Con đường xoắn ốc “bộ chủ quản”!

SỸ PHU 08/06/2016 17:06 GMT+7

TTCT - Chuyện bỏ bộ chủ quản hay nói cho chính xác, tách chức năng làm đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước của các bộ để khỏi ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước là câu chuyện đã lâu rồi. Thế tại sao giờ này nó lại được xới lên và có những chọn lựa nào mới để giải quyết?

Minh họa
Minh họa

Ngay từ cuối thập niên 1990, đã có nhiều ý kiến cho rằng các bộ, địa phương có trong tay nhiều doanh nghiệp nhà nước, dù muốn dù không cũng sẽ ưu ái các doanh nghiệp này bằng chính sách hay các hình thức khác và vô hình trung sẽ có những quyết định o ép các doanh nghiệp khác khi bộ hay địa phương thực thi vai trò quản lý nhà nước của mình.

Phương án lý tưởng

Từ đó có nhiều kêu gọi, nói theo kiểu giật gân hồi đó là xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản để chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Dư luận nói chung đồng tình và lãnh đạo nhà nước cũng thấy cần thiết phải làm được điều đó. Nhưng mọi nỗ lực sau đó đi theo hướng đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, xem đó như một giải pháp căn cơ cho việc xóa cơ chế bộ chủ quản.

Điều mà mãi sau này nhiều người mới nhận ra, cho dù doanh nghiệp được cổ phần hóa, Nhà nước vẫn còn giữ lượng cổ phần chi phối. Vì vậy vấn đề chủ quản đã thay đổi về bản chất, được đẩy lên một mức cao hơn, khó giải quyết hơn. Đó là ai sẽ làm đại diện phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp như thế.

Nói cách khác, khi Luật doanh nghiệp nhà nước chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 1-7-2010, các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp thì vấn đề bộ chủ quản đã được giải quyết. Bộ không còn can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc mình nữa, mà sự can thiệp đó phải thông qua người đại diện phần vốn của Nhà nước.

Nói một cách lý tưởng, mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân riêng lẻ, chúng không thể nhận lệnh trực tiếp từ ông chủ tịch tỉnh hay ông bộ trưởng. Người duy nhất có thể ra lệnh cho chúng là chủ sở hữu.

Chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước đương nhiên là Nhà nước, nhưng luật pháp không chấp nhận một chủ sở hữu chung chung như thế nên có quy định tùy theo từng trường hợp cụ thể, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước có thể là Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành.

Vấn đề ở chỗ mỗi khi ông bộ trưởng, được cử làm chủ sở hữu tại một doanh nghiệp nhà nước, ra lệnh cho doanh nghiệp thực hiện một chiến lược nào đó, ông sẽ thực hiện điều này trong tư cách là người được Nhà nước cử làm chủ sở hữu doanh nghiệp đó chứ không phải trong tư cách là bộ trưởng và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nhà nước đã được chia bao nhiêu?

Theo Tổng cục thuế, tổng số thu từ lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước năm 2015 là hơn 61.000 tỉ đồng. Số thu năm 2016 Quốc hội giao là 55.000 tỉ đồng.

Trao đổi với TTCT, lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết BIDV sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt cho ngân sách khi Bộ Tài chính không cho ngân hàng để lại. Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại hai ngân hàng BIDV và Vietinbank biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và trả cho ngân sách. Với phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95% , tổng số tiền mà hai ngân hàng này phải trả cho ngân sách là gần 5.000 tỉ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra cuối tháng 4 vừa rồi, lãnh đạo ngân hàng Vietinbank đã đề nghị cổ đông chấp thuận việc không chia cổ tức năm 2015 với hơn 3.660 tỉ đồng. Giải thích với các cổ đông về lý do không chia cổ tức năm 2015 với tỉ lệ đặt ra 10% như ban đầu, ông Lê Đức Thọ - tổng giám đốc Vietinbank - cho biết là nhằm bổ sung vốn tự có nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng. Còn BIDV, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, ngân hàng cũng thông qua phương án không trả cổ tức bằng tiền mặt.

Lê Thanh

Thực tế đau đầu

Đó là nói chuyện lý tưởng, còn trong thực tế, trong giai đoạn trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cái áy náy của việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” không còn bị tô đậm nữa, vì lúc đó người ta xem các doanh nghiệp nhà nước là nắm đấm để triển khai các chiến lược phát triển, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào sau WTO.

Lúc đó, chuyện “bộ chủ quản” được giải quyết bằng cách sắp xếp nhiều doanh nghiệp lại thành các tổng công ty, rồi tập đoàn kinh tế nhà nước. Một mặt số lượng doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các bộ nhờ vậy giảm mạnh; một số khác chuyển lên trực thuộc dưới quyền điều hành của Thủ tướng Chính phủ luôn.

Câu chuyện “bể bạc” các tập đoàn, tổng công ty kiểu Vinashin, Vinalines như thế nào mọi người đã biết. Chúng đã không làm được vai trò nắm đấm mà còn gây ra biết bao thiệt hại, trong đó có chuyện nợ xấu cho ngân hàng kéo dài tận bây giờ. Và chắc mọi người còn nhớ các quyết định điều chuyển một số tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ như thế nào. Vậy là vấn đề bộ chủ quản một lần nữa nổi lên, cần giải quyết.

Đó là lý do Bộ Kế hoạch - đầu tư được giao nhiệm vụ tìm hiểu khả năng thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, đồng nghĩa với việc xóa bỏ chức năng này của các bộ.

Thật ra Việt Nam đang có một tổ chức như thế với tên gọi chính thức là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), được thành lập từ năm 2005. Tính đến cuối năm ngoái, SCIC quản lý 230 khoản vốn nhà nước với tổng giá trị sổ sách là 17.000 tỉ đồng, giá trị thị trường lên đến 78.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên do tổ chức dưới dạng một doanh nghiệp, nên “chủ quản” SCIC không tạo ra những lợi thế cho các công ty như họ hưởng được khi còn dưới sự chủ quản của bộ. Ở hướng ngược lại, dù đại diện phần vốn nhà nước nhưng SCIC trong nhiều trường hợp không tạo được ảnh hưởng tương xứng với tỉ lệ vốn góp ở doanh nghiệp do tầm nhìn và cách hiểu lợi ích chưa tương đồng với các cổ đông khác.

Nay Nhà nước muốn tìm một mô hình khác thì có những chọn lựa nào để cân nhắc?

Cách dễ nhất là cải tổ SCIC, trao thêm quyền hạn chủ động, nhất là trong chế độ lương bổng, để thu hút người tài về điều hành.

Cách phức tạp nhất là tổ chức một cơ quan ngang bộ dạng một ủy ban, để thu gom mọi quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về đây.

Nhưng cách hay nhất vẫn là đi theo con đường tự nhiên: doanh nghiệp nào đã cổ phần hóa mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần thì cứ thoái vốn, bán cho thị trường. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, nhu cầu bán vốn nhà nước càng lớn. Lúc đó khỏi lo ai làm đại diện nữa. Cứ để như hiện nay thì không có cơ quan nào, ủy ban nào đủ sức quản số tài sản mà theo Bộ Kế hoạch - đầu tư lên đến 5 triệu tỉ đồng!

Những doanh nghiệp nào Nhà nước không thể buông (mà cố gắng hạn chế càng ít càng tốt) thì cứ để chúng hoạt động bình thường theo Luật doanh nghiệp, với những quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng.

Người chủ vẫn là Nhà nước và Nhà nước muốn giao cho ai làm đại diện thì tùy (SCIC cải tổ sẽ chịu trách nhiệm cho đa số cổ phần). Còn lại, với những doanh nghiệp loại đặc biệt, trách nhiệm thực hiện các chính sách Nhà nước muốn triển khai là lớn hơn rất nhiều so với trách nhiệm kinh doanh thuần túy. Lúc đó tùy theo loại hình, ví dụ các doanh nghiệp công ích, cứ giao cho nơi nào có chuyên môn cao nhất để đạt hiệu quả quản lý cao nhất.

Vấn đề còn lại nằm ở chỗ: có địa chỉ để chịu trách nhiệm rõ ràng cho mọi quyết định kinh doanh, tránh tình trạng cố ý làm sai mà không ai chịu trách nhiệm sau cùng như từng xảy ra tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.■

Nhà nước còn nắm vốn chi phối nhiều quá!

Năm tháng đầu năm nay, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng, Cục Tài chính doanh nghiệp- Bộ Tài chính, cho biết đã có 37 doanh nghiệp (DN) được phê duyệt phương án CPH. Ở các doanh nghiệp CPH không thuộc diện nhà nước cần chi phối, tỉ lệ  nắm giữ cổ phần chi phối của nhà nước trên 51% vốn điều lệ vẫn còn rất cao.

Cụ thể, sau khi CPH lần đầu, số DN nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 196 DN, chiếm 60% số DN đã bán cổ phần. Đặc biệt, có tới 55 DN (chiếm 17% số DN đã bán cổ phần) có số vốn nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ như Petrolimex, BIDV...

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng hiện nay nhà nước vẫn còn nắm giữ cổ phần ở cả lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là điều không hiểu nổi.

Chia sẻ điều này, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, nguyên nhân chính khiến công tác CPH chưa hiệu quả là do tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở DN quá lớn. DN mà có số vốn nhà nước chiếm tới trên 90% vốn điều lệ thì CPH chỉ là hình thức, làm cho có chứ không thể thay đổi được quản trị gì cho DN. Do đó, muốn DN CPH hoạt động hiệu quả thực sự, nhà nước phải giảm mạnh, thậm chí bán hết cổ phần nhà nước tại DN đối với các lĩnh vực mà tư nhân làm tốt.

Lê Thanh 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận