“Chúng tôi không có sự lựa chọn. Rất đơn giản. Người ta có quyền được biết và quyền đặt câu hỏi và thách thức quyền lực. Đó mới là dân chủ thật sự” - Julian Assange. Bà Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền hình quốc tế RT (Nga), mà Hãng tin Ruptly là chi nhánh, cho biết nhóm tác chiến của Ruptly đã trực chiến trước tòa đại sứ Ecuador suốt ngày đêm kể từ 5-4-2019. Trong khi các hãng tin hàng đầu thế giới như BBC, CNN, ITN, FoxNews… đến rồi đi, thì Ruptly bền bỉ thay phiên nhau chờ đến giờ G. Cuối cùng, khi Assange bị bắt, chỉ mỗi mình Ruptly có mặt. Kết quả là BBC phải chấp nhận cảnh, như bà Simonyan trêu trên trang Facebook cá nhân, “đưa tin về chuyện xảy ra ngay trước mũi London mà phải sử dụng hình ảnh của hãng tin được Chính phủ Nga tài trợ”. Assange bị bắt giữ ở London. -Ảnh: Shutterstock “Con dê tế thần” Bỏ qua khía cạnh mỉa mai của nghề báo, thì kết cục “anh hùng” Assange “ngã ngựa” đã được dự báo từ lâu. Khó mà tin được nguyên nhân Quito giao nộp Assange chỉ dừng ở những chuyện “bề nổi”, những lý do phải nói là nực cười tới lố bịch đã được báo chí dẫn lại, như Assange “rò rỉ thông tin cá nhân gia đình Tổng thống Moreno”, hay “đá bóng với khách mời làm vỡ thiết bị đại sứ quán”, “đi ván trượt ngoài hành lang sứ quán”, “quấy nhiễu cảnh sát”, thậm chí là “xài chùa WiFi”(!). Người trong cuộc, bao gồm cựu tổng thống Ecuador Rafael Correa - người 7 năm trước đã cấp quy chế tị nạn chính trị cho lập trình viên, nhà báo tự do, tay Don Quixote hiện đại Julian Assange - nói gì? Trong một trả lời phỏng vấn cho RT rất lâu trước khi Assange bị giao nộp, ngày 28-7-2018, ông Correa từng cảnh báo rằng Tổng thống Ecuador Lenin Moreno, người kế nhiệm ông và có chính sách hòa hoãn với Mỹ, “có thỏa thuận với Hoa Kỳ liên quan tới số phận của nhà sáng lập WikiLeaks”. Nguyên văn của Correa trong bài phỏng vấn: “Hãy chắc chắn rằng Moreno chỉ là kẻ đạo đức giả. Ông ta đã thỏa thuận với Hoa Kỳ về những gì sẽ xảy ra với Assange. Giờ đây ông ta chỉ đơn giản bọc đường cho viên đạn khi nói sẽ tiến hành đối thoại… Thực tế, mọi chuyện đã được Moreno thỏa thuận với London, nhất là sau chuyến thăm Ecuador của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (vào ngày 28-6-2018)”. Giải thích lý do Assange bị trục xuất khỏi đại sứ quán Ecuador ở London, nhà báo Pablo Vivanco trong bài viết nhan đề “Không chỉ làm hài lòng các đồng minh” trên RT, phân tích: Moreno thắng cử với lời hứa tiếp tục đường lối cánh tả của người tiền nhiệm Rafael Correa, thế nhưng lại hành xử chống lại di sản của Correa cũng như các chính phủ Mỹ Latin. “Những tháng gần đây, chính quyền Moreno đã khôi phục chương trình bay của các máy bay quân sự Mỹ (bị đình hoãn từ thời ông Correa) và tham gia thành lập khối cánh hữu Prosur (Diễn đàn Vì tiến bộ và phát triển Mỹ Latin - thành lập tháng 3-2019), một biện pháp nhằm phá vỡ Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) do Correa và các đồng minh của ông sáng lập”. Nhà báo Vivanco cũng nhắc mới đây chính quyền Ecuador của ông Moreno đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho vay 4,2 tỉ USD. Những động thái cách London nửa vòng trái đất đó từ từ đã “siết chặt vòng vây” với tấm lưới giăng quanh Assange ở đại sứ quán Ecuador. Viện tới một “điển xưa tích cũ”, bà Simonyan hỏi mỉa: “30 đồng bạc theo thời giá hiện nay là bao nhiêu? (theo Thánh kinh, Judas đã phản bội Jesus để đổi lấy 30 đồng bạc)”. Vấn đề, theo Vivanco, chỉ còn là tính thời điểm của vụ giao nộp, “sao cho không chỉ làm hài lòng các đồng minh”. Cựu đại sứ Ecuador ở London Fidel Narvaez giải thích thêm về yếu tố thời điểm này: Assange bị biến thành “con dê tế thần” để đánh lạc hướng dư luận đang chú mục vào vụ bê bối mang tên “hồ sơ INA” ở Ecuador. T heo đó, Tổng thống Moreno và gia đình bị cáo buộc rửa tiền thông qua các tài khoản nước ngoài và các công ty bình phong ở Panama, trong đó có tập đoàn đầu tư INA thuộc sở hữu của anh em Moreno. Những tài liệu mà phe đối lập nhận được, được cho là do tấn công tin tặc điện thoại của Moreno và bị tung lên mạng xã hội, đã gây thiệt hại không nhỏ cho vốn liếng chính trị của tổng thống Ecuador. Ông Moreno giải thích việc chính quyền Quito từ chối cho Assange tiếp tục tị nạn chính trị là do ông này “nhiều lần vi phạm các công ước quốc tế”. Nhưng theo WikiLeaks, lý do chính là vì họ công bố trên trang của mình vụ bê bối tham nhũng mà ông Moreno có liên quan, như một giọt nước tràn ly. Ảnh: New York Magazine Đấu với siêu cường Cựu tổng thống Correa ngay lập tức đã gọi người kế nhiệm của ông là “kẻ phản bội lớn nhất lịch sử Ecuador và Mỹ Latin”. Theo ông Correa, vấn đề là cam kết về quy chế tị nạn chính trị với Assange không phải của cá nhân ông, mà là của nhà nước Ecuador. Thêm nữa, việc ông Moreno cho phép cảnh sát vào tận đại sứ quán Ecuador bắt một nhà báo đang tị nạn chính trị là “tội ác mà nhân loại sẽ không quên”. Về phần Assange, dù có cay đắng vì bị phản bội ra sao, thì thời khắc phán xét hôm 11-4 có lẽ cũng là lúc nhà sáng lập WikiLeaks nhận ra mặt trái của quyền lực mà tự do thông tin mang đến. Quyền lực ông có được nhờ sở hữu và phát tán thông tin tùy thích đã được Assange tán dương khi ở đỉnh cao sự nghiệp. Năm 2011, một năm trước khi phải trốn lánh trong tòa đại sứ Ecuador ở London, ông đã đề cập đến lý tưởng này trong một cuộc trò chuyện dài với tờ Russian Reporter. Từ năm 14 tuổi, Assange đã ý thức được thứ quyền lực giúp cậu thiếu niên mê máy tính thấy mình “mạnh hơn thực tế”. Trong các chuyến “săn mồi”, Assange tìm thấy nhiều thông tin thú vị, nhưng do chưa hiểu biết nhiều về chính trị, cậu chỉ “copy lại để đó”. Thành tích “bẻ khóa” của Assange có thể tóm tắt như sau: thập niên 1990, Assange đối mặt 26 cáo buộc “tin tặc” từ tòa án. Do chỉ bẻ khóa, đột nhập chứ không tư lợi, nguy cơ chịu án tù 10 năm bị xóa. Từ biệt nghiệp “hacker”, Assange dựng nên WikiLeaks nhằm đấu tranh với bộ máy kiểm duyệt toàn thế giới, với triết lý chính trị như ông đã tuyên bố với tờ Russian Reporter: “Với sự giúp đỡ nào mà một người bình thường có thể nói không với một siêu cường? Đấy là với sự hỗ trợ của toán học. Cụ thể hơn - với mật mã học. Bạn có thể mã hóa cuộc trò chuyện của mình với bạn bè mà một siêu cường dù có bao nhiêu nguồn lực cũng không thể biết được nội dung của nó. Toán học mạnh hơn bất cứ chính quyền nào, với sự giúp đỡ của nó, một cá nhân có thể đối phó với siêu cường, giải phóng bản thân khỏi những đế chế áp đặt hùng mạnh”. Assange cho rằng ông có một sứ mệnh phải thực thi, đó là “khiến cho nền văn minh trở nên thông minh hơn và công bằng hơn. Để có được điều đó, phải có nhiều kiến thức hơn. Truyền bá kiến thức nói chung, và những kiến thức hiện nay đang bị cố tình che giấu, nói riêng”. Tại sao các nhà nước lại che giấu dân chúng rất nhiều thông tin? Theo ông Assange, “việc che giấu đó là bằng chứng cho sự bất công trong các kế hoạch của họ. Họ chi tiền đáng kể để duy trì bí mật, bởi vì đối phó với sự kháng cự của một xã hội nắm được những kế hoạch này là không thể hoặc sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Cần phải làm sao để việc lưu trữ các bí mật này là vô cùng tốn kém. Khi đó sự bất công… sẽ trở nên không có lợi, và các chính quyền sẽ phải thực thi những chính sách công bằng”. Tám năm trước, trả lời câu hỏi của Russian Reporter: “Ông có chuẩn bị thành lập trên nền tảng WikiLeaks một ấn bản nào đó không?”, Assange đáp một cách nhiệt thành: “Ấn bản giấy thì không. Nhưng có thể chúng tôi sẽ thành lập một hãng tin của mình. Một trong những ưu thế lớn nhất của Internet là khả năng xuất bản giá rẻ. Chúng tôi sẽ là một kiểu xuất bản tiên phong, chúng tôi là những kẻ táo tợn nhất và có thể cung cấp một loại lá chắn độc đáo cho tất cả những nhà xuất bản và nhà báo khác, những người theo định nghĩa là ôn hòa hơn chúng tôi. Theo đó, chúng tôi càng quyết đoán bao nhiêu, chúng tôi sẽ giành được nhiều không gian hơn cho những người khác. Cái chính là phải dịch chuyển nhanh, trước khi đối thủ của bạn có thể hiểu bước đi tiếp theo của bạn là gì. Dĩ nhiên, điều đó không đơn giản. Mặt khác, tôi có vô số cơ hội tuyệt vời. Biết được mình mở ra cho mọi người sự thật về toàn bộ một cuộc chiến, tặng cho lịch sử tất cả những tư liệu này - đó là một cảm giác tuyệt vời. Nó xứng đáng với những khó xử, những vu khống trên báo chí, cả những cuộc gọi cảnh sát”. Nhiệt thành nhưng không kém ngây thơ, cái giá của 7 năm lẩn tránh trong tòa đại sứ Ecuador có khiến Assange suy nghĩ lại? Trong một lần viếng thăm nhà sáng lập WikiLeaks ở London, tổng biên tập RT Simonyan kể bà đã hỏi Assange: “Tại sao anh làm vậy? Đặt cả cuộc đời mình lên bàn thờ, vì cái gì?”, Assange đã đáp: “Vì tôi căm ghét nói dối. Tôi căm thù khi người ta nói dối tôi”. Nhưng rồi người ca ngợi tự do thông tin đã trở thành nạn nhân của những xứ sở tự hào về tự do thông tin, một khi đã tiết lộ quá nhiều sự thật, những sự thật nguy hiểm. Nhiều người hiện nay có thể không còn nhớ cái tên Julian Assange đã gây những chấn động trên toàn cầu tới mức nào vào năm 2010, khi một video công bố trên cổng thông tin WikiLeaks cho thấy trực thăng Hoa Kỳ bắn vào thường dân ở Baghdad, những hồ sơ về các vụ tra tấn tàn bạo ở nhà tù Guantanamo, về hoạt động nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), về cách thức bà Hillary Clinton đánh bại Bernie Sanders đầy mờ ám trong vòng bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ ở cuộc chạy đua tổng thống… Những sự thật bị tiết lộ này hiển nhiên là cái gai cho Washington, làm sao có thể bỏ qua cho một kẻ dám vén bức màn hậu trường đen tối nhất của nền dân chủ phương Tây. Tuy nhiên, lý do chính thức Washington đòi dẫn độ Assange lại là tội “bẻ khóa máy tính Lầu Năm Góc để ăn cắp và tiết lộ thông tin mật”. Khi giao nộp Assange, Tổng thống Ecuador Moreno cho biết đã được chính quyền Anh cam kết không dẫn độ ông sang nước nào có thể đe dọa tính mạng ông bằng án tử, ngụ ý rõ ràng là chỉ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, luật sư của Assange khẳng định chính Mỹ sẽ là nước Assange bị dẫn độ tới (chứ không phải Thụy Điển với các cáo buộc hiếp dâm), và ở đó, bản án cho tội tiết lộ bí mật quốc gia - trong trường hợp lạc quan nhất - là một án tù rất dài. Ít nhất, hiện nay khó ai tin phương án của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, giả định rằng Assange “chỉ bị đe dọa án tù 5 năm trong một nhà tù liên bang”.■ “Khi con người không còn đặt những câu hỏi nghiêm túc nữa, họ sẽ phục tùng và dễ uốn nắn. Chuyện gì cũng có thể xảy ra” - Leni Riefenstahl, bạn thân của Adolf Hitler, nổi tiếng với bộ phim Niềm tin chiến thắng tuyên truyền về Hội nghị Nuremberg của Đức quốc xã. Vụ bắt giữ người đứng đầu WikiLeaks Julian Assange hôm 11-4 không phải bất ngờ, mặc dù chỉ duy nhất hãng truyền thông Nga Ruptly độc quyền quay cảnh Assange bị “khiêng” ra khỏi tòa đại sứ Ecuador ở London. Tags: Tự do báo chíWikileaksDẫn độJulian AssangeDân chủ phương Tây
Tin tức thế giới 13-11: Ông Trump chọn được lãnh đạo CIA; Mỹ: lính Triều Tiên đang cầm súng ở Kursk THANH HIỀN 13/11/2024 Mỹ lên tiếng: Lính Triều Tiên đã tham chiến cùng Nga; Ông Trump đề cử nhân vật bảo thủ, ủng hộ Israel làm đại sứ.
Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi' PHẠM VŨ 13/11/2024 Linh chỉ còn bà ngoại để nương tựa, dằng dặc tháng năm ở trọ vì không có nhà. Lần đầu được đến trường đại học nằm trong khu phần mềm Quang Trung, cô gái choáng ngợp vì trường đẹp quá, mát quá, muốn được ở mãi trong trường.
Hám lợi rồi sa chân vào những chuyến 'hàng cấm', khóc cũng muộn rồi ĐOÀN CƯỜNG 13/11/2024 TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa xét xử vụ một thanh niên người dân tộc thiểu số vì nghe theo lời rủ rê của bạn mà chở "hàng cấm" với mức án nghiêm khắc.
Thời tiết hôm nay 13-11: Bão số 8 đi lên bắc Biển Đông, Thừa Thiên Huế đến Phú Yên mưa LÊ PHAN 13/11/2024 Hôm nay 13-11, thời tiết mưa to kết thúc tại miền Trung. Miền Bắc sáng có sương mù, còn miền Nam ngày nắng, chiều tối có mưa.