Dịch COVID-19 bùng phát: 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc

ĐỨC BÌNH 07/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Nếu diễn biến dịch COVID-19 có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính quý 2 năm nay có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và hàng triệu lao động ngừng việc. Nếu dịch bùng phát mạnh hơn, sẽ có từ 350.000 - 400.000 lao động mất việc làm và khoảng 2 - 3 triệu lao động có nguy cơ ngừng việc.

Người lao động làm thủ tục tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: CTV
Người lao động làm thủ tục tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: CTV

Đây là kịch bản được Bộ LĐ-TB&XH tính, nêu trong báo cáo các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch COVID-19 gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư ngày 24-3. 

Theo báo cáo này, ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75 - 85% tổng số bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Gần 50.000 người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp

Tác động của dịch COVID-19 đến người lao động (NLĐ), việc làm thể hiện thông qua các chỉ số về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Số người thất nghiệp nộp hồ sơ để hưởng BHTN đang có xu hướng gia tăng mạnh. Tháng 2-2020 đã có 47.164 người, tăng gần 60% so với tháng 1-2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 2-2019 là 27.755 người).

Tại Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020 có hơn 7.000 người đến làm hồ sơ hưởng BHTN và dự tính trong quý 1 khoảng 12.000 người.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các HTX, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Số NLĐ làm trong các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động.

Trong tháng 2-2020, qua báo cáo nhanh của các doanh nghiệp gửi về các địa phương được Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp, khoảng 10% doanh nghiệp đã giảm quy mô sản xuất. Đầu tháng 3-2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng 15% trong tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cắt giảm tập trung vào ngành dệt may (tới 2,8 triệu lao động) với nhiều biện pháp: giãn ca, không làm thêm giờ và nghỉ hẳn 2 ngày cuối tuần.

Khoảng 500.000 NLĐ trong các ngành dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải đã cắt giảm lương từ 20 - 40% tùy vị trí. Dù chưa sa thải NLĐ nhưng các ngành này đang cho nghỉ luân phiên.

Theo tính toán sơ bộ, số NLĐ bị ngừng việc từ những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và nhà hàng lên tới hàng chục ngàn người. Đồng thời nhu cầu tuyển dụng NLĐ cũng giảm, dao động từ 20 - 30%, có nơi giảm mạnh như TP.HCM giảm tới 40%, Hà Nội giảm 37%.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết ngày 18-3, cơ quan này đã có đề án trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với 6 nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ. Cụ thể: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với thời gian hỗ trợ dừng đóng từ tháng 3 đến tháng 12-2020 (không tính lãi chậm đóng).

Đối tượng thụ hưởng là NLĐ và người sử dụng lao động có từ 50% tổng số lao động phải nghỉ việc do COVID-19 hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch COVID-19 gây ra.

Nhóm chính sách thứ hai là tạm dừng đóng BHTN từ tháng 2 đến hết tháng 12-2020, sau đó phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng. Nếu chính sách này không thực thi được, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất miễn đóng BHTN từ tháng 2 đến hết tháng 12-2020 và thời gian này được tính là thời gian tham gia BHTN của NLĐ và người sử dụng lao động.

Nếu chính sách miễn đóng BHTN được thông qua thì kinh phí dự kiến cho việc này từ 300 - 600 tỉ đồng (ước thực hiện cho khoảng 250.000 - 500.000 lao động, tương ứng 105.000 - 211.000 doanh nghiệp).

Doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm từ 30% lao động trở lên thì mỗi NLĐ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng. Kinh phí dự kiến cho chính sách này từ 1.500 - 3.000 tỉ đồng (dự kiến NLĐ bị cắt giảm, không tham gia sản xuất là 500.000 - 1 triệu người, tương ứng 35.000 - 70.000 doanh nghiệp). Đề xuất này có thể nâng mức hỗ trợ lên 1,5 triệu đồng/người/tháng và kéo dài trong 6 tháng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận