Thế kỷ châu Á đã bắt đầu

CHIÊU VĂN 05/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - Liệu châu Á có trở lại với vị thế trung tâm của thế giới một lần nữa trong thế kỷ này?

Ảnh: ft.com
Ảnh: ft.com

Vào cuối năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono tổ chức một cuộc họp báo, trong đó ông thông báo với các hãng tin nước ngoài rằng từ ngày 1-1-2020, người Nhật Bản cần được gọi tên đúng theo cách của Nhật Bản: họ trước, tên sau, thay vì theo kiểu phương Tây bấy lâu nay. Đồng nghĩa tên của ông Taro Kono giờ phải là Kono Taro, và Thủ tướng Shinzo Abe từ năm 2020 sẽ là Abe Shinzo.

Từ việc gọi tên cho đúng

“Như nhiều hãng tin vẫn viết tên Chủ tịch Trung Quốc là Xi Jinping [Tập Cận Bình] và Tổng thống Hàn Quốc là Moon Jae In - ông Kono nói, theo Kyodo News - Chúng tôi mong muốn tên của Thủ tướng Abe Shinzo cũng sẽ được viết như vậy”.

Từ khi mở cửa với phương Tây một thế kỷ rưỡi trước, người Nhật đã chấp nhận sự canh tân không chỉ về kinh tế, công nghệ, quản trị nhà nước và doanh nghiệp, mà cả trong văn hóa. Việc điều chỉnh ngày tết sang dương lịch và viết tên mình theo lối phương Tây chỉ là hai ví dụ nổi bật.

Ông Kono cũng nhắc rằng ở Thế vận hội Tokyo mùa hè này, tên các vận động viên Nhật Bản cần được tôn trọng với kiểu truyền thống, giống như tên của vận động viên Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Triều Tiên hay Việt Nam.

Sự thay đổi này “cho thấy nền văn hóa Nhật Bản rất linh hoạt - Nobuko Kobayashi, đối tác góp vốn ở chi nhánh Nhật Bản của Công ty tư vấn Ernst & Young, một nhân vật có đầu óc toàn cầu (cô tốt nghiệp Đại học Tokyo và có bằng thạc sĩ Trường Kinh doanh Harvard), bình luận trên The New York Times - Trong khi người Nhật thoải mái sử dụng dao nĩa khi ăn đồ Tây, họ cũng rất điêu luyện với việc dùng đũa”.

Kumiko Torikai, giáo sư tiếng Anh và giao tiếp liên văn hóa về hưu tại Đại học Rikkyo, nói việc sử dụng tên kiểu Tây là “sự sỉ nhục” với truyền thống Nhật Bản. “Xu hướng lớn trên thế giới hiện tại là chấp nhận một xã hội đa văn hóa - bà nói với The New York Times - Là bình thường khi nhiều nền văn hóa cùng tồn tại và tôn trọng nhau. Tôi nghĩ việc sao chép các nước phương Tây giờ đã lỗi thời”.

Ở Hàn Quốc, chính quyền đã ra tuyên bố chính thức trước Olympic London 2012 yêu cầu việc ghi tên các vận động viên nước này phải theo lối truyền thống: họ trước, tên sau. “Mỗi người Hàn Quốc và mỗi cái tên đơn lẻ có vẻ chỉ là chuyện nhỏ - tuyên bố viết - Nhưng khi cộng lại, nó tạo ra hình ảnh nước Đại Hàn dân quốc”.

Vấn đề không chỉ là cái tên cần được gọi cho đúng. “Dân Đông Á để họ trước tên vì sự gắn kết với gia đình là thông tin quan trọng nhất về một con người, còn bản sắc cá nhân là yếu tố thứ hai" - Peter Tasker, nhà phân tích của Hãng Arcus Research đang làm việc tại Tokyo, viết trên Nikkei Asian Review - "Về cơ bản, công thức tên kiểu Á Đông phát đi tín hiệu về một xã hội có tính cộng đồng hơn, trong khi công thức của phương Tây có tính cá nhân hơn”.

Đã hết thời “thoát Á - nhập Âu”

Quá trình hiện đại hóa của Nhật Bản diễn ra 150 năm trước và với nhiều nước châu Á vẫn tiếp tục diễn ra lúc này, có lẽ được phản ánh rõ nhất qua cụm từ “datsu-a, nyu-o” (thoát Á - nhập Âu), khởi đi từ những nhà tư tưởng như Yukichi Fukuzawa, vốn coi sự Âu hóa, cả về văn hóa lẫn công nghệ, là con đường sinh tồn duy nhất.

Vào thời đại người phương Tây vẫn còn phân loại các sắc tộc theo mức độ văn minh (thực ra có nghĩa là những ai giống họ nhất thì văn minh nhất), những sao chép của Nhật Bản là tối quan trọng để thuyết phục phương Tây rằng người Nhật cũng ngang hàng với họ, chứ không phải là những dân “lạc hậu chưa khai hóa” phải bị xâm chiếm và thuộc địa hóa.

Nhưng Đông Á nói riêng và châu Á nói chung ngày nay đã khác. Hai thập kỷ sóng gió vừa qua của thế kỷ 21 đã chứng kiến khu vực này là nơi tăng trưởng cao và bền vững nhất trên toàn cầu với những tập đoàn công nghệ mới, những động năng sản xuất mạnh mẽ và cả một siêu cường đang trỗi dậy, khác hẳn sự nghèo khổ và yếu ớt thời Fukuzawa.

“Khi chúng ta nhìn lại từ năm 2100 để xem cột mốc đánh dấu sự chuyển đổi sang một trật tự thế giới do châu Á dẫn dắt là khi nào - Parag Khanna, tác giả người Mỹ gốc Ấn của cuốn The Future is Asian (Tương lai thuộc về châu Á), viết - Đó sẽ là năm 2017.

Tháng 5 năm đó, 68 quốc gia đại diện cho 2/3 dân số và một nửa GDP toàn cầu tề tựu ở Bắc Kinh tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vành đai - con đường. Cuộc tập hợp Á, Âu, Phi đó mang tính biểu tượng cho việc ra mắt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phối hợp lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách của Khanna được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tuyển chọn đặc biệt cho Câu lạc bộ Diễn đàn sách của mình hằng tháng. Những con số đưa ra trong đó thật ấn tượng: “Châu Á một lần nữa lại ở trung tâm, và sẽ là tương lai, của thế giới [...].

Từ bán đảo Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây tới Nhật Bản và New Zealand ở phía đông, từ Nga ở phía bắc tới Úc ở phía nam, vùng này giờ chiếm 50% GDP và 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong mức tăng trưởng tiêu dùng dự kiến 30.000 tỉ đôla của giai cấp trung lưu giai đoạn 2015 - 2030, chỉ 1.000 tỉ sẽ tới từ các nền kinh tế phương Tây. Phần lớn phần còn lại thuộc về châu Á”.

Để nhìn nhận thế giới qua lăng kính “thế kỷ châu Á” đòi hỏi một nhãn quan vượt qua nhiều thập kỷ định kiến tích tụ về châu lục này. Ngay cả hiện giờ, châu Á vẫn chỉ được nhìn nhận chủ yếu qua lăng kính phương Tây, nhưng điều đó đang ngày càng lệch lạc.

Cuộc “khủng hoảng tài chính toàn cầu” khởi phát ở Mỹ năm 2007 thật ra không hẳn là toàn cầu: châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng. Năm 2018, những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hầu hết tập trung ở châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Uzbekistan.

Về chính trị, châu Á cũng đang dần tỏ ra khác biệt: không bị bao phủ trong làn sóng dân túy hay những cuộc đấu đá tả - hữu điển hình của phương Tây, các chính quyền có đầu óc thực tế ở đây tập trung vào sự tăng trưởng dung nạp và cố kết xã hội. 

Những bức tường được dựng lên ở phương Tây, nhưng lại được dỡ bỏ dần ở châu Á: hai hiệp định thương mại tự do mới lớn nhất toàn cầu TPCPP và RCEP sẽ có các đầu tàu là những nền kinh tế châu Á.

Ảnh Reuters. "Hàng tỉ người châu Á sẽ thất nghiệp hay đứng ngoài lực lượng lao động bởi tự động hóa?" - Câu hỏi mà Niikei Assian nêu.

Sẽ không có một châu Á “Hoa tâm”

Trong khi quá trình chấm dứt một thế giới Âu tâm vẫn đang tiếp diễn, nhiều nước châu Á bắt đầu lo ngại về một thế giới “Hoa tâm” (Trung Quốc là tâm điểm), nhưng đó sẽ là một diễn giải giản lược thái quá cho tương lai châu lục. 

Dù Trung Quốc quả quyền lực hơn hẳn các nước láng giềng, dân số nước này dự kiến không tăng trưởng nữa từ năm 2030 và trong 5 tỉ người châu Á khi đó, 3,5 tỉ không phải là người Trung Quốc.

Tương lai của châu Á rộng lớn hơn nhiều so với bất cứ tham vọng nào của Trung Quốc. Các cường quốc hạt nhân Nga và Ấn Độ luôn cảnh giác với những gì họ diễn giải là xâm lấn lợi ích của họ (như việc Ấn Độ rút khỏi RCEP), trong khi các cường quốc khu vực như Nhật Bản hay Úc cũng có tiếng nói nhiều sức nặng.

“Dù đã chi ra 50 tỉ đôla từ năm 2000 tới 2016 vào các dự án cơ sở hạ tầng và viện trợ khắp khu vực - Khanna viết - Trung Quốc hầu như không mua được sự trung thành nào thực sự có ý nghĩa”.

“Bởi thế, càng nhìn xa hơn vào tương lai, châu Á càng hiện ra rõ ràng - như vốn vẫn vậy trong phần lớn lịch sử châu lục này - là một vùng đa cực với nhiều nền văn minh tự tin tồn tại cạnh nhau, biến đổi không phụ thuộc vào các chính sách của phương Tây”.

Rất tự tin và cương quyết, Khanna thậm chí cho rằng sự nổi lên của châu Á hiện giờ không phải mang tính chu kỳ, mà “có tính cấu trúc”, trong đó “sự Á hóa châu Á chỉ là bước đầu tiên của sự Á hóa thế giới”.■

Trong số 30 thành phố lớn nhất thế giới, 21 là ở châu Á, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc. Từ năm 2007, châu Á đã trở thành châu lục mua nhiều xe hơi và xe tải nhất thế giới. Tới năm 2030, châu Á sẽ mua số phương tiện vận tải bằng toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại, theo LMC Automotive.

Theo Financial Times, các nền kinh tế châu Á sẽ lớn hơn toàn bộ phần còn lại thế giới cộng lại vào năm 2020, lần đầu tiên điều đó diễn ra từ thế kỷ 19. Sự vươn lên của Trung Quốc và Ấn Độ giải thích cho phần lớn xu hướng này. Theo ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc giờ đã là nền kinh tế lớn hơn Mỹ, chiếm 19% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu so với 7% vào năm 2000.

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP gấp đôi Đức, vốn là nền kinh tế lớn hơn Ấn Độ vào năm 2000 (theo PPP). Indonesia dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới theo PPP vào năm 2020.

Financial Times cũng ghi nhận Việt Nam đã vượt qua 17 quốc gia về quy mô kinh tế (theo PPP) kể từ năm 2000, bao gồm Bỉ và Thụy Sĩ. “Vào khoảng cuối thế kỷ 17, châu Âu nhìn sang châu Á với sự ngưỡng mộ và ganh tị vì lượng của cải và con người tập trung ở đó… hơn 2/3 GDP và 3/4 dân số thế giới toàn cầu - Andrea Colli, giáo sư lịch sử kinh tế ở Đại học Bocconi, Ý, nói với Financial Times - Tới thế kỷ 18, nền kinh tế Ấn Độ vẫn còn bằng cả châu Âu cộng lại. Giờ thì chu kỳ đó đang quay lại”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận