Tương lai bất định của FDI

TRUNG TRẦN 20/12/2022 09:53 GMT+7

TTCT - Với một cơ cấu xuất khẩu và FDI chưa đủ đa dạng, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023.

Tương lai bất định của FDI - Ảnh 1.

Ảnh: Harvard Business Review

Với các công ty đứng cuối trong chuỗi cung ứng cho hệ sinh thái FDI, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm tới - năm tài chính 2023 (thông thường từ tháng 4-2023 đến tháng 4-2024), như cách nói vui của các trưởng phòng phát triển kinh doanh, chẳng khác gì… bốc thuốc. 

Tức là họ sẽ lấy đại những con số năm 2022 nhân với một hệ số kỳ vọng của năm sau, 1,05 chẳng hạn, để đưa vào báo cáo. 

Hệ số kỳ vọng này thường có được thông qua các cuộc khảo sát và thảo luận với khách hàng cho câu hỏi "Khả năng tăng trưởng năm sau như thế nào?". Riêng với năm nay, hầu hết câu trả lời nhận được là "Không biết!".

Cơ cấu xuất khẩu và FDI

Trong báo cáo thường niên của mình, Ngân hàng HSBC đưa ra nhận định không mấy lạc quan về khả năng xảy ra một trạng thái "ngủ đông" trong năm 2023 với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam mà chủ yếu do các yếu tố vĩ mô bất định của thị trường thế giới. 

Tổng nhu cầu tiêu dùng giảm sút do tác động của lạm phát và hệ luy tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ukraine.

Xuất khẩu FDI của Việt Nam năm 2022 ước tính rơi vào khoảng 250 tỉ USD, chiếm đến hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 250 tỉ này, Samsung đóng góp khoảng 30%. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may và giày dép xấp xỉ bằng Samsung. Intel Việt Nam (với số lượng công nhân khoảng 3.000 người) đóng góp 7% nữa, tương đương với toàn ngành gỗ - nơi có số nhân công vào khoảng 400.000 người. 

Con số này chỉ ra giá trị lao động, hay năng suất, của một nhân công làm cho Intel gấp khoảng 130 lần một công nhân công ngành gỗ.

Có thể hiểu đơn giản cơ cấu xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam = dệt may và da giày + gỗ + Samsung + Intel + khác. Nhìn vào phương trình này, có thể thấy được tính bất định của năm 2023, khi mà thị trường dệt may, giày da và gỗ chủ yếu là châu Âu và Mỹ. 

Hai thị trường này đang chưa có dấu hiệu thoát khỏi suy thoái và tốc độ tăng trưởng dự tính của họ theo báo cáo triển vọng thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) vào khoảng 1,8 - 2%, thấp hơn mức trung bình của thế giới (3%) và chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng của chính họ năm 2021.

Dự báo này khả tín do trên thực tế xuất khẩu may mặc, giày da và đồ gỗ của Việt Nam quý 3 và 4-2022 đều sụt giảm nghiêm trọng, nhiều nhà máy đã phải cho công nhân nghỉ việc sớm với số lượng lớn. 

Trụ đỡ của xuất khẩu năm 2022 là nông thủy sản cũng có nguy cơ đứt đơn hàng trong bối cảnh khắp nơi lạm phát, chính phủ nào cũng thắt chặt chính sách tiền tệ, do đó chi tiêu của dân chúng cũng giảm.

Trong bối cảnh đó, động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 nằm ở phục hồi du lịch - ngành đem lại trên 30 tỉ USD, và đầu tư công (mà năm 2022 đã là một nỗi thất vọng). 

Một triển vọng nữa, tuy rất bấp bênh, là lộ trình mở cửa hậu COVID-19 của Trung Quốc. Sau những sức ép từ bên trong, có vẻ các chính sách nới lỏng sẽ được chính quyền nước này áp dụng nhanh hơn dự kiến.

Trung Quốc mở cửa càng sớm bao nhiêu thì các nước lân cận, gồm Việt Nam, càng dễ thở bấy nhiêu. 

Năm 2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam Trung Quốc xấp xỉ năm 2021 - vào khoảng 60 tỉ USD, trong khi nhập siêu tăng lên 10 tỉ USD, đồng nghĩa khi Việt Nam mở cửa và Trung Quốc đóng cửa thì Việt Nam sẽ mua nhiều từ Trung Quốc hơn và bán sang được ít hơn. 

Năm sau nếu Trung Quốc mở cửa, chắc chắn Việt Nam sẽ xuất hàng được nhiều hơn. Vấn đề ở chỗ sớm là bao giờ?

Sự bi quan cần thiết

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, có thể đưa ra một dự báo gần với thực tế: Năm 2023 sẽ bắt đầu với những khó khăn vắt qua từ cuối năm 2022. 

Khả năng phục hồi, nếu lạc quan, chỉ có thể xuất hiện vào cuối quý 1; còn nếu bi quan, có thể phải nằm đâu đó ở quý 2. 

Ở đây chỉ xét đến các ngành liên thông trực tiếp đến thị trường thế giới, còn nhu cầu nội địa, từ giải ngân đầu tư công đến giải cứu thị trường bất động sản, khả năng phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc vào các cơ quan chính sách và ra quyết định trong nước.

Các thông tin lạc quan về tình hình đầu tư FDI vẫn đang được truyền thông đưa thường xuyên. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách lãnh thổ đầu tư thì có thể thấy các nhà đầu tư chủ yếu đến từ các bạn hàng truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc) và chỉ tập trung vào các lĩnh vực cũng truyền thống (như công nghiệp chế biến, chế tạo). Không có một cái tên nào thực sự là đại bàng và có hàm lượng giá trị cao.

Cái gọi là làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN, bao gồm Việt Nam, chưa tạo ra những tác động lớn thực sự. Có thể giới làm ăn cũng đang phải cân nhắc vì quá nhiều biến bất định và trì hoãn vì tình hình suy thoái chung của thế giới. 

Việt Nam do đó cần cách nhìn thực tế hơn. Tính bất định và khó dự báo của nền kinh tế toàn cầu năm 2023 khiến khả năng một phần nền kinh tế tiếp tục "ngủ đông", như báo cáo của HSBC, có thể là một dự báo bi quan nhưng là sự bi quan rất cần thiết, nhất là với những người làm chính sách. ■

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2023 sẽ là Ấn Độ (6,1%), trong khi tỉ lệ tăng trưởng trung bình của năm nước ASEAN gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines là khoảng 5%.

Trung Quốc chỉ là 4,4%. Nghịch lý là thành tích phòng chống COVID-19 không có ý nghĩa mấy trong vai trò động lực tăng trưởng kinh tế, khi Ấn Độ chỉ xếp thứ 44 về khả năng chống chọi với COVID-19, thấp hơn nhiều so với Việt Nam (thứ 18), theo dữ liệu của Bloomberg.

Gia tăng nhu cầu nội địa mới đóng vai trò then chốt với tăng trưởng. Trong khi đó, con số dự tính của Chính phủ Việt Nam đưa ra cho năm 2023 là 6,5%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận