Vun xới đầu óc để tự do

THANH VÂN 13/05/2013 22:05 GMT+7

TTCT - Làm sao để sử dụng bộ não một cách xứng đáng nhằm tận dụng thời gian ít ỏi chúng ta sống trên đời để tư duy cho đúng cách? John Dewey giúp bạn giải tỏa phần nào băn khoăn này trong Cách ta nghĩ (*).

Phóng to

hối lượng kiến thức mà con người tích tụ từ xưa tới nay đã đến mức không tưởng tượng nổi, và mỗi giây phút lại phát triển thêm. Việc lựa chọn những gì trong số đó để dạy trong nhà trường cũng ngày càng trở thành thách thức lớn, đặc biệt là đối với những nền giáo dục lạc hậu như ở Việt Nam. Từ hơn 100 năm trước, nhà triết học - nhà giáo dục xuất sắc John Dewey đã cung cấp những suy tư rất thiết thực liên quan đến việc lựa chọn và sử dụng tri thức trong Cách ta nghĩ - một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Nghĩ tưởng hay suy nghĩ phản tỉnh?

John Dewey (1859-1952, Hoa Kỳ) là một nhà triết học thuộc chủ nghĩa thực dụng, nhà tâm lý học và nhà giáo dục - thường được coi là cha đẻ của phong trào cải cách giáo dục. Năm 1896, ông thành lập Đại học Thực nghiệm, ngày nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Trường Dewey. Ông đã viết hàng chục tác phẩm quan trọng, trong đó có: Cách ta nghĩ (1910), Dân chủ và giáo dục (1916), Tự do và văn hóa (1939)...

Cuốn sách gồm ba phần: Vấn đề luyện trí, Suy luận logic, Rèn trí nghĩ. Bằng lối viết chặt chẽ, thuyết phục, nhiều ví dụ sinh động, Dewey tập trung trả lời câu hỏi bức thiết với bất cứ ai: làm sao để sử dụng bộ não một cách xứng đáng nhằm tận dụng thời gian ít ỏi chúng ta sống trên đời để tư duy cho đúng cách?

Đi từ những địa hạt quen thuộc nhất, cuốn sách giúp người đọc hiểu thấu đáo và phân biệt các khái niệm: ý nghĩ, trí nghĩ, hành vi suy nghĩ... Bất cứ cái gì "ở trong đầu ta" cũng gợi đến khái niệm ý nghĩ, hằng ngày biết bao nhiêu thứ "lướt qua óc ta" như vậy và ta cho rằng mình đang suy nghĩ hết việc này đến việc khác.

Tuy nhiên đó chỉ là sự nghĩ tưởng, là mớ chất liệu rời rạc và tùy tiện tình cờ chắp nối một cách vô quy tắc, làm chúng ta mất vô khối thời gian và sức lực. Bên cạnh việc buông thả viển vông, chúng ta còn mắc sai lầm nguy hại hơn, đó là ngay cả trong lúc tập trung và tỉnh táo cũng để bộ não bị thói quen tư duy lười biếng dẫn đi lầm đường. Do vậy mà mới xảy ra những hành động bột phát, những quyết định dại dột tưởng như không thể tránh khỏi - tất cả là do thiếu thói quen suy nghĩ phản tỉnh lành mạnh.

Bất cứ con người nào cũng bị ảnh hưởng bởi bản năng, cảm xúc, bởi những định kiến đã bám sâu từ thuở nhỏ. Sống trong một nền văn hóa, một cộng đồng, tiếp thu một nền giáo dục nhất định, con người đa số phát triển theo một số cách: dựa dẫm theo gương những người khác; chỉ tin theo những gì mình yêu thích; hoặc sẵn sàng đi theo lý trí nhưng tầm nhìn lại hạn hẹp, không bao giờ thấy được đầy đủ...

Để thoát khỏi bị giam trong những khuynh hướng đó, mỗi cá nhân cần có sự rèn luyện trí nghĩ nền nếp để phát triển độc lập. Nền nếp tâm trí không phải là món quà của tự nhiên mà cần đến sự vun đắp của giáo dục.

Gắn kết để tạo nên cái toàn thể

"Công việc của giáo dục không phải là đi chứng minh cho mọi mệnh đề đã đưa ra, cũng như không phải giảng dạy bất cứ một nội dung thông tin nào, mà nhiệm vụ của nó là ươm trồng những thói quen hiệu quả sâu rễ bền gốc trong việc phân biệt những niềm tin đã được thử thách với những khẳng định, những võ đoán và những ý tưởng; để phát triển một sự ham thích làm việc, chân thành và cởi mở đối với những kết luận có chứng lý xác đáng và ghi khắc trong những thói quen sống động của mỗi cá nhân những phương pháp chất vấn và lý luận thích hợp với mỗi loại vấn đề khác nhau như chúng bộc lộ ra".

Cách nhìn văn minh về giáo dục này có thể coi là hạt nhân của Cách ta nghĩ.

Trong mỗi một chương sách, Dewey đều đi sâu vào chi tiết, từ các năng lực tự nhiên trong việc rèn trí nghĩ đến phân tích hành vi suy nghĩ và các phương pháp suy luận kèm theo, đồng thời phê phán những quan niệm sai lầm trong giáo dục, để làm nổi bật lên luận điểm chính đó: điều quan trọng không phải là tóm được bao nhiêu thành phần vụn lẻ, mà cần phải hiểu chúng gắn kết với nhau như thế nào để tạo nên cái toàn thể.

Con người cần học cách tư duy như một hệ thống và không bao giờ để tắt đi niềm vui của việc học hỏi, của trí tò mò.

"Tự do đích thực mang tính trí tuệ, nó dựa trên năng lực suy nghĩ đã được rèn giũa" - và để vươn tới tự do chúng ta phải liên tục vun xới đầu óc mình, không ngừng đặt câu hỏi, sẵn lòng chịu đựng sự bất an, xáo động trong tinh thần, vì ta cần vượt thoát khỏi sức ì luôn mời mọc tâm trí ta ngả theo gợi ý bề ngoài hoặc định kiến. Những con người tự do không chỉ hạnh phúc mà còn là nền tảng tạo nên một xã hội lành mạnh.

___________

(*): Cách ta nghĩ - John Dewey, Vũ Ðức Anh dịch, NXB Tri Thức, 2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận