TTCT - Chuyện Việt Nam nhập khẩu gạo là một hoạt động kinh doanh hoàn toàn bình thường trên thị trường tự do, nhất là khi nông nghiệp nói riêng, và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đang muốn bước lên cao hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: ReutersKhái niệm chuỗi cung ứng nghe thì đơn giản nhưng đi vào thực tế vẫn có thể gây ngạc nhiên hay tạo ra sự phản đối ở nhiều người.Ví dụ đã mấy năm rồi Mỹ tuyên bố nước họ độc lập về mặt dầu khí, tức lượng dầu khí sản xuất ra cao hơn mức tiêu thụ trong nước; thế nên nhiều người Mỹ ngạc nhiên và bực tức khi biết Mỹ vẫn nhập dầu thô. Năm 2020, Mỹ sản xuất 18,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, tiêu thụ hết 18,1 triệu thùng/ngày nhưng vẫn nhập đến 7,8 triệu thùng/ngày.Sở dĩ như vậy là vì nhiều loại dầu thô nhập khẩu, tính cả chi phí vận chuyển, vẫn rẻ hơn dầu thô khai thác ở Mỹ. Các nhà máy lọc dầu đã thiết lập các chuỗi cung ứng lâu đời, mua dầu thô nơi khác về lọc rồi lại bán ra cho dân Mỹ, thậm chí xuất khẩu.Lợi thế so sánhNgoài yếu tố giá, còn nhiều yếu tố khác phải cân nhắc, như chủng loại dầu thô, sản phẩm làm ra nhắm cho thị trường nào, các ràng buộc về bảo vệ môi trường, chi phí nhân công ra sao… Vì thế, câu chuyện dầu thô nghe tưởng trái khoáy mà thật ra không có gì bất thường như thế cũng từng xảy ra ở Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, nhưng lại nhập khẩu đến 9,9 triệu tấn dầu thô khác về để lọc ở hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn. Ở đây chọn chủng loại dầu thô phù hợp với công nghệ lọc dầu là yếu tố chính.Cũng vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi biết Việt Nam dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, vẫn nhập gần 1 triệu tấn gạo trong năm 2021, mà từ Ấn Độ chiếm hơn 72%. Gạo nhập từ Ấn Độ là loại giá rẻ, được dùng chủ yếu làm bún, thức ăn chăn nuôi, sản xuất rượu… Các nơi sản xuất bún hay thức ăn chăn nuôi thấy gạo ở đâu rẻ, chất lượng đạt mức yêu cầu thì mua và nhà cung ứng cứ thế tìm nguồn hàng để nhập. Ở đây phải thấy sự nhanh nhạy của thị trường và thán phục những người biết dựa vào quy luật cung cầu, dám suy nghĩ để kết nối nơi xa, không hề cứng nhắc cho là gạo thì cứ phải tìm nguồn bán trong nước.Ở hướng ngược lại, cũng không thể bắt nông dân hay đại lý phải bán gạo cho những nơi sản xuất bún hay thức ăn chăn nuôi gia súc. Một khi giá xuất khẩu cao hơn, mắc gì họ phải bán với giá rẻ hơn cho người mua trong nước. Thậm chí Việt Nam nhập gạo chất lượng cao của Thái Lan, Đài Loan, hay cả Nhật Bản, vì có một bộ phận dân chúng có nhu cầu tiêu thụ loại gạo này cũng là chuyện hết sức bình thường.Đây chính là quá trình hình thành các chuỗi cung ứng, trong đó nông dân Việt Nam chọn một số loại gạo họ có lợi thế cạnh tranh để canh tác, để các loại gạo khác cho thị trường nhập khẩu. Xu hướng của sản xuất gạo ở Việt Nam những năm qua là chọn giống cao cấp, bỏ loại gạo chất lượng thấp, nên mới xảy ra sự thiếu hụt nguyên liệu cho những cơ sở làm bún, bánh hay thức ăn chăn nuôi.Bán được giá tội gì bán rẻVậy nỗi lo gạo nhập khẩu sẽ làm giá gạo trong nước hay đe dọa an ninh lương thực thì phải lý giải thế nào? Nỗi lo này ngày xưa đã dẫn đến việc áp đặt hạn ngạch xuất khẩu gạo cho từng doanh nghiệp, nhưng hạn ngạch lại tạo ra những rào cản không cần thiết, ép giá nông dân, dẫn tới việc mua bán hạn ngạch rất phi thị trường. Chúng ta đã bỏ cơ chế hạn ngạch xuất khẩu gạo, giờ không lẽ tính đến phương án quản lý bằng hạn ngạch nhập khẩu gạo?Tuy nhiên việc Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi nghị định 107 ban hành từ năm 2018 là hoàn toàn hợp lý, bởi thực tế cuộc sống, bất kỳ hoạt động gì xảy ra thì đều cần hành lang pháp lý cho nó. Nhưng sự hợp lý này chỉ biện minh được nếu nghị định mới đề ra các biện pháp quản lý gạo nhập khẩu theo hướng đặt ra tiêu chuẩn thấp nhất mà gạo nhập khẩu phải đạt được hay các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh, môi trường… Nghị định mới cũng có thể lường trước và ngăn chặn nhập gạo giá rẻ về, dán nhãn gạo Việt Nam, rồi xuất khẩu như một kiểu gian lận xuất xứ. Còn ngoài ra, không nên quản lý việc nhập khẩu gạo bằng thuế quan hay hạn ngạch.Các chuyên gia nông nghiệp từng kêu gọi tập trung vào giá trị chứ không đua về số lượng nữa; tức chỉ cần xuất khẩu một tấn gạo giá cao, còn hơn xuất cả chục tấn giá bèo, nông dân vừa bớt khổ, vừa có thu nhập tốt hơn, nền sản xuất nông nghiệp mới leo cao được trong chuỗi giá trị. Thị trường đang đi đúng hướng này; 80% gạo Việt Nam xuất khẩu hiện thuộc loại chất lượng cao, giá bán cao - vậy không nên lo ngại về con số gần 1 triệu tấn gạo giá rẻ nhập khẩu. ■ Tags: Kinh tế Việt NamChuỗi cung ứngHoạt động kinh doanhThị trường tự doNhập khẩu gạoViệt NamXuất khẩu gạoNghị định 107Gạo
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.