Sự lựa chọn của những công dân tận tụy

MINH NHIÊN 29/09/2011 20:09 GMT+7

TTCT - Đọc quyển sách Rời Microsoft để thay đổi thế giới của John Wood (*), người ta không khỏi nhớ lại câu nói của Michael Moore trong bộ phim Chủ nghĩa tư bản: một chuyện tình: “Tôi ghét sống trong một đất nước như thế, nhưng tôi sẽ không rời bỏ nó”.

Phóng to
Michael Moore tuyên bố thị trường chứng khoán NY là “hiện trường tội ác”, trong phim Chủ nghĩa tư bản - một chuyện tình - Ảnh: nydailynews.com

1. Bộ phim tài liệu này vừa được HBO chiếu lại hôm 9-9-2011. Được đạo diễn Michael Moore hoàn thành từ năm 2009 nhưng đến nay bộ phim vẫn còn nguyên giá trị thời sự (có lẽ thế mà đến giờ HBO vẫn còn phát lại).

Trong phim, nhìn Michael Moore rất “điên”: ông kéo đội quân quay phim của mình tới các ngân hàng lớn của Mỹ, và với cuộn dây vàng in dòng chữ: “Hiện trường tội ác, cấm vượt qua”, Moore giăng ngang, kéo dọc, quây vòng các tòa nhà ngân hàng mà ông gọi là kẻ ác. Thậm chí ở một số nơi, Michael Moore còn hùng hổ kéo đoàn quay phim vào trong tòa nhà, tuyên bố với những nhân viên ở đó rằng: “Đã có tội ác trong tòa nhà này, tôi tuyên bố bắt giữ dân sự các giám đốc điều hành!”.

Lẽ dĩ nhiên Michael Moore đã được “nhã nhặn” mời ra (không thể không nhã nhặn vì máy quay đang chỉa vào). Nhưng chính bằng cách này, Michael Moore tuyên bố sự bất bình của ông đối với thế giới của lòng tham.

Cũng cần nhớ lại bộ phim được quay vào lúc nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng nhà thế chấp 2007-2010. Cứ 7,5 giây trên nước Mỹ có một ngôi nhà bị tịch thu, cùng với đó là những gia đình tan tác vì mất nhà cửa, lại không có được những quyền cơ bản nhất: quyền có chỗ ở, được chăm sóc y tế, có việc làm... Thế nhưng những ông chủ ngân hàng tiếp tục vinh thân phì gia. Michael Moore gọi đó là sự làm giàu của một ít người bằng sự trả giá của số đông.

Giấc mơ Mỹ không phải ai cũng có thể biến thành hiện thực, và người Mỹ đang phải trả giá cho tình yêu của họ đối với giấc mơ vật chất. Cũng dễ hiểu thôi, bởi trong vòng xoáy vô tận của vật chất, nếu không kiềm chế lòng tham, túi “ba gang” hay “chín gang” cũng không bao giờ là đủ.

2. Có một người giàu khác cũng thấy điều này. Đó là John Wood, người sáng lập Room to Read, một tổ chức từ thiện chuyên đi xây trường học và thư viện cho các nước nghèo. John Wood xuất thân từ tập đoàn lừng danh Microsoft, đã từ bỏ tất cả khi còn là ngôi sao đang lên trong đế chế công nghệ phần mềm này để chọn một con đường khác.

Trong Rời Microsoft để thay đổi thế giới, John Wood tâm sự sau bảy năm làm việc quần quật, một ngày nọ khi trở về từ chuyến công tác xa, ông phát hiện không nhận được một tin nhắn nào từ điện thoại trả lời tự động: ông không còn cả bạn bè! Đối với ông, điều này cũng đồng nghĩa với việc là người thất bại.

Trong những ngày trăn trở tiếp đó, có lúc John Wood nhớ lại câu ngạn ngữ của người Do Thái: “Chẳng có túi tiền nào trong quan tài lạnh lẽo”. Ở tuổi 35, ông quyết định vứt bỏ tất cả - sự giàu có, tương lai hứa hẹn, cuộc sống tiện nghi để chấp nhận thách thức: sử dụng tài sản của mình để tạo ra dù chỉ một phần của sự khác biệt.

John Wood nhớ lại tuổi thơ đầy đủ, dư thừa sách của mình, trong khi những đứa trẻ Nepal và nhiều đứa trẻ khác trên thế giới không hề biết tới sách chỉ vì “tấm vé số cuộc đời” nơi chúng sinh ra. Và ông bắt đầu bằng những đoàn lừa thồ sách đến tận vùng xa của Nepal, tới những ngôi trường mà “thư viện” của trường là một tủ sách được khóa chặt, giữ như kho báu những quyển sách diễm tình của Daniel Steel hay những quyển Lonely Planet cũ mèm, quăn góc của du khách nào đó vứt lại!

3. Trước một thực tế không như ý muốn, người ta có thể bắt tay vào sửa chữa hơn là im lặng, hoặc tiêu cực quay lưng. Cách làm của Michael Moore, John Wood... khiến người ta suy nghĩ nhiều hơn về cụm từ trách nhiệm xã hội. Và rằng người ta có thể cho đi bằng nhiều cách để nhận về hạnh phúc. John Wood đã nói rất hay về điều đó:

“Andrew Carnegie (**) của thế kỷ 21 sẽ không phải là một người da trắng giàu có. Đó sẽ là một mạng lưới các công dân toàn cầu tận tụy”.

__________

(*): Nguyên tác: Leave Microsoft to change the world, Trần Lê dịch, NXB Trẻ phát hành tháng 9-2011.
(**): Andrew Carnegie (1835-1919): người Mỹ gốc Scotland, là nhà tư bản, nhà công nghiệp, sau trở thành một trong những nhà từ thiện hàng đầu nước Mỹ. Ông đã đóng góp tài sản cho việc xây dựng nhiều thư viện, trường đại học, các viện nghiên cứu ở Mỹ, Anh, Canada và nhiều nước khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận