Chạy… thách thức COVID-19

KHƯƠNG XUÂN 26/12/2020 00:10 GMT+7

TTCT - Nhìn lại năm 2020, nếu thể thao đỉnh cao điêu đứng vì COVID-19, thì ngược lại thể thao phong trào lại đáng phấn khởi. Ý thức được chuyện cần phải khỏe để ngăn ngừa, chiến đấu với dịch bệnh, nhiều người trẻ đã lao vào tập luyện…

Ngày càng nhiều người chạy bộ là chuyện tốt, nhưng mỗi người cần biết chạy vừa sức mình. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngay trong cả thời gian cả nước giãn cách xã hội thì giới chạy bộ phong trào vẫn nghĩ ra đủ cách để có thể chạy như chạy quanh nhà, chạy trên nóc tòa nhà chung cư, thuê máy về chạy tại nhà, và cả chạy thi online.

Chạy, chạy nữa, chạy mãi…

Anh Nguyễn Đạt - một phóng viên thể thao ở Hà Nội - đã trở thành người đầu tiên tại VN hoàn thành một cuộc chạy marathon 42,195km trên nóc tòa nhà chung cư ở ngay khu anh sống vào tháng 4-2020 với thời gian 6 giờ 22 phút.

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại VN, các giải đấu thể thao được phép tổ chức trở lại thì hàng loạt giải chạy đã diễn ra khắp nơi. Dù là giữa mùa hè nhưng vào tháng 6-7 vừa qua, phong trào chạy bộ lên cao chưa từng thấy. Dân chạy đường dài dường như sợ thời gian giãn cách sẽ trở lại nên khi được ra đường chạy là “chạy như điên”. Ở bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây hay các cung chạy đường mòn như Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội) cuối tuần nào cũng tấp nập người chạy. Ở TP.HCM thì trong công viên, tại các khu dân cư mới, phong trào chạy lên cao chưa từng thấy.

Các giải marathon tại đảo Lý Sơn, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa, Pù Luông, Hậu Giang, Hà Nội, TP.HCM… được tổ chức liên tục. Mỗi giải trung bình có sự tham dự của 2.000-6.000 VĐV và thành tích của VĐV tiến bộ không ngừng. Cá biệt như tại giải Long Biên marathon, có đến 13 VĐV nam phong trào hoàn thành cự ly 42km với thời gian dưới 3 giờ. Trong đó nhà vô địch giải Nguyễn Tiến Hùng về nhất với thành tích 2 giờ 41 phút, còn VĐV Chi Nguyễn vô địch nữ với kỷ lục cá nhân là 2 giờ 56 phút. Tại giải marathon leo núi Sa Pa (VMM), VĐV Quang Trần đã lập kỷ lục giải với thời gian 13 giờ 01 phút 11 ở cự ly 100km, đánh bại các VĐV nước ngoài sừng sỏ.

Giữa tháng 7 nóng như đổ lửa, nhóm VĐV phong trào do anh Nông Chuyền (Lạng Sơn) phát động đã thực hiện hành trình chạy tiếp sức xuyên Việt. 10 VĐV thay nhau chạy liên tục 2.603km từ Quảng Ninh đến mũi Cà Mau trong thời gian 251 giờ 11 phút và quyên góp được hơn 1 tỉ đồng để làm từ thiện. Hành trình chạy bộ thần tốc chưa từng có của chàng trai dân tộc Tày Nông Chuyền và các đồng đội đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng yêu chạy bộ VN.

Quả thật có quá nhiều câu chuyện hấp dẫn về chạy bộ trong năm 2020 - một sự phát triển như thách thức COVID-19!

Chạy bộ phải khoa học

Tuy nhiên, trong cơn say chạy cũng cần có lời cảnh tỉnh với hiện tượng “nghiện chạy”. Cách đây không lâu, trên các diễn đàn chạy bộ VN đăng clip một VĐV chạy bộ phong trào bị chuột rút toàn thân sau khi hoàn thành một cuộc thi marathon. Điều đáng nói, dù đang được đội ngũ y tế cấp cứu do toàn thân bất động, VĐV này vẫn liên tục yêu cầu phải quay clip ghi lại khoảnh khắc anh đã hoàn thành 42km và chính thức trở thành marathoner. Clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội gây ra tranh luận nảy lửa về việc chạy như thế nào và mục đích chạy là gì: để duy trì sức khỏe hay để khoe thành tích?

Tháng 7-2020, giải Tiền Phong marathon diễn ra tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chứng kiến vài chục VĐV ngất xỉu, chuột rút cần sự trợ giúp của y tế. Đây có lẽ là giải marathon có nhiều VĐV phải trợ giúp y tế nhất tại VN trong những năm gần đây. Cung đường chạy ven đảo nắng như đổ lửa, dưới chân là cát sỏi, không một bóng râm. Dù điều kiện thi đấu khắc nghiệt như vậy, nhiều VĐV vẫn nghiến răng chạy để hoàn thành mục tiêu do chính mình đề ra. Chính điều này đã dẫn đến việc nhiều VĐV bị sốc nhiệt, ngất xỉu, chuột rút.

Trong số các VĐV bị chuột rút, ngất xỉu có cả chủ nhân HCĐ SEA Games 30 môn điền kinh và nhiều VĐV marathon phong trào có tiếng tại VN. Một số VĐV chỉ cách vạch đích vài trăm mét nhưng đã không thể cán đích mà phải bê thẳng lên… xe cứu thương. Có hai VĐV sau khi lên xe cứu thương do tình trạng quá nặng, ban tổ chức đã phải lập tức thuê tàu cao tốc chạy hết tốc lực vào bờ để đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Một trong hai người đó là anh Phùng Văn Linh (29 tuổi), hiện đang là HLV đội điền kinh trẻ VN.

Anh Linh nói: “Dù là HLV đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia nhưng tôi tham gia tập chạy đường dài chưa lâu và cự ly dài nhất mới 10km. Khi tham dự giải marathon tại Lý Sơn, tôi đăng ký thi 21km và đặt mục tiêu sẽ chạy dưới 1 giờ 50 phút. Sau khi đã hoàn thành 20km, bước sang kilômet thứ 21 thì tôi bị choáng váng, ngất xỉu và được đưa lên xe cứu thương. Rất may khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi điều trị tôi đã hồi phục, tỉnh táo ngay trong ngày và được ra viện. Sau sự cố, bài học rút ra cho tôi là khi chạy phải biết lắng nghe cơ thể, khi mệt phải giảm tốc độ và thấy mệt quá thì dừng, chứ không cố hoàn thành mục tiêu mình đề ra trước đó. Đường chạy, thời tiết hay tâm trạng hôm đó không tốt đều có thể ảnh hưởng đến thành tích. Không nên vì cố đạt mục tiêu mà bất chấp tính mạng của mình. Giờ tôi vẫn tập chạy bình thường, nhưng chạy khoa học hơn trước”.

Không được tăng tốc độ, quãng đường đột ngột

PGS.TS Nguyễn Lê Bảo Tiến - viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) - cho biết số người chạy đường dài tăng lên là tín hiệu tích cực về việc người dân quan tâm, ý thức hơn về sức khỏe bản thân. Dù vậy, dưới góc độ chuyên môn, điều này sẽ làm gia tăng chấn thương cho hệ xương khớp, cột sống... trong cộng đồng này ở các mức độ khác nhau. Chấn thương chủ yếu hay gặp là chấn thương vùng khớp gối, cẳng chân, cổ bàn chân, và có thể cột sống vùng thắt lưng cùng.

Bác sĩ Bảo Tiến cho biết: “Nguyên nhân chấn thương chính trong chạy đường dài là quá tải hệ thống xương khớp, các rối loạn điện giải cấp trong quá trình chạy do không theo kế hoạch hợp lý. Đề phòng chấn thương, với những người có bệnh lý xương khớp sẵn có, cần tham vấn chuyên gia chấn thương chỉnh hình và cột sống trong từng trường hợp cụ thể. Với nhóm còn lại cần chú ý một số yếu tố: chỉ số cân nặng chiều cao (BMI) cần duy trì trong giới hạn bình thường, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày, không hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, giảm ăn đạm động vật. Người chạy đường dài phải chọn loại giày chạy đủ rộng trong không gian ba chiều của bàn chân. Chiều dài của giày cần thừa 1,5-2cm, chiều rộng và đặc biệt chiều cao (bề dày gan chân) cần phải đủ. Đây là hai chỉ số thường ít được người chạy quan tâm, dẫn đến các biến dạng bàn chân khi chạy trong thời gian dài”.■

“Nghiên cứu cho thấy chấn thương ở nhóm chạy trung bình nhiều hơn 6km/ngày cao hơn nhóm còn lại. Ngoài ra khi chúng ta chạy với tốc độ quá nhanh cũng tăng nguy cơ chấn thương do có thể tăng tải lên cho bàn chân gấp 3 lần khối lượng cơ thể cho mỗi bước chạy. Người chạy không được tăng khối lượng, tốc độ chạy quá nhiều và đột ngột. Khi xuất hiện dấu hiệu đau, mỏi bất thường trong quá trình tập luyện thì nên tham vấn chuyên gia chấn thương chỉnh hình càng sớm càng tốt” - bác sĩ Bảo Tiến khuyên.

Điểm tích cực từ ... COVID!

Cứ nghe nói đến bóng đá Đức, người ta ví von ngay đến mấy từ như “xe tăng”, “con tàu lu”..., dù bóng đá Đức bây giờ mềm mại chả thua bất cứ nền bóng đá hào hoa nào, dù là Pháp, Brazil hay Tây Ban Nha. Thế mới thấy định kiến con người là thứ khó gột rửa.

Tương tự, nói về chuyện rèn luyện sức khỏe, nhiều người đến giờ vẫn kể câu chuyện vui rằng sáng sớm ra công viên tập thể thao chỉ có mấy cụ già gần đất xa trời! Còn giới trẻ, họ bận ngủ sau một đêm nhậu, cày game... Một định kiến đã được tổng kết thành câu cửa miệng “trẻ uống trà, già tập thể dục”. Tôi mạnh dạn đặt cược rằng chuyện ấy “xưa rồi Diễm”.

Nếu không tin, xin mời 5h sáng hãy thức dậy xỏ giày hoặc leo lên xe đạp ra đường thì biết tôi nói đúng hay sai. Nếu bạn ở Sài Gòn, cứ đạp xe ra đường Phạm Văn Đồng hay vào công viên Gia Định, Lê Văn Tám... mà xem, nam thanh nữ tú giờ nhiều chả kém các cụ ông cụ bà. Còn ở Hà Nội, cứ ra “sân vận động hồ Gươm” thì biết, từ 4h sáng đã rầm rập những bước chân của nhiều người trẻ và tiếng nhạc rộn ràng của aerobic. Nhiều người trẻ khác không có điều kiện dậy sớm tập luyện cũng chọn cách đi tập vào cuối giờ chiều, sau giờ tan tầm.

Không chỉ lo tập để tăng cường sức khỏe bản thân, giờ đây nhiều công ty tư nhân còn đặt tiêu chí rèn luyện thể thao để thưởng cuối năm. Tiêu chí văn minh ấy đã lôi được không ít bạn trẻ vào phòng gym, lên xe đạp hay vào công viên chạy bộ.

Trong một bức tranh ảm đạm do COVID gây ra, thôi cố lạc quan cũng thấy được một điểm tích cực!

HUY THỌ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận