Dịch giả Giáp Văn Chung: "Đi về phương Tây, nhưng đừng quên mình đến từ phương Đông"

PHAN XUÂN LOAN 21/12/2011 19:12 GMT+7

TTCT - "Tôi “phải nhìn Tổ quốc từ xa”, nhưng nhìn xa có khi cũng là một may mắn. Nhìn gần thì cụ thể, chi tiết, sống động hơn, nhưng có khi chỉ “thấy cây mà chẳng thấy rừng”, nhìn từ xa nhiều khi lại khách quan hơn, thấy rõ hơn cái tổng thể, cái toàn cảnh".


Dịch giả Giáp Văn Chung (trái) giới thiệu hai tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn Hungary Kerész Imre (Nobel 2002), bên phải là dịch giả lão thành Lê Xuân Giang - Ảnh do dịch giả cung cấp

Chưa bao giờ “bạc tình” với văn chương

* Xin bắt đầu từ Casanova ở Bolzano (1), một tác phẩm của Márai Sándor vừa được phát hành ở Việt Nam qua bản dịch của ông. Khó thể hình dung câu chuyện về một anh chàng phiêu lưu và phong tình lại có thể khiến người ta say mê và khó bỏ quyển sách xuống như vậy. Vì sao, theo ông?

- Dịch giả Giáp Văn Chung: Theo tôi, sở dĩ Casanova ở Bolzano có sức cuốn hút như vậy trước hết là bởi văn tài của tác giả, không phải ngẫu nhiên Márai Sándor được xếp ngang hàng với những nhà văn, những tiểu thuyết gia hàng đầu của châu Âu thế kỷ 20 như Joseph Roth, Stephan Zweig, Franz Kafka, Thomas Mann, Robert Musil... 

Có thể nói ông là một bậc đại bút, một nhà điêu khắc của ngôn từ. Văn ông vừa sâu sắc vừa sang trọng, ông có giọng điệu riêng không thể trộn lẫn với bất kỳ giọng điệu, phong cách của ai khác. Điều đó, theo tôi, là một trong những phẩm chất quan trọng nhất làm nên tên tuổi của nhà văn. 

Tôi rất thú vị khi đọc được nhận xét của một bạn đọc (chắc là rất trẻ): “Chả hiểu Márai là người hay ma quỷ nữa, ông này đúng là thần chữ, câu văn như có ma nhập, quỷ ám, thật phi thường” (blog Tầm xuân thu).

* Nhiều nỗi ám ảnh của Giacomo trong Casanova ở Bolzano dường như cũng là niềm trăn trở của chính tác giả. Trong Casanova, nhân vật chính được khuyên “phải tha thứ cho quê hương, vì theo cách bí ẩn nào đó, quê hương bao giờ cũng đúng”. Người ta không khỏi nhớ tới cuộc trò chuyện của hai người bạn già trong Những ngọn nến cháy tàn (2), rằng “người ta có thể thay đổi giấy tờ tùy thân chứ không thể thay đổi tổ quốc”.

Là một người mà số phận cũng xui rủi ông phải nhìn Tổ quốc từ xa, ông chiêm nghiệm gì từ những dòng này?

- Khi Casanova ở Bolzano mới ra mắt bạn đọc, nhiều người trong văn giới đã có nhận xét phải chăng trong Casanova có hình bóng của tác giả? Tuy bản thân Márai không công nhận điều đó, nhưng về mặt nào đó có thể thấy nhiều nét tương đồng giữa nhân vật và nhà văn. Câu mà chị trích ở trên cũng chính là tâm thế của Márai trong những năm tháng đằng đẵng phải bất đắc dĩ lưu đày khỏi tổ quốc mà ông yêu thương, khắc khoải đến quặn thắt tâm can và suốt đời mong mỏi được trở về.

Márai còn nói một câu mà tôi rất tâm đắc: “Hãy đi về phương Tây và đừng quên mình đến từ phương Đông”. Đúng như chị nói, do số phận xui rủi và dĩ nhiên cả do sự sắp đặt cá nhân (chị hỏi thì xin thưa thôi, chứ tôi không hề có ý định so sánh với Márai), tôi “phải nhìn Tổ quốc từ xa”, nhưng nhìn xa có khi cũng là một may mắn. Nhìn gần thì cụ thể, chi tiết, sống động hơn, nhưng có khi chỉ “thấy cây mà chẳng thấy rừng”, nhìn từ xa nhiều khi lại khách quan hơn, thấy rõ hơn cái tổng thể, cái toàn cảnh.

Tôi nghiệm thấy có những thứ đúng là “ở gần thì mất ở xa thì còn” thật chị ạ, nhưng dù ở xa hay gần thì cuối cùng Tổ quốc đều ở trong tim mỗi người thôi, có một Tổ quốc chung cho mọi người và mỗi người lại có một Tổ quốc của riêng mình.

* Là dân kỹ thuật nhưng từ năm 2007 đến nay ông đều đặn xuất hiện với những dịch phẩm văn học từ tiếng Hungary. Các bản dịch chất lượng vừa giúp ông đoạt giải thưởng dịch giả “Pro Cultura Hungarica” năm 2011 của Nhà nước Hungary. Đam mê nào, và thời gian nào cho công việc “tay trái” này, thưa ông?

- Đối với tôi, hình như niềm đam mê văn chương đã có sẵn từ thuở nhỏ. Dù là dân kỹ thuật, nhưng chưa khi nào tôi “bạc tình” với văn chương. Khi được tiếp xúc với văn học Hungary, tôi rất sửng sốt trước bề dày lịch sử và tầm cỡ của nó. Văn học Hungary là minh chứng cho thấy một dân tộc nhỏ bé vẫn có thể có một nền văn học lớn, đóng góp cho kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Sở dĩ văn học Hungary chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam, một lý do chính là vì cản trở của hàng rào ngôn ngữ. Tiếng Hung rất khó, nó tồn tại độc lập, đơn lẻ bên cạnh những ngữ hệ lớn ở châu Âu, rất độc đáo, chặt chẽ, logic, linh hoạt và giàu biểu cảm. Dịch văn học Hungary đúng là một thử thách không nhỏ đối với dịch giả, có lẽ đó cũng là lý do sự thưa vắng của đội ngũ dịch văn học từ tiếng Hungary.

Đã sống ở Hungary 30 năm, tôi chưa khi nào dám tự nhận mình đã thông tỏ thứ ngôn ngữ “gai góc” có một không hai là tiếng Hung. Tuy nhiên vì rất muốn giới thiệu với độc giả Việt Nam những viên ngọc sáng, quý giá của văn học Hungary, và cũng vì đam mê mà tôi “đánh liều” làm công việc rất nhọc nhằn ấy.

Vì là dân ngoại đạo, dịch văn học chỉ là “tay trái” bên cạnh công việc chính, tôi thường dậy sớm khoảng 4g-5g sáng, dịch được vài tiếng trước khi đi làm, và tranh thủ “cày” thêm vào những ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều lúc thấy “lực bất tòng tâm” vì những gì làm được còn quá ít so với những điều mình mong muốn.

* Vậy là giống như nhà văn Ba Lan Kapuscinski có lần đã nói đại loại rằng các ngôn ngữ châu Âu tuy phát triển nhưng vốn từ vựng cho phép miêu tả thích đáng những thế giới khác, phi châu Âu thì không phát triển (3). Có lẽ ông cũng ”va” phải bức tường đó...?

- Tôi nghĩ Ryszard Kapuscinski đã đúng khi đụng đến một vấn đề cốt lõi, gai góc của dịch thuật. Bödok Zsigmond cũng đã viết: “Các bản dịch không bao giờ có thể cho ta một phiên bản trung thành của tác phẩm: nhịp điệu thay đổi, hình ảnh ngôn ngữ yếu ớt, vần điệu lệch lạc, sự bay bổng của vần điệu và cùng với nó là ý tưởng bị đứt gãy. Vì ý tưởng và ngôn ngữ liên hệ hữu cơ với nhau và cùng ẩn náu đâu đó trong góc khuất của não bộ, chúng chỉ có khả năng sáng tạo hoàn mỹ khi song hành cùng nhau”. Đó là khó khăn, là “bức tường” mà theo tôi dịch giả nào cũng gặp phải.

Với tôi, sự kiên nhẫn, cẩn trọng, cầu thị, không ngại học hỏi là phương cách hữu hiệu nhất để vượt qua nó, người dịch có tâm biết rõ và phải luôn luôn băn khoăn về chất lượng sản phẩm mà mình đưa đến cho bạn đọc.

Tôi không bi quan

* Trong Thế giới là một cuốn sách mở (4) mà ông cũng là dịch giả, nhà văn Anh V. S. Naipaul từng dự báo khá u ám về sức mạnh và tương lai của văn học, rằng văn học đang suy thoái. Ông đồng cảm với niềm bi quan đó, hay có những chủ kiến khác cho lao động văn học hiện nay của mình?

- Tôi không hoàn toàn tán đồng quan điểm bi quan đó. Đúng là trong thời đại hiện nay văn học phải cạnh tranh với nhiều thứ khác, đặc biệt là với văn hóa nghe nhìn và Internet. Nhưng cũng chính V. S. Naipaul đã nói: “Sách cần sự yên tĩnh nhất định, cần sự suy ngẫm sâu sắc”, đó cũng chính là chỗ mạnh và ưu thế của sách. Những tác phẩm văn học đích thực, có giá trị lâu bền, tôi nghĩ thời nào cũng sẽ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Cầm một cuốn sách hay trên tay, ngắm nghía bìa hay gáy sách, nghe tiếng lật giở sột soạt của những trang giấy, nhâm nhi những áng văn đẹp là cảm giác không gì có thể thay thế. Điều đó thật tuyệt vời và chỉ có sách mới làm nổi, vấn đề cốt lõi là có nhiều sách hay, có giá trị đích thực hay không mà thôi.

* Ông có theo dõi văn học hậu hiện đại Hungary? Họ quan tâm những vấn đề gì?

- Do hạn chế về thời gian, tôi không theo dõi được đầy đủ và toàn diện tình hình văn học hậu hiện đại Hungary, mặt khác trong số tác phẩm ít ỏi mà tôi đọc được, tôi chưa thật sự bị thuyết phục bởi tác phẩm nào. Bên cạnh những chủ đề muôn thuở, một bộ phận văn học hiện đại Hungary quay về mổ xẻ, đào bới và giải mã quá khứ dưới những giác độ khác nhau, bởi Hungary có một quá khứ hết sức bi thương và nhức nhối.

Một bộ phận khác, nhất là lớp trẻ, loay hoay đi tìm chỗ đứng trong thế giới hiện tại. Họ băn khoăn, lo lắng nhiều về tương lai và những cơ hội tồn tại của bản sắc dân tộc trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

 Mỗi lần nhìn lên giá sách, tôi có cảm giác được gặp lại những người thân quen cũ, những con người thông thái, đam mê, trăn trở, nhân ái hay hài hước... Tuy có thể chưa bao giờ gặp họ, có thể họ sống cách xa ta hàng trăm năm nhưng lúc nào ta cũng có thể đến thăm hỏi, tâm tình với họ và thường thì họ chẳng mấy khi “phụ bạc” ta.

* Vậy thì năm quyển sách “đầu giường” của ông hiện nay là những cuốn nào?

- Tôi vừa đọc Istanbul của Orhan Pamuk (vì tôi đang dịch Bảo tàng ngây thơ của ông từ bản tiếng Hung), đang đọc Bác sĩ Zhivago của Pasternak, dự định sẽ đọc Lolita của Nabokov (bản tiếng Hung). Tôi thích 1984 của George Orwel, sẽ đọc lại Abigél của một tác giả nữ Hungary - bà Szabó Magda, đã hai lần được đề cử giải Nobel. Tôi dự định sẽ giới thiệu bà với độc giả Việt Nam.

* Tức là vẫn những tác giả đỉnh cao kinh điển? Sao không có tác giả mới hay những cây bút trẻ Hungary được giới thiệu?

- Thật ra tôi không đề ra kế hoạch gì cụ thể và dài hạn, bao giờ tác phẩm sắp dịch hay mới bắt tay vào dịch cũng là mối quan tâm hàng đầu của tôi, xong cuốn này mới bày cuốn khác. Tôi mới làm xong Lời bộc bạch của một công dân, một tác phẩm lớn và quan trọng nhất của Márai, và xin tạm chia tay Márai một thời gian để tới đây sẽ giới thiệu một vài tác phẩm kinh điển của các tác giả khác.

Xin kể với chị một chuyện vui: Thấy tôi mải mê với việc dịch thuật, năm ngoái con gái tôi mua tặng bố một cuốn sách có tựa đề rất lạ 303 tiểu thuyết Hungary mà bạn cần phải đọc trước khi chết - cuốn sách giới thiệu tóm tắt 303 tiểu thuyết tiêu biểu, được đánh giá cao, đáng đọc của văn học Hungary từ xưa tới nay - và đùa: “Bố chỉ cần thay chữ “đọc” bằng chữ “dịch” là xong!...”.

Có thể trong thời gian tới, bên cạnh những tác giả kinh điển, tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc Việt Nam một số gương mặt tiêu biểu của lớp nhà văn Hungary hậu bán thế kỷ trước và đầu thế kỷ này, nếu sức khỏe và thời gian cho phép.

* Xin cảm ơn và chúc ông hoàn thành tâm nguyện!

__________

(1) Márai Sándor: Casanova ở Bolzano (Giáp Văn Chung dịch, Công ty Nhã Nam và NXB Văn Học, 2011).(2) Márai Sándor: Những ngọn nến cháy tàn (Giáp Văn Chung dịch, tủ sách Nhịp cầu thế giới, 2007).(3) Ryszard Kapuscinski: Gỗ mun (Nguyễn Thái Linh dịch, Công ty Nhã Nam và NXB Thế Giới, 2011).(4) Lévai Balazs: Thế giới là một cuốn sách mở (Giáp Văn Chung dịch, Công ty Nhã Nam và NXB Văn Học, 2011).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận