Công cụ hữu hiệu cho các dự án xã hội

VŨ THÁI HÀ 05/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) đã được sử dụng để huy động nguồn lực cho các dự án, công trình và hoạt động xã hội từ rất sớm.

Một dự án đang gây quỹ của Việt Charity. Ảnh chụp màn hình
Một dự án đang gây quỹ của Việt Charity. Ảnh chụp màn hình

Người ta vẫn hay nhắc lại một ví dụ có tính biểu tượng: phần bệ của tượng Nữ thần Tự do ở New York đã được xây dựng từ nguồn tài chính gọi vốn cộng đồng vào năm 1885. Điểm khác biệt là ngày nay crowdfunding thuận tiện và dễ dàng hơn nhờ công nghệ.

Ưu thế của một mô hình

Từ một góc nhìn khác, ngoài việc tìm được nguồn tài chính, crowdfunding còn cho phép một dự án cụ thể xây dựng được một cộng đồng những người ủng hộ, là những người có sẵn nhiệt tâm và năng lực, có thể tham gia xây dựng, truyền thông và thúc đẩy dự án, từ đó tạo ra được một hiệu ứng xã hội thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu.

Các loại dự án và hoạt động xã hội tìm nguồn tài chính từ crowdfunding có thể bao gồm: các sự kiện và hoạt động với mục đích khuyến đọc, khuyến học... trong một cộng đồng nhỏ, tổ chức một lần hay định kỳ; xây mới, chỉnh trang hay khôi phục cơ sở hạ tầng; cung cấp phương tiện hỗ trợ đi lại/công cụ lao động cho cá nhân gặp khó khăn; cải thiện môi trường sống của một cộng đồng nhỏ, như đào giếng; hỗ trợ học phí và điều kiện học tập cho trẻ em và các cá nhân khó khăn.

Crowdfunding đặc biệt phù hợp với các hoạt động có tính dự án cao, theo đó các dự án đã xác định được khoản tài chính mà nó cần huy động và quan trọng hơn cả là chỉ ra được rằng khoản tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào để tạo ra kết quả cuối cùng là gì. Các đặc điểm này của dự án giúp người ủng hộ đánh giá được ý nghĩa và mức độ cấp thiết của dự án, giúp họ ra quyết định tham gia ủng hộ dễ dàng hơn.

Các dự án và hoạt động xã hội, kể cả các dự án có kinh doanh, cũng không đặt mục tiêu lợi nhuận là mục tiêu lớn nhất. Những người ủng hộ các dự án xã hội cũng không đặt mối quan tâm của mình vào lợi nhuận hay các hình thức thu lợi tương đương khác. Các nghiên cứu chính thức cho biết rằng những người tham gia tài trợ qua hình thức crowdfunding có khuynh hướng tập trung chú ý vào ý tưởng và tác động xã hội của dự án.

Tiến trình huy động vốn cũng là một yếu tố đáng kể, cần được hoạch định và quản lý tốt. Nếu tổng khoản tiền cần huy động là mục tiêu chính của crowdfunding thì thời gian huy động chính là mục tiêu phụ liền kề. Trên thực tế, các dự án xã hội luôn có một thời hạn triển khai cụ thể để đạt được tác động xã hội cao nhất, cho nên thời gian huy động đủ nguồn lực tài chính là cực kỳ quan trọng.

Các nền tảng crowdfunding cho phép công bố danh sách những người đã tài trợ, giúp những người khác biết được rằng họ không đơn độc khi tham gia. Động cơ tham gia tài trợ sẽ hình thành nhanh chóng hơn (nếu họ tài trợ cho dự án thì tức là họ đã thuộc về một cộng đồng đang làm một việc để lại tác động xã hội tốt), và nhờ vậy hiệu quả chung của quá trình huy động vốn sẽ tốt hơn.

Vấn đề bất đối xứng thông tin

Tương tự như các trường hợp giao dịch khác, tình trạng bất đối xứng thông tin (information asymmetry) là một rào cản lớn khiến các dự án xã hội thất bại trong quá trình gọi tài trợ. Vấn đề ở đây là những người có tiềm năng tham gia tài trợ có rất ít - thậm chí gần như không có - thông tin gì về dự án.

Nếu trước đây các dự án quyên góp thường giới hạn trong một cộng đồng nhỏ, nằm trong một ranh giới quan hệ hoặc địa lý nào đó thì giờ đây với Internet, biên giới đó đã không còn nữa.

Phạm vi rộng không giới hạn là ưu điểm, giúp dự án kết nối được nhiều nguồn tài trợ hơn, nhưng cũng là khuyết điểm khi khoét sâu tình trạng bất đối xứng thông tin: do khoảng cách, người ta không có cách để kiểm chứng thông tin.

Việc đầu tiên cần làm để giảm bớt tình trạng bất đối xứng thông tin là công bố thông tin thật rõ ràng: thông tin về dự án, cách mà nó sẽ vận hành, giá trị hay tác động xã hội mà nó tạo ra... nhưng chưa đủ, thông tin về người khởi xướng và vận hành dự án mới là tín hiệu đáng kể giúp tăng độ minh bạch và giảm các băn khoăn về những khía cạnh chưa bộc lộ của dự án.

Các nghiên cứu về mô hình crowdfunding còn đưa ra một gợi ý khác: mỗi người đều có một cơ sở quan hệ xã hội, là người thân, bạn bè, đồng nghiệp...; đấy chính là tài sản hay nguồn vốn xã hội (social capital) của họ.

Khi sử dụng crowdfunding cho dự án, người khởi xướng cần vận dụng tối đa tài sản xã hội của bản thân: sự tham gia sớm của những người thân thiết và gần gũi sẽ đem đến cho tiến trình gọi vốn một khởi đầu thuận lợi và góp phần kiểm chứng thông tin về dự án, cũng tức là giúp giảm tình trạng bất đối xứng thông tin.

Với khả năng của công nghệ, việc mời gọi cộng đồng tham gia tiến trình triển khai dự án từ đầu đến cuối là hoàn toàn có thể và chắc chắn giúp giải quyết tốt hơn nữa vấn đề bất đối xứng thông tin.

Cộng đồng có thể đề xuất các ý tưởng và dự định hoạt động xã hội cho các nhóm chuyên vận hành dự án, có thể tham gia xây dựng kế hoạch dự án, đóng góp vào phương thức mà dự án vận hành, và quan trọng nhất là tham gia giám sát quá trình triển khai sau khi đã nhận được tài trợ.

Cần phải nhấn mạnh rằng lợi ích thực sự của crowdfunding nằm ở chỗ nó là phương thức hữu hiệu để kêu gọi và gắn kết cộng đồng vào mục đích xã hội của dự án, biến những người tham gia thành các tác nhân ủng hộ cho dự án về mặt ý chí, truyền đạt ý nghĩa của nó mạnh mẽ và rộng rãi hơn.

Xa hơn, crowdfunding giúp cộng đồng hình thành động cơ tham gia các hoạt động xã hội thường xuyên và liên tục. Nếu chỉ xem crowdfunding như một phương thức gọi vốn đơn thuần thì người chủ xướng các dự án xã hội sẽ không khai thác triệt để các thế mạnh của nó.■

Tham khảo thực tế từ quy trình vận hành dự án xã hội của Charity Việt

Charity Việt là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp xã hội, vận hành ứng dụng công nghệ với sứ mệnh tham gia giải quyết một phần nhu cầu tài trợ xã hội thông qua phương thức hoạt động do Charity Việt xây dựng.

Ứng dụng công nghệ Charity Việt và các quy trình trong hệ thống quản lý của Công ty Charity Việt được thiết lập để giúp cộng đồng thực hiện ý muốn thiện nguyện thông qua việc tài trợ các dự án cần tài trợ, trong đó bên tài trợ là bất cứ cá nhân nào đủ điều kiện, đến với bên nhận tài trợ là các cá nhân, gia đình và cộng đồng đang cần được hỗ trợ để vượt qua các khó khăn trước mắt nhằm ổn định cuộc sống và có cơ sở tạo dựng tương lai cho chính mình.

Giao diện của Charity Việt cũng có các thành phần cơ bản của một nền tảng crowdfunding: trang giới thiệu dự án (hiện có 3 lĩnh vực: hỗ trợ giáo dục, cải thiện kinh tế gia đình và cải thiện môi trường sống), mỗi dự án đều ghi rõ thông tin, số tiền mong muốn và thời gian gây quỹ, mức tài trợ cũng như danh sách tài trợ, tiến độ gây quỹ và theo dõi thực hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận