TTCT - Với thời gian khám bệnh ngắn ngủi, thầy thuốc thậm chí không đủ để tư vấn về điều trị và dinh dưỡng, nên chủ đề tự theo dõi đường huyết tại nhà rất thường bị bỏ sót. Hậu quả là bệnh nhân chỉ thử đường huyết mỗi tháng một lần tại bệnh viện vào ngày tái khám, mà thầy thuốc cũng chỉ dựa vào giá trị duy nhất này để chỉnh liều thuốc hạ đường huyết! Phóng to Tự theo dõi đường huyết, công việc rất đơn giản nhưng lại quan trọng - Ảnh: Tự Trung Vậy, việc tự theo dõi đường huyết tại nhà và xử trí những tình huống thông thường liên quan đến sự dao động đường huyết quan trọng đến mức nào? Khi không có bác sĩ bên mình Ở bệnh nhân đái tháo đường, đường huyết là kết quả từ sự phối hợp của thuốc, chế độ ăn uống và vận động. Ba thành phần này có thể thay đổi do thầy thuốc hoặc do chính bệnh nhân, có thể đổi từ ngày này qua ngày khác, hoặc thay đổi một cách đột biến trên một nền tảng ổn định (chẳng hạn một bữa tiệc đột xuất hoặc một lần vận động quá mức). Thầy thuốc cần biết những dao động giá trị đường huyết tức thì này để tinh chỉnh liều thuốc, đánh giá hiệu quả điều trị cũng như tuân thủ của bệnh nhân. Bệnh nhân cũng cần phải biết đường huyết của mình biến đổi như thế nào để hành động phù hợp, chẳng hạn như không ăn một loại thức ăn ngọt nào đó sau khi phát hiện món đó gây tăng đường huyết quá mức, tự tăng giảm liều tiêm insulin, hay ăn thêm sau một vận động thể lực, vì rõ ràng không phải lúc nào cũng có bác sĩ để hỏi. Thật ra, tự xử lý những tình huống thông thường liên quan đến dao động của đường huyết là một trong những kỹ năng bắt buộc của bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, tự theo dõi đường huyết còn cho phép bệnh nhân tự chẩn đoán một biến cố cấp tính quan trọng trong bệnh đái tháo đường là hạ đường huyết (thường do quá liều thuốc hoặc bỏ bữa ăn) để kịp thời cấp cứu. Các nghiên cứu cho thấy tự theo dõi đường huyết tại nhà làm tăng khả năng đạt được mức đường huyết bình thường, qua đó làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng mãn tính đáng sợ như suy thận mãn, mù và đoạn chi, cũng như giảm được số lần nhập viện và phí tổn điều trị tương ứng. Theo dõi ra sao? Đường huyết được theo dõi tại nhà bằng một máy đo đường huyết cá nhân. Cần biết máy đang dùng đơn vị của đường huyết là mg/dl hay mmol/l để có trị số tham chiếu phù hợp. Khi bật máy lên sẽ hiển thị mã số của que thử, do đó phải dùng đúng loại que thử cho máy. Nếu không chú ý điểm này, khi hết que thử, bệnh nhân đi mượn que thử của một người khác để dùng tạm, nếu que thử không cùng mã số với máy thì kết quả có thể sai. Bệnh nhân có thể chích vào đầu ngón tay hoặc mặt ngoài cẳng tay để lấy một giọt máu nhỏ lên que thử. Ở đầu ngón tay, vị trí hai bên thường ít đau hơn ở giữa do có ít đầu tận thần kinh hơn. Mặt ngoài cánh tay tuy ít gây đau hơn đầu ngón tay nhưng kết quả có thể không chính xác trong những trường hợp nghi ngờ hạ đường huyết. Kết quả sẽ được lưu vào máy cùng với ngày giờ thử, tuy nhiên bệnh nhân nên dùng một cuốn nhật ký đường huyết để có thể so sánh với kết quả cũ và nhất là trao cho thầy thuốc khi tái khám. Đối với thầy thuốc, nhật ký đường huyết tại nhà là một công cụ quý báu giúp việc điều trị kiểm soát đường huyết. Số lần và thời điểm thử đường huyết trong ngày phụ thuộc vào bệnh nhân có tiêm insulin hay không và loại insulin. Việc thử đường huyết giúp bệnh nhân tự chỉnh liều insulin và tránh hạ đường huyết. Thường gặp nhất là insulin hỗn hợp tiêm trước ăn sáng và ăn chiều, số lần thử nên ít nhất là hai lần trước ăn sáng và ăn chiều, ngoài ra nếu cần thì thêm một lần trước khi đi ngủ để phòng ngừa hạ đường huyết trong đêm. Nếu dùng loại insulin tác dụng chậm tiêm một lần duy nhất trước khi đi ngủ, nên thử đường huyết một lần trước ăn sáng. Nếu bệnh nhân đang dùng chế độ insulin tích cực, gồm ba mũi insulin nhanh và một mũi chậm, thì nên thử đường huyết ít nhất bốn lần: trước ba bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Việc thử đường huyết chủ yếu giúp thầy thuốc chỉnh liều thuốc, do đó số lần thử và thời điểm thử thường do thầy thuốc chỉ định, có thể nhiều lần lúc khởi trị nhằm tìm ra liều thuốc thích hợp, sau đó giảm số lần thử khi bệnh nhân đã đi vào ổn định. Số lần thử thay đổi khi có thay đổi trong điều trị (thuốc, dinh dưỡng, vận động), có thai, hoặc có biến cố nào đó xảy ra như mắc một bệnh cấp tính khác. Bệnh nhân cũng có thể thử vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu nghi ngờ tăng hoặc hạ đường huyết... Về giá trị tham chiếu, Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo đường huyết lúc đói là 70-130 mg/dl (3,9-7,2 mmol/l). Đường huyết hai giờ sau ăn mục tiêu là dưới 180 mg/dl (10 mmol/l). Tuy nhiên, ở một số cơ địa đặc biệt như lớn tuổi, bệnh lý đi kèm, tri giác kém, giá trị đường huyết khuyến cáo có thể thay đổi và sẽ được thầy thuốc cho biết trong từng trường hợp cụ thể. Tags: Lá thư bác sĩThSBS NGUYỄN THÀNH TÂMĐường huyếtTự theo dõi bệnh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.