Hoàn hảo là một tiêu chuẩn phi lý

TIM KENNEDY 24/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Một phong trào chính trị tìm cách sỉ nhục người khác thay vì cố gắng hiểu họ là không tương thích với thế giới quan tiến bộ.

Văn hóa xóa sổ bắt đầu bằng một trò đùa. Vào năm 2014, một nhân vật trong chương trình truyền hình thực tế ở Mỹ Love and Hip-Hop: New York, trong khi tranh luận với bạn gái, đã nói: “Cô hãy tránh xa tôi ra; cô bị xóa sổ rồi”.

Từ “xóa sổ” sau đó bắt đầu lan ra trên mạng xã hội ở Mỹ, nhất là Twitter, lúc đầu chủ yếu với ý hài hước, châm biếm. Bấy giờ, nói rằng một người đã bị “xóa sổ” chủ yếu chỉ là để đùa vì từ đó thường dùng chỉ những sô truyền hình đã dẹp tiệm vì không còn người xem. 

“Anh bị xóa sổ rồi” là một lời xúc phạm hàm ý thâm thúy có nghĩa “Anh lạc hậu quá, anh chán quá, chẳng ai thèm để ý tới anh nữa - biến đi”.

Di sản của Lincoln hay George Washington sẽ vượt qua những cơn cãi cọ bốc đồng trên mạng xã hội. Ảnh: The New York Post

 

Nhưng giống như nhiều từ ngữ biến dạng theo đời sống, định nghĩa “xóa sổ” cũng thay đổi theo thời gian. Trước hết, nó ngày càng có nghĩa là tẩy chay. Khi một người nào đó bị “xóa sổ”, một nhóm người đã quyết định có ý thức ngừng ủng hộ hay chú ý tới người đó.

Gần đây hơn ở Mỹ, “xóa sổ” dùng để chỉ những hiện tượng cực đoan, khi đối tượng bị xóa sổ không chỉ bị phớt lờ, mà còn bị nhắm tới vì những gì được cho là sai lạc ở họ. Những người chỉ trích văn hóa xóa sổ lập luận rằng xu hướng đó đe dọa tự do ngôn luận, một trong những giá trị nền tảng của Hoa Kỳ và nhiều nền dân chủ tự do khác.

Nhưng những người khác cho rằng văn hóa xóa sổ thật sự chỉ là một cách khác để đòi hỏi trách nhiệm giải trình - những ai nói những điều mang tính bôi nhọ hay xúc phạm phải đối mặt với hậu quả khi có người không thích những gì họ nói.

Tôi cho rằng cả hai bên đều có lý. Một mặt, gần như mọi người đều đồng ý rằng có những lằn ranh thực sự không nên vượt qua, những tuyên bố và thái độ hết sức xúc phạm và đáng ghê tởm tới mức người ta phải thấy hổ thẹn khi nói ra (ngay cả nếu đó là “quyền hợp pháp” của họ).

Nhưng cũng phải nêu câu hỏi ai sẽ quyết định lằn ranh ngôn luận nào là được chấp nhận, và tại sao? Sẽ ra sao nếu những người cực đoan thiết lập lằn ranh đó? Ở điểm nào thì văn hóa xóa sổ sẽ bắt đầu giống với cuốn tiểu thuyết 1984 của George Orwell, khi những người bình thường bị tẩy não tới mức tin rằng 2 + 2 = 5?

Đã có vài ví dụ đáng chú ý gần đây về việc văn hóa xóa sổ có vẻ dịch chuyển theo hướng cực đoan hơn. Hội đồng trường học khu vực San Francisco mới đây đã bỏ phiếu để đặt tên lại 44 ngôi trường nhằm “phá tan những biểu tượng của phân biệt chủng tộc và văn hóa ưu sinh da trắng”.

 Trong những cái tên bị đặt lại có Abraham Lincoln, được công nhận rộng rãi là tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ mọi thời vì vai trò của ông trong cuộc nội chiến Mỹ và sự chấm dứt chế độ nô lệ.

Nhưng theo hội đồng trường ở San Francisco, nhiệm kỳ tổng thống của Lincoln “gây nhiều mất mát” cho các cộng đồng người châu Mỹ bản địa - điều có lẽ là đúng, bởi sự đối xử tàn tệ với người châu Mỹ bản địa suốt lịch sử Mỹ, nhưng sự hoàn hảo có vẻ là một tiêu chuẩn phi lý với các nhân vật lịch sử. 

Gandhi phân biệt chủng tộc. Martin Luther King Jr. lang chạ với nhiều phụ nữ. Mọi người hùng đều sẽ gây thất vọng nếu ta săm soi đủ kỹ. Tôi thậm chí sẽ lập luận rằng một trong những lợi ích của việc tìm hiểu các nhân vật lịch sử là hiểu rằng những con người có khuyết điểm về tổng thể vẫn có thể tác động tích cực lên thế giới.

Vụ việc ở các trường học San Francisco cũng là một ví dụ cho thấy nhiều khi không cần phải quá lo lắng về những nguy cơ của văn hóa xóa sổ. Khi câu chuyện được đưa tin lần đầu vào tháng 1, giọng điệu trên các bản tin tôi đọc được chủ yếu là chế giễu, chỉ rõ sự lố bịch trong kế hoạch của hội đồng trường. 

Tới giờ, vẫn khó có khả năng việc đổi tên sẽ diễn ra; thậm chí nếu họ đổi được thì hầu hết mọi người vẫn nhất trí rằng các thành viên hội đồng trường đã hành xử như những kẻ ngốc.

Lincoln có thể mất tên trên một ngôi trường ở thành phố đó, nhưng danh tiếng của ông chỉ tăng thêm bởi cuộc tranh luận này. Tự do ngôn luận là hiệu quả - vì chúng tôi đều được tự do lên tiếng rõ ràng rằng ý tưởng “xóa sổ” Lincoln là ngớ ngẩn.

Nên không, tôi không quá lo lắng về văn hóa xóa sổ với Lincoln hay George Washington hay Dr. Seuss. Di sản của họ hẳn sẽ vượt qua vài tuần lễ cãi cọ ồn ào trên Twitter.

Tuy nhiên, tôi lo lắng thật sự khi văn hóa xóa sổ nhắm tới những người không nổi tiếng (điều có vẻ diễn ra ngày càng nhiều). Khi giới đấu tranh cánh tả tìm cách hủy hoại cuộc đời người khác vì những niềm tin hay tuyên bố của họ, thường là trên mạng, tôi thấy điều đó đi ngược với giá trị mà chính phe cánh tả tuyên bố.

Rất nhiều chính sách được những người cấp tiến ủng hộ có cội rễ là sự khoan thứ và cảm thông. Họ tin rằng án tù cho những tội ác phi bạo lực không nên quá nặng, vì sự trừng phạt không quan trọng bằng sự tái hòa nhập.

Họ ủng hộ các chương trình phúc lợi xã hội lớn hơn để giúp mọi người vượt qua khó khăn kinh tế. Tôi thấy sự ham thích trả thù của văn hóa xóa sổ khó thể dung hợp với những lý tưởng này.

HẢI MINH (dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận