Về vai trò hội phụ huynh: Món kem ngon nhất đời cha con tôi

NGUYỄN TRI ANH 17/06/2024 05:09 GMT+7

TTCT - Cốt lõi của mối quan hệ nhà trường và phụ huynh học sinh, với tôi, là niềm tin trao cho nhau.

Cốt lõi của mối quan hệ nhà trường và phụ huynh học sinh, với tôi, là niềm tin trao cho nhau.

Các con tôi bắt đầu chương trình học từ những năm đầu tiên trong hệ thống giáo dục công lập ở Singapore. Với con trai lớn là bắt đầu lớp 1, trong khi con gái là ba năm học mẫu giáo trước khi vào tiểu học.

Tôi có vài năm tham gia nhóm đại diện hội phụ huynh cơ hữu của Trường Farrer Park (Parent Support Group - PSG) nơi con trai học hết sáu năm cấp I và sau này là con gái. Hoạt động chủ yếu của nhóm này là phối hợp với giáo viên và ban giám hiệu nhà trường tổ chức các sự kiện cho học sinh.

Ảnh: The Washington Post

Ảnh: The Washington Post

Các hoạt động của nhóm PSG hoàn toàn tách bạch với các vấn đề liên quan đến tài chính, đơn thuần chỉ là giúp các cô và thầy chăm sóc phối hợp khi có một số lượng đông học sinh cùng tham gia một sự kiện ở ngoài trời.

Đầu năm học, hiệu trưởng cùng các giáo viên sẽ gặp gỡ nhóm PSG, thông báo các sự kiện của một năm học cần sự phối hợp và giúp đỡ của nhóm như tham quan ngoại khóa (tới trang trại gà, trang trại ếch, bảo tàng, ngày hòa hợp chủng tộc (racial harmony day), dạy an toàn bơi ở hồ bơi công cộng, ngày lễ tổng kết trao giải cuối năm).

Chúng tôi sẽ thảo luận, thống nhất chia ra để cùng các giáo viên giám sát an toàn, hướng dẫn các con… Ở cuộc gặp này, không có chuyện kêu gọi phụ huynh đóng tiền cho các hoạt động và xây dựng trường lớp.

Tất cả các phòng học của các trường tiểu học, kể cả trung học công lập ở Singapore đều có nhiều cửa sổ rất thoáng và rất nhiều quạt, không hề gắn máy lạnh. Máy lạnh được gắn ở thư viện các phòng họp hoặc phòng lab.

Nhưng suốt mấy năm cùng làm trong nhóm PSG, không thấy ai đề nghị hoặc kêu gọi các phụ huynh khác đóng tiền để cải tạo phòng, gắn máy lạnh cho con mình.

Trong những cuộc gặp, cô hiệu trưởng luôn nhấn mạnh một thông điệp: lợi ích lớn nhất của việc ở trong nhóm PSG là phụ huynh sẽ có cơ hội tham gia cùng các con ở những sự kiện chung của nhà trường, được quan sát và giúp đỡ các con ở cự ly gần nhất, và đó chính là những ưu tiên mà không phải phụ huynh nào cũng có thể có được.

Ở các buổi tổng kết phụ huynh cũng sẽ được tham gia cùng các thầy cô để phối hợp tổ chức sự kiện hoàn tất nhất, tất cả những vấn đề liên quan đến quà thưởng và những thứ khác sẽ do nhà trường lo liệu.

Tôi không bao giờ quên một cuộc "làm kem cùng nhau" ở trường con tôi. Đó là một hoạt động chỉ để tăng sự gắn kết giữa phụ huynh và học sinh. Đó có lẽ là lần đầu tiên, các học sinh và cả các bậc cha mẹ trực tiếp làm kem từ những nguyên liệu thô.

Buổi làm kem rất vất vả vì kem không đông lại như kỳ vọng, nhưng có lẽ que kem mà hai bố con chúng tôi đã làm ngày hôm đó là que kem ngon nhất trong cuộc đời của thằng bé và của cả tôi.

Trong tuần đầu tiên năm học học lớp 1 của con trai, chúng tôi được mời tham gia một buổi chia sẻ kinh nghiệm cho các phụ huynh lần đầu có con học lớp 1 ở trường công.

Người trình bày là một chuyên gia giáo dục do Bộ Giáo dục Singapore chọn và cử đến trường. Buổi nói chuyện có khá nhiều chủ đề, từ việc đừng quá đặt áp lực cho các con đến việc dạy học là của nhà trường…Tôi nhớ hoài một ý của ông: người cũng cần được "giáo dục", người cũng cần phải thay đổi là chính phụ huynh.

Ông chia sẻ câu chuyện của chính mình. Ông không phải lo lắng gì về việc học hành của cô con gái lớn vì cô gái rất biết mình muốn gì và có kế hoạch rõ ràng để phấn đấu. Nhưng cậu con trai ông thì học hành bết bát, đặc biệt là hai môn toán và tiếng Hoa, cậu gần như lúc nào cũng chỉ muốn… ăn. Một hôm, cậu thông báo sau này sẽ làm nghề… quét rác. Ông tìm hiểu mới biết nguồn cơn: cậu nghe người lớn nói với nhau "học hành mà yếu kém sau này chỉ đi quét rác".

Ông nói chuyện với cậu bé rằng quét rác là công việc bình thường nhưng vẫn phải học tốt toán và tiếng Hoa. Thằng nhỏ ngạc nhiên. "Này nhé, quét rác buổi sáng sớm hoặc tối khuya thì con hay gặp các ông bà đi tập thể dục, mấy ông bà lớn tuổi sẽ chủ yếu nói tiếng Hoa, con không học tiếng Hoa sao giao tiếp với họ? Con đi lạc đường hay cần hỏi họ có rác không, chỗ nào có nhiều rác… con không biết tiếng Hoa thì sao? Con cũng phải tính toán để biết mình cần quét mấy nhát chổi, quét từ bên nào trước… để kết thúc buổi làm sớm còn về nhà nghỉ và ăn". Cậu bé gật gù, hiểu chuyện.

Người chuyên gia giáo dục này dạy con "bí kíp gia đình" ông, với ba từ "better than before" (tốt hơn trước): Chỉ cần hôm nay con tốt hơn ngày hôm qua, hôm qua tốt hơn hôm trước đó thì con sẽ được thưởng, muốn ăn gì ở đâu cũng được.

Học kỳ kết thúc, cậu bé vui mừng về khoe đã có điểm tiếng Hoa: 18/100 điểm. Với một gia đình Singapore gốc Hoa, kết quả này thật khó mà vui nổi. Nhưng đấy chính là "tốt hơn ngày hôm qua" bởi lần kiểm tra trước, kết quả của cậu 14/100 điểm.

Ông Nicholas giữ đúng lời hứa khen thưởng, đưa con ra sân bay Changi ăn hết từ quầy hàng này sang quầy khác cho đến khi no và chán thì thôi. Khi cậu bé kể lại chuyện cho cô bạn cùng lớp, cô bé kêu trời vì cô đạt 81/100 mà vẫn bị mẹ mắng.

Ông Nicholas đúc kết: Mỗi đứa trẻ có tính cách, khả năng cảm nhận, tiếp thu khác nhau nên không thể áp đặt rồi kỳ vọng khả năng học hành của đứa trẻ này phải bằng với đứa trẻ khác, cho dù chúng là anh/chị/em ruột.

Ông đã đi từ thuở ban đầu không chấp nhận được việc khác biệt trong học hành giữa con và cậu con trai ham ăn của ông nhưng sự kiên nhẫn, thấu hiểu và không ngừng khuyến khích của ông, cách ông nhẹ nhàng đặt mục tiêu vừa phải phù hợp với con trai, sau này cậu bé đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp tiểu học ổn thỏa.

Gần cuối năm học lớp 1 của con trai, chúng tôi nhận được email thông báo đăng ký thời gian họp phụ huynh lần đầu tiên với cô giáo chủ nhiệm. Có tổng cộng hai ngày để các phụ huynh chọn đăng ký 45 phút tiện lợi nhất. Một yêu cầu bắt buộc là con trai tôi phải cùng có mặt trong buổi họp này.

Phòng học của con đã được sắp xếp lại cho phù hợp với buổi họp, các bàn học được xếp lại gọn gàng, chỉ có hai cái bàn đặt ở một góc với nhiều ghế đặt xung quanh cho phụ huynh và học sinh ngồi.

Khi gia đình tôi họp cùng hai cô giáo chủ nhiệm, cô giáo không nói gì nhiều về kết quả học tập của con trai tôi vì tất cả đều đã có trong báo cáo gửi về nhà trước buổi họp. Hai cô chia sẻ nhận định của cô về con trai chúng tôi, về cách hành xử, những điều nên thay đổi, nên phát huy của con trai tôi trong suốt năm học qua…

Điều ấn tượng nhất chính là cách các cô hỏi nhẹ nhàng, khéo léo khơi gợi để con trai tôi tự phản hồi về những điều mà cô đã nhận xét, chia sẻ.

Tại sao họp phụ huynh mà lại có cả các con cùng dự? Các cô giải thích việc bắt buộc học sinh phải có mặt trong buổi họp này chính là để các con có cơ hội "tự bào chữa", "tự phản biện" trước những nhận xét của giáo viên về mình.

Và đó chính là một buổi trao đổi của nhiều phía, trong đó chủ thể quan trọng nhất của buổi họp là con trai chúng tôi có cơ hội ngang bằng để nói chuyện, có cơ hội thể hiện, "thông tin thêm" hay tự minh oan về sự kiện nào đó. Chúng tôi là bên cuối cùng tham gia trao đổi ý kiến hoặc đề đạt thêm nguyện vọng nào đó với cô giáo.

Trong cuộc họp không có phần nhắc nhở phụ huynh về quy định của nhà trường hay đề nghị đóng góp thêm cái này cái kia… Đó đúng nghĩa là một buổi gặp gỡ, trao đổi và làm cho mối quan hệ giữa các bên trở nên thấu hiểu, tin cậy, thoải mái và tôn trọng nhau.

Cốt lõi của mối quan hệ nhà trường và phụ huynh học sinh, với tôi, là niềm tin trao cho nhau. Cha mẹ thực sự tin tưởng và giao toàn bộ việc giáo dục, hướng dẫn học tập và ứng xử đối với các con trong trường cho thầy cô và nhà trường. Cha mẹ hiểu về những không gian trong nhà trường mà họ có thể tham gia khi có thời gian và sự quan tâm chân thành, nhằm giúp đỡ thêm cho những hoạt động chính của thầy cô và nhà trường.

Trong toàn bộ quá trình ấy, chúng tôi không hề đề cập tới việc tài trợ tài chính cho nhà trường, từ lớn đến nhỏ. Và khi đã toàn tâm toàn ý chia sẻ thời gian và công sức với nhà trường thay vì dùng tiền để chi phối và ảnh hưởng các hoạt động chuyên môn của nhà trường, chúng tôi hiểu việc xuất hiện của phụ huynh bên cạnh việc giáo dục của thầy cô và nhà trường chỉ có một mục tiêu là cùng nhau giúp các con có cơ hội phát triển tốt và toàn diện.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận