Đài Loan.

Các quán trà sữa ở Đài Loan đa phần kinh doanh “take - away” (bán mang đi), nên việc bán các ly trà sữa cũng không khác gì trước khi đại dịch bùng phát tại vùng đất này, chỉ trừ việc gắn tấm chắn giọt bắn. 

Khi Đài Loan ban bố lệnh giãn cách xã hội ở level 3 (mức cao nhất được áp dụng ở Đài Loan tính đến thời điểm hiện tại), người dân vẫn được phép ra đường để mua thức ăn, đồ uống và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Và các quán trà vẫn được mở cửa để kinh doanh. 

Tại vùng tâm dịch Đài Bắc, những người uống trà sữa thường sử dụng các dịch vụ giao thức ăn để mua trà sữa. Còn ở một số khu vực khác như Hoa Liên (phía đông Đài Loan), người dân vẫn mua và thưởng thức trà sữa trân châu như những ngày “không COVID-19” ở hòn đảo này.

Tại Đài Loan, câu chuyện của trà sữa trân châu ở trong đại dịch chỉ đơn thuần là sự ảnh hưởng về sức mua vì nhiều người dân ngại ra đường để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, điều cũng đang xảy ra tương tự tại các cửa hàng ăn uống khác.

Trân châu trở thành nghệ thuật ẩm thực của người Đài Loan. Ảnh: T.M.H

 Tranh cãi về nguồn gốc trân châu

Giáo sư Po-Yi Hung của một trường đại học tại Đài Loan, chia sẻ trong bài phỏng vấn “Đài Loan tìm thấy điểm ngoại giao ngọt ngào trong trà sữa trân châu” trên trang aljazeera.com, đã phân tích hành trình trở thành thức uống toàn cầu của trà sữa trân châu Đài Loan theo các làn sóng lớn. 

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của trà sữa trân châu là vượt eo biển Đài Loan đến Trung Quốc. Những năm 1990, trà sữa trân châu là ngành thức uống được các doanh nhân Đài Loan đầu tư tại Trung Quốc. Từ chuyến xuất ngoại đầu tiên, trà sữa Đài Loan đi đến các đất nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore... 

Sau đó, trà sữa trân châu đến phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vào những năm 2000, theo chân những sinh viên và người nhập cư từ Đài Loan. Từ một sáng tạo nội địa, trà sữa trân châu đã trở thành một nhận diện của Đài Loan giữa dòng chảy văn hóa toàn cầu.

Trà sữa trân châu đơn giản là một thức uống gồm trà lạnh, sữa, đường và hạt trân châu bột nhưng đã chinh phục thế giới từ Đông sang Tây, trở thành thức uống được “mê mẩn” ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Đài Loan là vùng đất khai sinh ra trà sữa trân châu. 

Dẫu vậy, lịch sử của trà sữa trân châu không chỉ gói gọn trên đất Đài Loan mà là một hành trình giao thoa văn hóa lâu đời, gắn liền với Trung Quốc, Anh Quốc, Hà Lan và cả Hong Kong.

Câu chuyện về người đã làm một việc đi vào lịch sử Đài Loan - bỏ những viên Fen Yuan vào trà sữa - vẫn là chi tiết tranh cãi chưa dứt ở Đài Loan. Thành phố Đài Nam và thành phố Đài Trung vẫn không nhượng bộ để giành danh hiệu vùng đất khai sinh của trà sữa trân châu.

Tu Tsung-ho, chủ trà quán Hanlin Teahouse ở thành phố Đài Nam, đã khẳng định mình là người đã bỏ những viên bột năng trắng (Bai Se Fen Yuan) vào trà sữa và khai sinh ra món trà sữa trân châu trắng cho trà quán vào năm 1986. Tu Tsung-ho nhìn thấy những viên Fen Yuan trắng trong ly trà sữa đẹp như những viên ngọc trân châu, nên đã đặt tên là “trà sữa trân châu”.

 
 Chảo trân châu đường  đen được chế biến trực tiếp tài một trà quán ở Hoa Liên, Đài Loan. Ảnh: T.M.H

 Từ Đài Trung, trà quán Chun Shui Tang cũng khẳng định Lin Hsiu-hui, một nhân viên của trà quán, mới chính là người phát minh ra ly trà sữa trân châu đầu tiên trên thế giới vào năm 1987. Cô, khi còn là nhân viên pha chế, đã bỏ những viên bột Fen Yuan, một món ăn vặt ưa thích của mình, vào trà sữa. 

Ban đầu trà quán Chun Shui Tang định đặt tên món là “Trà sữa bột viên” (Fen Yuan Niu Nai - 粉圓奶茶) như nguồn gốc nguyên liệu của thức uống, nhưng khi được truyền cảm hứng từ một câu thơ cổ về thanh âm của hạt ngọc trân châu rơi trên dĩa ngọc đã đổi tên thành “trà sữa trân châu”.

Cuộc tranh cãi ai là người làm ra ly trà sữa đầu tiên trên thế giới giữa hai trà quán vẫn chưa có kết quả nhưng cũng đã chìm lắng và cũng không còn quan trọng, vì hơn ba mươi năm nay, trà sữa trân châu đã trở thành thức uống đại chúng, là sở hữu chung của Đài Loan, là sáng tạo và là lịch sử của người Đài Loan. 

Đặc biệt, việc nấu những viên bột trân châu hay Boba (波霸 - trân châu viên lớn) đã trở thành một nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao của người Đài Loan.

Hành trình trở về quê hương châu Á

Trong bài nghiên cứu “Điều gì làm trà sữa trân châu trở nên đại chúng? Sự tương tác giữa văn hóa trà Trung Hoa và Anh Quốc”, tác giả Jiayi Wu (Trường đại học Sư phạm Nam Kinh, Trung Quốc) cho biết: đầu tiên, văn hóa trà của người Trung Quốc đã ảnh hưởng sang nước Anh trong Thời kỳ khám phá (The Age of Exploitation - thời kỳ tìm kiếm tài nguyên và thuộc địa của các nước châu Âu ở các vùng đất khác thông qua những con tàu, từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17).

Những chuyến tàu hàng của Công ty Đông Ấn đã mang trà từ Trung Quốc đến Anh. Tập quán uống trà sữa dần dần được bình dân hóa và trở thành khuynh hướng chính thống trong xã hội Anh và châu Âu.

Sau khi Hong Kong trở thành thuộc địa của Anh, trà sữa theo chân người Anh quay ngược về Hong Kong và trở thành thức uống được bản địa hóa tại vùng lãnh thổ này. Người Hà Lan cũng đem phong cách uống trà sữa đến Đài Loan trong năm tháng khai thác thuộc địa (1624 - 1662).

Ngoài ra, châu Á còn có một dòng lịch sử khác của trà sữa lặng lẽ hơn. Đó là trà sữa mặn, gắn liền với đời sống của người dân du mục ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc, Mông Cổ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận