Chi phí tổ chức đại hội đảng Mỹ:Những xáo trộn tốn kém

TỊNH ANH 28/09/2020 21:09 GMT+7

Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa (RNC) và cả Đảng Dân chủ (DNC) của Mỹ năm nay đều gặp nhiều xáo trộn về khâu tổ chức, khiến những khoản tiền tài trợ tranh cử bỗng dưng bị tiêu phí; còn tiền thuế của dân, lẽ ra không được đụng đến theo luật định, cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Đương kim Tổng thống Donald Trump đọc diễn từ tiếp nhận đề cử, chính thức trở thành ứng cử viên đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống 2020 trước một đám đông, đa số không đeo khẩu trang, tại sân Nhà Trắng vào tối 27-8, đêm cuối cùng của RNC. Trước đó một tuần, ứng viên chính thức của Đảng Dân chủ Joe Biden đọc bài phát biểu trong một căn phòng im ắng ở quê nhà (thành phố Wilmington, bang Delaware), trước vài phóng viên và máy quay phát trực tuyến sự kiện, thay vì đứng trên sân khấu lớn.

Cả ông Trump lẫn ông Biden trước đó đều không ngờ họ sẽ đọc diễn văn nhận đề cử trong tình cảnh đó. Có tới 4 thành phố ở các tiểu bang khác nhau phải than trời vì đã tích cực kêu gọi tài trợ, khẩn trương chi tiền cho công tác chuẩn bị, nhưng cuối cùng mọi kế hoạch đổ bể vì virus corona.

Thu chi thế nào?

Theo trang web của Ủy ban Bầu cử liên bang Mỹ (fec.gov), từ năm 1976 đến 2012, các đại hội nhằm đề cử ứng viên tổng thống của các đảng lớn ở Mỹ sử dụng công quỹ. Tuy nhiên, đến năm 2014, một đạo luật mới được áp dụng, chấm dứt việc dùng ngân sách công để tổ chức các đại hội, thay vào đó cho phép ủy ban toàn quốc (national party committee) của mỗi đảng lập tài khoản riêng, nhằm chi trả cho các chi phí phát sinh liên quan đến việc tổ chức. Đại hội toàn quốc của hai đảng chính ở Mỹ ngày nay tổ chức nhờ tiền đóng góp gửi về tài khoản của ủy ban toàn quốc của hai đảng đó.

Vợ chồng ứng viên Joe Biden vẫy tay với người hâm mộ tại ngày thứ 4 của Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ trực tuyến. Ảnh: AP

Ngoài ra, các cơ quan chính phủ và công ty công có thể sử dụng nguồn thu từ thuế hoặc quỹ do tư nhân huy động để cung cấp cơ sở vật chất và dịch vụ cho hội nghị. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể giảm giá hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến hội nghị. Cuối cùng, các ứng cử viên và đại biểu cá nhân cũng có thể gây quỹ và chi tiêu cho việc đi lại của họ và các chi phí khác liên quan đến đại hội.

Theo trang opensecrets.org của Center for Responsive Politics, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu vận động hành lang bầu cử Mỹ, luật được áp dụng từ năm 2014 cho phép các nhà tài trợ đóng góp số tiền lên đến 6 con số. Cách làm này bị chỉ trích vì cho phép người giàu tăng ảnh hưởng lên các đảng và ít minh bạch về việc chi tiêu số tiền vận động được.

Tính đến hết tháng 8, chiến dịch tranh cử của ông Biden thu hút được 466 triệu USD tiền mặt, trong khi phía ông Trump có 326 triệu USD, theo NPR. Riêng tại đại hội toàn quốc, ông Trump gây quỹ được 76 triệu USD, so với 70 triệu của ông Biden.

Hai thành phố khổ vì RNC

Tháng 7-2018, thành phố Charlotte (bang North Carolina) được trao quyền đăng cai RNC, nhưng đến tháng 6-2020, Tổng thống Trump quyết định chuyển địa điểm sang thành phố Jacksonville (bang Florida). Nhưng chỉ vài tuần sau, khi Jacksonville đang khẩn trương chuẩn bị (điều lẽ ra phải mất cả năm), ông Trump ngày 23-7 tuyên bố hủy kế hoạch, chuyển sang đại hội ảo (trực tuyến) vì e ngại bùng phát dịch COVID-19 trong mùa hè.

Đau cho Charlotte là họ mất quyền đăng cai vì thống đốc bang North Carolina, ông Roy Cooper (phe Dân chủ), không đồng ý yêu cầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và quy định đeo khẩu trang trong thời gian diễn ra đại hội của ông Trump, nhưng rồi chính tổng thống lại hủy việc tổ chức ở thành phố thay thế vì sợ virus corona.

Charlotte đã chi khoảng 14 triệu USD cho công tác chuẩn bị, chủ yếu là để trả phí bảo hiểm, an ninh và các chi phí khác, để rồi kế hoạch bị hủy. Đó là tiền ứng trước và sẽ được hoàn trả thông qua một khoản trợ cấp liên bang từ Bộ Tư pháp, theo báo New York Times.

Thành phố “lựa chọn thứ 2” cũng ngậm quả đắng. Sau khi biết mình sẽ làm chủ nhà RNC, JEA - công ty công ích thuộc sở hữu của thành phố Jacksonville - đã khẩn trương triển khai các kế hoạch kiểm tra, tu sửa, bảo trì hệ thống điện, nước, cống rãnh, còn Văn phòng cảnh sát trưởng cũng cấp tốc chuẩn bị các giải pháp an ninh.

Trước câu hỏi các chi phí đã giải ngân có được hoàn lại thông qua trợ cấp liên bang, thị trưởng Lenny Curry đã phát thông cáo nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị cho đại hội cũng như khi có các tình huống khẩn cấp hay sự kiện đặc biệt, “thành phố phải chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho công dân”. Ông Curry cũng nhiều lần nhấn mạnh Jacksonville sẽ không phải gánh chi phí nào cả và không đụng đến tiền thuế của dân, vì đã có một ủy ban tư nhân, “một đơn vị phi lợi nhuận, phi chính trị kêu gọi tài trợ từ khối tư nhân để có tiền lo việc tổ chức”.

Tuy nhiên, một thành viên hội đồng thành phố đã yêu cầu kiểm toán chuyện thu chi trong công tác chuẩn bị RNC, kết quả là phát hiện ra khoản tiền 154.000 USD vượt mức chi ngân sách cho các hoạt động mỗi ngày. Theo báo Florida Times-Union, dù thị trưởng luôn nói không xài tiền thuế của dân, ông chưa bao giờ công bố chi tiết số tiền mà ủy ban lo chuyện tổ chức kêu gọi được. Florida Times-Union vì thế cho rằng nhiều khả năng số quỹ gây được không đủ, và Jacksonville thậm chí sẽ không nhận được trợ cấp liên bang, vì thế cuối cùng sẽ tốn tiền thuế của dân.

Tiền đã chi nhưng chẳng được gì

Đại hội của phía Dân chủ cũng trải qua tình cảnh tương tự. Kế hoạch ban đầu là tổ chức tại Milwaukee (Wisconsin), sau đó lại chuyển thành đại hội trực tuyến. Song không như ông Trump chỉ việc tiến hành ở Nhà Trắng, ứng viên Biden vẫn cần địa điểm để quay và phát trực tiếp cảnh đọc diễn từ, cụ thể là một trung tâm hội nghị ở thành phố Wilmington (North Carolina).

Wilmington thay Milwaukee làm “chủ nhà” DNC với giá khá chát. Thành phố phải chi 119.000 USD trả tiền làm ngoài giờ cho cảnh sát, một khoản chi ngoài kế hoạch trong bối cảnh thu ngân sách năm nay dự kiến giảm 13 triệu USD.

Thị trưởng Wilmington Mike Purzycki khi trao đổi với báo giới đã thừa nhận ngân sách thành phố đang phải chi trả cho “chi phí ngoài dự kiến”, song lại nói thêm rằng chuyện này chẳng đáng gì nếu sau cùng ông Biden sẽ thành tổng thống. “Mọi bất tiện đều đáng giá nếu nó giúp Joe thành tổng thống và giúp đất nước này đổi hướng - Purzycki nói - Đó là cái giá quá rẻ”.

Milwaukee, thành phố bị vụt mất cơ hội tổ chức DNC, cũng chới với khi đã chi hơn 20 triệu USD cho việc chuẩn bị, với các công chức dành tổng cộng hàng ngàn giờ làm việc toàn tâm toàn ý cho công tác chuẩn bị đại hội. Thị trưởng Tom Barrett cho biết số tiền này sẽ được hoàn lại thông qua trợ cấp liên bang.

Ngoài việc khó ăn nói với các nhà tài trợ vì tiền đã nhận, đã chi nhưng đại hội không diễn ra, các thành phố liên quan cũng bị tước mất các cơ hội kinh doanh và nguồn thu từ việc đón, lo nơi ăn chốn ở cho hàng chục ngàn đại biểu, báo chí, người tham dự…

Cả Milwaukee và Jacksonville đều từng dự kiến nguồn lợi kinh tế từ việc đăng cai đại hội toàn quốc có thể lên đến 200 triệu USD, nhưng mọi mong đợi đã tan theo mây khói.■

Cũng theo Ủy ban Bầu cử liên bang, tuy chi phí tổ chức đại hội toàn quốc không còn được dùng ngân sách công từ năm 2014, Mỹ vẫn giữ chương trình sử dụng công quỹ cho bầu cử tổng thống. Theo đó, các ứng viên hợp lệ sẽ nhận tiền từ chính phủ liên bang để chi trả cho các chi phí phù hợp với luật định trong cả bầu cử sơ bộ lẫn tổng tuyển cử.

Tháng 4-2017, Washington Post cho biết tổng chi phí cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội 2016 ở Mỹ, một cuộc đua chính trị dài 596 ngày, là 6,5 tỉ USD, trong đó cuộc đua giành ghế tổng thống tốn 2,4 tỉ USD. Con số này bao gồm chi tiêu của các chiến dịch (ứng viên thất bại Hillary Clinton chi 768 triệu USD so với 398 triệu của ông Trump), các ủy ban đảng và nhiều nguồn khác.

Dùng tiền vào việc gì?

Theo trang Charlotte Observer, quyết định dời địa điểm tổ chức RNC sang Jacksonville đã khiến ủy ban lo việc tổ chức đại hội ở Charlotte nợ hàng chục triệu đôla theo hợp đồng đã ký với các nhà thầu.

Ủy ban này có nhiệm vụ tìm địa điểm và nhà cung cấp cho buổi tiệc đón các đại biểu và 1.200 sự kiện riêng biệt có liên quan. Ủy ban đã tuyển 12.000 tình nguyện viên khắp nước và dự kiến kêu gọi 70 triệu USD tài trợ để trang trải chi phí. “Chúng tôi đã công khai trước đó là đã kêu gọi được hơn 50 triệu USD, phần lớn là cam kết nên không có đủ tiền mặt để trả các khoản thanh toán tới hạn” - người đứng đầu ủy ban tổ chức John Lassiter nói.

Các khoản phải trả gồm tiền thuê trung tâm Spectrum với giá 5,5 triệu USD, trả cho nhà thầu tân trang (nâng sàn, dựng sân khấu) trung tâm, thuê căn hộ… Các tập đoàn lớn ở Charlotte cũng chi tiền tài trợ cho việc tổ chức đại hội. Người phát ngôn của Công ty Duke Energy, một trong các nhà tài trợ địa phương, cho biết không có kế hoạch đòi lại tiền khi đại hội không diễn ra ở Charlotte như dự tính.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận