Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng

TTCT - Xây dựng văn hóa giao thông không thể chỉ dựa vào tiền phạt thật nặng. Mức tiền phạt hợp lý, có tính khả thi, vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục mới có khả năng cải tạo hành vi con người.

Tăng mức phạt giao thông: Vẫn có thể tìm thêm giải pháp? - Ảnh 1.

Kẹt xe xảy ra ở các đô thị không chỉ do người đi đường không tuân thủ luật giao thông. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, ngoài những lý do khách quan, quả thật có nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Nhớ lại thời kỳ bao cấp, chỉ cần hai người xếp hàng mua gạo là đã có thể chen lấn nhau. 

Thiếu vắng ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là nguyên nhân dẫn đến nhiều bất trắc trong cuộc sống. Những người vượt đèn đỏ, có thể tiết kiệm được cho họ vài giây, nhưng có thể làm mất của xã hội hàng trăm tiếng đồng hồ. 

Đó là chưa kể đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Pháp luật điều chỉnh hành vi và để hành vi trái pháp luật không xảy ra thì việc xử phạt có thể là giải pháp hữu ích. 

Các chế tài xử phạt như phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện vi phạm là những biện pháp tác động mạnh mẽ lên hành vi, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, từ đó hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông. 

Thực tế cho thấy các thói quen như chạy xe trên lề đường, lấn làn, chạy ngược chiều… là lực cản nặng nề với trật tự, an toàn giao thông, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Nếu pháp luật không nghiêm minh, không đủ sức răn đe thì tâm lý "nhờn luật" sẽ trở nên phổ biến.

Mức phạt tăng mạnh

Với tư duy đó, nhiều vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông được quy định trong nghị định 168/2024 có mức tiền phạt cao gấp nhiều lần so với văn bản pháp luật tiền thân, nghị định 100/2019. 

Đơn cử, hành vi "mở cửa xe ô tô, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông" được nâng từ 400.000 - 600.000 đồng lên 20 - 22 triệu đồng (gấp hơn 40 lần). 

Hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đối với xe mô tô" được nâng từ 800.000 - 1 triệu đồng lên 4 - 6 triệu đồng (gấp 5 lần). 

Hành vi "lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe" được nâng từ 10 - 12 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng (gấp 4 lần)…

Tranh cãi nổ ra với thay đổi lớn như vậy là dễ hiểu. Để đưa ra đánh giá tổng thể, cần nhắc lại nguyên tắc quan trọng, làm kim chỉ nam cho việc xây dựng mức xử phạt trong nghị định 118/2021. 

Cụ thể, theo điều 4, mức tiền phạt với từng hành vi vi phạm phải được xây dựng trên các yếu tố: i) tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; ii) mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; iii) mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2024, mức thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu điều khiển xe mô tô thực hiện hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" và bị phạt 5 triệu đồng, người vi phạm sẽ mất khoảng 60% thu nhập một tháng. 

Tất nhiên sẽ có ý kiến cho rằng "muốn không bị xử phạt nặng thì đừng vi phạm nữa". Tuy nhiên, trong bối cảnh giao thông chằng chịt, hạ tầng giao thông còn hạn chế như Việt Nam, cộng thêm sự thiếu khoa học ở không ít nơi có thiết bị, đèn báo giao thông, không ai có thể tự tin rằng mình không "có một lần mất mát", nên chuyện tâm lý chung thấy "mới thương người đơn độc" cũng là dễ hiểu.

Với mức tiền phạt chiếm đến 60% thu nhập một tháng, người vi phạm nếu nghiêm chỉnh đóng phạt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Ngược lại, nếu để duy trì cuộc sống thường nhật, họ có thể chọn giải pháp trì hoãn, chây ì trong việc đóng phạt. 

Tất nhiên, cơ quan nhà nước luôn có thể tiến hành các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Tuy nhiên, khi đó giữa Nhà nước và công dân sẽ hình thành khoảng cách khó thể xích lại gần nhau.

Ngoài mục tiêu răn đe

Vì lẽ này, việc xử phạt ngoài tính chất răn đe, còn phải hướng đến mục tiêu hướng thiện, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm sửa sai. Thực tế đã chứng minh việc áp dụng chế tài quá khắt khe có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. 

Trừng phạt theo hướng cứ tăng mãi chế tài đánh vào túi tiền cũng có thể là dấu hiệu của việc các giải pháp khác, thông minh, hiệu quả và ít tạo ra bất đồng hơn (như phạt lao động công ích, điều chỉnh hướng tuyến lưu thông khoa học hơn, xây dựng văn hóa giao thông...) chưa được cân nhắc đầy đủ. 

Cách hành xử nặng về trừng trị có thể để lại trong tâm lý người vi phạm hình ảnh không đẹp về công quyền và tạo ra định kiến với pháp luật.

Hơn nữa, sự thực hiện và tuân thủ pháp luật cũng tùy thuộc vào trình độ, khả năng nhận thức và trạng thái tâm lý của mỗi con người.

Trong tương quan ấy, việc hiểu biết về pháp luật trật tự, an toàn giao thông cũng như sự phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan nhà nước là rất quan trọng. Đáng tiếc, việc phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan nhà nước về chế tài xử phạt trong nghị định 168 chưa thật sự ổn thỏa.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì thời điểm có hiệu lực của nghị định được quy định tại chính văn bản đó, nhưng không sớm hơn 45 ngày, kể từ ngày ban hành. 

Việc pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày, kể từ ngày ban hành là để cá nhân, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động tìm hiểu về nội dung văn bản cũng như chuẩn bị nhân lực, vật lực cho việc thực hiện.

Khoảng thời gian trên cũng là cơ hội để cơ quan nhà nước phổ biến, giáo dục pháp luật - tức đưa pháp luật vào cuộc sống một cách ôn hòa, có trật tự. Ngoại lệ trong trường hợp khẩn cấp, cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thì nghị định có thể có hiệu lực pháp lý sớm hơn. 

Trong trường hợp này, để kịp thời có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, Chính phủ đã gấp rút ban hành nghị định 168. 

Đối chiếu với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc quy định thời điểm có hiệu lực của nghị định 168 là không có gì bàn cãi. Nói cách khác, quy định về thời điểm có hiệu lực trong nghị định 168 là hoàn toàn hợp pháp.

Tuy nhiên, hợp pháp không có nghĩa là hợp lý. Việc đột ngột có hiệu lực ngày 1-1-2025, chỉ sau 5 ngày kể từ ngày ban hành (27-12-2024) của nghị định 168 đã làm nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. 

Hình ảnh nhiều sinh viên, shipper vi phạm giao thông bật khóc khi biết được mức tiền phạt tăng cao hơn rất nhiều so với quy định pháp luật cũ đã cho thấy công tác đưa pháp luật vào cuộc sống còn bất cập.

Sau tất cả, người tham gia giao thông sẽ dần quen với mức chế tài được quy định trong nghị định 168. Thế nhưng, xây dựng văn hóa giao thông không thể chỉ dựa vào tiền phạt thật nặng. 

Mức tiền phạt hợp lý, có tính khả thi, vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục mới có khả năng cải tạo hành vi con người. Để pháp luật được triển khai đồng bộ, thiết nghĩ các cơ quan nhà nước cũng cần lộ trình phù hợp trong việc ban hành và phổ biến pháp luật, bởi "dục tốc bất đạt", và đột ngột quá thì khó có thể tạo ra sự thay đổi bền lâu trong mỗi con người.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận