Hải quân Hoa Kỳ: Hệ thống và khiếm khuyết

DU LONG 12/07/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Không phải nói quá là trong thế kỷ 20, quân đội Hoa Kỳ, bao gồm hải quân, đã sớm đi trước trong nhiều lĩnh vực. Thế nhưng những sự cố liên tiếp gần đây cho thấy quản trị đang là gót chân Achilles của lực lượng này.

Gần đây nhất là quyết định loại bỏ tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard hôm 20-11-2020, sau khi tàu này bị hỏa hoạn hôm 12-7-2020, theo Hãng tin hải quân Mỹ USNI. Chiếc Bonhomme Richard gặp nạn khi đang nằm ụ tải quân cảng San Diego để đại tu, dự tính sẽ tốn khoảng 250 triệu USD. Chiếc tàu bị cháy suốt mấy ngày, rồi phải rã ngũ, đem bán lạc-xoong.

 
 Vụ cháy chiến hạm Richard Bonhomme ngay trong quân cảng mà không cứu được là một bê bối lớn với hải quân Mỹ. Ảnh: AP

Cơ bản là lỗi con người 

USNI đặt vấn đề là trong gần 7 thập niên từ sau Thế chiến II, hải quân Mỹ chỉ mất trực tiếp không tới 30 tàu do hành động của đối phương hoặc tai nạn, trong khi liên tiếp khoảng 10 năm qua, số tàu chiến Mỹ bị chìm hay suýt chìm cứ ngày càng nhiều: 

Chiếc USS Guardian mắc cạn ở dải đá ngầm Tubbataha của Philippines năm 2013, hai chiếc USS Fitzgerald và USS John McCain đụng các tàu khác khiến 17 thủy thủ chết và bị thương chỉ trong vòng 9 tuần vào năm 2017, rồi vụ hỏa hoạn USS Bonhomme Richard. Đáng nói hơn, đây đều là những tai nạn có thể tránh.

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, khi phê chuẩn báo cáo điều tra vụ tai nạn gần Philippines năm 2013 đã phê: 

“Việc mắc cạn gây ra thiệt hại cho một rạn san hô được bảo vệ và cần một cuộc trục vớt kéo dài và tốn kém kết thúc bằng việc mất một trong 14 tàu rà phá mìn (viết tắt là MCM) trong biên chế của hải quân Mỹ”. 

Tuy chỉ là một chiếc MCM, song lại là tổn thất đáng kể do lẽ hải quân Mỹ phải dàn trải các tàu trên toàn thế giới, mất một chiếc là “hổng một lỗ” trên mặt biển, nhất là trong trường hợp này lại là điểm nóng biển Đông. 

Báo cáo điều tra “nhăn nhó” vạch ra nguyên nhân: “Sai lầm bi thảm này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được và là sản phẩm của việc lập kế hoạch hành trình yếu kém, thực hiện kém, cộng vào những hoàn cảnh không may. 

Cuộc điều tra phát hiện không chỉ một nguyên nhân duy nhất gây mất mát mà là rất nhiều liên kết trong chuỗi lỗi dẫn đến việc mắc cạn”. 

Báo cáo giận dữ quả quyết: “Nếu bất kỳ sai sót nào trong đó được xử lý thích đáng, tai nạn có thể đã được ngăn chặn”. 

Lỗi thuộc về lãnh đạo chiếc USS Guardian và đội theo dõi quan sát: không tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn một cách thận trọng, an toàn và hợp lý. Những sai sót “con người” tương tự đã được phát hiện trong vụ hai chiếc USS Fitzgerald và USS John McCain đụng các tàu dân sự sau đó.

Vụ gần đây nhất của chiếc USS Bonhomme Richard có khác trong diễn biến song cũng chung nguyên nhân lỗi “con người”. Do sự cố xảy ra ở căn cứ San Diego, tổng hành dinh của hạm đội Thái Bình Dương, lại là một vụ cháy, nên lần này phó tư lệnh hành quân hải quân ký xác thực biên bản điều tra đề ngày 15-9-2021: 

“Tôi ghi nhận sự dũng cảm, khéo léo và tháo vát của các thủy thủ cùng đối tác của chúng tôi thuộc Cơ quan Cứu hỏa và khẩn cấp liên bang, San Diego... Tuy nhiên, hành động của họ không đủ để bù đắp cho thiếu sót của lực lượng thuộc chiếc Bonhomme Richard và các tổ chức hỗ trợ việc bảo dưỡng con tàu vào ngày xảy ra hỏa hoạn và trong những tháng trước đó cho đến ngày 12-7-2020”. 

Nhận xét như vậy đồng nghĩa lỗi thuộc về chỉ huy và nhân viên tàu cùng các đơn vị bảo dưỡng, trải qua tổng cộng 19 tháng bảo trì sửa chữa.

Đắng lòng lỗi hệ thống

Biên bản điều tra chính là một cáo giác nghiêm khắc: “Sau 19 tháng bảo trì con tàu, các sai sót lặp đi lặp lại đã tích tụ thành rủi ro đáng kể”. 

Các điều tra viên đã xác định bốn nguyên nhân: (1) tình trạng của con tàu khiến nó dễ cháy và cản trở nỗ lực chữa cháy; (2) việc huấn luyện và rèn tính sẵn sàng cho thủy thủ đoàn của tàu còn thiếu sót; (3) việc phối hợp giữa tàu và các tổ chức chữa cháy trên bờ là không tương thích; (4) không có sự giám sát hiệu quả để đảm bảo sẵn sàng chữa cháy.

Các điều tra viên còn vạch lỗi chi tiết từng bộ phận, tỉ như: “Chỉ có 29 chốt cứu hỏa (trong tổng số 216 chốt) trên tàu Bonhomme Richard là ở trong tình trạng hoạt động trong ngày hỏa hoạn”. 

Số còn lại bất khả dụng do đã không được bảo trì thường xuyên mỗi tháng, hoặc hệ thống điện dự phòng của tàu không hoạt động khi xảy ra hỏa hoạn. Kết quả điều tra dày đến 434 trang chẳng khác gì một “luận án tiến sĩ” về phòng cháy chữa cháy, không một chữ thừa hay vô nghĩa.

Tất cả cho thấy một hệ thống rất quy mô, “cấp bậc”, chặt chẽ, song vụ cháy tàu, trớ trêu thay, cũng khẳng định hệ thống này đã “lủng” từ hồi nào không rõ.

LCS vắn số

Thế kỷ 21 bắt đầu với bao tán tụng dành cho một loại tàu chiến mới mà hải quân Mỹ gọi là tàu tác chiến cận duyên (LCS), được thiết kế riêng để tác chiến ở khu vực ven biển. 

Đó được kỳ vọng là những tàu khu trục nhỏ, nhanh, linh hoạt, đa nhiệm, chống ngầm, quét ngư lôi, trinh sát, tác chiến mặt nước, chống chiến tranh phi đối xứng, hỗ trợ các nhiệm vụ đặc biệt cũng như hậu cần; có khả năng tàng hình; kết cấu bằng các module có thể thay thế; kết nối được với hệ thống; và nhất là không đắt tiền.

Chương trình khởi sự vào tháng 2-2002. Do thiết kế gọn nhẹ, lại chia thành module, nên chỉ 6 năm sau, chiếc đầu tiên thuộc lớp Freedom đã được đưa vào biên chế. Chiếc thứ nhì, thuộc lớp Independence, đưa vào hoạt động không đầy hai năm sau. 

Trong hào khí đó, hải quân Mỹ dự định đưa các LCS sang vùng biển châu Phi hay Nam Mỹ, nơi các đối thủ cũng chưa điều động tàu hạng nặng tới, thay cho tàu khu trục và tuần dương hạm mà các khu vực khác đang rất cần, như biển Đông, biển Baltic, Địa Trung Hải...

Nhưng rất nhanh chóng, các vùng hải quân đánh giá hỏa lực của LCS quá yếu nếu được trang bị kiểu tàu quét mìn, trong khi chuyện tháo lắp, thay thế module tùy theo đối thủ hóa ra chỉ là... hoang tưởng! 

Tháng 4-2012, tư lệnh hành quân hải quân Mỹ Jonathan Greenert lên tiếng thẳng thừng: “Mục đích chính của LCS là tuần tra, thăm viếng, chống cướp biển và diễn tập xây dựng quan hệ đối tác... LCS không thể nào sống sót trong chiến tranh với Trung Quốc” (Breaking Defense 12-4-2012).

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus cũng nhấn mạnh LCS chỉ có thể hoạt động trong các khu vực chiến đấu nếu được tàu chiến khác bảo vệ. Vậy là hải quân Mỹ sinh ra LCS, giờ còn phải sinh ra tàu khu trục để hộ tống LCS! 

Rốt cuộc trong các năm 2013 và 2014, hải quân Mỹ cắt giảm chương trình LCS từ 55 chiếc xuống còn 32 chiếc, thay thế là một loại tàu khu trục nhỏ song có khả năng chiến đấu cường độ cao hơn.

Chưa hết, đến tháng 4-2021 lại xuất hiện lùm xùm về chi phí vận hành LCS: đánh đấm chẳng ra chi mà tốn tiền gần bằng một khu trục hạm tên lửa điều khiển Arleigh Burke: LCS tiêu 70 triệu USD/năm cho vận hành trong khi Arleigh Burke là tàu đa nhiệm, đánh đối phương cỡ nào cũng được, tốn 81 triệu USD/năm. 

Một chiếc Arleigh Burke lớp Flight I và II có thể mang 90 bệ phóng tên lửa thẳng đứng, còn các lớp IIA và III mang đến 96 bệ phóng, LCS thì “mụ thầu, mụ dỉ” không trang bị tên lửa, lâu lâu lại còn trục trặc động cơ.

Vậy số tiền 75,7 tỉ USD chi cho chương trình này, theo Defenseindustry.com 27-4-2022, đi về đâu? Câu trả lời: Vào túi các đại gia vũ khí hãng Lockheed Martin.■

Sau khi tính toán hiệu suất so với chi phí, tháng 3-2022, hải quân Mỹ đã cho ngừng hoạt động 9 chiếc LCS lớp Freedom - chiếc “trẻ” nhất mới đưa vào vận hành từ năm 2020 - trong một danh sách 24 chiếc của năm tài khóa 2023 nhằm tiết kiệm ngân sách vận hành tới 3,6 tỉ USD (USNI 29-3-2022). 

Số LCS lớp Freedom còn lại có thể được ân huệ gia hạn bằng cách biến cải thành tàu săn ngầm, thay module săn ngầm và gắn một sonar chủ động tần số thấp mà hiện hải quân Mỹ chưa trang bị, cũng theo USNI.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận