Khi 800 triệu người đi làm trở lại

CẢNH CHÁNH 12/05/2020 20:05 GMT+7

TTCT - Tổng số lao động của đất nước 1,4 tỉ dân Trung Quốc ước tính là hơn 800 triệu. Rất nhiều người trong số đó đã lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời vì COVID-19. Nay công xưởng, nhà máy và các cơ sở kinh doanh gần như đều đã mở cửa trở lại. Nhưng nhiều bất trắc với người lao động còn ở phía trước.

Lực lượng lao động nông thôn Trung Quốc đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển đất nước. Ảnh: scmp.com
Lực lượng lao động nông thôn Trung Quốc đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển đất nước. Ảnh: scmp.com

Thống kê chưa đầy đủ

Theo số liệu công bố giữa tháng 4 của Trung Quốc thì tỉ lệ thất nghiệp tháng 3 là 5,9%, giảm một chút so với mức kỷ lục 6,2% trong hai tháng đầu năm. Từ năm 2018, Trung Quốc bắt đầu công bố định kỳ hằng tháng tỉ lệ thất nghiệp, chính xác là tỉ lệ thất nghiệp đô thị thông qua điều tra.

Bộ Lao động và an sinh sẽ căn cứ trên dân số thường trú đô thị tính toán tỉ lệ những người phù hợp điều kiện thất nghiệp, bao gồm cả lao động di cư (hay còn gọi là lao động nông thôn) thường trú ở thành phố 6 tháng trở lên.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng công bố tỉ lệ đăng ký thất nghiệp nhận trợ cấp hằng tháng, nhưng tỉ lệ này tính trên dân số có hộ khẩu thành phố, không bao gồm lao động di cư. Theo Bộ Lao động và an sinh, quý 1-2020 có gần 2,3 triệu người tìm được việc làm, giảm 950.000 so với cùng kỳ 2019.

Tỉ lệ đăng ký thất nghiệp tháng 3 là 3,67%, giảm so với 3,66% của quý 1. Tuy nhiên, các con số đó không phản ánh đúng tình hình thị trường lao động thực tế, cho thấy việc đăng ký thất nghiệp ở nước này vẫn còn bất cập.

Muốn đăng ký thất nghiệp, người dân phải có hộ khẩu, có người không đăng ký vì sĩ diện hay vì trợ cấp thất nghiệp không đáng là bao, có người sợ phiền phức, cũng có người không biết quy định trên, hay lo sợ dịch bệnh nên không đăng ký.

Những lý do trên khiến số người đăng ký thất nghiệp luôn thấp hơn so với thực tế. Căn cứ tỉ lệ thất nghiệp 5,9% do Bộ Thống kê Trung Quốc công bố thì có hơn 20 triệu người lao động đang thất nghiệp.

Theo Bộ Lao động và an sinh, năm 2019 Trung Quốc có 290 triệu lao động nông thôn, tăng 2,4 triệu (0,8%) so với năm 2018. Trong đó 170 triệu người đi làm việc ở các tỉnh thành, 125-130 triệu người đã về quê đón tết. Tính đến ngày 19-3, chỉ có khoảng 100 triệu lao động nông thôn quay lại thành phố làm việc, tức còn khoảng 25-30 triệu người chưa quay lại làm việc.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ trong số 100 triệu người lên thành phố đó, tất cả có thể trở lại làm việc thuận lợi hay không. Công việc của lao động nông thôn có tính lưu động cao, khó thống kê, nhưng họ chính là lực lượng lao động chịu nhiều tổn thất nhất do dịch bệnh.

Thách thức lớn nhất trong 20 năm

Chuyên gia kinh tế Uông Đào chia sẻ trên trang Tài Tân rằng thị trường lao động nước này đang đối mặt với “thách thức lớn nhất trong vòng 20 năm qua”. Khi dịch bệnh lan rộng ở các nước trên thế giới, nhiều nước hạn chế đi lại, dự báo kim ngạch xuất khẩu quý 2 của Trung Quốc sẽ giảm 20%, cả năm giảm 12%.

Hoạt động xuất nhập khẩu đi xuống sẽ khiến hơn 10 triệu người ở các ngành nghề liên quan mất việc. Phân tích dưới góc độ vĩ mô, dự báo năm nay số lao động phi nông nghiệp có việc làm giảm 14 triệu, trong khi chỉ số này bình quân trong 5 năm qua là tăng 6,5 triệu.

Các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhất là ngành bán lẻ, cơ sở lưu trú, giao thông vận tải và dịch vụ khác. Theo số liệu năm 2018, lao động hoạt động trong các ngành dịch vụ trên là 191 triệu người.

Tính đến ngày 28-3, tỉ lệ khôi phục kinh doanh của ngành dịch vụ ăn uống là 80%, khách sạn lưu trú là 60% nhưng doanh thu chỉ đạt 35% so với cùng kỳ 2019. Dịch vụ giúp việc nhà khôi phục 40%. Trong khi đó siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại mở cửa lại 95%, nhưng rất nhiều nhà bán lẻ nhỏ chưa mở cửa.

Giả thiết doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn không sa thải lao động, dự đoán ngành bán lẻ có khoảng 30-40 triệu người thất nghiệp hoặc chưa quay lại làm việc; ngành dịch vụ ăn uống, khách sạn là 10 triệu người thất nghiệp; ngành vận tải và giúp việc nhà là 10-15 triệu người; ngành công nghiệp và xây dựng khoảng 20 triệu.

Gia tăng số người thất nghiệp có thể là tạm thời, khi kinh tế khôi phục, tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm, nhưng từ trước đại dịch, nhu cầu tuyển dụng ở Trung Quốc vốn đã thấp hơn so với những năm gần đây rồi.

Cạnh tranh gay gắt

Giữa tháng 2, khi các ngành nghề khôi phục sản xuất, anh Lý Quang (Hồ Bắc) nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng của công ty, lý do là công ty không đủ vốn để duy trì hoạt động. Đã có rất nhiều người như anh mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo trang SCMP, Trung Quốc đã có 460.000 doanh nghiệp đóng cửa trong quý 1, số doanh nghiệp đăng ký mới là khoảng 3,2 triệu, giảm 29% so với cùng kỳ. Theo báo cáo Phân tích số liệu tuyển dụng của 1 triệu doanh nghiệp về thị trường lao động sau dịch COVID-19 của giáo sư Lư Hải (Học viện Quản lý Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh), nhu cầu tuyển dụng quý 1-2020 giảm 27%, trong đó chịu ảnh hưởng lớn là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp liên doanh, lao động thu nhập thấp.

Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm 1-5 năm giảm nhiều nhất, hơn 15%; nhu cầu với lao động có kinh nghiệm trên 5 năm hoặc chưa có kinh nghiệm giảm không đáng kể.

Ông Dương Vĩ Quốc - viện trưởng Viện nhân sự lao động, Đại học Nhân dân Trung Quốc - trả lời phỏng vấn tạp chí Tài Kinh cho biết chỉ số cạnh tranh việc làm trong đợt tuyển dụng mùa xuân là 46,3, tức 1 chọi 46,3 người, tăng 11,8 điểm so với cùng kỳ 2019.

Xét về loại hình doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tư nhân giảm 46,9%, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhỏ giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhà nước vẫn tương đối ổn định. Tạp chí Tài Kinh cho rằng dịch bệnh sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, ảnh hưởng về việc làm sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất một năm.

Theo báo cáo về thị trường việc làm “hot” nhất ở quý 1 của Đại học Nhân dân Trung Quốc và trang tuyển dụng zhaopin.com, giáo dục đào tạo thu hút nhiều lao động nhất, kế đến là dịch vụ môi giới, thứ ba là bảo hiểm, tư vấn và thương mại điện tử. Các ngành giải trí, thể thao có nhu cầu tuyển dụng thấp.

Vì tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, người lao động trở nên thận trọng hơn khi xin việc. Lý Chí Bình (26 tuổi) từng làm việc trong nhiều lĩnh vực, đã quen với việc đổi chỗ làm, nhưng lần này thì khác. Công ty anh vừa khởi nghiệp thì gặp phải đại dịch, hoạt động đình trệ và đóng cửa bất đắc dĩ. Sau dịch bệnh, anh bắt đầu thấy sự quan trọng của việc phải có một công việc và cuộc sống ổn định.

Trong khi đó, Trung Quốc lại sắp đón làn sóng sinh viên ra trường. Số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của nước này sẽ là kỷ lục, dự kiến hơn 8,7 triệu người, tăng 400.000 so với cùng kỳ.

Lượng sinh viên tốt nghiệp liên tục tăng trong những năm gần đây, cộng thêm ảnh hưởng dịch bệnh khiến những tân cử nhân nay khó khăn hơn khi xin việc làm. Dịch bệnh cũng bất ngờ làm thay đổi kế hoạch phát triển nhiều ngành nghề, tác động mạnh lên nhu cầu tuyển dụng.

Hiện sinh viên sắp tốt nghiệp như ngồi trên lửa vì chưa có thông báo phỏng vấn, nhà trường không cho ra ngoài thực tập, nhiều thông báo tuyển dụng bị hủy, nhiều công ty không có nhu cầu tuyển dụng như mọi năm...

Anh Trần, nghiên cứu sinh Đại học Hạ Môn, cho biết đã tải sáu ứng dụng tuyển dụng, theo dõi hàng loạt tài khoản tuyển dụng, gia nhập ba nhóm chat giao lưu về tuyển dụng, tất cả đều đang lo lắng căng thẳng về việc làm, không muốn tốt nghiệp cũng là thất nghiệp.

Còn cô Lâm, sinh viên năm cuối, cho biết đau khổ nhất là phải phỏng vấn việc làm qua mạng. Mặc dù cô đã mua máy ghi hình mới, hôm hẹn phỏng vấn đã dậy từ sớm để sửa soạn, xem lại đường truyền Internet, bố trí bối cảnh phía sau, căn dặn người nhà đừng quấy rầy lúc đang phỏng vấn.

Nhưng đến khi phỏng vấn, đường truyền của nhà tuyển dụng có vấn đề, hình ảnh gián đoạn, âm thanh ngắt quãng, cô luống cuống xử lý tình huống bất ngờ, cuối cùng bị đánh rớt.

Lý Du người Chiết Giang vừa trải qua một kỳ nghỉ đông dài chưa từng có, cô vừa viết luận văn thạc sĩ báo chí vừa lo tìm việc làm. Ý định ban đầu của cô là xin vào làm việc ở các tòa soạn báo của Chiết Giang hay Bắc Kinh, thi công chức là lựa chọn sau cùng. Nhưng sau khi dịch bệnh bùng phát, cô đang phải suy nghĩ lại về lựa chọn của mình, thi công chức trở thành lựa chọn đầu tiên.

Điều tra về lựa chọn việc làm sau dịch COVID-19 của sinh viên sắp ra trường trên tờ Thanh Niên Trung Quốc với hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp cho thấy 60% muốn lựa chọn công việc ổn định hơn, trong khi chỉ 25% muốn công việc có tính thử thách cao. Đáng chú ý, 91,5% sinh viên cho biết dịch bệnh ảnh hưởng đến lựa chọn việc làm của mình. ■

Nợ lương lao động nông thôn sẽ bị xử lý theo pháp luật

Theo Đài CCTV, năm 2019 tổng lao động nông thôn là 290 triệu người, tăng 2,4 triệu (0,8%) so với năm 2018, chủ yếu làm việc trong ngành xây dựng, chế tạo, vận tải, kho vận, bưu chính… Thu nhập bình quân của họ là 3.962 tệ/tháng (hơn 13 triệu đồng). Diện tích nhà ở bình quân của lao động nông thôn ở thành phố là 20,4m2.

Quốc Vụ viện Trung Quốc vừa ban hành quy định bảo đảm việc chi trả lương cho lao động di cư, được áp dụng từ ngày 1-5-2020. Đây là những quy định pháp luật đầu tiên để bảo vệ quyền lợi lương bổng của lao động nông thôn, trong đó nêu rõ nợ lương lao động nông thôn sẽ bị pháp luật trừng trị.

Lao động nông thôn là lực lượng quan trọng của quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nước này. Nhưng những năm gần đây, số vụ nợ lương lao động nông thôn không ngừng tăng, trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.

Theo thống kê, năm 2018 các cơ quan hỗ trợ pháp luật Trung Quốc đã giải quyết hơn 481.000 vụ bảo vệ quyền lợi cho lao động nông thôn, trong đó hơn 60% liên quan đến việc đòi tiền công, chủ yếu ở lĩnh vực chế tạo, xây dựng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận