Nhớ Yersin, hãy khơi dậy tinh thần nghiên cứu của người Việt

HƯƠNG GIANG thực hiện 02/04/2013 21:04 GMT+7

TTCT - Ông không chỉ là một đại sứ mà còn là một người có những nghiên cứu khá công phu về một người Pháp gốc Thụy Sĩ danh tiếng đã gắn bó hầu hết cuộc đời với Việt Nam: nhà khoa học Alexandre Yersin. “Hãy kỷ niệm tinh thần khoa học và bao dung của Alexandre Yersin bằng nỗ lực đưa Việt Nam trở thành một quốc gia nghiên cứu” - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Andrej Motyl chia sẻ với TTCT trong cuộc trò chuyện mới đây.

 


Đại sứ Thụy Sĩ tại VN Andrej Motyl


Đại sứ Andrej Motyl cho biết càng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Yersin, ông càng say mê với tinh thần Yersin mà ông muốn truyền cho con trai mình và những bạn trẻ ở đất nước nơi ông đang công tác. 

Ông nói: “Yersin là một nhân vật đẹp của lịch sử, một người lao động cật lực, xây dựng ý nghĩa cuộc đời của mình qua những phát hiện, phiêu lưu. Ông là người rất tham vọng trong khoa học và không bao giờ hại ai. Tôi cũng ấn tượng về sự giản dị của ông vì ngay cả khi đã là một nhà khoa học thành công và giàu có, ông vẫn dành thời gian chiếu phim cho trẻ em ở Nha Trang. Yersin đã sống một cuộc đời đáng sống và gặt hái nhiều thành công, nhưng vẫn luôn giữ cho mình tinh thần độc lập và lòng bao dung”.

* Ông từng phát biểu ở Đà Lạt là nếu các bạn trẻ mang tinh thần và thái độ của Yersin, tức là sự quan tâm với những ẩn số, niềm say mê với điều mới mẻ thì sẽ thực hiện được khát vọng đưa Đà Lạt trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Tại sao ông lại nghĩ vậy?

- Trong đại sứ quán của chúng tôi có treo những bức ảnh do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát hành, giới thiệu những loài chim, tôm, cá... của Việt Nam. Sự đa dạng về tự nhiên ấy khiến Việt Nam trở thành một trong những nước “giàu” nhất thế giới, theo suy nghĩ của tôi. Khi tôi nghĩ về Yersin thì có một người Việt Nam khác cũng khiến tôi liên tưởng tới sự đa dạng này: danh y Tuệ Tĩnh.

Theo một cuốn sách của nhà báo Robert Templer mà tôi có đọc thì cách đây khoảng 700 năm, Tuệ Tĩnh đã thống kê và nghiên cứu được 3.800 phương thuốc để chữa 184 bệnh với 630 loại cây thuốc nam. Điều tôi muốn nói là với sự đa dạng sinh học như vậy, Việt Nam là một địa điểm tuyệt vời cho các bạn trẻ khám phá thế giới thực vật học. Tôi cũng cho rằng nền ẩm thực của Việt Nam với những loại gia vị và rau củ phong phú như vậy là một nền ẩm thực độc đáo.

Chúng ta cần giới thiệu nền ẩm thực ấy không chỉ với những món như phở... mà còn với 700 năm kiến thức và khả năng sử dụng các sản vật thiên nhiên để phục vụ sức khỏe và làm thực phẩm. Mối liên hệ với Yersin ở đây chính là: hãy đánh thức mọi người dân Việt Nam, hãy đưa Việt Nam thành một quốc gia nghiên cứu. Nếu tập trung vào nghiên cứu và biến nghiên cứu thành sức mạnh, các bạn sẽ trở thành một quốc gia có đầy đặc quyền.

* Có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy nhưng Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia mạnh về nghiên cứu. Theo ông thì lý do là gì?

- Nếu các bạn muốn đánh bại các nước khác về sản xuất thép hoặc muốn sản xuất từng này than, gắng sức để công nghiệp hóa trong 5-10 năm nữa thì thành quả phát triển cũng sẽ không thể bao trùm hết mọi đối tượng. Nếu đặt mọi thứ vào mục tiêu ấy, chúng ta sẽ tàn phá các cánh rừng. Nếu lấy hết than khỏi lòng đất, không khí sẽ bị ô nhiễm. Khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ vào cuối năm 2011, đó cũng là thời điểm mà Việt Nam mất con tê giác Java cuối cùng. Việt Nam ước tính còn khoảng 20-30 con hổ nhưng cứ hai tháng lại có một con nằm trong tủ lạnh!

Hiện nay có nhiều người tin rằng công nghiệp hóa sẽ đưa các bạn tiến xa hơn và tăng trưởng nhanh chóng là liều thuốc thần kỳ. Nhiều nơi, kể cả ở phương Tây, cũng từng cho là như vậy. Ở Thụy Sĩ, chúng tôi đã thức tỉnh từ 30-40 năm trước nhưng quá trình này ở Việt Nam mất lâu hơn. Tôi vui mừng vì báo chí ngày càng viết nhiều hơn về những vấn đề liên quan tới phát triển của Việt Nam.

Chính Thủ tướng Việt Nam đã ký quyết định cấm xuất, nhập khẩu, mua bán mẫu vật tê giác trắng, tê giác đen và voi châu Phi. Nếu muốn đất nước mình tươi đẹp và du khách đến một lần rồi sẽ trở lại, các bạn phải bảo vệ được những gì còn sót lại vì rất nhiều thứ đã bị tàn phá mất rồi.

Bằng cách nào đó, chúng ta cần thức tỉnh toàn dân rằng sự đa dạng là tài sản quý báu của Việt Nam. Đó phải là niềm tự hào số một, bên cạnh sự đa dạng về dân tộc, văn hóa. Đừng coi sự đa dạng là mối đe dọa. Giới trẻ càng phải tận hưởng và ca tụng sự đa dạng đó chứ không nên chạy theo sự đồng nhất.

Tất nhiên, tôi không cho rằng chúng ta nên thần thánh hóa Yersin, mà hãy nhớ về cuộc đời đầy đủ của ông để khuyến khích mọi người vươn lên theo tài năng của mình, khám phá và nỗ lực hết mình. Hãy đưa Việt Nam tiến lên trong nghiên cứu và bồi đắp khát khao khám phá, bởi vì cạnh tranh sẽ diễn ra giữa các bộ óc. Hãy nhớ Yersin luôn luôn nghĩ tới những điều có ích thiết thực cho cuộc sống và luôn gắn nghiên cứu của mình với yêu cầu của cuộc sống.

Bởi vậy, theo tôi, giới trí thức ở Việt Nam cần làm việc cùng với giới công nghiệp, tìm hiểu xem họ cần những sinh viên tốt nghiệp thế nào. Chắc các bạn đã nghe nói tới hệ thống giáo dục song song ở Đức và Thụy Sĩ. Tôi lấy ví dụ, nếu chỉ có khoảng 30% thanh niên có thể phát huy tối đa khả năng trong môi trường học thuật, tại sao chúng ta lại dồn cả 70% còn lại vào các trường đại học mà không phải là đào tạo nghề cho họ? Yersin theo tôi chính là ví dụ của việc khoa học trực tiếp phục vụ đời sống.

 “Hiện nay, chúng tôi với sự giúp đỡ và tài trợ của Viện các bệnh nhiệt đới ở Basel (Thụy Sĩ) đang đưa một đoàn làm phim sang đây để thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc đời của Alexandre Yersin. Ở khía cạnh rộng hơn, chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam xử lý những vấn đề cụ thể. Ví dụ, tôi cố gắng đưa tới Việt Nam những chuyên gia hàng đầu của Thụy Sĩ để họ làm việc cùng nhau nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề như tình hình bệnh dại tăng trở lại, bệnh viêm gan B và C, hay thậm chí cả vấn đề nợ xấu trong ngân hàng”.

Đại sứ Thụy Sĩ tại VN Andrej Motyl

 * Ông là người có ý tưởng đề xuất trao quốc tịch Việt Nam cho Yersin?

- Đúng vậy. Tôi đã đề xuất với Bộ Tư pháp việc này và được trả lời là họ sẽ xem xét liệu có quy định cho phép trao quốc tịch Việt Nam cho một người khi họ đã qua đời hay không. Tại sao tôi muốn điều này? Ông ấy đã dành phần lớn cuộc đời ở Việt Nam, thậm chí phần lớn các phát hiện của ông cũng là từ đây.

Với tôi, ông ấy không chỉ là người Thụy Sĩ hay Pháp mà hơn hết là người Việt Nam. Năm sau ở Hong Kong sẽ có kỷ niệm 120 năm ngày ông khám phá trực khuẩn gây bệnh dịch hạch. Nếu việc công nhận quốc tịch này được thực hiện, điều đó sẽ rất có ý nghĩa vì nó sẽ giúp thế giới hiểu về Yersin không những với tư cách là một nhà khoa học nổi tiếng, mà còn là một con người gắn với lịch sử Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông.

Alexandre Yersin - “người đồng bào của chúng ta”

Con người là những dấu ấn để lại sau khi mất đi. Và không có ở đâu mà những dấu ấn của Yersin lại sâu sắc hơn ở Viện Pasteur Nha Trang, đúng ra là ở tất cả các viện Pasteur toàn Đông Dương, cũng như ở Trường đại học Y Hà Nội. Năm nay, ông cũng được kỷ niệm ở Đà Lạt, nơi ông đã khám phá ra cách nay đúng 120 năm.

Vì vậy, chẳng phải hơn tất cả, ông là người Việt Nam sao?

Yersin, bằng sự say mê điều mới lạ và khác biệt, còn tượng trưng cho một cầu nối. Ông là “cây cầu” nối liền châu Âu và xứ Đông Dương xa xôi. Bằng cách ứng xử và cuộc sống của mình, ông cho chúng ta thấy ở một mức độ nào đó, chúng ta, những người đến từ các châu lục khác nhau, lại giống nhau biết chừng nào ở những tham vọng, những mong muốn, những nỗi sợ hãi, về điều tốt và cái xấu.

Với tôi, Yersin là hình mẫu của sự vượt lên trên tất cả sự yêu thích nhất thời hay thói kiêu căng. Ông mang lại một hình mẫu về cuộc sống cho tất cả các thế hệ, hôm qua, hôm nay và mai sau. Ông chỉ cho chúng ta thấy rằng bên cạnh những thói quen thường ngày trong công việc thì vẫn còn một nghìn lẻ một những con đường lớn nhỏ kỳ diệu để đi. Chúng ta cần vật chất, nhưng nó không phải mục đích để hướng tới. Điều chúng ta cần là nắm bắt những cơ hội mà cuộc sống ban tặng.

Yersin cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể trở thành nhà khoa học thông qua nghề nghiệp, trở thành bác sĩ vì sự đồng cảm, nhà thám hiểm bằng sự say mê, bác sĩ thú y hay nhà khí tượng học vì sự cần thiết cho cộng đồng, nhà thiên văn vì sự tò mò muốn hiểu rõ sự giống nhau giữa hiển vi và vũ trụ.

Thế nhưng, chúng ta cũng có thể trở thành nhà thực vật học, động vật học, nông học và cả doanh nhân gặt hái thành công. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu thủy triều, tiếng Hi Lạp, tiếng Latin hay toán học. Chúng ta cũng có thể yêu thích cơ khí. Thực tế, Yersin đã dạy cho chúng ta chào mừng cuộc sống.

Và, tôi còn thấy ở Yersin một “vai trò tối quan trọng” đối với tất cả chúng ta: đó là sự yêu thích sáng chế cụ thể của ông. Ông không bao giờ thỏa mãn tính ham hiểu biết, thích học hỏi của mình, luôn muốn chuyển hóa, tạo ra những thứ trước đây chưa có thành những thứ từ nay có thể hoạt động và hữu dụng. Qua đó, Yersin trở thành hình mẫu của một nền giáo dục cụ thể đối với đào tạo nghề.

Ông chính là cảm hứng cho một hệ thống giáo dục hiện đại và không ngừng nghỉ suốt đời. Yersin vẫn ở lại trong mỗi chúng ta như biểu tượng diệu kỳ của một cuộc đời đã sống hết mình.

(Trích một bài viết của đại sứ Andrej Motyl) 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận