Syria: Vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

DANH ĐỨC 18/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Ngoài câu hỏi đặt ra cho số phận của trên dưới 2 triệu người Kurd ở Syria (xem bài sau), còn là những dấu hỏi về tương lai của đất nước Syria sau tám năm chiến tranh với sự can thiệp của đủ mọi thế lực nước ngoài.

Nhiều trẻ em Syria không biết gì khác ngoài bom đạn chiến tranh. Ảnh: AFP
Nhiều trẻ em Syria không biết gì khác ngoài bom đạn chiến tranh. Ảnh: AFP

Hôm 7-10, một lần nữa Tổng thống Mỹ Donald Trump lại khiến thiên hạ giựt bắn mình khi loan báo rút quân khỏi Syria và giải thích trên Twitter: “Hoa Kỳ được cho là ở lại Syria trong 30 ngày, đó là chuyện nhiều năm trước. Chúng ta đã ở lại và ngày càng dấn sâu vào trận chiến mà không có mục tiêu nào trong tầm nhìn”.

Việc phủ định ý nghĩa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria từ ông Trump đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết: “Tôi đã chịu đựng cuộc chiến này gần ba năm, nhưng đã đến lúc chúng ta phải thoát khỏi cuộc chiến bất tận kỳ cục này... và đưa những người lính của chúng ta về nhà. Chúng ta sẽ chiến đấu ở nơi nào có lợi ích của chúng ta và chỉ chiến đấu để chiến thắng mà thôi”.

Tất nhiên, theo giải thích của ông, Mỹ không “bỏ của chạy lấy người” mà là do “đã đánh bại 100%” Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Quay ngoặt 180 độ

Ngay Hãng tin Fox News, được xem là “gà nhà” của ông Trump, khi loan tin trên cũng phải chạy tít ngầm cho thấy phản ứng: “Trump rút quân khỏi bắc Syria trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức Lầu Năm Góc không hay biết”. Dẫu sao Fox News cũng đã tham gia đưa tin về sự can thiệp của Mỹ vào Syria từ trước khi ông Trump lên làm tổng thống và sau đó ngả theo ông này.

Tuy nhiên, tin trên của Fox News có một chi tiết đáng chú ý: “Các quan chức Mỹ nói với Fox News rằng giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc không hề hay biết và rất sốc bởi lệnh triệt thoái quân Mỹ, một động thái “bật đèn xanh” cho hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Trump trước đó đã nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan qua điện thoại”.

Ông Trump thừa nhận điều này trong cuộc họp với các chỉ huy quân đội hôm 7-10: “Tôi đã nói với Tổng thống Erdogan [rằng] tôi hi vọng ông ấy sẽ đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Các bạn phải hiểu rằng họ [Thổ Nhĩ Kỳ] đã đánh đấm nhiều nhóm khác nhau mà chúng ta từng hợp tác, và họ đã đánh đấm nhiều năm. Có người nói là tới hàng trăm năm”.

Không rõ như thế có là “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ “dập” người Kurd ở Syria hay không (chưa kể 15 triệu người Kurd còn lâu mới bình định được ở ngay Thổ Nhĩ Kỳ), song câu chót chính là lời nhắc bối cảnh xung đột Thổ - Kurd, và nếu có thương vong gì cũng là dễ hiểu...

Tương tự là mẩu tweet hôm 14-10: “Hãy để cho Syria và Assad bảo vệ người Kurd và chiến đấu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ vì chính đất đai lãnh thổ của họ. Tôi có nói với các tướng lĩnh của tôi rằng tại sao chúng ta lại phải chiến đấu vì Syria? Bất cứ ai nay muốn hỗ trợ Syria trong việc bảo vệ người Kurd đều tốt với tôi, dù đó là Nga, Trung Quốc hay Napoleon Bonaparte!”.

Chọn lựa mới này của ông Trump liên quan đến người Kurd hoàn toàn trái ngược tình hình quan hệ giữa Mỹ và người Kurd cách đây hai năm, khi Mỹ còn xông xáo làm “ô dù” cho tổ chức tên gọi là “Khu tự trị Bắc và Đông Syria” (NES) gồm đa số người Kurd cùng nhánh vũ trang của tổ chức này, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Ngày 18-6-2017, tức gần 5 tháng sau khi ông Trump nhậm chức, SDF còn đụng độ với quân chính phủ Syria tại một địa điểm ở phía nam thị trấn Tabqa, nơi một chiếc Su-22 của Syria bị một chiếc F-18 của Mỹ bắn rơi (BBC 19-6-2017).

Sang năm sau, hôm 7-2-2018, quân đội Syria tấn công bằng pháo binh và xe bọc thép các vị trí của người Kurd, trong đó có các cánh đồng dầu hỏa. Một số lính Mỹ “nằm” trong hàng ngũ người Kurd đã gọi phi pháo Mỹ tấn công gây thương vong cho 220 binh sĩ Syria và 15 lính Nga (Prensa Latina, 16-4-2018). Quan hệ người Kurd và quân chính phủ Syria từng đẫm máu cỡ đó, vậy mà giờ ông Trump biểu hãy để cho Syria và ông Assad bảo vệ người Kurd!

Nhưng cũng đừng vội chê ông Trump không biết lịch sử. Ông lý giải trong một mẩu tweet khác hôm 13-10: “Quý vị có nhớ cách đây hai năm, khi Iraq đánh người Kurd ở một vùng khác của Syria. Nhiều người muốn chúng ta chiến đấu với người Kurd chống lại Iraq, nước mà chúng ta vừa chiến đấu để bảo vệ. Tôi đã nói không... Bây giờ điều tương tự đang xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong một góc nhìn nào đó, ông Trump phần nào có lý khi than trên Twitter rằng những người phản đối quyết định rút khỏi Syria của ông “cũng là những kẻ đã đưa chúng ta vào vũng lầy Trung Đông, tiêu tốn 8.000 tỉ đôla và nhiều ngàn sinh mạng [và hàng triệu mạng sống, một khi bạn đếm phía bên kia], giờ lại đấu tranh để giữ rịt chúng ta ở đó. Chớ nên nghe lời những kẻ... đã được chứng minh là thất bại ấy!”.

Thế là người Kurd ở Syria buộc lòng phải quay về phía quân chính phủ Syria mà mới ngày nào họ còn kịch liệt giao chiến. Mazloum Abdi, tư lệnh SDF mà mới đây còn ngày ngày lên báo “sát cánh” với liên quân chống Assad, thì nay viết bài cậy đăng trên tờ Foreign Policy 13-10-2019 giải thích lý do quay ngoặt 180 độ.

“Chúng tôi biết sẽ phải thỏa hiệp đau đớn với Matxcơva và Bashar al-Assad nếu chúng tôi bước vào con đường hợp tác với họ. Nhưng nếu chúng tôi phải lựa chọn giữa thỏa hiệp và sự diệt chủng dân tộc chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ chọn cuộc sống cho người dân chúng tôi”.

Thủ lĩnh của một lực lượng còn đông đến 70.000 quân, đang cầm giữ những 12.000 tù binh IS, mới cách đây 4-5 năm còn chiếm một nửa Syria, nay than trách: “Lý do chúng tôi liên minh với Hoa Kỳ là niềm tin cốt lõi của chúng tôi vào nền dân chủ.

Chúng tôi nay thất vọng và phẫn uất bởi cuộc khủng hoảng hiện tại. Người dân chúng tôi đang bị tấn công nên sự an toàn của họ là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Hai câu hỏi vẫn còn đó: Làm thế nào chúng tôi có thể bảo vệ tốt nhất người dân? Và Hoa Kỳ có còn là đồng minh của chúng tôi không?”.

Bể khổ

Tai họa của người Kurd thật ra chỉ là một phần của thảm kịch Syria, và không ít dân tộc khác trong khu vực ở đoạn đầu thế kỷ 21, ít ra là từ biến cố Mùa xuân Ả Rập. Như ở nhiều nơi trong vùng, đầu năm 2011 ở Syria, thanh thiếu niên xuống đường, bắt đầu từ tỉnh Daraa ở miền nam và bị bắt giam.

Biểu tình khắp nơi đòi thả họ, đòi lật Tổng thống Assad. Ông này tung quân đội đáp trả. Những diễn biến không khác mấy vào cuối năm 2010 ở Tunisia, rồi Ai Cập, Morocco, Syria, Libya, Yemen... Foreign Policy là tờ báo đầu tiên gọi đó là “Mùa xuân Ả Rập”.

Ở hầu hết các nước này, những lãnh đạo độc tài bị lật đổ, có người mất mạng như ông Muammar Gaddafi ở Libya. Riêng ông Assad ở Syria là người duy nhất vẫn ở lại, sống sót, và nay đang khôi phục quyền lực, nhưng với cái giá là cuộc khủng hoảng Syria đã biến thành nội chiến đẫm máu nhất và kéo dài nhất bắt đầu từ tháng 1-2011, chuyển thành tổng nổi dậy từ tháng 3-2011 và nay vẫn chưa kết thúc.

Cuộc khủng hoảng Syria chỉ nhường vị trí “khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ sau Thế chiến II” cho Yemen từ năm 2018, song vẫn có đến 6,6 triệu người Syria nay phải trở thành người tị nạn tại Ai Cập, Iraq, Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ (riêng ở Thổ là 3,5 triệu người); 6,1 triệu người Syria khác phải bỏ nhà cửa lánh nạn trong nước, sống trong cảnh thiếu thốn và hằng ngày tính mạng vẫn bị bom đạn đe dọa, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR).

Cũng theo UNHCR, có đến gần 140.000 người tị nạn Syria sinh sống trong hai trại tị nạn Za’atari và Azraq ở Jordan, với 70.000 người chen chúc trong những dãy lều bạt tiện nghi tối thiểu. 93% người Syria tại Jordan sống dưới mức nghèo khổ. Tại Lebanon là 70%. Tất cả những gì họ có là chút tiếp tế nhân đạo.

Càng bàng hoàng hơn khi khoảng 50% số nạn dân Syria có đăng ký là dưới 18 tuổi. Hàng triệu trẻ em Syria ở độ 8-9 tuổi cả cuộc đời không biết gì ngoài chiến tranh, xung đột và lang thang chạy loạn. Tương lai của các em, và cả Syria, chưa biết bao giờ mới yên ổn cho một công cuộc tái thiết mà UNHCR nói sẽ cần tới hàng trăm tỉ USD.

Biết đâu chuyện ông Trump dứt khoát rút quân, không đánh đấm gì nữa, để lại Syria cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại đem đến một cơ may hòa bình? Với những món quà chiến lược mà Tổng thống Assad đền đáp cho Nga như quân cảng Tartus và căn cứ không quân Khmeimim, cục diện khu vực coi như đã sáng tỏ hơn nhiều sau khi Mỹ rút quân.

Nga đã hiện diện ở Khmeimim từ năm 2015, sau khi Damascus đề nghị Matxcơva hỗ trợ “chống khủng bố”. Yểm trợ bằng không quân của Nga đã giúp Chính phủ Syria lật ngược thế cờ trước IS cùng nhiều nhóm nổi dậy khác.

Hãng tin RT 27-9-2019 dẫn lời Konstantin Dolgov, phó tư lệnh trung đoàn không quân đóng ở Khmeimim, gọi đây là “căn cứ không quân đẳng cấp số 1”. Hiện Nga đang có 30 máy bay túc trực ở đó gồm các chiến đấu cơ Su-35S, Su-34, Su-24, trực thăng Mi-35 và Mi-8 AMTSh.

Tới đây, sau khi hoàn tất đường băng thứ nhì, căn cứ này có thể tiếp nhận mọi loại máy bay, kể cả vận tải cơ hạng nặng và các máy bay ném bom chiến lược. Khi đó, sự hiện diện của Nga trên bờ Địa Trung Hải sẽ vững như bàn thạch.

Cũng nhờ vậy, ông Assad tới đây sẽ thuận lợi hơn trong mọi đàm phán, nếu như còn có thể gọi đó là đàm phán, khi mà phe đối kháng hầu như không còn tồn tại, từ lực lượng nổi dậy trong nước tới các thế lực nước ngoài yểm trợ cho họ.■

[Những kẻ phản đối tôi rút quân khỏi Syria] cũng là những kẻ đã đưa chúng ta vào vũng lầy Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận