Việt Nam không thao túng tỉ giá

NGUYỄN SON 12/10/2020 18:10 GMT+7

TTCT - Bộ Tài chính Mỹ tuần trước lại nói VN thao túng tiền tệ, làm gia tăng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Nhưng một số yếu tố chứng minh cáo buộc này không tương thích với diễn biến thực tế.

 

Tiền đồng của VN tiếp tục là đích nhắm tiềm tàng của một số giới chức Mỹ có xu hướng dân túy: siết chặt nhập khẩu nhân danh bảo vệ các hãng xưởng trong nước. Hãng tin Bloomberg đưa tin Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch điều tra khả năng thao túng tỉ giá của VN, từ đó có thể đề xuất chính sách trừng phạt, như nâng thuế quan, với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN. 

Đây không phải lần đầu xuất hiện những cáo buộc từ Mỹ về việc VN thao túng tỉ giá. Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ từng đưa VN vào danh sách cần theo dõi và đã đánh thuế mặt hàng thép nhập khẩu từ VN khi cho rằng mặt hàng này “đội lốt” sản phẩm từ Trung Quốc.

Thực tế thì các tiêu chí theo dõi, đánh giá một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không của Chính phủ Mỹ hiện vẫn khá mơ hồ, còn tùy tiện và bất hợp lý.

Đơn cử, Mỹ quy định nếu tổng thương mại song phương từ 40 tỉ đôla và thặng dư của một nền kinh tế với Mỹ lớn hơn 20 tỉ đôla, tài khoản vãng lai lớn hơn 2% GDP và khối lượng mua ngoại tệ ròng lớn hơn 2% GDP liên tục trong 6 tháng là các tiêu chí khiến một quốc gia lọt vào danh sách bị cáo buộc thao túng tỉ giá. Nhưng trên thực tế các tiêu chí này không thể tách khỏi bối cảnh cụ thể cũng như một góc nhìn thật sự sòng phẳng.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 VN đạt giá trị xuất siêu sang Mỹ là 60,7 tỉ đôla, tăng 27,8% so với năm 2018.

Trong 9 tháng đầu năm nay, VN ghi nhận giá trị xuất siêu sang Mỹ khoảng 44 tỉ đôla. Dù vậy, các mặt hàng chủ lực bán vào thị trường Hoa Kỳ hầu hết là các sản phẩm có giá trị thấp như giày dép, dệt may, đồ gỗ, cà phê, hạt điều… và các năm gần đây là tỉ trọng đáng kể máy móc thiết bị và linh kiện điện tử.

Nhưng khách quan thì kết quả xuất siêu của VN có một phần quan trọng là hệ quả của chính cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động trên toàn cầu. Tức tình trạng xuất siêu của VN phải được coi là một “thắng lợi” với Mỹ trong cuộc thương chiến.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành thuộc Đại học Fulbright VN, VN đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. “Thực tế có sự chuyển dịch nhập các mặt hàng điện tử, máy móc, thiết bị từ VN nhiều hơn. Mặt khác, cũng có sự dịch chuyển sản xuất từ những nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch sang VN do nhà máy bị đóng cửa hoặc giảm công suất, nên tăng sản lượng, đơn hàng đối với VN” - ông Thành nhận định.

Mặc dù hưởng lợi nhưng tính ra quy mô xuất khẩu của VN vào Mỹ còn khá khiêm tốn so với Ấn Độ hay Trung Quốc. Tờ Asia Times ước tính các mặt hàng có nguồn gốc từ VN chỉ chiếm khoảng 3% giá trị nhập khẩu vào Mỹ năm 2019, nhỏ hơn rất nhiều so với tỉ trọng 17,5% của Trung Quốc.

Hơn thế nữa, GDP bình quân theo đầu người của VN hiện chỉ bằng 2/5 so với Trung Quốc và dân số chỉ bằng 1/14.

Trong khi đó, xu thế dịch chuyển của nhiều tập đoàn đa quốc gia từ Trung Quốc sang VN, trong đó có nhiều doanh nghiệp Mỹ, chính là điều được dự tính trước trong kế hoạch tổng thể làm suy yếu đối thủ chiến lược Trung Quốc của Washington.

“Washington nên cảm thấy hài lòng khi các tập đoàn lớn của mình như Apple, Nintendo và Google di chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc sang VN” - tờ Asia Times nhận xét.

Một yếu tố khách quan khác khiến đồng đôla tăng giá so với tiền đồng (và nhiều đồng tiền khác) là bởi COVID-19, tức là một diễn biến hoàn toàn mang tính thị trường, chứ không phải can thiệp nhân tạo như một số cáo buộc từ Mỹ.

Đại dịch gây ra nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới, khiến dòng vốn đầu tư có xu thế dịch chuyển ra khỏi các nền kinh tế mới nổi để tìm kiếm các tài sản an toàn hơn như USD. Là một quốc gia nhỏ, VN cũng chịu ảnh hưởng từ xu thế này và việc tiền đồng mất giá ít nhiều là điều khó tránh khỏi.

VN cũng có lý do phù hợp để tăng mua USD liên tục các năm qua. Dự trữ ngoại hối năm 2018 của VN chỉ mới đủ 2,9 tháng nhập khẩu, dưới ngưỡng khuyến nghị tối thiểu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tính đến đầu tháng 9, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết dự trữ ngoại hối tuy đã lên tới 92 tỉ đôla nhưng cũng chỉ tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu mà thôi. Thực ra, điều Ngân hàng Nhà nước phải nỗ lực làm từ đầu năm đến giờ là cố gắng giữ ổn định giá trị tiền đồng, không làm mất giá thêm chứ không phải ngược lại.

Chính sách giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế, duy trì chênh lệch lãi suất tiền gửi cao giữa đồng đôla (nay chỉ còn là không ở hầu hết các ngân hàng thương mại) và tiền đồng… đều là những động thái hỗ trợ để không làm tiền đồng rớt giá thêm. Điều này cho thấy Chính phủ VN không chủ trương thao túng, định giá thấp tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu như Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc.

Còn tính trên phương diện tỉ giá thực hiệu chỉnh (REER), thực tế tiền đồng còn có dấu hiệu tăng giá. Theo tính toán của ông Hasnain Malik - giám đốc điều hành các thị trường mới nổi của quỹ đầu tư Tellimer, REER giai đoạn 2010 đến hiện tại của tiền đồng đang là 128 - tức đang được định giá quá cao.

“Đồng tiền của VN đang được định giá cao hơn 28% trên cơ sở tuyệt đối” - ông Hasnain Malik nhận định. Ông còn cho rằng cuộc điều tra lần này nếu diễn ra sẽ khó thu được kết quả, vì những cuộc điều tra kiểu này thường kéo dài hàng tháng và vượt quá tiến trình dự kiến của cuộc bầu cử Hoa Kỳ.

Cũng không thể loại trừ các tính toán địa chính trị. Nếu chính sách đối ngoại của cả ông Trump và đối thủ của ông - Joe Biden vẫn là kiềm chế Trung Quốc thì VN chính thuộc nhóm quốc gia mà Mỹ cần hỗ trợ.

“Kết quả cuối cùng của cuộc điều tra có thể mang tính biểu tượng nhiều hơn [tức là ít quan trọng hơn về mặt kinh tế] với hành động có thể là ban hành một chính sách trừng phạt với một loại hàng hóa cụ thể [ví dụ như lốp xe cao su hoặc gỗ]” - ông Malik nhận định.

Dù nói như vậy, trong thời gian tới, Chính phủ VN có lẽ vẫn cần minh bạch thêm về các chính sách tiền tệ, bên cạnh đó cần theo sát và điều tiết tốc độ xuất siêu vào Mỹ nếu thặng dư thương mại tăng quá nhanh.

Chính phủ có thể khuyến khích thêm các doanh nghiệp nội địa gia tăng nhập khẩu thiết bị máy móc và máy bay từ Mỹ như thời gian qua để giúp cán cân thương mại cân bằng hơn.

Đặc biệt, để tránh rủi ro hàng hóa VN bị gắn mác “đội lốt Trung Quốc”, Chính phủ cần khẩn trương công bố quy định về kiểm soát nguồn gốc sản xuất và tiêu chuẩn các mặt hàng được ghi nhãn “Made in Vietnam”; đồng thời cân nhắc mở thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp Mỹ vào một số ngành như ôtô, nông nghiệp, thanh toán điện tử…

Thực tế thì ngoài giá trị thương mại đơn thuần, mối quan hệ giữa VN và Mỹ ngày càng khăng khít trên nhiều khía cạnh, trong đó có lợi ích ngày càng lớn của nhiều tập đoàn Mỹ.

Đơn cử như mới đây, Hải Phòng đã đồng ý chủ trương đưa dự án tổ hợp Nhà máy điện khí LNG do Tập đoàn Exxon Mobil đề xuất đầu tư tại Khu công nghiệp Tiên Lãng 1 với công suất 4.500 MW. Tổng vốn đầu tư vào dự án lên tới 5,09 tỉ đôla, trở thành khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ vào VN từ trước đến nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận