TS Toán Trần Nam Dũng: "Chúng ta cần nhiều hơn những ốc đảo"

QUỐC TÂN THỰC HIỆN 31/12/2013 22:12 GMT+7

TTCT - Có một trại hè “Gặp gỡ toán học” ở ĐHQG TP.HCM, nơi sinh viên sẽ tìm hiểu những bài toán kiểu như “cho một hòn đá rơi từ trên nóc nhà và một người quan sát, hỏi khi nào người đó nhìn thấy hòn đá rơi nhanh nhất”! TTCT trò chuyện với TS Trần Nam Dũng về câu chuyện học và dạy toán nên như thế nào trong tương lai.

TS Trần Nam Dũng - Ảnh: Quốc Tân

TS Trần Nam Dũng đoạt huy chương bạc Olympic toán quốc tế năm 1983 tại Paris. Ông sang Nga làm nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Lomonosov (MGU). Năm 1995 về nước, ông giảng dạy tại khoa toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đồng thời bồi dưỡng học sinh chuyên toán tại các trường ở TP.HCM: Phổ thông Năng khiếu, Lê Hồng Phong... Ông là người tổ chức chương trình “Gặp gỡ toán học” từ năm 2010. 

Từ gặp gỡ toán học...

* Thưa ông, đầu ra của sinh viên khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM những năm gần đây thế nào?

- Có ba hướng nghề nghiệp chính: những em xuất sắc nhất thường chọn hướng nghiên cứu, nhóm thứ hai đi làm ở các công ty tin học (lập trình viên, kiểm thử phần mềm...), nhóm thứ ba đi dạy. Các em có thể dạy luyện thi, dạy ở các trường đại học hoặc dạy ở các trường phổ thông. Công việc ở những trung tâm luyện thi thường bấp bênh. Còn dạy đại học, sinh viên khoa toán có nền tảng tốt nên được nhiều trường ưu tiên nhận.

Riêng với dạy phổ thông, họ phải cạnh tranh với sinh viên sư phạm, và xét về tính chính thống thì thiệt thòi hơn nhiều. Từ năm 2013, chúng tôi chính thức mở bộ môn mới mang tên giáo dục toán học. Mục tiêu là để sau này các em ra trường có thể đi dạy được.

Hướng cũ, tức nghiên cứu, chỉ phù hợp với tốp xuất sắc. Vì vậy cách đây bốn năm, khoa mở hai hướng mới là toán tài chính, xuất phát từ xu thế nhiều ngành phát sinh liên quan đến tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, kiểm toán... Hướng thứ hai là sư phạm toán, chính là mục tiêu của bộ môn giáo dục toán học. Hai hướng này đang được sinh viên chọn nhiều nhất.

* Số em tốp xuất sắc ở lại trường nghiên cứu là bao nhiêu?

- Chưa đến 10%, một phần không nhỏ chọn tu nghiệp ở nước ngoài.

* Và phần lớn chọn ở lại nước ngoài để làm việc...

- Chảy máu chất xám là vấn đề chung của xã hội. Với những bạn trẻ chưa có gì trong tay, khi trở về chỉ sống bằng lương, chế độ đãi ngộ thấp, quả thật rất khó khăn. Chẳng mấy chốc, người trở về sẽ hòa tan vào trong khó khăn chung và gặp hai vấn đề lớn: một là mất thời gian lo toan gạo tiền, hai là không có người để chia sẻ.

Chia sẻ theo nghĩa...

- Tìm một người nghe mình nói những câu chuyện về toán học, thật sự là khó. Hoặc họ chịu khó nghe nhưng không hiểu. Với những người công tác lâu năm, họ có nhóm riêng hay học trò, có điều kiện trao đổi khoa học, báo cáo thông qua các hội nghị... Nhưng thứ thường xuyên như “working seminar” ở TP.HCM rất hiếm, cùng lắm là trong một nhóm nhỏ.

Những “ốc đảo” như Viện nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) hay Trung tâm xuất sắc John Von Neumann (JVN) thuộc ĐHQG TP.HCM rất cần thiết. Những đơn vị có điều kiện tài chính như họ sẽ tạo môi trường tốt cho người nghiên cứu, dù là ngắn hạn.

Thực tế, dân toán không yêu cầu quá nhiều. Họ chỉ cần được hỗ trợ trong các hoạt động khoa học, hay đi dự hội nghị. Ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, dù dự hội nghị ở đâu, Mỹ hay Thái Lan, anh cũng chỉ được 300 đôla Mỹ. Bản thân mình cũng hiểu điều đó, vì kinh phí eo hẹp, trường lấy đâu ra tiền.

* Ông muốn kích thích sự thay đổi hay tìm về những ốc đảo bên ngoài?

- Từ lâu tôi đã không đi sâu vào nghiên cứu toán thuần túy. Thỉnh thoảng, tôi định hướng cho các bạn học viên cao học. Nhưng với những bạn thật sự giỏi, tôi không bao giờ nhận hướng dẫn. Khi mình không phải người làm việc thật sự trong giới, việc hướng dẫn sẽ là thiệt thòi cho các bạn ấy. Khoa học cần người “ở trong giới” và có định hướng tốt.

Tôi hướng họ đến những thầy có điều kiện hơn, đến những môi trường có thể phát huy năng lực như VIASM hay JVN, hoặc là đi học ở nước ngoài.

* Đâu là mối quan tâm hiện nay của ông?

- Tôi tập trung vào toán sơ cấp, đào tạo học sinh giỏi phổ thông và bồi dưỡng giáo viên. Không phải tự nhiên tôi chọn hướng đi này. Chất lượng giáo viên hiện nay đang có vấn đề, điều này sẽ ảnh hưởng đến những thế hệ sau. Việc gì mình có thể đóng góp tốt nhất, đang là sở trường, đang được người khác tin tưởng, tại sao lại không phát huy? Tôi nhắm đến hai việc: vừa đào tạo trực tiếp học sinh, vừa bồi dưỡng giáo viên trẻ.

Tôi bỏ công sức xây dựng lại phong trào chuyên toán, gặp những bạn trẻ tâm huyết, tôi truyền cho họ ngọn lửa. Với giáo viên trẻ, tôi định hướng cho họ trau dồi chuyên môn qua các chương trình bồi dưỡng giáo viên. Tôi tổ chức các câu lạc bộ toán học hay seminar về phương pháp toán sơ cấp.

Đến năm 2010, được sự ủng hộ của ĐHQG TP.HCM và giáo sư Nguyễn Văn Mậu, chúng tôi phát triển thành chương trình “Gặp gỡ toán học”. Đây là dạng “trại hè” tổ chức vào tháng 8 hằng năm, là nơi giao lưu cho các học sinh yêu toán từ mọi miền đất nước, giúp các em phát huy tinh thần học hỏi, tự nghiên cứu.

* Sau bốn năm, kết quả ra sao?

- Kết quả thấy rõ là phong trào chung đang đi lên. Học sinh bắt đầu hứng thú. Các thầy cô cũng hào hứng nghiên cứu, viết bài, đổi mới nội dung giảng dạy. Tôi chọn lọc các bài viết và đóng thành kỷ yếu. Từ mấy năm nay, kỷ yếu của chương trình “Gặp gỡ toán học” luôn nhận được sự ủng hộ hào hứng của các thầy cô giáo và các bạn học sinh chuyên toán. Đó là nỗ lực sau cả chặng đường dài...

- Nhìn lại đầu những năm 1990, phong trào chuyên toán ở miền Nam bị bỏ bê vì mọi người thấy thua thiệt về điều kiện so với miền Bắc. Nhưng đó là suy nghĩ không tích cực. Những thầy ở miền Bắc nghe tâm sự như vậy cũng nói rằng đó chỉ là cách nghĩ tiêu cực của các anh thôi. Đến bây giờ, điều chúng tôi làm được và có hiệu quả cụ thể chính là sự tự tin của mọi người.

Hai chiếc huy chương vàng của Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM trong kỳ thi toán quốc tế (IMO) 2013 là mốc son của phong trào Olympic toán ở miền Nam. Trước đó, cả miền Nam chỉ có hai huy chương vàng IMO của Lê Bá Khánh Trình năm 1979 và Lê Tự Quốc Thắng năm 1982. Điều này khích lệ cả thầy và trò.

...Đến hướng tới sự hài hòa, logic

* Ở “Gặp gỡ toán học”, cách truyền đạt cho học sinh có gì khác?

- Nội dung chính vẫn là bồi dưỡng các chuyên đề. Chúng tôi tìm cách phát huy sự chủ động của học sinh qua việc cho các em thuyết trình lẫn tham gia hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh lớp học còn có các huấn luyện viên cùng các em nghiên cứu trong những nhóm nhỏ. Cách thi cử cũng phong phú hơn với những bài thi trực tuyến, kiểm tra năng lực cá nhân, đồng đội.

Chúng tôi chú trọng việc sửa bài, cho các em quyền thắc mắc, khiếu nại rồi sau đó người thầy giải đáp chứ không phải chấm bài rồi công bố điểm là xong.

Chúng tôi cân nhắc trong việc chọn lựa chủ đề cũng như giáo viên sẽ giảng dạy. Nếu nhờ các thầy ở viện toán dạy hết, lối tiếp cận sẽ hiện đại, có lợi cho các em trong tương lai nhưng đôi khi lại thiếu gần gũi. Vì thế tôi nhờ cả những giáo viên trẻ là cựu chuyên toán. Với các em học sinh, những người này giống như đàn anh đàn chị, nắm được tâm tư nguyện vọng của các em. Tôi cũng nghĩ đến việc mở rộng ra giao lưu quốc tế.

* Người ta nói chương trình giáo khoa nặng, thiếu tính ứng dụng?

- Điều này thì rõ rồi. Tôi cũng tham gia viết sách giáo khoa, khi viết cũng cố gắng bổ sung phần ứng dụng, nhưng vì chương trình đóng khung nên không thể thay đổi nhiều. Ở nước ngoài, họ có cấu trúc rõ ràng cho từng bài giảng: từ đặt vấn đề, giải vấn đề đến phần bài tập ứng dụng, câu hỏi mở, đề án thực tiễn. Bài nào cũng có những mục như thế. Cứ bắt học trò học đủ mọi thứ mà chúng không hứng thú là điều vô nghĩa.

Tôi có học trò ở Trường Phillips Exeter Academy, Mỹ. Họ có cách dạy rất hay với những bài toán xâu chuỗi từ dễ đến khó để học sinh hiểu tường tận. Nếu có khái niệm mới, họ giải thích ngay trong bài toán. Học trò tự thâu nhận thêm kiến thức qua bài tập. Cuối mỗi bài họ có một loạt bài toán ứng dụng, lặp đi lặp lại.

Chẳng hạn khi học phương trình vi phân, có những bài toán kiểu như thế này: cho một hòn đá rơi từ trên nóc nhà và một người quan sát, hỏi khi nào người đó nhìn thấy hòn đá rơi nhanh nhất? Hay cho một bình nước đáy tam giác đổ xuống có một lỗ nhỏ (tốc độ chảy của nước nhanh dần) hỏi bao giờ bình hết nước? Còn ở ta, những kiến thức “râu ria” cũng trở thành bài giảng. Chương trình thoạt trông thì nặng, nhưng thiếu chiều sâu. Học trò học thụ động và không nhớ được lâu.

Sở dĩ sách giáo khoa khó thay đổi vì bây giờ có nhiều nhóm viết sách, ai cũng nghĩ sách của mình hay nên không muốn cắt cái gì. Đó là sức ì rất lớn. Sách giáo khoa là một mắt xích. Khi đề thi không thay đổi, sách không thay đổi, thì cách giảng dạy và chất lượng đầu ra vẫn như thế. Chưa kể với dân châu Á, mọi đánh giá đều thông qua thi cử.

* Như vậy thay đổi đề thi sẽ dễ hơn thay đổi sách giáo khoa?

- Chính xác. Nhưng sẽ tạo ra khoảng trống về giảng dạy. Hàng triệu giáo viên không biết giảng dạy thế nào. Bao giờ sự thay đổi cũng gặp lực cản của những người không muốn thay đổi. Ở nước ta, đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia tuy tốt hơn đề thi đại học nhưng cũng chưa thật sự tốt.

Đề thi ở những cấp học thấp hơn, cấp tỉnh thì rất yếu, hướng học sinh đến những kỹ năng, kỹ thuật, mánh khóe chẳng ích lợi gì cho các em sau này. Vì đề thi không xuất phát từ thực tế, từ những logic đúng hướng, logic chuẩn.

Những người nghiên cứu lý thuyết hay được hỏi cái này anh ứng dụng ở đâu. Kolmogorov, nhà toán học Liên Xô, nói rằng cái gì có tính hài hòa thì luôn có trong thực tế. Những thứ do thiên nhiên tạo ra bao giờ cũng hài hòa, logic. Vì vậy nếu anh tìm được cái gì hài hòa, logic thì cứ tin đi, nó là một phần của cuộc sống.

* Ông nhận xét thế nào về bảng xếp hạng PISA?

- Dù còn nhiều tranh cãi về tính chính xác để đánh giá nền giáo dục của một nước, tôi nghĩ cách ra đề như của PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD) đã là một điểm tích cực. Họ tạo cho học sinh có góc nhìn khác. Đổi mới cách ra đề sẽ giúp đổi mới cách giảng dạy.

Kết quả tốt của dân châu Á thể hiện rằng họ đang rất quan tâm đến bảng xếp hạng này. Và một khi quan tâm, họ sẽ luyện thi dữ dội. Chúng ta hơn Anh, Mỹ... cũng là điều bình thường. Nền giáo dục của họ có đủ tiền để phân loại học sinh. Cùng trong một lớp có thể có nhiều chương trình lựa chọn. Lớp ít học sinh họ vẫn đủ tiền nuôi giáo viên dạy. Vì thế dù kết quả PISA thế nào, những học sinh xuất sắc nhất của họ vẫn vượt trội so với mình. Đó mới là điều quan trọng.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận