Thể thao phi chính trị?

HUY ĐĂNG 20/12/2020 21:00 GMT+7

TTCT - Bất chấp sự xuống cấp của đội ngũ, Arsenal vẫn kiên quyết loại Mesut Ozil khỏi danh sách thi đấu mùa giải này. Một cuộc chiến mà cả hai đều thua.

Ozil nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Hồi giáo. Ảnh: Getty Images

Nguyên nhân dẫn đến thế khó mang tên Ozil không nằm ở phong độ hay những lủng củng trong phòng thay đồ. Anh là một nạn nhân của chính trị trong thế giới bóng đá.

Chọc giận Trung Quốc

Mọi chuyện bắt đầu từ tròn một năm trước - tháng 12-2019. Ozil - một cầu thủ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, theo đạo Hồi và chưa bao giờ ngần ngại bày tỏ niềm tin tôn giáo của anh - đăng một dòng tweet với nội dung: “Kinh sách đang bị đốt, các hội đường bị đóng cửa, trường học tôn giáo bị cấm đoán, các học giả bị sát hại, những người anh em của chúng ta bị ném vào ngục tù. Nhưng lời kêu gào của họ lại không hề được nghe thấu!”.

Đó là những lời đả kích nhắm vào Trung Quốc liên quan tới những rắc rối ở Tân Cương, vùng lãnh thổ tự trị tập trung nhiều người Hồi giáo của nước này. Ngay lập tức, Chính phủ Trung Quốc phản ứng gay gắt. Đích thân phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng đàn cho biết Ozil đã bị tác động tiêu cực bởi “tin tức giả mạo” và sẵn sàng “mời” tiền vệ người Đức đến thăm Tân Cương. Nhưng Ozil không lên tiếng xin lỗi, và người Trung Quốc phát động một chiến dịch tẩy chay anh trên diện rộng.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, Ozil bị báo chí Trung Quốc đả kích dữ dội. Tài khoản Weibo có hàng triệu lượt theo dõi của anh phải đóng cửa, các diễn đàn đăng tải tin tức về Ozil trên Baidu bị dẹp và trò chơi điện tử nổi tiếng PES phiên bản Trung Quốc xóa sổ luôn tiền vệ người Đức khỏi cơ sở dữ liệu.

Cả Arsenal cũng bị liên lụy. Chỉ ba ngày sau dòng tweet của Ozil, kênh truyền hình CCTV hủy bỏ việc phát sóng trận Arsenal gặp Manchester City. Đó là một lời đe dọa rõ ràng nhắm vào “Pháo thủ”. Ai cũng biết Trung Quốc là thị trường bóng đá lớn bậc nhất thế giới. Chỉ riêng bản hợp đồng truyền hình phát sóng Premier League trong ba mùa với đài PPTV đã trị giá đến gần 700 triệu đôla. Nếu Trung Quốc giận lây cả Arsenal, đội chủ sân Emirates chắc chắn sẽ chịu thiệt hại lớn.

Rất nhanh sau đó, Arsenal đưa ra thông báo họ “vô can”. “Sau những thông điệp trên mạng xã hội từ Ozil, chúng tôi muốn làm rõ rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân của Mesut. Arsenal luôn là một tổ chức phi chính trị”, ban lãnh đạo đội bóng thông báo.

Nhưng cuộc tẩy chay từ phía Trung Quốc vẫn tiếp tục, và dần dà người ta thấy mật độ ra sân của Ozil cho đội chủ sân Emirates giảm hẳn. Anh chỉ còn được chơi đúng 10 trận kể từ vụ tranh cãi nổ ra vào mùa giải 2019-2020. Mùa này cho tới giờ, Ozil bị gạch tên hoàn toàn khỏi danh sách đăng ký của “Pháo thủ”, dù anh không hề đánh mất phong độ. Hợp đồng của Ozil vẫn kéo dài đến mùa hè năm sau, kèm mức lương lên đến 22 triệu đôla. Không chỉ vậy, khi không có Ozil, Arsenal hầu như không còn một cầu thủ nào khác đủ khả năng đảm nhiệm vai trò số 10. Kết quả thì ai cũng thấy, họ trượt dài trên bảng xếp hạng mùa này, đồng thời è cổ trả mức lương cực cao để Ozil ngồi chơi xơi nước.

Tiêu chuẩn kép?

Rất nhiều người hâm mộ - kể cả CĐV “Pháo thủ” - tỏ ra hả hê trước sự sa sút của Arsenal. Họ tin rằng đội chủ sân Emirates đang phải trả giá cho sự hèn nhát của mình. Arsenal chưa bao giờ thừa nhận họ loại bỏ Ozil vì e ngại sự tẩy chay từ Trung Quốc, nhưng đó là vấn đề mà ai cũng hiểu.

Điều đáng nói hơn, Arsenal không phải lúc nào cũng “phi chính trị” như phản ứng của họ trong vụ Ozil. Vài năm trước, HLV Arsene Wenger từng công khai bày tỏ sự ủng hộ với chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp của ông Emmanuel Macron. Còn vào năm 2018, hậu vệ Hector Bellerin đã xúc phạm Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một tweet kêu gọi bầu cử. Trang web chính thức của Arsenal sau đó còn đăng clip phỏng vấn Bellerin để hậu vệ người Tây Ban Nha nêu lý do tại sao anh lên tiếng về chính trị.

Cả thế giới bóng đá cũng vậy, bất chấp những nỗ lực tuyên bố “phi chính trị” của các quan chức trong một số trường hợp. Đức có lẽ là môi trường bóng đá có sự can thiệp rõ rệt nhất vào chính trị. CLB Dortmund thường lên tiếng kêu gọi người hâm mộ chung tay chống lực lượng cánh tả trong các cộng đồng địa phương. Còn hai CLB Hannover 96 và Bielefeld từng đề nghị CĐV chống lại những cuộc diễu hành của phe cực hữu. Ban lãnh đạo CLB Frankfurt thậm chí còn “cấm cửa” các đảng viên đảng cực hữu AfD, không cho họ trở thành thành viên hội cổ động đội bóng.

Nhìn từ góc độ này, Ozil - một cầu thủ Đức - rõ ràng đã quá quen với việc lên tiếng về những vấn đề chính trị. Người Trung Quốc tất nhiên không ưa anh, một số CĐV trung lập cho rằng Ozil đã đi quá xa và đáng lý không nên lên tiếng, nhưng cũng có một số khác tin rằng Ozil đơn giản chỉ là nạn nhân của thói quen áp đặt “tiêu chuẩn kép”. Tại sao Bellerin có thể chỉ trích thủ tướng Anh mà không bị tẩy chay, tại sao hầu hết VĐV lên tiếng ủng hộ phong trào Black Lives Matter đều được ca ngợi, trong khi Ozil thì không?

Câu trả lời có lẽ chỉ đơn giản nằm ở vấn đề lợi ích. Không ai la ó Naomi Osaka khi cô mang những chiếc khẩu trang phản đối cảnh sát Mỹ, ủng hộ phong trào Black Lives Matter lúc thi đấu ở US Open 2020. Nhưng người Trung Quốc thì tẩy chay Ozil, và sẵn sàng làm vậy với cả Arsenal. “Đây là những ngày đáng buồn khi lợi ích kinh doanh đứng trên quyền tự do ngôn luận” - một thành viên của hội Arsenal Supporters Trust nói.

Simon Chadwick, giáo sư ngành kinh doanh thể thao của ĐH Salford (Anh) bình luận: “Nếu bạn chọn kinh doanh với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ là người đặt ra các luật lệ, chứ không phải bạn. Nếu Arsenal đứng về phía Trung Quốc, họ sẽ hứng chịu sự phẫn nộ của người hâm mộ toàn thế giới. Còn ngược lại, Arsenal coi như chấm dứt việc kinh doanh ở Trung Quốc. Tất nhiên họ sẽ chọn cách đứng ở giữa để giảm thiểu thiệt hại”.

Nhưng với cái cách mà Arsenal loại bỏ Ozil, họ đã chết tiếng “hèn yếu”

Khôn ngoan như Klopp

Sau vụ việc gây tranh cãi của Ozil, đến phiên một ngôi sao khác của bóng đá Đức là HLV Jurgen Klopp bị đặt vào thế khó xử trong các vấn đề chính trị. Trong một buổi phỏng vấn, ông nhận được câu hỏi về vấn đề nhân quyền ở Qatar, và chiến lược gia đang dẫn dắt Liverpool đã đưa ra câu trả lời khéo léo nhất có thể. “Đây thực sự là một vấn đề nghiêm túc. Câu trả lời nên đến từ những người hiểu biết hơn về chủ đề này. Tôi là một người có tầm ảnh hưởng trong bóng đá, nhưng chính trị thì không. Nếu tôi có nói ra điều gì thì nó cũng không thể giải quyết vấn đề, chỉ càng tạo ra những yếu tố tiêu cực hơn thôi” - Klopp trả lời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận