TTCT - Chỉ trong chưa đầy 2 tuần tháng 7, lần lượt 2 chuyến bay tư nhân chở người vào không gian được thực hiện thành công với những hành khách đặc biệt là các tỉ phú giàu nhất thế giới. Nhân loại đang tiến gần hơn đến tương lai mà ai cũng có thể du lịch vũ trụ nếu có tiền mua vé. Ảnh: money.comTuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc các tỉ phú bay vào vũ trụ không thúc đẩy sự hiểu biết của đại đa số người dân bình thường về không gian. Điều đáng nói hơn là các chuyến bay vào không gian là “bước đi nhỏ của tỉ phú, bước tiến lớn của ô nhiễm” môi trường.Trải nghiệm “đổi đời”Ngày 11-7, doanh nhân người Anh Richard Branson bay vào không gian trong chuyến du hành kéo dài 90 phút cùng 5 hành khách khác trên chiếc tàu bay VSS Unity của Công ty du lịch không gian Virgin Galactic do ông sáng lập. Chín ngày sau, cựu CEO Amazon Jeff Bezos thực hiện chuyến đi tương tự cùng 3 hành khách với sự giúp sức của tên lửa đẩy New Shepard của Blue Origin, cũng là “đồ nhà làm”.Thật ra vẫn còn nhiều tranh cãi liệu ông Branson có thật sự đã chạm tới “không gian” hay chưa. Phi thuyền của tỉ phú 71 tuổi chỉ đạt tới độ cao tối đa 85km, tức thấp hơn đường Kármán (cao 100km) được quốc tế công nhận là ranh giới giữa khí quyển Trái đất và không gian.Dù vậy, nếu xét theo chuẩn Mỹ thì chỉ cần vượt mốc 80,5km đã được xem là không gian rồi, và phi công nào bay cao hơn 80,5km được không quân nước này công nhận là phi hành gia chánh hiệu! Trong khi đó, khoang hành khách chứa Bezos đã đạt độ cao trên 100km sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, duy trì trong vài phút ngoài không gian trước khi trở lại khí quyển và đáp an toàn bằng dù.Bezos và Branson cùng các hành khách dân sự đã ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành một trong những người hiếm hoi không phải phi hành gia chuyên nghiệp bay vào không gian, 20 năm sau khi tỉ phú người Mỹ Dennis Tito trở thành lữ khách không gian đầu tiên chi trả 20 triệu USD để ghé thăm Trạm vũ trụ quốc tế ISS ngày 30-4-2001. Từ đó đến nay, số “người thường” thực hiện những chuyến dạo chơi xa xỉ như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay; không phải vì không có ai đủ tiền mà bởi mỗi chuyến bay lên vũ trụ đều có nhiệm vụ cụ thể và không phải lúc nào cũng dư chỗ để người không phận sự quá giang.Với riêng Bezos, chuyến đi là ước mơ ông đã ấp ủ hơn 2 thập niên kể từ khi thành lập Blue Origin vào năm 2000. Chuyến bay của Bezos còn làm nên lịch sử khi chở theo người già nhất và trẻ nhất từng du hành vào không gian: Wally Funk (xem bài trang 22) và Oliver Daemen (người Hà Lan, 18 tuổi). Daemen là người thế chỗ một hành khách giấu tên khác trước đó đã bỏ ra 28 triệu USD để thắng đấu giá vé mời lên tàu New Shepard nhưng không thể thực hiện chuyến đi vào phút chót vì... kẹt lịch. Ảnh: NY PostThương mại hóa thám hiểm không gian“Tại sao chúng ta phải dành nhiều sự quan tâm cho việc các tỉ phú du hành vào vũ trụ?” - nhà khoa học và tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về chủ đề vũ trụ Don Lincoln đặt câu hỏi trong bài xã luận đăng trên CNN.Nếu so với chuyến đi đầu tiên của con người vào không gian của phi hành gia Xô viết Yuri Gagarin, xét về cả độ cao và thời lượng thì thành tích của Bezos lẫn Branson đều kém xa: Gagarin đã ở ngoài không gian gần 2 tiếng ở độ cao tối đa 327km với công nghệ của 60 năm trước.“Sự quan tâm đến từ thực tế là cái mà chúng ta có thể gọi là thám hiểm không gian thương mại, hay “du lịch vũ trụ”, dường như đã chín muồi. Những trải nghiệm từng được dành cho rất ít người giờ đây giống như một chuyến dạo chơi công viên Disney của giới siêu giàu” - Lincoln tự trả lời câu hỏi của mình.Thật vậy, các chuyến bay của Bezos và Branson đã mở ra một cánh cửa mới cho du lịch vũ trụ, khi không gian không còn là nơi dành riêng cho các chính phủ mà còn là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp tư nhân đủ tiềm lực thỏa sức khai phá. “Sứ mệnh của chúng tôi là làm cho không gian dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người. Chào mừng đến với buổi bình minh của kỷ nguyên không gian mới” - Branson phát biểu đầy hào khí sau khi trở về từ chuyến bay của mình.Và một cuộc đua tư nhân vào không gian tất nhiên không thể thiếu cái tên Elon Musk. Ông chủ SpaceX chưa có kế hoạch trở thành hành khách trong tàu vũ trụ của công ty mình, nhưng được cho là đã đặt cọc cho một chuyến đi cùng Virgin Galactic trong tương lai. Thực tế, về công nghệ tàu vũ trụ thì SpaceX đã đi trước cả Virgin Galactic và Blue Origin khi ký hợp đồng với NASA để tiếp tế cho trạm ISS từ năm 2012 và đã đưa các phi hành đoàn lên trạm từ năm 2020. Ảnh: The SwaddleĐi một ngày đàng, xả một sàng ô nhiễmDù Bezos và Branson đã làm nên lịch sử theo nhiều nghĩa, chuyến bay xa xỉ của các tỉ phú cũng là một lời nhắc nhở rằng du lịch vũ trụ, ít nhất là trong tương lai gần, sẽ chủ yếu được tài trợ bởi và dành cho những người siêu giàu, và nó sẽ không làm được gì nhiều để thúc đẩy sự hiểu biết của đại đa số người dân bình thường về không gian.“Trải nghiệm của một vài tài tử siêu giàu sẵn sàng trả 28 triệu USD để nôn mửa trong 15 phút có lẽ sẽ không đưa nhiều người bình thường đến gần hơn với du hành vũ trụ hoặc thay đổi ấn tượng của họ về nó” - Matthew Hersch, một nhà sử học về công nghệ tại Harvard trả lời trang Recode.Sự ra mắt của một ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân mới hướng đến thương mại hóa nhờ du lịch còn có thể đi kèm với chi phí môi trường lớn, Eloise Marais - phó giáo sư môn địa lý tự nhiên tại Đại học cao đẳng London, người chuyên nghiên cứu tác động của nhiên liệu và các ngành công nghiệp lên bầu khí quyển - nói với báo The Guardian.Tên lửa cần một lượng lớn chất đốt để thoát khỏi bầu khí quyển Trái đất lên tới không gian: Falcon 9 của SpaceX sử dụng dầu hỏa trong khi Hệ thống phóng không gian của NASA sử dụng hydro lỏng. Những nhiên liệu này đều thải ra nhiều thứ vào bầu khí quyển trong đó có CO2, nước, clo và các chất hóa học khác.Theo Marais, tổng lượng khí thải carbon từ hoạt động phóng tên lửa hiện nay là tương đối nhỏ nếu so mức độ phát thải khổng lồ của ngành công nghiệp máy bay, nhưng con số này đang tăng ở mức gần 5,6% mỗi năm. Cụ thể, một chuyến bay đường dài thải ra từ 1 - 3 tấn CO2 mỗi hành khách, trong khi một lần phóng tên lửa thương mại thải ra môi trường tổng cộng từ 200 - 300 tấn CO2, được chia đều cho trên dưới 4 đầu người. Nếu du lịch vũ trụ trở thành hiện thực, mức độ ô nhiễm đến từ hoạt động đưa người lên không gian chỉ để dạo chơi vài phút sẽ là rất khủng khiếp.Trong cả năm 2020 chỉ có 114 đợt phóng tên lửa lên quỹ đạo Trái đất trên toàn thế giới, theo số liệu của NASA, so với trung bình hơn 100.000 chuyến bay mỗi ngày của ngành hàng không. Tuy nhiên, khí thải từ tên lửa được xả thẳng vào tầng trên của khí quyển và sẽ ở đó trong một thời gian dài từ 2-3 năm. Ngay cả thứ tưởng chừng vô hại như nước nếu được bơm vào tầng cao của bầu khí quyển cũng có thể tạo thành mây và góp phần khiến Trái đất ấm lên, Marais cảnh báo.Nhiều người đã chỉ ra rằng số tiền mà các tỉ phú đổ vào công nghệ vũ trụ với hứa hẹn viển vông về việc “thuộc địa hóa” sao Hỏa làm ngôi nhà thứ 2 có thể được đầu tư để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn ngay trên chính hành tinh của chúng ta, nơi cháy rừng, sóng nhiệt và các thiên tai khác đang trở nên thường xuyên hơn khi Trái đất ngày càng nóng lên trong cuộc khủng hoảng khí hậu.“Có ai khác cảm thấy đáng báo động rằng các tỉ phú đang có cuộc chạy đua vào không gian của riêng họ trong khi những đợt nắng nóng kỷ lục đang làm bùng phát “những đám mây biết phun lửa như rồng” và nấu các sinh vật biển cho đến chết ngay trong lớp vỏ của chúng không?” - cựu bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich viết trên Twitter.Còn với Marais, lỗ hổng quản lý đang là vấn đề cần khắc phục ngay nếu ngành du lịch vũ trụ muốn phát triển một cách có trách nhiệm với môi trường. “Hiện tại chúng ta không có quy định nào về phát thải tên lửa. Giờ là lúc phải hành động - trong khi các tỉ phú vẫn còn đang mua vé cho chuyến du hành không gian kế tiếp của họ”.■Công ty Virgin Galactic của Branson có kế hoạch thực hiện khoảng 400 chuyến bay thương mại vào không gian mỗi năm, với giá vé lên tới 250.000 USD (5,75 tỉ đồng)/khách. Kế hoạch kinh doanh của Blue Origin chưa được công bố rộng rãi nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy hãng cũng sẽ tính phí đâu đó khoảng 200.000 USD/khách. Ngoài các chuyến bay tiểu quỹ đạo (đưa du khách chạm đến không gian rồi trở lại mặt đất mà không hoàn thành một chu kỳ quỹ đạo), Blue Origin còn đang lên kế hoạch cho các chuyến bay đưa người lên Mặt trăng. Tags: Elon MuskVũ trụTỉ phúRichard BransonKhông gianJeff BezosDu hành vũ trụBlue OriginDu lịch vũ trụVirgin Galactic
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.