Ở Trung Quốc người ta thi cử thế nào?

CẢNH CHÁNH - HẢI MINH 10/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT - Kỳ thi gaokao (cao khảo) ở Trung Quốc là kỳ thi tuyển sinh dành cho học sinh tốt nghiệp trung học được khôi phục vào năm 1977. Năm 1983, gaokao bổ sung thêm môn ngoại ngữ. Năm 2000, kỳ thi thống nhất trên toàn quốc nhưng các tỉnh được quyền tự chủ ra đề.

Một lớp luyện thi gaokao ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một lớp luyện thi gaokao ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Năm 2017, Trung Quốc bắt đầu thí điểm cải cách kỳ thi đại học ở Thượng Hải và Chiết Giang. Đến nay, có thêm 4 tỉnh thành tham gia kế hoạch cải cách là Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hải Nam.

Lều chõng thời mới

Theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh, đây là cuộc cải cách thi cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay của nước này. Điểm mới của cuộc cải cách là không thi theo ngành khoa học xã hội (KHXH) và khoa học tự nhiên (KHTN) như trước, mà thi 3 môn văn, toán, ngoại ngữ và các môn tự chọn (6 chọn 3).

Tiêu chuẩn tuyển sinh đại học không chỉ dựa vào kết quả thi như trước, mà căn cứ thành tích 3 môn thi chính, 3 môn tự chọn và có tham khảo cả phần đánh giá tổng hợp về phẩm chất đạo đức, kết quả học tập, sức khỏe, năng khiếu nghệ thuật, thực tiễn xã hội.

Môn tự chọn thi vào học kỳ thứ 2 của năm lớp 12, kỳ thi được tổ chức 1 lần với đề thi chung trong tỉnh/thành, các môn thi chung của kỳ thi đại học được tổ chức vào tháng 6 hằng năm thống nhất toàn quốc. Đặc biệt là môn ngoại ngữ được thi 2 lần, học sinh được lấy thành tích tốt hơn làm cơ sở đánh giá. Trong 3 môn thi chính, môn ngữ văn sẽ có độ khó hơn, có tính quyết định kết quả thi.

Ngoài ra, một số trường đại học danh tiếng như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Chiết Giang, Cát Lâm còn tổ chức tự chủ tuyển sinh khoảng 5% chỉ tiêu. Kỳ thi tuyển sinh này tổ chức sau kỳ thi đại học chung của cả nước, thông qua kỳ thi này sẽ được cộng điểm hoặc một số chính sách ưu tiên.

Việc xét tuyển đại học chia thành 3 nhóm: chuyên ngành phổ thông, nhóm năng khiếu nghệ thuật và năng khiếu thể thao. Trong đó, nhóm phổ thông căn cứ số lượng thí sinh, điểm thi chia 3 giai đoạn xét tuyển theo nguyện vọng.

Vì vậy, học sinh phải chuẩn bị ngay từ khi vào cấp III, có định hướng rõ ràng và học tốt những môn tự chọn. Năm lớp 10, học sinh học các môn bắt buộc; năm lớp 11 bắt đầu học các môn tự chọn; năm lớp 12 tập trung cho 3 môn thi đại học là văn, toán và ngoại ngữ.

Sau cải cách thì học sinh cấp III ở Trung Quốc không còn được học một lớp cố định có giáo viên chủ nhiệm như trước, mà học theo chế độ chọn môn. Chính vì không có chủ nhiệm nên nhiều trường áp dụng chế độ điểm danh bằng vân tay, nhận dạng để quản lý học sinh. Ông Thiệu Hàng, phụ trách Tập đoàn giáo dục Học Đại, cho rằng cuộc cải cách vừa qua ở Trung Quốc không chỉ là cải cách chế độ thi cử, mà là cả nền giáo dục THPT. Qua đó giúp học sinh sớm định hướng cho bản thân.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng khuyến khích các trường đại học hàng đầu ưu tiên tuyển học sinh vùng nông thôn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với mức chỉ tiêu cụ thể các trường đại học phải tuyển tối thiểu 10% học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Tập Cận Bình và Thomas Edison

Đó là những nhân vật đã xuất hiện trong các đề thi gaokao ở Trung Quốc thời gian qua. Theo trang qq.com, kỳ thi đại học năm 2018 của Trung Quốc có hơn 9,7 triệu thí sinh. Các sĩ tử sẽ phải trả lời những câu hỏi rất hóc búa và viết những bài luận văn sâu sắc để mở ra cánh cửa vào đại học.

Đề văn, phần nhiều mang tính chính luận, nhận được nhiều sự quan tâm, và là sự lồng ghép giữa tinh thần dân tộc chủ nghĩa, Trung Quốc cường thịnh, và cả những vấn đề thời sự.

Chẳng hạn, đề thi khu vực I đại khái như sau: “Năm Canh Thìn 2000 bước vào thiên niên kỷ mới, Trung Quốc chào đón hàng chục ngàn trẻ em thiên niên kỷ. Năm 2008 động đất Vấn Xuyên, Thế vận hội Bắc Kinh. 

Năm 2017, người dân Trung Quốc sử dụng Internet là 772 triệu người, phổ cập Internet vượt mức trung bình thế giới. Năm 2018, thế hệ trẻ em thiên niên kỷ đã trưởng thành... Năm 2020, xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội. 

Mỗi một thế hệ có một sứ mệnh, thách thức; anh/chị cùng đồng hành, trưởng thành với đất nước, cùng theo đuổi giấc mơ thời đại mới của Trung Quốc, hãy liên tưởng viết thành bài văn sẽ đựng trong “hộp thời gian” để mở ra vào năm 2035”.

Đề thi ở Bắc Kinh là chọn một trong hai đề. Đề 1: “Thanh niên trong thời đại mới nói về quá trình trưởng thành trong sự phát triển của đất nước”. Đề 2: “Với chủ đề “Non xanh nước biếc”, hãy viết về bức tranh cuộc sống hài hòa tươi đẹp sinh động giữa con người và thiên nhiên”.

Ý tứ của đề thi này nằm ở bốn chữ “non xanh nước biếc”, một phần trong phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông thăm Chiết Giang: “Non xanh nước biếc chính là rừng vàng rừng bạc”. Năm 2017 ở Bắc Kinh, đề thi là: “Tôi chụp hình nước cộng hòa”.

Nhưng không chỉ có các câu hỏi mang đậm màu “xây dựng xã hội chủ nghĩa” và dân tộc chủ nghĩa, kỳ thi cũng đòi hỏi những tri thức rộng lớn và cả thực tế từ học trò. Năm 2016, CNN từng chọn ra 8 câu hỏi gaokao để thử sức người đọc của họ.

Trong đó câu trắc nghiệm của đề nghệ thuật là: “Văn chương và nghệ thuật là sản phẩm của thời đại chúng được tạo ra và phản ánh tinh thần thời đại đó. Hãy chọn cặp đúng trong các cặp sau đây: 

a) Những thay đổi sâu sắc trong xã hội sau cách mạng công nghiệp - Sự nổi lên của trào lưu nghệ thuật hiện đại; 

b) Khủng hoảng về tinh thần ở phương Tây sau Thế chiến I - Sự ra đời của trường phái ấn tượng; 

c) Những xung đột xã hội mạnh mẽ hơn ở các nước phương Tây tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ 19 - Sự nổi lên của trường phái hiện thực; 

d) Sự thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản phương Tây sau Thế chiến II - Sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn” (câu trả lời ở trong box).

Trang thatsmags.com cũng đã liệt kê 30 câu hỏi đặc sắc của các kỳ thi gaokao, như đề văn năm 2013 ở Bắc Kinh: “Hãy tưởng tượng Thomas Edison ở thế kỷ 21, ông sẽ nói gì về điện thoại thông minh?”. Đề ở tỉnh An Huy, cũng năm 2013: ““Một số người nhìn sự vật như chúng vốn là và hỏi tại sao? Tôi mơ về những thứ chưa bao giờ có và hỏi: Tại sao không?” - George Bernard Shaw. Viết một bài luận về câu nói đó, tối đa 800 chữ”.

Các đề thi khác yêu cầu thí sinh ứng khẩu làm một bài thơ, hay yêu cầu: “Chọn một học trò của Khổng Tử và viết 200 chữ giải thích lựa chọn của bạn”.

Các câu hỏi địa lý chẳng hạn, được cấu trúc thực tế, như yêu cầu thí sinh cho biết điều kiện thời tiết sẽ ra sao nếu một chiếc tàu khởi hành từ Phúc Kiến đi Venice vào giai đoạn tháng 6-9, hay trong một câu hỏi đời thường khác, thí sinh được yêu cầu giải thích tại sao ngân hàng lại trả lãi suất cho tiền gửi.

Đại học chi đạo

Nền học thuật lâu đời khiến kỳ thi quan trọng nhất của Trung Quốc này vẫn còn nhiều màu sắc kinh viện, “thi đỗ làm quan”, “vinh quy bái tổ”, nhưng những điểm mạnh của nó cũng là không thể bác bỏ. Ngày càng nhiều đại học ở các nước phương Tây giờ đã chấp nhận gaokao để tuyển học sinh đến từ Trung Quốc, thay vì đòi hỏi họ phải trải qua các kỳ thi được quốc tế thừa nhận, như SAT.

Tháng 6 vừa rồi, Đại học New Hampshire trở thành trường công cấp tiểu bang đầu tiên ở Mỹ chấp nhận điểm thi gaokao, bên cạnh khá nhiều trường tư danh giá trước đó, bao gồm Đại học New York hay Đại học San Francisco, theo The Economist. Ở Canada, khoảng 30 trường đại học cũng đã chấp nhận điểm gaokao thay vì SAT, bao gồm các trường lớn như Đại học Toronto và Đại học McGill.

Ở Úc là Đại học Sydney và thực tế là hơn một nửa các trường ở đây, với lượng kiều dân Trung Quốc rất lớn, đã chấp nhận điểm gaokao. Ngay cả Đại học Cambridge lừng lẫy ở Anh cũng đã chấp nhận kết quả đó, và nhiều đại học châu Âu khác đang noi theo.

Đây là tin rất tốt cho học trò Trung Quốc. Trước đó, nếu họ muốn du học thì nhiều khả năng họ sẽ phải bỏ gaokao, vốn đòi hỏi nhiều năm trời “sôi kinh nấu sử”.

Giờ thì họ có thể “nhất cử lưỡng tiện”. Lựa chọn học ở nước ngoài với kết quả gaokao cho học trò Trung Quốc “một lối thoát” - một phụ huynh họ Lưu ở Bắc Kinh nói với The Economist. Các đại học phương Tây cũng không có điểm chuẩn - điểm sàn cho các thí sinh gaokao như đại học Trung Quốc, thêm một điểm cộng lớn nữa cho các học trò.

Tất nhiên, những nội dung đậm màu chính trị cũng gây ra nhiều than phiền trong học giới phương Tây và học sinh Trung Quốc vẫn phải nộp thêm các bằng cấp về năng lực tiếng Anh.

Các phòng đào tạo ở những trường đại học lớn cũng biết rằng gaokao là một kỳ thi đòi hỏi học thuộc lòng rất nhiều, nhưng một quan chức bộ phận tuyển sinh giấu tên của Đại học New York nói trường thấy gaokao vẫn hữu ích trong việc đánh giá các ứng viên vì nó cho biết “sự sẵn sàng khác nhau” của họ, bao gồm tính kỷ luật. Bà cũng khẳng định các sinh viên có điểm gaokao cao được tuyển vào trường “học rất, rất tốt”.

Nhưng cũng còn những nơi nghi ngờ. Đại học Melbourne là trường duy nhất trong nhóm 8 trường lớn ở Úc không chấp nhận kết quả gaokao. Carolyn Evans, phó hiệu trưởng trường, nói họ đã đánh giá vấn đề này nhiều lần và quyết định rằng có những tiêu chí khác tốt hơn. Tuy nhiên, như bình luận của The Economist, lập trường đó sẽ khó đứng vững lâu nữa: 1/3 sinh viên quốc tế ở Úc và Mỹ hiện là người Trung Quốc. Gaokao có vẻ sẽ là kỳ thi đại học của tương lai, một tương lai rất gần.■

Câu trả lời đúng cho câu hỏi trắc nghiệm trong bài là phương án c). Các phương án nghe đều có vẻ có lý, nhưng không khớp về mặt thời gian. Ở phương án a), cách mạng công nghiệp bắt đầu từ năm 1760 ở Anh, diễn ra trước trào lưu nghệ thuật hiện đại (Modern Art) - vốn nở rộ từ những năm 1860 - tới 100 năm. Với phương án b), trường phái ấn tượng (Impressionism) ra đời trước Thế chiến I khoảng nửa thế kỷ. Tương tự là d), Thế chiến II là 1939-1945, trong khi chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism) trong nghệ thuật đạt tới đỉnh cao có lẽ là vào nửa đầu thế kỷ 19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận