Về một bi kịch mới trong giáo dục

GIÁP VĂN DƯƠNG 08/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Những vụ việc căng thẳng, xung đột gần đây liên quan tới học phí trong các trường quốc tế, trong quan hệ giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh ở nhiều nơi... là những chỉ dấu rõ ràng cho một mối quan hệ đã có những trục trặc nghiêm trọng ở bên trong. Nguồn cơn của nó từ đâu?

Minh họa
 

Hai năm trở lại đây, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về các trường học và mối quan hệ giữa phụ huynh - nhà trường, nghĩ về mối quan hệ này với những thăng trầm đủ cung bậc.

Trước đây, mối quan tâm lớn nhất của tôi là những vấn đề nội tại của giáo dục, như triết lý, chương trình và những chuyển động trong chính sách giáo dục, thì nay còn có thêm những điều cụ thể, gần gũi hằng ngày, nhất là mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường. Lý do là hai năm gần đây, tôi trực tiếp làm giáo dục theo nghĩa cụ thể nhất: tham gia mở trường học ngoài công lập.

Trải nghiệm của tôi về giáo dục, vì thế cụ thể và trực tiếp hơn trước rất nhiều. Những vấn đề về giáo dục mà tôi phải xử lý cũng mở rộng hơn, bao gồm cả những chuyện cơm - áo - gạo - tiền hằng ngày. Đó là những trải nghiệm cá nhân quý giá giúp tôi bước thẳng vào thực tế mà bất cứ nhà giáo dục hiện đại nào cũng phải đối mặt, nhà quản lý giáo dục nào cũng phải quan tâm, và phụ huynh nào cũng phải bận tâm.

Tôi thấy được, từ khoảng cách thật gần, những diễn biến trong mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường ở khu vực giáo dục ngoài công lập. Đứng giữa mối quan hệ đó, tôi thậm chí có lúc lâm vào thế éo le, không thể bảo vệ quan điểm của mình giữa các xung đột về lợi ích.

May mắn là tôi vẫn được phụ huynh yêu quý và tin tưởng. Tất cả, sau cùng, giúp tôi hiểu được: mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là mối quan hệ sống còn với các trường ngoài công lập. Mối quan hệ này có tốt thì trường mới ổn định và phát triển bền vững được.

Vì vậy, tôi sẽ tập trung vào diễn biến gần đây của mối quan hệ này, như đã quan sát được, để nhận diện cội rễ một vấn đề mà tôi cho là lệch lạc trong giáo dục, hi vọng ta sẽ cùng nhau tìm được cách giải quyết.

Đã từng thiêng liêng

Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là mối quan hệ rường cột, cơ bản trong xã hội và trong mọi nền giáo dục. Với các trường ngoài công lập, như trường tư thục và quốc tế, mối quan hệ này lại càng trở lên quan trọng.

Vì sao? Vì các trường đã và đang phải cạnh tranh nhau gay gắt để tồn tại và phát triển. Phụ huynh là người giữ quyền tối thượng trong việc lựa chọn trường cho con em mình học. Họ lựa chọn bằng đầu. Và họ còn có thể lựa chọn bằng chân: khi không ưng ý, họ chuyển con sang trường khác.

Vì thế, chất lượng mối quan hệ phụ huynh - nhà trường này quyết định sự sống còn của một ngôi trường và rất quan trọng với chất lượng giáo dục. Lý do là nó ảnh hưởng và trực tiếp góp phần tạo ra văn hóa học đường của nhà trường, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của giáo viên và học sinh, đến vận hành của nhà trường.

Nhìn lại quá khứ, ta thấy từng có một thời gian rất dài, quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên/nhà trường là mối quan hệ thiêng liêng. Phụ huynh tin tưởng hoàn toàn các thầy cô và nhà trường, gần như giao phó việc giáo dục con cái mình cho nhà trường mà không cần kiểm tra và dè chừng lẫn nhau.

Chúng ta có thể cảm nhận được sự thiêng liêng này trong mấy chữ “Tôn sư trọng đạo” hay trong các nhận định xã hội như “Nghề giáo là nghề cao quý nhất”, thậm chí trong cả những câu ca dao đậm chất dân gian như “Muốn sang thì bắc cầu Kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Nhà trường khi đó là của các thầy cô. Việc giáo dục tại trường là do các thầy cô chịu trách nhiệm. Phụ huynh chỉ cần chọn trường tốt hoặc đơn giản là gần nhà rồi gửi con đến trường, hầu như không có nhu cầu can thiệp sâu vào chuyên môn và việc quản trị vận hành nhà trường.

Nhưng mấy năm trở lại đây, mối quan hệ này ngày càng gặp nhiều sóng gió. Sự bất đồng giữa phụ huynh và nhà trường càng ngày càng nới rộng. Niềm tin của hai bên ngày càng suy giảm. Lẽ ra phải hợp tác với nhau để đi cùng trên một con đường thì phụ huynh và giáo viên/nhà trường như đang bị đẩy sang hai chiến tuyến.

Thay vì là đối tác giáo dục, ở nhiều nơi phụ huynh và nhà trường lại đối đầu nhau trong nhiều vấn đề, thậm chí sẵn sàng đưa nhau ra tòa phân xử đúng sai, thua thắng.

Chúng ta có thể cảm nhận được sự bất đồng và mất niềm tin vào nhau này qua các cuộc họp phụ huynh đầy căng thẳng, các cuộc biểu tình của phụ huynh trước cổng trường, các ồn ào trên mạng xã hội, và có thể cả những đắng cay mà cả hai bên đều đang gánh chịu nhưng không phải lúc nào cũng có thể giãi bày.

Hệ quả là một môi trường giáo dục bị biến dạng, văn hóa học đường bị ảnh hưởng, một bi kịch mới trong giáo dục bắt đầu hình thành. Đó là bi kịch về sự xuống cấp của một mối quan hệ đã từng là thiêng liêng, nay bỗng suy thoái thành chuyện giao kèo mua bán đơn thuần.

Sự thay đổi đó làm cả người trong cuộc và ngoài cuộc, cả người quan tâm đến giáo dục, thấy đau lòng.

Nguồn cơn của vấn đề

Nhiều người tự đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho nguồn cơn của vấn đề, xem vì đâu mà mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường ở một số nơi lại bị biến dạng đến kỳ quặc như vậy? Người thì cho rằng đó là do thời đại kim tiền, đạo đức xã hội suy đồi nên lan cả vào nhà trường, làm hỏng môi trường giáo dục.

Người lại bảo là do nhà trường tận thu, chỉ biết kinh doanh, thiếu cam kết, nuốt lời với phụ huynh nên mới thế. Người khác lại nói là do phụ huynh ngày càng ghê gớm, lúc nào cũng thích giám sát, can thiệp vào công việc chuyên môn và quản lý của nhà trường.

Những ý kiến này tựu trung đều quy nguyên nhân về sự yếu kém, hoặc quá quắt, hoặc bất cập, của một trong các bên trực tiếp liên quan, đó là phụ huynh hoặc nhà trường. Trong trường hợp không thể quy kết cho bên nào một cách rõ ràng thì quy chung chung cho xã hội hoặc tình trạng đạo đức suy đồi.

Là một người làm giáo dục, tôi cho rằng đây chỉ là bề nổi của câu chuyện, mỗi người đứng ở một góc nhìn, ắt cho ra các nhận định khác nhau, dẫn đến phản ứng khác nhau khi phải đối mặt với mối quan hệ đầy căng thẳng này.

Nguyên nhân thực sự của tình trạng này bắt nguồn từ một thứ trừu tượng hơn, vì thế cũng khó chữa hơn rất nhiều: Đó là một quan niệm đang phổ biến trong cả phụ huynh và những người làm giáo dục, rằng giáo dục là một dịch vụ.

Nói cách khác, cả phụ huynh và những người quản lý nhà trường đều cho rằng nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục cho học sinh, phụ huynh là người trả tiền cho con em mình sử dụng dịch vụ đó.

Chúng ta có thể thấy điều này hiển hiện rõ ràng trong các bản thỏa thuận nhập học hoặc các quy định tài chính của nhà trường. Ở đó thường xuyên xuất hiện điều khoản có nội dung: Nếu phụ huynh vi phạm điều A, điều B (ví dụ: đóng học phí và các khoản phí thiếu và trễ hạn) thì nhà trường sẽ dừng cung cấp dịch vụ giáo dục cho học sinh.

Ngay cả ở cấp chính sách vĩ mô, như các thỏa thuận khi gia nhập WTO, cũng có những điều khoản liên quan đến việc mở cửa thị trường giáo dục.

Như thế, bản thân các nhà quản lý của trường học, và cả phụ huynh, đã cho rằng giáo dục là một thị trường, một dịch vụ, tương tự các dịch vụ thông thường khác trên thị trường.

Thoạt nghe thì điều này có vẻ có lý. Và trên thực tế, nhiều người đã đấu tranh cho sự tồn tại của thị trường giáo dục, coi giáo dục như một dịch vụ đặc biệt, vì thế cần tuân thủ các quy luật của thị trường.

Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi người ta quên hai chữ “đặc biệt”, chỉ còn hai chữ “dịch vụ”, tức coi giáo dục là một dịch vụ thuần túy, tương tự các dịch vụ thông thường khác. Thiếu hai chữ “đặc biệt” đó, giáo dục chuyển sang một hướng hoàn toàn khác. Và bi kịch mới trong giáo dục, trong trường hợp này là sự đổ vỡ của mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, bắt đầu xuất hiện.

Về phía nhà trường, do quan niệm giáo dục là một dịch vụ nên hiển nhiên nhà trường sẽ mong muốn cung cấp một dịch vụ tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho các khách hàng của mình. Điều này hoàn toàn đúng với các dịch vụ thông thường, nhưng với giáo dục thì lại sai, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Minh họa
 

Không phải là dịch vụ thuần túy

Khi coi nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục, các nhà quản lý, một cách tự nhiên và bản năng, muốn kiểm soát chất lượng dịch vụ một cách toàn diện, sao cho có được chất lượng dịch vụ tốt nhất và có rủi ro thấp nhất.

Bằng chứng cho điều này là các nhà quản lý giáo dục bắt đưa các công cụ quản lý doanh nghiệp vào trong nhà trường như KPI, hệ thống tiêu chuẩn, các bộ quy trình vận hành... Ngôn ngữ quản trị doanh nghiệp và quản lý giáo dục bắt đầu xuất hiện dày đặc trong ngôn ngữ quản trị của nhà trường.

Với một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy thì điều này là tốt, đương nhiên phải thực hiện thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại.

Nhưng với một trường học thì không hẳn.

Vì sao? Vì khi bắt đầu quản lý dịch vụ giáo dục theo cách quản lý các dịch vụ thông thường, các nhà giáo và quản lý trong nhà trường sẽ có xu hướng kiểm soát và giám sát tất cả mọi thứ, qua thanh tra kiểm tra, quy chế quy trình, hệ thống thông tin, hệ thống báo cáo, hệ thống các camera ở khắp mọi nơi (kể cả trong lớp học).

Mục đích ban đầu của việc kiểm soát này là mang đến một dịch vụ có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất, có thể là một mục đích tốt ở ý định ban đầu. Nhưng khi triển khai thực tế, việc kiểm soát toàn diện này đã làm cho sự tự do trong nhà trường suy giảm và biến mất, khiến nhà trường trở thành một đế chế quan liêu và độc đoán, thậm chí độc tài với chính giáo viên và nhân viên của mình.

Dưới bàn tay kiểm soát của sự độc đoán này, không gian hoạt động của các bên liên quan, như học sinh, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên, bị thu hẹp hết mức có thể. Nhà trường độc chiếm không gian hoạt động giáo dục này, nhân danh kiểm soát chất lượng dịch vụ, đẩy các bên liên quan vào thế bị động và phải tuân thủ.

Nhà trường khi đó trở thành một cỗ máy hoạt động theo quy chế quy trình, với sự hỗ trợ của công nghệ, trở thành chuyên nghiệp trong quản lý vận hành. Nói một cách hình ảnh, nhà trường tự suy thoái để trở thành một “lò đóng gạch” - có thể chuyên nghiệp, hiện đại nhưng không phải là một trường học đúng nghĩa. Chất lượng giáo dục khi đó bắt đầu đi xuống. Và giáo dục bắt đầu suy đồi. Những bi kịch mới của giáo dục bắt đầu xuất hiện.

Giáo dục cần tự do, cần không gian cho tất cả các bên liên quan tham gia và thể hiện mình. Khi một bên độc chiếm không gian hoạt động của các bên còn lại thì tự do biến mất, giáo dục không còn là giáo dục nữa dù nhân danh bất cứ mục đích tốt đẹp nào.

Cái sai này các nhà quản lý giáo dục sẽ không tự nhìn ra được. Chỉ có các nhà giáo dục mới có thể nhìn ra. Nhưng rất tiếc, thường đây là hai người khác nhau. Vì khi có xung đột về quan điểm, nhà giáo dục thường thua nhà quản lý, hoặc thua nhà đầu tư trong các biểu quyết. Đây cũng là một thực tế, một điều đau lòng cho các nhà giáo dục chân chính.

Về phía phụ huynh, do đơn giản coi giáo dục là một dịch vụ mình trả tiền để cho con thụ hưởng, nên một cách hiển nhiên, họ cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ tương xứng đồng tiền đã bỏ ra. Phụ huynh khi đó không còn là một phụ huynh đúng nghĩa, mà là một khách hàng đang trả tiền cho một dịch vụ trên thị trường. Và người hưởng dịch vụ đó là con mình.

Do không trực tiếp thụ hưởng nên phụ huynh sẽ có xu hướng đo chất lượng dịch vụ thông qua các chỉ số định lượng, như số tiết học trên lớp mỗi môn học, số bữa ăn trong ngày, số phiếu bài tập mà con nhận được mỗi tuần, số tin nhắn mà thầy cô gửi cho phụ huynh cập nhật tình hình học tập của con...

Đây không là gì khác, mà chính là một dạng KPI, một hình thức thanh tra kiểm soát chất lượng dịch vụ từ phía phụ huynh đối với nhà trường, thông qua các chỉ số dễ nhìn, dễ thấy, dễ định lượng.

Ngoài các chỉ số định lượng này, một biểu hiện khác về việc coi giáo dục như một dịch vụ là việc phụ huynh quan tâm quá mức, kỳ vọng thái quá vào các loại chứng chỉ và chuẩn đầu ra. Phụ huynh coi đây như một loại đo lường chất lượng dịch vụ giáo dục mà con họ đang thụ hưởng.

Tuy nhiên, xét về bản chất, do mỗi người mỗi khác nên không có một bộ chuẩn đầu ra hay chuẩn chất lượng dịch vụ nào phù hợp tất cả mọi người. Cũng không có một loại dịch vụ nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Trong trường hợp này, những người trả tiền lại không phải là người thụ hưởng dịch vụ, sự bất đồng quan điểm về chất lượng dịch vụ càng dễ xảy ra, đương nhiên sẽ xảy ra.

Đó là lý do vì sao, dù cả hai bên đều cố gắng và cam kết với nhau nhiều đến bao nhiêu chăng nữa, giấy trắng mực đen rõ ràng đến thế nào chăng nữa, trước sau gì hai bên cũng sẽ thất vọng về nhau.

Vì khi đó, họ đang nói câu chuyện về việc cung cấp và thụ hưởng một loại dịch vụ nào đó, cùng các quy trình đo lường và kiểm tra chất lượng dịch vụ đó, thứ dịch vụ mà họ gọi tên là giáo dục, chứ không phải là giáo dục thực sự.

Như thế, gốc rễ của những bi kịch mới trong giáo dục, như sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, không xuất phát từ một phía cụ thể nào, mà từ một quan niệm tưởng chừng là tiến bộ, rằng giáo dục là một dịch vụ, mà quên mất một điều, giáo dục là giáo dục, không phải là một dịch vụ thông thường như bao dịch vụ khác trên thị trường.■

 "Trẻ con thường nhìn vào cách người lớn hành xử để bắt chước. Cả thầy cô và bố mẹ sẽ rất khó dạy con phải sống hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác để giải quyết vấn đề, nếu bản thân họ không làm được như vậy". (TS Giáp Văn Dương)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận