Miền Tây: Thủ phủ vé số cả nước

TTCT - Có cả một nền kinh tế vé số ở miền sông nước.

Người bán vé số dạo tại thành phố Bạc Liêu. Ảnh: CHÍ QUỐC
Người bán vé số dạo tại thành phố Bạc Liêu. Ảnh: CHÍ QUỐC

“Ở đây có cả nền kinh tế vé số”, anh bạn người Hà Nội lần đầu ghé thăm chúng tôi ở thành phố Tân An, Long An, buông lời trong một quán cà phê sát vỉa hè. Tiếp viên quán chưa kịp đưa nước uống ra, anh đã kịp từ chối 5 lượt mời vé số.

Đó hoàn toàn không phải là một lời nhận xét đùa, chẳng qua anh đã quá quen với những lời mời vé số mỗi khi dừng lại ở Tân An. Cảm giác như ở Long An, hầu hết những người đi bộ trên đường thường là người bán vé số. 

Và những người bán vé số đạp xe, chạy xe gắn máy còn len lỏi khắp các ngả đường từ đô thị đến miền quê, trên các bến phà, các tuyến xe buýt công cộng... Không một ngày nào, không một tuyến đường nào mà bạn không gặp người bán vé số.

Câu lạc bộ “2 tỉ đồng”

Cảnh bán vé số ở Long An cũng là cảnh chung ở khắp miền Tây. Tờ vé số đã trở nên quen thuộc với xứ này đến mức trở thành “món quà tinh thần” của rất nhiều người. Bất kể giàu nghèo, dù làm nghề gì, nếu bạn có là người xứ khác đến sống ở miền Tây một thời gian thì khả năng cao là trong người bạn đang có ít nhất một tờ vé số.

“Cứ sáng ra ngồi cà phê chung, người này mua đưa tặng, người khác mua tặng..., chia nhau xoay vòng riết mình cũng mua tặng lại. Cứ như là một thứ văn hóa của vùng này. 

Mua riết thành thói quen, đến mức lâu lâu về quê Nghệ An ngồi uống nước lại cảm giác thiếu thiếu, mới nhớ ra là ngồi cả buổi mà không gặp ai mời vé số như ở Long An” - anh Lê Quốc Bảo, một người về “mần rể” ở Tân An hơn hai năm, nói về việc “ghiền” mua vé số.

“Văn hóa vé số” mà anh Bảo nhắc đến là có thật. Ở quán cà phê trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, dân bán vé số hễ thấy cái bàn tròn “câu lạc bộ 2 tỉ đồng” của ông Nguyễn Anh Tuấn là lại khấp khởi mừng. 

“Có mười anh em, toàn công chức nhà nước. Cuối tuần là lại kéo ra đây ngồi tụ họp ăn sáng, cà phê. Cứ một người mua 10 tờ, chia đều. Nếu trúng thì mỗi người được 2 tỉ nên gọi vui là câu lạc bộ 2 tỉ. Lâu dần dân vé số gọi theo”, ông Tuấn cười giải thích. 

Câu lạc bộ của ông Tuấn nổi tiếng trong giới vé số đến mức, lâu lâu nhóm muốn đổi quán ăn sáng, cà phê cho có không khí mới, tức thời mấy mối quen cũng sẽ tới... túc trực.

Với người bán vé số, kiếm được càng nhiều mối quen thì càng “ấm”. Thông thường, một tờ vé số bán ra, người bán sẽ được 1.200 đồng nếu trả trước cho đại lý vé số khi lấy vé. 

Còn nếu “ký gửi”, lấy vé trước và bán hết ngày tới trả sau thì chỉ được 1.000 đồng, có nơi chỉ được 800 đồng. Bán được một cây (nguyên lốc) 100 tờ vé số, kiếm được 120.000 đồng.

Việc bán được một cây vé số ở miền Tây nhiều khi rất dễ. Càng dễ hơn khi có mối quen là “đại gia”. Cái máu công tử Bạc Liêu thuở nào vẫn còn chảy trong tính cách người miền Tây, việc để ra vài triệu đồng, mua vài cây vé số chia đều cho anh em trên bàn tiệc, bàn cà phê là chuyện quá quen thuộc với xứ này.

Thế nên có nhiều người bán vé số, mỗi sáng ra lấy 5 cây (400 - 500 vé), xong chỉ việc đến bàn có mối quen đang ngồi ăn sáng cà phê để... phụ luôn quán việc bưng bê. Một buổi chỉ cần một người trong bàn có “cảm hứng vé số” thì việc bán được 5 cây, bỏ túi 400-500 ngàn là chuyện thường.

Tín ngưỡng đa thần và đa văn hóa vẫn còn sâu đậm ở vùng đất mới này, nên mỗi con số cũng được giới chơi vé số gắn liền với một con vật, một cảm xúc, một việc hiếu hỉ hay xui rủi... Nên dân vé số không chỉ tập trung mời khách ở hàng quán, mà còn len lỏi đến tất cả các đám cưới, đám ma, đám tiệc khắp miền Tây.

Nhiều công ty như công ty xây dựng của ông Lý Văn Tường, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, cứ đến tết còn lì xì cho mỗi công nhân một vài tờ vé số kèm tiền thưởng, xem như “truyền thống” của công ty. 

Một số công sở nhiều năm qua cũng duy trì việc lãnh đạo tổ chức lì xì trong ngày họp mặt doanh nghiệp, đơn vị đầu năm, ngoài một số tiền nhỏ còn kèm mấy tờ xổ số của tỉnh nhà, thay cho một lời chúc năm mới may mắn, “tấn tài tấn lộc”, âu cũng là một cử chỉ dễ thương. 

Nhiều khách đến thăm nhà nhau những dịp lễ, tết, đám tiệc..., ra về cả túi áo túi quần chật cứng vé số gia chủ tặng cũng là hình ảnh quen thuộc ở miền Tây.

Muôn cảnh đời bán vé số

Trong đợt dịch COVID-19, khi có chủ trương của Nhà nước về việc hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, người hành nghề tự do..., lực lượng bán vé số dạo mới “hiện hình” rõ ràng qua những con số thống kê.

Những tỉnh có lượng người bán vé số đông như Long An xác định được 8.109 người bán vé số dạo, Sóc Trăng khoảng 6.500 người, Bến Tre hơn 5.000 người... 

Một số tỉnh ít người bán như Kiên Giang cũng khoảng 3.000 người, Tiền Giang khoảng 2.500 người kiếm sống nhờ tờ vé số. Đây là lượng lao động rất lớn, trong đó thành phần ngoài độ tuổi lao động, khuyết tật cũng rất nhiều. Nếu không có nghề bán vé số, hẳn nhiều người khó tìm được phương kế khác để mưu sinh.

Ông Trần Văn Dương, 62 tuổi, ngụ phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, tâm sự nghề bán vé số dạo trở thành cách kiếm sống duy nhất của ông đã 5 năm nay, từ ngày ông bị tai nạn phải cắt cụt chân trái, vợ con bỏ nhà đi nơi khác kiếm sống. 

Còn bà Trần Thúy Loan, 68 tuổi, ngụ huyện Gò Quao, Kiên Giang, bị suy thận mãn phải chạy thận lọc máu định kỳ tại bệnh viện. Cách đây 2 năm, toàn bộ tài sản trong nhà đều bán hết, chỉ còn lại 4 công đất ruộng bà không dám bán mà để lại cho con. 

Để có tiền trị bệnh kéo dài cuộc sống, bà Loan chọn cách ngồi xe lăn bán vé số dạo quanh chợ 30-4, gần Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Không đi được nhiều, nhưng loanh quanh cũng bán vé số kiếm được trên dưới 200.000 đồng mỗi ngày, đủ giúp bà tích cóp mỗi tuần sinh sống, chi trả khoản bảo hiểm y tế để chạy thận.

Nghề vé số còn là một lựa chọn dễ dàng vì vốn ít, không đòi hỏi gì, gần như có thể bắt đầu từ tay trắng. Anh Trần Văn Hiệp, 47 tuổi, quê huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, tâm sự chỉ cần 1-2 triệu đồng là đủ lãnh 100-200 tờ vé số đi bán.

Anh và vợ đều làm nghề bán vé số dạo, thuê nhà trọ trên đường Lâm Quang Ky ở thành phố Rạch Giá. Nếu chịu khó, ngày kiếm được vài trăm ngàn, cả nhà vừa đủ sống và nuôi được người con trai đang học cao đẳng nghề. “Ban đầu chỉ tính ráng bán vé số nuôi nó năm đầu, nhưng thấy nghề này khỏe hơn việc đi kiếm nơi làm thuê, làm mướn vừa bấp bênh vừa cực, nên bàn với vợ cùng bám vô việc bán vé số kiếm sống luôn”, anh Hiệp cười.

Muôn cảnh bán, nên cũng lắm chuyện vui buồn. Nếu bạn không quen sống ở miền Tây, vào ngồi một quán nước vỉa hè và lôi laptop ra làm việc thì hẳn khó lòng tập trung với những xấp vé số chìa đến trước mặt liên tục. 

Nhiều lúc bạn đã mệt hay chán, không muốn trả lời luôn, vì đã phải từ chối quá nhiều người. Muốn dành tất cả thời gian lãng mạn cùng người yêu trong công viên hay ghế đá bờ sông ư? 

Lực lượng vé số đông đảo sẽ không để bạn yên. Đang nắm tay người yêu, nhìn ra bờ sông đầy thi vị mà bị hỏi giật “còn 2 tờ 59 nè” không còn là chuyện chỉ để cười ở miền Tây.■

Tiền chơi vé số đủ mua... xe hơi

Ông Trần Văn Thạch (ngụ phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), đã nghỉ hưu 6 năm nay, cho biết ông đã có thói quen mua vé số khoảng 35 năm. 

Mỗi ngày ông đều mua 2 tờ, những ngày tới kỳ lãnh lương hưu hay dịp tết, ông mua nhiều hơn. Ông Thạch nhẩm tính, bình quân mỗi tháng ông chơi vé số 800.000 đồng, tính ra trong ngần ấy thời gian, đủ để ông mua một chiếc xe hơi. 

“Lúc đầu, tôi cũng không hứng thú chơi vé số. Nhưng mỗi khi ngồi ăn vỉa hè, có em nhỏ hay cụ già đến mời, thương tình tôi mua ủng hộ. Lâu ngày, mua riết rồi ghiền lúc nào không hay. Bây giờ ngày nào mà không mua vé số, cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Mặc dù chưa may mắn trúng độc đắc, nhưng chiều chiều vẫn nuôi hi vọng có ngày lên hương”, ông Thạch trải lòng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận