Đồ biển và nỗi oan dị ứng

VŨ THẾ THÀNH 24/01/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Nhiều người cho rằng mình bị dị ứng nên kiêng đồ biển. Thời bao cấp, chất đạm (protein) là vàng ngọc dinh dưỡng, chất béo còn thiếu, nói gì đến đạm. Con gì nhúc nhích là đạm, là ăn được. Vậy mà nhìn món cá ngừ, cá thu kho, không dám ăn. Thèm lắm mà vẫn phải kiêng, đến giờ vẫn kiêng. Thật khổ, họ tưởng nhầm ngộ độc là dị ứng.

Nhiều người bị dị ứng với hải sản. Ảnh: Reuters

Không phải cá nào cũng gây ngộ độc histamine

Đơn giản, vì trong cá ngừ có chất…độc. Chất độc đó được xác định là histamine, nên khoa học gọi là ngộ độc histamine (histamine poisoning). 

Nhưng thật ra, trong cá không có sẵn độc tố histamine, mà do bảo quản cá không tốt nên mới phát sinh ra histamine. Khác với trường hợp ăn cá nóc bị ngộ độc, vì trong nội tạng cá nóc đã có sẵn độc tố tetrodotoxin.

Cơ chế hình thành histamine trong thịt cá do bảo quản kém, hơi rườm rà: một loại acid amin có trong thịt, tên là histidine bị chuyển hóa thành histamine dưới tác động của enzyme. 

Enzyme này do vi khuẩn tạo ra. Tuy nhiên, chỉ có thực phẩm nào có nhiều histidine tự do, nghĩa là loại histidine không gắn vào protein, mới có thể chuyển hóa thành histamine được.

Các loại cá thuộc họ Scombrdiae như cá thu, cá ngừ trời sinh đã có nhiều histidine tự do, nếu nhiễm khuẩn “chuyên trị” sẽ phát sinh nhiều histamine. Nguồn vi khuẩn này vừa có trong cá, vừa có trong nước biển hoặc không khí. 

Đó là lý do vì sao cá họ Scombrdiae nếu không được bảo quản tốt, dễ phát sinh histamine gây ngộ độc (còn gọi là ngộ độc scombrotoxin).

Một số loại cá khác như cá mòi (sardine), cá hồi (salmon), cá trích (herring)… nói chung là các loại cá di trú, bơi nhanh, có vây, thịt đỏ đều có thể phát sinh histamine ở mức cao. Thậm chí cá cơm làm nước mắm cũng sinh histamine dù không nhiều.

Không chỉ có cá biển, một số loại thực phẩm khác như phó mát Thụy Sĩ cũng có thể gây ra ngộ độc scombrotoxin, khi lượng histamine phát sinh đủ lớn để gây ngộ độc. Các sản phẩm lên men khác như mắm, nem... đều có histamine, nhưng không đáng kể. 

Nước mắm truyền thống làm từ cá cơm, cá nục nên có khá bộn histamine, nhưng do lượng tiêu thụ quá ít, khoảng 10-15ml/ngày, nên hầu như chưa có trường hợp ngộ độc histamine do nước mắm được ghi nhận. Chỉ có nước mắm công nghiệp là không có, hoặc có rất ít histamine vì lượng chất cá trong nước mắm rất ít.

Cơ thể người có thể dung nạp được một lượng histamine nào đó, vì histamine khi vào cơ thể sẽ bị phân hủy do enzyme. Do đó, để gây ngộ độc thì phải tiêu thụ thức ăn có mức histamine cao, hoặc enzyme trong cơ thể vì lý do nào đó bị ức chế không phân hủy được histamine.

Ngộ độc cũng còn tùy thuộc cơ địa mỗi người. Ở mức 8 - 40mg histamine, một số người mẫn cảm có thể biểu hiện vài triệu chứng nhẹ. Lượng histamine phân bố không đều trong miếng cá, phần thịt đỏ thâm có nhiều histamine hơn phần thịt trắng. 

Histamine lại rất bền nhiệt, nên cá, dù có là cá đông lạnh, đóng hộp, xông khói, nấu lẩu…đều có thể gây ngộ độc một khi đã phát sinh histamine cao.

 

Vì sao lại nhầm lẫn ngộ độc với dị ứng?

Dị ứng (allergy) xảy ra khi cơ thể không chấp nhận một loại protein nào đó xâm nhập vào cơ thể do ăn uống, hít thở… Cơ chế gây dị ứng còn rườm rà hơn cả ngộ độc histamin, vì dính dáng tới hệ miễn dịch.

Đại khái thế này: Khi ăn phải protein nào mà cơ thể không ưng, nó sẽ tạo ra kháng thể, kích hoạt histamine (lại là histamine) và gây dị ứng.

Histamine này có sẵn trong cơ thể, nhưng bị một loại protein khác “giam giữ” (tạo phức), nên không làm ăn gì được. Chỉ khi nào hệ miễn dịch ra lệnh, histamine mới được giải thoát và đi… hành hạ cơ thể.

Thực phẩm nào lại chẳng ít nhiều có protein, trứng gà, thịt bò, thịt heo, tôm cua cá mực, đậu phộng, đậu nành, bánh mì, lúa mạch, thậm chí bia bọt…đều có tiềm năng gây dị ứng. 

Nhưng có người dị ứng với thực phẩm này, mà người khác lại không, tại sao vậy? Cho đến nay khoa học chưa hiểu vì sao người này dị ứng với thực phẩm này, người khác lại không. Giải thích đơn giản nhất là do cơ địa mỗi người khác nhau.

Trăm điều nông nỗi đều do histamine. Một đàng là histamine từ ngoài đưa vào cơ thể (ngộ độc), một đàng là do histamine từ trong cơ thể (dị ứng).

Triệu chứng ngộ độc histamine và dị ứng đều rất giống nhau, cũng gây ngứa ngáy, mẩn đỏ, sưng vù mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, khó thở, đau bụng…

Trong một số trường hợp, dị ứng có thể diễn biến nghiêm trọng và gây tử vong. Còn ngộ độc histamine thông thường tự khỏi sau một vài ngày.

Đừng tự nguyện mắc phải lời nguyền

Dị ứng với loại thực phẩm nào thì coi như mắc phải lời nguyền và phải kiêng thực phẩm đó suốt đời. Tốt nhất nên là thế. Dị ứng rất thiên biến vạn hóa. Có loại thực phẩm gây dị ứng từ lúc bé cho đến hết đời. Có loại lúc bé bị dị ứng, khi lớn lên lại hết.

Nhưng với hải sản lại khác, nhất là với loại giáp xác như tôm, cua, nghêu sò ốc hến, lúc nhỏ ăn không sao, nhưng lớn lên lại bị. Khoảng 1-2% dân số bị dị ứng hải sản. Các loại cá biển như cá thu, cá ngừ, cá trích… thường là ngộ độc histamine nhiều hơn là dị ứng.

Những năm thời bao cấp (1975 - 1985), đôi khi cán bộ viên chức được chiếu cố, mua phân phối vài trăm gram cá ngừ, cá thu, hay cá gì gì đó, nói chung là cá biển. 

Mà hồi đó, phương tiện vận chuyển và bảo quản kém, từ sau đánh bắt, qua nhiều khâu phân phối mới đến tay người mua. Cá đâu được bảo quản tốt nên thường xảy ra ngộ độc histamine, rồi từ đó ám ảnh hễ gặp đồ biển là kiêng.

Test da, thử máu có thể xác định bị dị ứng với thứ gì. Còn với cá biển, lần này ăn bị ngứa ngáy, phù môi do bảo quản cá, nhưng lần sau cá bảo quản tốt, ăn đâu có sao. Chứ tưởng là dị ứng kiêng luôn đồ biển thì uổng cả đời. ■

Những thực phẩm gây dị ứng phổ biến

Đậu phộng: là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất, có thể gây sốc phản vệ, tử vong nếu không được điều trị ngay. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc, nhưng với một số người, chúng cũng có thể bắt đầu chỉ trong vài giây.

Trứng: phổ biến ở trẻ em (khoảng một nửa số trẻ em bị dị ứng với trứng sẽ tự hết khi tầm 3 tuổi). Dị ứng với trứng có thể gây sốc phản vệ ở một số trường hợp. Nấu chín trứng có thể loại bỏ một số chất gây dị ứng nhưng không hoàn toàn. 

Vì vậy, một số người có thể bị dị ứng với trứng chín nhưng cũng có người bị dị ứng với trứng sống. Một số người dị ứng với trứng vì họ bị dị ứng với thịt gà, chim cút, gà tây hoặc với lông chim, gọi là hội chứng dị ứng trứng - gia cầm.

Cá, nghêu sò, nhuyễn thể, tôm, cua: cá là nguyên nhân gây ra nhiều phản ứng dị ứng nghiêm trọng, trong đó có sốc phản vệ. Dị ứng cá và động vật có vỏ phổ biến ở người trưởng thành hơn là ở trẻ em, có thể vì người lớn ăn các thực phẩm này nhiều hơn trẻ em. 

Một số người chỉ dị ứng với một loại cá, một số khác dị ứng với nhiều loại cá vì các chất gây dị ứng trong các loại cá khá giống nhau. Nấu chín có thể không phá hủy hết các chất gây dị ứng ở cá. Thực tế, một số người bị dị ứng cá có thể bị dị ứng với cá nấu chín chứ không phải cá sống.

Dị ứng với động vật giáp xác và hải sản có thể nghiêm trọng đến mức đôi khi chỉ cần hơi bốc ra khi nấu ăn cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Khi phản ứng dị ứng quá mạnh, các mô trong cơ thể bị sưng lên, chặn đường thở, người bị dị ứng có thể gặp các vấn đề về tim và tuần hoàn dẫn đến tử vong.

Đậu nành, mè, hạt hướng dương: những hạt mè bé nhỏ có thể gây sốc phản vệ ở mức kinh khủng. Các loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu nành và các loại đậu khác cũng có thể gây ra dị ứng do chúng là cây họ đậu. 

Các loại hạt phổ biến như hạt điều, óc chó cũng có xu hướng gây dị ứng cho một số người. Với người nhạy cảm, chỉ cần một mẩu nhỏ (một mảnh 1/44.000 của vỏ đậu phộng) cũng có thể gây ra dị ứng.

Những tác nhân gây dị ứng ẩn mình: sữa, lúa mì, lúa mạch. Một số trẻ em bị dị ứng với lúa mì, sữa. Các thực phẩm này là nguyên liệu cho nhiều loại thực phẩm chế biến khác, do đó, thành phần nguyên liệu và các chế phẩm của chúng như lecithin (đậu nành) và whey (sữa) cần phải được ghi rõ trên bao bì thực phẩm.

Các triệu chứng nhẹ phổ biến: phát ban đỏ trên da, sưng, ngứa da, chảy nước mũi. Có người bị nghẹt mũi, hắt hơi hay ho khan. Có người bị ngứa, khô, đỏ mắt. Có người bị ngứa, rát họng và tai trong. Có người bị đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy.

Các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng: khó thở hoặc khó nuốt; sưng môi, lưỡi, họng, cơ thể yếu ớt, xây xẩm, váng đầu... Đau ngực, tim đập yếu hoặc không đều. Người bị hen suyễn và cơ địa dị ứng dễ bị sốc phản vệ hơn.

Các chuyên gia khuyên nên luôn mang theo thuốc tiêm epinephrine (adrenaline) bên người. Ngoài ra, đọc kỹ bao bì sản phẩm là một thói quen cực tốt.

Hồng Vân

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận