TTCT - Đi từ những “buổi học đầu bờ” cùng nông dân đến những ý tưởng được chắt lọc ghi vào nghị quyết về “tam nông” là một người không thiếu những ý tưởng “gàn gàn”, những công bố giật mình...

Tất cả đều cho một bài toán lúa gạo thiết thân với nông dân.

Bao giờ nông dân giàu lên? Trong ảnh: thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp ở Tri Tôn, An Giang - Ảnh: Đức Vịnh

Một thời trường học trên đồng

Năm 1978, trong lúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam còn nóng bỏng, “vựa lúa gạo” miền Tây Nam bộ phải vất vả chống chọi với một cơn lũ dữ và dịch rầy nâu hại lúa chưa từng có. Nhiều gia đình phải ăn độn khoai lang, khoai mì và bo bo.

Ông Nguyễn Văn Sánh lúc ấy còn là một sinh viên khoa nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) thường xuyên cùng nhóm bạn cùng khoa theo phát động của GS.TS Võ Tòng Xuân tản về các địa phương cùng nông dân miền Tây ra đồng làm ruộng. Bấy giờ chính là để cấy thử giống lúa IR36 “một tép” do thầy trò của trường lai tạo với đặc tính nổi trội là kháng rầy, ngắn ngày, đẻ nhánh nhanh, đối phó với trận dịch.

Đó chính là những ngày mà GS Võ Tòng Xuân kể lại: “Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản trồng giống lúa cũ TN73-2 và IR26. Tôi đề nghị ban giám hiệu cho đóng cửa trường trong hai tháng để chúng tôi cùng sinh viên đem phổ biến giống lúa mới IR36 kháng rầy để cứu nông dân. Chú Ba - Phạm Sơn Khai, bí thư đảng ủy kiêm hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, đã đồng ý cho thực hiện.

Hơn 2.000 sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau hai ngày được huấn luyện cấp tốc ba phương pháp sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và cấy lúa 1 tép/bụi, đã ra quân đến các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Mỗi sinh viên mang 1kg lúa giống IR36 để cấy ra 1.000m2, trái với tập quán của nông dân là phải cần 8-10kg lúa giống... Chỉ trong hai vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ khắp các vùng lúa cao sản, đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân”.

Đó là những bức xúc thực tiễn đã khiến thầy trò Trường ĐH Cần Thơ trở thành những người có mặt sớm nhất ở “trường học của nông dân trên đồng ruộng”, trước khi trở thành hình mẫu “Farmer Field School - FFS” - một cách thức đào tạo, chuyển giao kiến thức nông nghiệp được áp dụng rất thành công ở Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan những năm 1980. Ngày nay, người ta cũng thấy mô hình “cùng nông dân ra đồng” ở những “cánh đồng mẫu lớn”.

Sống trong không khí của ruộng đồng, cùng học cùng làm với nông dân ngay cả khi đã tốt nghiệp, được giữ lại trường để tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, TS Nguyễn Văn Sánh bảo ông đã gắn đời mình cùng những suy tư về “tam nông” từ độ ấy.

Ông Sánh gắn đời mình với những suy tư về “tam nông” từ những “buổi học đầu bờ” - Ảnh: Trung Cường

Ý tưởng “gàn gàn” và những công bố giật mình

Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 (ở Sóc Trăng năm 2011), thầy trò Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - nơi ông Sánh làm viện trưởng - mang đến một tấm bản đồ đặc biệt: “Bản đồ Việt Nam bằng lúa” được ghép bằng nhiều hạt lúa, hạt gạo đủ loại, từ gạo ST19, gạo lứt đỏ, gạo nếp than, gạo nếp cái hoa vàng, gạo nếp hạt dài đến các giống lúa nếp than, nếp đỏ, nếp minochi, CL8, IR50404, IR42 đỏ, một bụi đỏ, nanh chồn, tào hương...

Công trình đạt kỷ lục quốc gia này như hình ảnh tượng trưng cho hành trình của viện, từ một bộ môn cây trồng của khoa nông nghiệp ĐH Cần Thơ, trở thành trung tâm, Viện Nghiên cứu phát triển hệ thống canh tác và là Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Và đó chỉ là một trong những chuyện dễ thấy. Ít ai biết nhà khoa học “Hai Lúa” này chính là người hơn 10 năm trước đã đề xuất “phá bờ mẫu, đóng cừ sạn mở mang ruộng lúa để liên kết hợp tác nông dân làm ăn lớn”.

Dạo đó, nhiều người bảo ông gàn, nhưng ý tưởng đó bây giờ là hình mẫu của “cánh đồng mẫu lớn” khi nó được ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, hiện thực hóa bằng cách tập hợp nông dân trồng lúa, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo. Ý tưởng “cừ sạn” ngày trước được thay bằng các bản đồ số hóa với công nghệ GIS để người nông dân thành cổ đông bằng quyền sử dụng đất.

Cũng chính ông “tam nông” này là người nói về “hạt gạo đang bị cắn chia làm tám” khiến phần lợi nhuận của nông dân trồng lúa bị teo tóp, kêu gọi việc “chia lại lợi tức” trong chuỗi giá trị này. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở viện đã làm “giật mình” không ít người khi chứng minh nếu người trồng lúa có đạt 30% lợi nhuận thì xét trên bình diện chung của hiện trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu liên kết hiện nay, thu nhập của họ chỉ đạt chưa được 1 USD/người/ngày.

Từ đây, ông nói về câu chuyện “nông dân bốn bước”: bước lên, bước xuống, bước ra, bước vào liên kết làm ăn hợp tác để làm giàu; “nông nghiệp bốn đúng”: đúng lượng, đúng chất, đúng thời điểm, đúng giá trị nông sản; “nông thôn bốn nhất”: nghèo nhất, lạc hậu nhất, hưởng phúc lợi xã hội thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất... Sau đó là những nghiên cứu, đề xuất cải tiến cơ chế, chính sách liên kết vùng, thực hiện “tam nông” trong điều kiện và đặc thù riêng của vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Có người bảo ông “lo chuyện bao đồng, đi trên mây” trong khi công việc chính là nghiên cứu, giảng dạy, nhưng ông không nản, có khi tự an ủi “miễn sao đừng đi dưới âm phủ mà phải luôn đồng hành cùng nông dân”.

Năm 2006, tại hội nghị lấy ý kiến lãnh đạo địa phương ở An Giang chuẩn bị cho nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, TS Sánh phát biểu về cơ hội và thách thức của “tam nông”.

Từ góc nhìn của đồng bằng sông Cửu Long, ông khái quát “nông dân là chủ thể, nông thôn là địa bàn, nông nghiệp là cách thức để thực hiện tam nông”. Sau đó, được mời ra Hà Nội góp ý dự thảo nghị quyết, ông cặm cụi chuẩn bị hàng tháng trời, rồi kể “tui mừng rơn” khi thấy nội dung nghị quyết về sau có câu chữ mà mình đã tâm huyết đề xuất.

Còn đó những trăn trở và kỳ vọng

Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long hiện đang “sở hữu” một ngân hàng gen với hơn 2.000 giống lúa các loại, từ giống chịu phèn, kháng rầy, ngập úng, khô hạn đến ngon cơm, cao sản... Hằng năm, những nhà khoa học nơi đây phải trích từ khoản kinh phí hiếm hoi của một đơn vị sự nghiệp để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý này.

Ông “tam nông” vẫn luôn ao ước sau khi đề án liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long mà hơn ba năm qua, ông và các nhà khoa học ở Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam dành nhiều tâm huyết được cấp thẩm quyền phê duyệt, đây sẽ là cầu nối tập hợp nhiều nhà khoa học, cả hợp tác quốc tế để lai tạo những giống lúa mới thích hợp với biến đổi khí hậu, chịu mặn, cả những giống lúa có thể chu du và bám rễ ở các mảnh đất châu Phi hay sa mạc Trung Đông mà nhiều quốc gia, nhà đầu tư đang rất ngưỡng mộ, ao ước.

Gốc rễ nông dân, ông Sánh nay vẫn canh cánh trong lòng câu hỏi “phải làm sao để nông dân giàu lên?”, dù biết đấy là chuyện không phải của một người. Trước đây, những bậc cha chú từng “xé rào”, ngầm “chống lệnh” để “khoán chui” trong nông nghiệp, góp phần hình thành chủ trương, chính sách mới của Đảng, tạo kỳ tích từ một nước thiếu đói trở thành cường quốc xuất khẩu gạo chiếm hơn 20% sản lượng gạo thương mại toàn cầu, thành vương quốc cá tra, tôm nổi tiếng thế giới.

Nhưng yêu cầu đặt ra của ngày nay là làm sao để nông dân có thể kiếm sống và làm giàu bằng nghề của mình? Đó là một bài toán cần sự tiếp cận đa ngành, cần quy mô sản xuất lớn hơn, và sự chuyển đổi tận gốc rễ phương thức “làm như mọi khi” sang sản xuất hàng hóa để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.

Và cũng cần rất nhiều nỗ lực để hiện thực hóa kỳ vọng ấy của PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, người vẫn được bạn bè, đồng nghiệp gọi là ông “tam nông”.

“TS Sánh là một nhà khoa học rất có tâm với nông dân. Ông sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của tụi tui một cách nhiệt tình, sẵn sàng lội ruộng cả buổi với nông dân để nói về những bệnh tật của cây lúa hoặc chỉ cách bón phân sao cho hiệu quả.

Ông có cách nói rất dễ hiểu, chân chất giống như ổng cũng là một nông dân vậy. Lần lên truyền hình nói về “liên kết bốn nhà”, ổng chỉ ra những chỗ “kẹt” của Nhà nước, chỗ vướng của doanh nghiệp, chỗ khó của nhà khoa học và chỗ ngặt của nông dân rất dễ hiểu mà cũng rất khéo nghen. Cấp lãnh đạo nghe là biết nói động tới mình nhưng mà hổng có mếch lòng, còn nông dân tụi tui thì “đã” cái lỗ tai quá vì ổng gãi đúng chỗ ngứa - nỗi lòng của nông dân.

Cái “tam nông” của ông Sánh về lý thuyết là rất hay, nếu mà làm được, có người làm, mà làm quyết liệt, làm “hăng” thì nông dân đỡ khổ biết mấy”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận