Vì sao chúng tôi đã không mất gốc?

DANH ĐỨC 09/08/2011 22:08 GMT+7

TTCT - Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên khi chương trình Pháp trong nền giáo dục miền Nam vẫn còn lấn át toàn bộ chương trình Việt!

LTS: Những người dạy sử đã phải chịu “cú đấm nốc ao”, như lời của GS sử Đinh Xuân Lâm - bởi hàng nghìn bài thi sử điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2011. TTCT giới thiệu một số góc nhìn về vấn đề này.

Mãi cho đến khi sinh viên Sài Gòn năm 1965 xuống đường lật đổ pho tượng Jeanne d’Arc ở nơi sau này là công trường Con Rùa, đòi “Việt hóa” đại học, chương trình Pháp mới bắt đầu rút lui, cho dù kỳ thi Bac (tú tài Pháp) cuối cùng vẫn được tổ chức vào tháng 3-1975 trong tiếng súng vọng về hằng đêm.

Là trường Tây nên tất cả môn học đều được giảng bằng tiếng Pháp, thậm chí ở một số trường trung học, học sinh nói chuyện với nhau cũng phải bằng tiếng Pháp. Ấy thế mà hầu như tất cả chúng tôi đều đã không mất gốc, nhờ những giờ học tiếng Việt mỗi tuần chỉ một giờ với các giáo sư người Việt, mà thời đó còn cung kính gọi thầy cô trung học là giáo sư. Thậm chí, tiếng Việt là “ngoại ngữ” thứ nhì, ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh, 3-4 giờ/tuần.

Giờ Việt ngữ ấy chủ yếu là học dịch ngược xuôi, từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và ngược lại. Ra thi cũng thế, không phải để rèn thêm tiếng Pháp cho học sinh, mà để kiểm tra tiếng Việt xem thí sinh có biết tiếng Việt đủ để dịch đúng hay không.

Còn nhớ bài thi tiếng Việt kỳ thi BEPC (trung học đệ nhất cấp, cấp II bây giờ) năm 1966 là một đoạn văn trích từ Ngọn cỏ gió đùa. Lần đầu tiên, thằng bé là tôi mới thấy tên cụ Hồ Biểu Chánh và đọc ít dòng văn của cụ. Bài dịch chẳng có gì khó, chỉ mỗi một chỗ cắn bút là từ “cây so đũa”. Cha sinh mẹ đẻ có thấy cây này bao giờ, chớ đừng nói là biết tiếng Tây gọi cây đó là gì!

Các giáo sư, như thầy Bạch, thầy Minh vô lớp dạy dịch cho có với chương trình, đặng dành thì giờ dạy sử ta cho lũ trẻ mỗi tuần học những bốn giờ sử Tây, hai giờ địa cũng Tây luôn! Những gì các thầy dạy là ngoài chương trình.

Chẳng cần nói “mục đích, yêu cầu” của bài giảng, các thầy cứ tuần tự, tuần này kể chuyện Hai Bà Trưng tuẫn tiết ra sao, Trần Quốc Toản lặng người bóp nát quả cam khi nghe lén bàn chuyện quốc sự, chuyện Nguyễn Thiện Thuật, Đề Thám... chống giặc Pháp, chuyện tình Nguyễn Thái Học và Cô Giang kết thúc như thế nào sau vụ nổi dậy Yên Bái, chuyện Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống làm “bồi Tàu” không khác gì chuyện lũ “bồi Tây” trở mặt các ông Tán Thuật, Đề Thám ra sao...

Thỉnh thoảng các thầy giảng một bài thơ của Nguyễn Công Trứ, “Chí làm trai”, “Người quân tử ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch” cho lũ trẻ mà không ít gia đình là “nhung lụa”. Các thầy Việt giảng sử Việt cũng oai phong vỗ ngực như các thầy Pháp giảng sử Tây mỗi khi nói đến một trận thắng, cũng đập bàn mỗi khi nói đến một quãng thời gian thua thiệt trước ngoại xâm.

Cứ thế các thầy dạy, cứ thế chúng tôi học, học làm người Việt. Thi thì thi sử Tây, “chương trình Tây” là vậy, song lũ trẻ vẫn cứ sốt sắng nghe các thầy kể sử ta, chẳng đứa nào “khiếu nại” thầy dạy ngoài chương trình, vẫn “uống” lấy những câu chuyện hào hùng của dân tộc, vẫn rưng rưng trước những nỗi nhục nhằn của dân tộc khi mất nước.

Nửa thế kỷ sau vẫn còn nhớ cặp lông mày trắng toát của thầy Minh vểnh lên mỗi khi thầy giận dữ khi kể về nỗi nhục mất nước hay gặp phải một hôn quân bán nước, dịu dàng mỗi khi đất nước hưởng thái bình, có được một đấng minh quân! Và chúng tôi cứ thế mà là người Việt, cho dù học ở trường Tây. Vì các thầy đã dạy chúng tôi rung động sâu sắc với “thân phận” dải đất hình chữ S này, với dân tộc này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận