Trung Quốc mùa COVID-19: Mâu thuẫn học phí trường tư

CẢNH CHÁNH 07/05/2020 21:05 GMT+7

TTCT - Đóng cửa trường học vì dịch bệnh COVID-19 và chuyển sang học online tưởng đã là một xoay xở khó chịu. Nhưng rồi những khó chịu khác ập tới: phụ huynh và các nhà trường ở Trung Quốc “gấu ó” nhau về chất lượng và cả học phí.

Việc học hành từ xa mùa dịch bệnh đã gây ra nhiều tranh cãi ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Việc học hành từ xa mùa dịch bệnh đã gây ra nhiều tranh cãi ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Ở đất nước đông dân nhất thế giới này, các trường công lập miễn phí tổ chức học trực tuyến cho học sinh. Nhưng các trường quốc tế, trường dân lập đa số đã thu học phí xong từ đầu học kỳ nên khi chuyển sang dạy online, vấn đề học phí được phụ huynh quan tâm nhiều nhất.

Không hoàn trả học phí

Dù mới thành lập, hệ thống trường quốc tế ở Trung Quốc phát triển chóng mặt. Ngoài những trường dành riêng cho người nước ngoài, là rất nhiều trường dân lập song ngữ cho học sinh bản địa, học phí tùy cấp học, từ 100.000 đến 400.000 tệ/năm (1 tệ bằng khoảng 3.500 đồng, tức từ hơn 330 triệu đến hơn 1,3 tỉ đồng).

Mới đây, các phụ huynh có con em theo Trường quốc tế Tam Lý Đồn ở Bắc Kinh nổi giận trước thông báo của nhà trường về học phí và kế hoạch học online. Theo đó, họ phải đóng 100% học phí học kỳ 3 (từ ngày 6-4 đến 18-6) của bậc mầm non và tiểu học, chỉ giảm 10% học phí cho kỳ học tiếp theo. Học phí học kỳ 2 (từ 6-1 đến 26-3) sẽ không được hoàn trả. Học phí hai học kỳ là 60.000 - 70.000 tệ.

Các phụ huynh bực tức cho rằng hình thức học online của trường không đáng đồng tiền bát gạo so với mức học phí đắt đỏ. Theo quy định của trường này, một năm học chia làm ba học kỳ, học kỳ 2 học chưa được 3 tuần là nghỉ xuân, đúng ra sẽ học lại vào đầu tháng 2, nhưng do dịch bệnh mà tạm nghỉ.

Trong kỳ nghỉ, trường không dạy trực tiếp online, chỉ gửi email, clip, hình ảnh bài giảng, bài tập cho học sinh là chính, sau khi hoàn thành bài tập, học sinh gửi lại để giáo viên xem.

“Dạy học qua email” khó mà thỏa mãn kỳ vọng của phụ huynh đối với trường quốc tế. Việc học online y như trên lớp thật ở cấp học này đòi hỏi phải có sự kèm cặp của phụ huynh, nhưng sau khi dịch được khống chế, nhiều phụ huynh đã phải trở lại đi làm.

Phụ huynh còn bức xúc vì họ phải đảm nhận không ít phần trong khối lượng bài vở cho con. Một phụ huynh lớp 2 cho biết: “Nhiều người không giỏi tiếng Anh, không thể hướng dẫn con làm bài nên khó bảo đảm chất lượng giảng dạy”.

“Cho con học trường quốc tế với mong muốn được học trong môi trường tương tác sinh động, chứ không phải đơn thuần dạy môn văn môn toán, dạy kiểu đó tôi cũng dạy được. Phương thức giảng dạy của trường trong mùa dịch không như mong đợi của chúng tôi, mà học phí thì vẫn lấy đầy đủ”, một phụ huynh lớp 1 kể với trang tin Tài Tân.

Nhà trường và phụ huynh đã nhiều lần cùng thảo luận về vấn đề học phí, nhưng chẳng thể thống nhất nổi. Theo giải thích của ông hiệu trưởng John Brett, giáo viên vẫn cố gắng làm việc mỗi ngày trong mùa dịch, trường vẫn phải bảo đảm tiền lương trong khi học phí là nguồn thu duy nhất.

Để cải thiện chất lượng giáo dục, trường bắt đầu cho học trực tuyến qua ứng dụng mỗi tuần một lần 30 phút. Do lệch múi giờ, số học sinh online không nhiều, nội dung học chủ yếu là trò chuyện. Nhà trường đã cam kết sẽ tăng giờ học livestream lên một tuần hai lần.

Để xoa dịu phụ huynh, ông Brett nói sẽ tổ chức lớp học hè miễn phí đến khi chính thức đi học trở lại. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ở các nước vẫn chưa lắng xuống, nhiều giáo viên nước ngoài không thể quay lại trường, phụ huynh tỏ ra bi quan về khả năng đi học trở lại.

Giải pháp của nhà trường

Nhiều trường quốc tế khác ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh… đều bị phụ huynh phản ảnh về vấn đề học phí. Các trường này chỉ hoàn trả một phần nhỏ học phí của học kỳ 2, hoặc khấu trừ học phí cho học kỳ 3. Hầu như không phụ huynh nào hài lòng với giải pháp đó.

Theo khảo sát của trang jiemian.com, 80% phụ huynh yêu cầu hoàn trả 50% học phí do dạy online "không xứng đáng với giá trị dịch vụ đúng ra nhà trường phải cung cấp".

Ngày 10-4, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo chấn chỉnh tình trạng loạn thu phí ở các trường dân lập. Trong đó quy định nhà trường không được thu trước học phí, tiền ký túc xá; các khoản thu như tiền ăn, tiền xe đưa rước… phải tính trên số ngày sử dụng thực tế.

Vì Bộ Giáo dục không quy định cụ thể về học phí học trực tuyến, mỗi trường chọn một kiểu giải pháp. Thậm chí có cả những trường đòi tăng học phí, như Trường quốc tế BASIS Nam Kinh thông báo sẽ tăng 6% học phí vào năm học mới, yêu cầu đóng trước 50.000 tệ phí đặt chỗ. Lý do là dịch bệnh khiến chi phí hoạt động của trường tăng, nhà trường căn cứ tình hình thị trường điều chỉnh mức học phí.

Sự việc sau khi bị phanh phui, Sở Giáo dục Nam Kinh đã mời trường lên làm việc và quyết định tăng học phí đã phải rút lại. Nhìn chung, các trường quốc tế, dân lập ở Trung Quốc hiện đang trong tình trạng quan sát nghe ngóng lẫn nhau, trường anh không giảm học phí thì trường tôi cũng không.

Ý kiến phụ huynh

Theo trang Nam Phương, không chỉ trường quốc tế mà nhiều cơ sở đào tạo dân lập cũng đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì dịch kéo dài gần 3 tháng.

Nhiều phụ huynh Trường đào tạo Đông Phương, Tế Nam phản ảnh với tờ Tề Lỗ Buổi Tối rằng đầu năm đã đóng học phí 6 tháng hơn 30.000 tệ để ôn các môn năng khiếu chuẩn bị thi đại học vào tháng 6, giờ kỳ thi đại học bị dời đến tháng 7, nhà trường yêu cầu đóng thêm một tháng học phí.

Các ông bố bà mẹ bức xúc vì học phí giờ dạy trên lớp và online là như nhau, trong khi chất lượng khác nhau. Các cơ sở đào tạo dân lập như Trường Đông Phương đa số đều thu học phí trước ba hoặc sáu tháng, thậm chí một năm.

Khi nhắc đến học online, cô Lưu, người có con học lớp lá, cho biết cô đã không còn sức để than thở vì “tôi nói còn nhiều hơn cô giáo trong màn hình”. Cô kể con gái 5 tuổi của cô chưa học được bữa nào ra trò, chất lượng không như mong đợi. Cô rất muốn lấy lại học phí, nhưng trong hợp đồng ghi rõ “sau khi đăng ký đều không được hoàn trả học phí”, theo Bắc Kinh Buổi Tối.

Ông Vương đăng ký lớp học múa cho con, học phí 2.870 tệ/năm. Do dịch bệnh trường cho học sinh nghỉ học, nhưng nhà trường cho biết quy định khi đăng ký học ghi rõ: “Nhà trường đóng cửa vì lý do bất khả kháng sẽ không được học bù”, theo Kinh Tế Nhật Báo.

Bức xúc có dấu hiệu ngày càng tăng vì sau khi dịch bệnh kết thúc, nhiều cơ sở giáo dục đã đóng cửa, thậm chí bỏ trốn. Từ ngày 20-1 đến 29-2, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc đã xử lý hơn 180.000 vụ kiện đòi quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong đó hơn 35.000 vụ liên quan đến hợp đồng, nổi cộm nhất là vấn đề tranh chấp dịch vụ đào tạo trả trước. Theo Tân Hoa xã, từ tháng 2 đến nay đã có hàng chục cơ sở đào tạo đóng cửa nhưng không trả lại học phí.

Rất nhiều phụ huynh đang tích cực tìm cách bảo vệ quyền lợi. Họ cho rằng nhà trường hoàn toàn không đứng trên lập trường của phụ huynh khi xem xét vấn đề học phí. Dịch bệnh mặc dù là bất khả kháng, nhưng phụ huynh cho rằng mình có quyền khiếu nại chính đáng.

Vì không được hoàn trả học phí, phụ huynh của Trường quốc tế SSIS Singapore (hiện có 1.300 học sinh và 200 giáo viên) ở Thượng Hải đã kiện lên tòa án, yêu cầu hoàn trả học phí tính từ ngày 3-2 đến khi học sinh quay lại trường, hủy bỏ việc thu trước phí đặt chỗ, học phí năm học, giải thích rõ lý do tăng học phí… Đến nay sự việc vẫn chưa ngã ngũ.

"Trường quốc tế muốn hoạt động như một doanh nghiệp thì phải đối xử với phụ huynh như với khách hàng. Phụ huynh không được phục vụ như quy định có quyền đề nghị trả tiền, nhà trường ít ra cũng phải có phương án bồi thường khả thi để quan hệ phụ huynh và nhà trường trở lại bình thường" - trang jiemian.com khuyên nhủ. ■

Nên thông cảm cho nhau

Vẫn có phụ huynh đồng tình với quyết định của trường, mùa dịch vẫn cần phát lương cho giáo viên, cơ sở vật chất vẫn phải bảo trì, giờ còn tăng thêm chi phí phòng dịch. Một số trường còn mời thêm bác sĩ, chuyên gia tâm lý tư vấn cho học sinh.

Họ cho rằng hoàn trả học phí sẽ gây nhiều khó khăn cho trường trong duy trì hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, theo jiemian.com. Ông Trần Phong - hiệu trưởng Trường thực nghiệm tiếng Anh Hoa Mỹ, Quảng Châu, chủ tịch Hiệp hội Giáo dục dân lập Quảng Châu - cho biết hiện trường dân lập thu phí hai cách: trọn gói, hoặc chia từng hạng mục.

Trong mùa dịch, nhiều trường dân lập vẫn trả lương giáo viên. Ngoài ra, khi học trực tuyến, giáo viên phải làm việc nhiều hơn khi dạy trên lớp. Hiện đã có nhiều trường mầm non tư thục phải đóng cửa và xin giải thể.

"Giáo dục không đơn thuần là quan hệ làm ăn, nên thông cảm cho nhau. Giải pháp tốt nhất là phụ huynh và nhà trường cùng hợp tác vượt qua thời kỳ khó khăn. Nếu hai bên cứ tranh chấp mãi, cuối cùng sẽ không có lợi cho việc giáo dục học sinh”, ông Trần chia sẻ trên Tin Tức Thời Báo.

Tranh cãi học phí mùa dịch bệnh ở VN: Làm gì có “thỏa thuận”?

“Mặc dù văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM ghi rõ: học phí và các khoản thu trong thời kỳ học sinh nghỉ học vì dịch bệnh phải có sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhưng trên thực tế nhà trường không hề lắng nghe ý kiến của chúng tôi để có giải pháp tốt nhất cho cả hai bên.

Họ lạnh lùng gửi một thông báo về việc đóng học phí cho năm học sau, ai đóng trễ sẽ bị phạt tính theo lãi suất ngân hàng. Khoản học phí học kỳ 2 của năm học này chúng tôi đã đóng đầy đủ nhưng con em chúng tôi không đến trường, điều này lại không thấy nhắc đến và học sinh thì chưa biết khi nào mới đi học lại” - chị P., người có con đang học một trường ngoài công lập ở quận 7, TP.HCM, cho biết.

Chị P. cho biết mình đã cùng các bậc cha mẹ khác làm đơn gửi ban giám hiệu và hội đồng quản trị của trường, nhưng “tất cả đều im lặng”. “Như vậy thì thỏa thuận ở chỗ nào? - chị nhận xét - Mùa dịch, nhà trường có dạy online nhưng hiệu quả làm sao bằng dạy trực tiếp, vậy mà học phí vẫn thu 100%, làm sao chúng tôi đồng ý?”.

Về phía các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giải thích của họ là dẫu học sinh không đi học nhưng nhà trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, lương giáo viên, nhân viên, lãi ngân hàng…

Chị B. - phụ huynh một trường ngoài công lập ở quận 2, TP.HCM - bức xúc kiểu khác: “Sau khi chúng tôi làm đơn phản ứng, nhà trường phản hồi, giải thích rằng nhà trường vẫn dạy trực tuyến.

Phần học phí chúng tôi đã đóng trong tháng 1, 2, 3-2020 họ đã dùng để chi trả lương cho giáo viên, nhân viên, duy trì cơ sở vật chất và nay trường đề nghị phụ huynh đóng tiếp phần học phí còn lại của năm học 2019-2020. Như vậy là có trao đổi nhưng không có sự thỏa thuận, vì nhà trường vẫn bảo lưu quyết định thu học phí của họ”.

Giữa tháng 2-2020, một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM mời gọi phụ huynh cho con học online nhưng lập lờ về học phí. Sau mấy tuần học, trung tâm này ra thông báo cho biết học phí học online bằng… 100% học phí bình thường. Rất nhiều phụ huynh đã đóng học phí từ trước khi dịch bệnh xảy ra, nay muốn không đồng ý cũng không được.

Tuy thế, vẫn có nhiều trường, trung tâm ngoại ngữ chỉ thu 25-30% học phí để dạy trực tuyến, thậm chí có cơ sở không thu học phí nhưng vẫn dạy online đều để học sinh không quên bài. “Trong mùa dịch bệnh khó khăn này mới “biết đá, biết vàng”, dù biết con mình sẽ rất khó khăn khi phải chuyển trường nhưng tôi đã quyết định chuyển trường cho con vì kiểu “tận thu” của ngôi trường mà con mình đang học” - chị P. khẳng định.

Hoàng Hương

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận