TTCT - Đại dịch COVID-19 đang khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng chưa từng có. Cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đang cần thêm những hỗ trợ mới để có thể vượt qua giai đoạn đầy thách thức phía trước. Người lao động làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ảnh: Phan Anh Đương đầu với khó khăn vì công việc và thu nhập bất ngờ giảm sút vì đại dịch, gia đình chị Mận - anh Kiên ở Hà Nội đã phải xoay xở vất vả thời gian qua. Trước đại dịch, chị Mận là hướng dẫn viên du lịch, còn chồng là tài xế taxi. Họ đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Chị Mận bị nghỉ việc tạm thời, còn chồng phải giảm thời gian làm việc xuống còn 15 ngày/tháng. Chị Mận đã nghĩ ra nhiều cách làm thêm như dạy học, bán chè. Cả hai vợ chồng về quê thu gom gà, trứng gà, vịt về cung cấp cho khách trên Hà Nội. Với những lao động làm việc trong lĩnh vực phi chính thức như bán vé số, lao động tự do, tình cảnh càng bi đát hơn. Đơn cử như lĩnh vực xây dựng, một lượng lớn công trình bị đình trệ ở thị trường bất động sản lớn nhất nước là TP.HCM đã buộc nhiều công nhân xây dựng phải về quê vì không thể tiếp tục bám trụ với chi phí cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, tính đến tháng 6-2020 đã có 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Đáng lo ngại, cả nước hiện có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Nếu không có những biện pháp quyết liệt hơn để khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ có thêm 5 triệu người nữa thất nghiệp. Và không chỉ doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng, như công ty lâu đời Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM), nơi có trên 62.000 lao động phải cho gần 2.800 lao động nghỉ việc hồi tháng 6 vừa qua vì đơn hàng liên tục sụt giảm, nhiều hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ cũng lâm vào khó khăn trầm trọng. Trên địa bàn TP.HCM có hơn 18.000 hộ kinh doanh gia đình phải đóng cửa trong 5 tháng đầu năm. Tương lai của thị trường việc làm trong phần còn lại của năm là khá u ám. VietnamWorks - công ty cung cấp các dịch vụ việc làm trực tuyến - cho biết có tới 70% người được khảo sát nói rằng thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có tới 39,6% người lao động mất việc và chỉ 1,1% trong số họ trở lại làm việc toàn thời gian sau giai đoạn cách ly xã hội. “Với một lượng lớn người tìm việc đổ vào thị trường trong khi nhu cầu thuê mướn sụt giảm, thị trường lao động đang cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết” - VietnamWorks nhận định. Các chỉ số tổng quát của nền kinh tế Việt Nam không quá xấu, dù chưa thể kết luận là giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 51,1 trong tháng 6, cải thiện mạnh so với 42,7 trong tháng 5. Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt ngưỡng 50 trong 5 tháng qua và là dấu hiệu tích cực cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trên đà phục hồi. Ngay cả trong đại dịch, có thể thấy rằng dòng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp sản xuất nói chung vẫn tăng mạnh, giúp cho một số ngành sinh hóa học, dệt may, gỗ nội thất… có sự ổn định, thậm chí một số ngành còn tăng trưởng nhẹ. Dù vậy, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước. Đó là do nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, châu Âu) vẫn còn đóng biên, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa khó lòng phục hồi một sớm một chiều khi người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu. “Mặc dù hơn 60% lực lượng lao động vẫn còn làm việc, một nửa trong số họ đã giảm lương. Kết hợp với nhu cầu tiêu dùng thấp gây ra bởi thu nhập thấp vì nhiều người đang mất việc, điều này khiến các công ty gặp nhiều khó khăn hơn” - VietnamWorks nhận định. Thời điểm các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường như trước do đó vẫn còn là ẩn số. Khảo sát của VietnamWorks cho thấy hầu hết các công ty cho biết không thể xác định thời gian hoặc khá bi quan khi cho rằng cần ít nhất 3 tháng trở lên. Thậm chí hơn 18% các công ty nói sẽ mất hơn 6 tháng để hồi phục hoạt động bình thường. Hỗ trợ trực tiếp cho người lao động là cần thiết, nhưng về lâu dài phải là sự tiếp sức thật sự cho các doanh nghiệp, vì đó chính là nơi tạo ra công ăn việc làm. Chính phủ cho biết đang xây dựng kế hoạch kích thích kinh tế dài hơn. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho hai năm 2020-2021 sẽ trên 10%, bội chi ngân sách, nợ công so với GDP dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 3-4% để có thêm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ tài chính sẽ là không đủ, quan trọng không kém là chính sách, tạo môi trường bình đẳng hơn trong kinh doanh, miễn giảm và nới lỏng thuế, cũng như thúc đẩy phát triển hạ tầng. ■ Tags: Khó khănLao độngThất nghiệpCOVID-19Mất việc
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra phòng chống lụt bão tại Tuyên Quang THÀNH CHUNG 12/09/2024 Chiều 12-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân, các lực lượng khắc phục hậu quả lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang.
Thủ tướng tới Làng Nủ - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương NGỌC AN 12/09/2024 Thủ tướng đã vào tới thôn Làng Nủ (Lào Cai) - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương khiến gần 100 người tử vong và mất tích.
Một quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 HÀ THANH 12/09/2024 Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Lào Cai tìm thấy 70 người dân nghi mất tích do sạt lở đất THÀNH CHUNG 12/09/2024 17 hộ dân tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với hơn 70 nhân khẩu đã được chính quyền địa phương tìm thấy khi đang dựng lán trại trên đồi để ở, tránh lũ lụt và sạt lở đất.