Văn minh hay là một sự tàn nhẫn khác

VŨ THÁI HÀ 30/08/2014 21:08 GMT+7

TTCT - “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc” (1).

 

Một cảnh trong bộ phim Mười hai năm nô lệ chuyển thể từ cuốn sách cùng tên

Những dòng này trong Bản tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vẫn được nhắc đến, được trích dẫn trong những diễn từ đang được phát biểu hằng ngày trên khắp địa cầu. Trong hơn 200 năm sau, tính tất yếu và bất khả xâm phạm của các quyền của con người vẫn không chỉ cần phải được chứng minh và bảo vệ, mà còn phải giành giật lấy chúng bằng nước mắt và bằng cả máu xương.

Liệu có được phép nhân danh một điều gì đó để hạn chế hay tước đi của người khác những quyền hiển nhiên ấy không? Câu hỏi đó vẫn tiếp tục được đặt ra ở tầng cao của tư duy triết học và luân lý, còn thực tế thì màu da hay xuất xứ vẫn không ngừng ám ảnh con người.

Suốt cả tuần rồi, nước Mỹ dấn sâu vào một cuộc tranh luận nảy lửa liên quan vụ việc một thanh niên da đen là Michael Brown (18 tuổi) bị cảnh sát da trắng bắn chết hôm 9-8. Trong cái nôi của tuyên ngôn độc lập, màu da vẫn không ngừng ám ảnh.

 

112 năm nô lệ (2) là một quãng đường dài đầy tuyệt vọng của Solomon Northup, một người da đen tự do bỗng trở thành nạn nhân của bọn buôn nô lệ. Với anh, đó là con đường đi từ tự do đến tự do rải toàn cay đắng, nguyên do sâu xa của cay đắng có lẽ chính là cái mong manh của sự tự do mà thế hệ trước của anh đã giành được - mà thật ra là được ban phát - sau cái chết của ông chủ: “Cách đây khoảng năm chục năm, bố tôi đã được tự do, được giải phóng nhờ một chỉ thị trong di chúc...” (tr.10).

Sinh ra là nô lệ và phải làm lụng trong những điều kiện bất lợi mà giống nòi bất hạnh của mình đã bị quàng vào, bố của Solomon dạy các con mình rằng hãy “đặt lòng tin và tâm tư vào Người, đấng đang nhìn vào những kẻ kém mọn nhất và những kẻ cao sang nhất trong muôn tạo vật của Người như nhau” (tr.11), cho dù ông “hiểu về chế độ nô lệ và sống não nề trong cảnh suy biến của nòi giống mình”.

Và Solomon đã bước vào cuộc đời làm lụng, bất chấp rào cản của màu da cùng với ý thức về tình trạng thấp hèn của bản thân để mơ về hạnh phúc và an lạc, cùng với vợ con (tr.13).

Đó là những năm đầu của thập niên 1840, khi mà ở Hoa Kỳ chế độ nô lệ đã được xóa bỏ tại các bang miền Bắc nhưng vẫn còn duy trì ở các bang miền Nam. Một người như Solomon, cả đời hít thở không khí tự do của miền Bắc, có thể ý thức được rằng bản thân mình cũng có những xúc động và tình cảm tương tự như trong tâm can người da trắng (tr.17), nhưng anh vẫn không thể hiểu nổi tại sao người ta lại có thể cam phận nô lệ và đâu là lý lẽ của việc thừa nhận chế độ nô lệ.

Chính trong hoàn cảnh ý thức chưa trọn vẹn về địa vị của bản thân và bối cảnh xã hội như vậy, cộng thêm sự thôi thúc của mong muốn có được việc làm và những lợi ích chính đáng khác, Solomon đã sa vào một vòng xoáy mà mãi 12 năm sau anh mới có thể thoát ra, sau khi đã trả giá đắt. Đến lúc nhận ra mình bị bắt cóc, bị đối xử không ra con người thì đã quá muộn, anh chỉ còn biết phó thác mình cho Thượng đế và tuôn hàng lệ cay đắng nhất.

Số phận của người da màu được định đoạt khi cái cửa dẫn ra lối đi hẹp kia đóng lại sau lưng y (tr.31). Từ đó trở đi là một thế giới khác, nơi mà đòn roi sẽ buộc anh ta phải quên hẳn đi hai tiếng tự do và không được quyền nhắc đến tên của mình. Nô lệ không phải là người; tên của họ là do người ta đặt, để phân biệt một món hàng, để buộc họ xóa đi mọi liên hệ với quá khứ tự do; Solomon bây giờ là Platt, và nếu nhắc đến “New York” (3) thì anh có thể phải trả giá bằng mạng sống.

Trong suốt con đường dài nô lệ, Solomon đã chứng kiến bao cảnh chua xót: mẹ phải chia lìa con, anh em phải chia lìa nhau..., bất chấp kêu van khóc lóc, những món hàng sẽ đi về đâu là quyền của người mua và kẻ bán; lạnh lùng và nhẫn tâm.

Solomon tận mắt chứng kiến những cái chết của nô lệ do bệnh tật, do bị bỏ rơi, cùng chung sống với những nô lệ không còn nguyên vẹn hình hài, cả về thể chất lẫn tâm thần, do bị lạm dụng, bị đàn áp, bị đánh đập, bởi họ hoàn toàn không có quyền lựa chọn bất cứ điều gì cho dù là nhỏ nhất, với tư cách một con người. Họ là một bọn mọi.

Kể về chế độ nô lệ trong chừng mực mình quan sát được, diễn giải các sự việc vô tư và chân thực trong khi mình là nạn nhân của nó là một việc vô cùng khó, nhưng Solomon Northup đã làm được trong tự truyện của mình. Người đọc sẽ không thấy ở đó oán thù dai dẳng hay căm hận sục sôi, mà chỉ có những phản kháng của kẻ bị đàn áp, những đòi hỏi chính đáng của kẻ bị mất đi quyền căn bản của mình.

Có lẽ, đấy chính là dấu hiệu của một thái độ văn minh, bởi văn minh còn là gì khác hơn nếu không làm cho con người gần lại với nhau và làm bớt đi oán thù.

 

2. Trong một khung cảnh khác đậm chất tiểu thuyết, Coetzee đưa chúng ta đến một chốn xa xôi, biên ải của một Đế quốc không tên, ở đó có một ông Quan tòa luống tuổi, trung thành với Đế quốc của mình, một Đại tá Joll từ thủ đô đến, cũng trung thành với Đế quốc của mình, nhưng là hai kẻ đứng về hai phía của một chiến tuyến, vì một bọn mọi không tên (4).

Đã có một vụ cướp bóc xảy ra cách đây chưa tới hai mươi dặm (tr.14) và bọn mọi phải chịu trách nhiệm về việc đó. Người ta phái Đại tá Joll đến và chỉ có ông ta mới biết khi nào thì nhiệm vụ của mình kết thúc. Nhân danh việc ngăn chặn những nguy cơ mà bọn mọi có thể gây ra, ông ta đã làm mọi thứ để có được lời thú tội của những kẻ không may rơi vào tay mình.

Người tù nhân sau khi qua cuộc thẩm vấn đã chỉ còn là một cái xác. Máu dính bết trên bộ râu màu xám. Bờ môi giập nát và bị kéo xệch xuống, để lộ những cái răng gãy lìa. Một mắt ông trợn ngược lên, hốc mắt bên kia chỉ còn là một cái hốc đầy máu (tr.22). Còn cái thị trấn 3.000 dân trong một buổi tối mùa hè ấm áp thì chẳng thể lặng đi chỉ vì ở đâu đó có kẻ đang gào khóc!

Món quà đầu tiên mà Đế quốc - tự nhận là văn minh - dành tặng cho bọn mọi là vậy đấy, nhưng đó mới chỉ là màn giáo đầu. Ở cái vùng dọc biên giới ấy người ta thường bị kích động bởi chứng sợ bọn mọi, phụ nữ thì mơ thấy bàn tay mọi rợ đen đúa từ dưới giường thò lên tóm chặt lấy mắt cá chân, đàn ông thì tự dọa mình bằng cách tưởng tượng ra cảnh những tên mọi đen đang chè chén no say trong nhà họ, đập vỡ bát đĩa, châm lửa đốt rụi rèm cửa và cưỡng hiếp con gái họ (tr.25).

Còn ở thủ đô thì người ta lo ngại rằng có thể những bộ lạc mọi rợ ở phía bắc và phía tây cuối cùng sẽ hợp nhất lại với nhau (tr.26). Vì thế, bọn mọi phải bị trừng trị không thương tiếc: bị bắt làm tù binh, bất kể già trẻ lớn bé, bị xâu lại với nhau như những con vật, bị đánh đập tra khảo tàn nhẫn...

Ông Quan tòa - nhân vật chính của chúng ta - là một người đã sống gần bọn mọi nhiều năm, tự hiểu rằng những việc làm ấy là tội lỗi bẩn thỉu.

Cưu mang một cô gái mọi tàn phế vì bị tra tấn - mà cha của cô cũng chết vì bị khảo tra, chăm sóc cho cô hơn cả cho chính mình, dành cho cô một tình yêu kỳ lạ vắng bóng nhục cảm, và bằng mọi cách đưa cô trở về với đồng loại, để rồi cuối cùng chính ông phải chịu tai họa: trở thành tù nhân của Đế quốc văn minh mà ông phụng sự hết lòng và bị đối xử như người ta đối xử với bọn mọi, bởi tất cả những gì dính dáng đến bọn mọi đều ghê tởm và đáng bị trừng phạt!

Trớ trêu thay, nỗi sợ của những kẻ tự nhận là văn minh hơn chỉ là bóng gió! Sau những mơ, những tự dọa và lo ngại, họ đã chuẩn bị kịch bản bị bọn mọi trả thù và chờ bọn chúng đến. Nhưng chẳng có gì cả, chẳng có cuộc trả thù nào, chẳng có bọn mọi nào quay lại, đoàn quân của Đế quốc tự tan rã trong nỗi sợ hãi do chính họ đã tạo nên.

Nỗi sợ của cái văn minh trước cái được xem là mọi rợ mới khủng khiếp làm sao! Nỗi sợ ấy có sức tàn phá và tha hóa, mà đầu tiên là nó tàn phá và tha hóa chính cái “văn minh” đã sản sinh ra nó.

Trước tạo hóa, chẳng có bọn mọi nào mặc nhiên sinh ra đã là nô lệ, mặc nhiên phải chịu tội lỗi chỉ vì những sợ hãi mơ hồ của kẻ khác, cho nên không ai được phép nhân danh bất cứ điều gì để tước đi của người khác quyền sống, quyền được tự do. Chỉ có điều, kể từ khi bước ra khỏi bàn tay tác tạo, chẳng biết con người có còn nhớ đến điều đó hay không?

(1): Trích từ website của Đại sứ quán Hoa Kỳ: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/dec_independence.html

(2): Tự truyện của Solomon Northup, bản dịch tiếng Việt của Trần Đĩnh, NXB Phụ Nữ, 2014.

(3): Khi đó New York là nơi đã xóa bỏ chế độ nô lệ, trở thành biểu tượng của tự do cho nô lệ, cũng là nơi Solomon sống trước khi bị bắt cóc.

(4): Đợi bọn mọi, tiểu thuyết của J. M. Coetzee, bản dịch tiếng Việt của Crimson Mai & Phương Văn, Bách Việt & NXB Văn Học, 2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận