TTCT - Cuối tháng 1, đầu tháng 2, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã hạn chế tụ tập đông người và cho đóng cửa nhà hàng quán ăn. Đến nay khi tình hình tạm ổn phần nào, nhiều nhà hàng đã mở cửa trở lại, họ xoay xở ra sao trong mùa dịch? Theo thống kê ngày 16-3 của Cục thống kê Trung Quốc, doanh thu tháng 1 và 2 của ngành dịch vụ ăn uống là 419,4 tỉ nhân dân tệ, giảm 43,1%. Cái khó ló cái khôn, nhà hàng quán ăn đã tự cứu bằng nhiều cách.Bán hàng trực tuyếnTừ cuối tháng 1, khi dịch bệnh bất ngờ ập đến, nhiều nhà hàng ở nước này chuyển sang bán rau quả cho người dân trong khu phố để giải quyết lượng nguyên liệu tồn trong nhà hàng do người dân hủy đặt tiệc giao thừa.Phục vụ đồ ăn “không tiếp xúc” ở Trung Quốc. Ảnh: AFPSau đó, do chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, nên dịch vụ bán hàng trực tuyến lên ngôi. Thức ăn, rau củ được bán qua các ứng dụng gọi món, kênh thương mại điện tử, đặt hàng điện thoại, mạng xã hội WeChat... Nếu như trước đây việc bán mang đi chỉ là phụ, giờ lại trở thành kênh tiêu thụ chính của nhà hàng quán ăn.Trong đó, hình thức livestream bán hàng rất được ưa chuộng và hiệu quả. Theo tờ Tài Chính Quốc Tế, nhà hàng lẩu Phụng Tỉ livestream ăn lẩu trên taobao.com, thu hút 1,3 triệu lượt theo dõi, với hàng ngàn đơn đặt hàng, thu về hiệu quả không ngờ. Còn nhà hàng Bếp Tiểu Long livestream trên mạng alibaba.com mười mấy phút, đã bán được 10.000 nguyên liệu lẩu, tăng đến 1.200% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà hàng BBQ Nhà Gỗ huy động hơn 5.000 nhân viên lập tài khoản mạng xã hội, quay clip để quảng cáo bán hàng trực tuyến. Còn nhà hàng sủi cảo Tiểu Hằng, mỗi cửa hàng đều có ba nhóm WeChat, nhân viên nhận đơn hàng qua các nhóm chat, bình quân mỗi nhóm chat nhận được 100 đơn hàng/ngày, theo Tân Kinh Báo.Đến đầu tháng 3, nhiều nhà hàng đã mở cửa hoạt động bình thường, tuy nhiên vẫn hạn chế phục vụ tại chỗ, khuyến khích bán mang đi. Đến ngày 23-3, thực khách đến ăn tại nhà hàng Vân Hải Hào Bắc Kinh vẫn còn ít, nhưng đơn hàng mang đi đã tương đương với trước khi bùng phát dịch bệnh, bình quân 3 phút có một đơn hàng mang đi, theo CCTV.Mô hình không tiếp xúcNhằm tránh lây lan dịch bệnh, mô hình nhà hàng không tiếp xúc đang trở thành xu hướng mới ở nước này. Rất nhiều nhà hàng sử dụng người máy làm bồi bàn, giảm thiểu tiếp xúc. Hay như một quán trà sữa ở Hồ Nam, khách hàng gọi món ngay ngoài cửa, sau khi chế biến, đóng gói xong trà sữa được đặt lên một chiếc bàn ngay cổng. Trên mặt bàn có mã QR, khách hàng quét mã thanh toán rồi mang đi. Suốt quá trình không có tiếp xúc, giữ khoảng cách an toàn là 5m.Mô hình này góp phần làm tăng khả năng hồi phục của ngành dịch vụ ăn uống, giảm áp lực trong ngắn hạn, phong phú thêm lựa chọn cho người tiêu dùng. Những thiết bị và quy trình không tiếp xúc khiến người tiêu dùng yên tâm sử dụng dịch vụ ăn uống hơn. Cụ thể, thức ăn mang đi của nhiều nhà hàng đều ghi rõ tên tuổi, thân nhiệt của đầu bếp, người đóng gói và người giao hàng. Nhà hàng sẽ có khu vực riêng để cho các shipper đến nhận hàng mang đi, còn người đến gọi món trực tiếp sẽ có khu vực riêng. Nhà hàng Burger King thì sử dụng người máy để chuyển thức ăn vào khu vực nhận món ăn, shipper hoặc khách hàng sẽ tự lấy mang đi.Hệ thống 280 cửa hàng MacDonald ở Bắc Kinh là một trong những thương hiệu hoạt động bình thường trong suốt mùa dịch. Cửa hàng đều có nước rửa tay, tăng cường khử trùng các điểm khách hàng thường xuyên tiếp xúc. Khách hàng sau khi gọi món, căn cứ số thứ tự để tự lấy món ăn của mình ở khu nhận đồ ăn, tránh tiếp xúc, theo Tân Kinh báo. Ứng dụng gọi món Meituan cũng xây dựng quy trình giao nhận món không tiếp xúc, đảm bảo an toàn cho shipper và khách hàng. Đã có hơn 50.000 nhà hàng đăng ký cung cấp món ăn qua ứng dụng này, 3.000 nhà hàng đăng ký cung cấp dịch vụ gọi món không tiếp xúc. Theo Công ty Meituan, đơn hàng gọi món không tiếp xúc chiếm hơn 80% tổng đơn hàng.Do phải hạn chế đi lại, người dân Trung Quốc đều phải tự học nấu ăn, vì vậy trên mạng có nhiều clip dạy nấu ăn, từ cách làm món bánh quẩy ăn sáng đến bánh bao táo đỏ. Tuy nhiên, sau hơn một tháng trong nhà, các món tủ đều đã thử hết rồi, nhiều người mở mắt ra là đau đầu vì không biết hôm nay ăn gì, bởi thực tế không phải ai cũng khéo nấu ăn. Từng có một cư dân ở Vũ Hán than thở rằng rất hối hận vì không biết nấu ăn. Những ngày phong thành đau khổ nhất là vấn đề ăn uống, vì có mua rau thịt về cũng không nấu được một bữa ra hồn, nhớ cơm mẹ nấu, nhớ căngtin công ty mà ngày thường hay chê nấu dở.Cuối tháng 2, nhiều nhà hàng Trung Quốc nắm bắt cơ hội, đầu bếp mở livestream trên mạng taobao.com dạy nấu ăn để thu hút khách đặt hàng món ăn chế biến sẵn. Theo họ, các món ăn ở nhà hàng thường có lợi nhuận khác nhau, thức ăn mang đi thường lời ít hơn khi phục vụ tại chỗ. Nhà hàng Dương Ký Hưng đã quyết định đưa các món ăn vốn phục vụ tại chỗ bán tại các sàn thương mại điện tử.Hàng loạt nhà hàng 5 sao đã vào cuộc, chế biến nêm nếm sẵn các món ăn của nhà hàng, kèm theo công thức nấu, khách hàng chỉ cần cho lên bếp là xong, vừa ít tốn thời gian lại tiện lợi. Thậm chí nhà hàng Đồng Hòa Cư còn quay cả clip nấu món ăn, khách hàng chỉ cần quét mã QR trên bao bì sẽ xem được hướng dẫn nấu ăn trực tiếp từ đầu bếp. Món ăn chế biến rất đa dạng, từ sủi cảo, thịt gà phù dung, cá hấp tương đen, tôm xào, canh cá viên, miến cải chua tôm viên... những món đúng chuẩn nhà hàng.Tờ Quảng Châu nhật báo cho rằng trước mắt món ăn chế biến sẵn là chiến lược kinh doanh trong mùa dịch của nhiều nhà hàng; về lâu dài cũng sẽ là một trong những chiến lược tăng trưởng.Đón cơ hội bùng nổ“Sau khi dịch bệnh kết thúc, tôi muốn ăn một bữa cho đã”, nhân viên văn phòng Thôi Lệ Lệ (27 tuổi, ở Bắc Kinh) phát biểu trên tờ Nhân Dân nhật báo: “Giờ chỉ gọi món để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu, ủng hộ doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn thôi”. Đó cũng là tâm trạng của nhiều người ở nước đông dân nhất thế giới này sau thời gian dài bó gối trong nhà.Nhân Dân nhật báo ngày 27-3 đưa tin, hơn 10.000 nhà hàng ở Vũ Hán đã mở cửa bán hàng mang đi, ngày đầu nhận hơn 100.000 đơn hàng. Sau hai tháng bị phong tỏa, người dân thành phố này bắt đầu thèm các món ăn nhà hàng, nên lượng đặt hàng tăng chóng mặt. Theo quy định của chính quyền TP Vũ Hán, nhân viên giao hàng phải khử trùng, đo thân nhiệt theo giờ quy định, mỗi ngày thay hai khẩu trang, nhà hàng và khu ký túc xá nhân viên khử trùng hai lần mỗi ngày vào sáng và chiều.Theo thống kê của trang gọi món ele.me, trong một tháng qua, người dân Bắc Kinh đã tiêu thụ hết 44.000 con vịt quay, 18.000 phần gan xào, 15.000 tô mì tương đen... từ khi các công ty quay lại làm việc. Theo thống kê chưa đầy đủ của trang gọi món meituan.com, từ ngày 17-2 đến 1-3, đơn hàng gọi món các tỉnh thành trên toàn Trung Quốc đều tăng mạnh, nhất là ở Thâm Quyến, Quảng Châu, Bắc Kinh và Thượng Hải đều tăng so với trước khi dịch bệnh bùng phát.Dịch COVID-19 được xem là một cuộc thử lửa đối với ngành dịch vụ ăn uống. Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn duy trì, đối diện với nguy cơ phá sản. Khi dịch bệnh kết thúc sẽ xuất hiện làn sóng sáp nhập. Theo điều tra của Hiệp hội thương hiệu nhượng quyền Trung Quốc, có 80% thương hiệu dự định mở cửa hàng mới sau dịch. ■Khoảng cách an toàn 1mBắc Kinh bắt đầu cho nhà hàng hoạt động trở lại vào ngày 14-3, nhưng kèm theo một số quy định như thực khách vào ăn đều phải đo thân nhiệt, mỗi bàn ăn chỉ ngồi một người, không được ngồi đối diện, phải ngồi so le nhau, bàn ăn cách nhau 1m, phải dùng đũa và muỗng riêng, hoặc món ăn được chia nhỏ thành từng phần, xếp hàng thanh toán đều phải đứng cách nhau 1m.Khi ăn ở nhà hàng nên ít giao tiếp, rút ngắn thời gian ăn, sau khi ăn xong phải đeo khẩu trang ngay. Khuyến khích chọn loại hình dịch vụ không tiếp xúc, sử dụng thanh toán điện tử, theo tờ Tân Kinh báo.Ở Hong Kong, trong mùa dịch, các nhà hàng chỉ được đón tiếp 50% thực khách so với công suất, mỗi bàn ăn tối đa ngồi 4 người, các bàn cách nhau 1,5m. Một số nhà hàng nhỏ còn làm vách ngăn trong suốt để ngăn cách hai khách ngồi đối diện nhau.Còn ở Đài Loan, nhà hàng quán ăn vẫn hoạt động bình thường, không có quy định đặc biệt. Nhưng người dân đã hạn chế ăn tại nhà hàng, đa phần mua mang đi. Tags: Trung QuốcCOVID-19Đại dịch coronaNhà hàngKinh doanh ăn uống
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.