World Cup trong dòng chảy âm nhạc

HÀ QUANG MINH 27/11/2022 05:43 GMT+7

TTCT - Đã từ lâu rồi, gắn với mỗi kỳ World Cup là một giai điệu.

Khi được đề nghị "Có thể viết một bài về bài hát của World Cup hay không?", tôi đã giật mình tự nhắc "Ừ nhỉ, bài hát của World Cup 2022 là bài nào?". Tự vấn ấy đến với tôi chỉ 3 hôm trước khi bóng lăn. Có thể đó là do tự thân thiếu cập nhật, hoặc do Qatar 2022 chưa tạo đủ ấn tượng mạnh ở phần âm nhạc.

Người đặt đề nghị kể trên đã nhắc tới bài Un'estate italiana của Gianna Nannini và Edoardo Bennato ở World Cup 1990, với dẫn dụ rằng đã có những thiếu niên của thời đại hôm nay không hề biết tới nó nhưng lập tức bị bài hát ấy cuốn hút sau khi được nghe lần đầu. Và bài Porque te vas (Vì sao anh ra đi) - một bản hit của ca sĩ Jeanette (do José Luis Perales sáng tác) với những ca từ buồn bã, dịu nhẹ, chẳng liên hệ gì tới bóng đá "Tại sao anh lại ra đi? Hôm nay bên cửa sổ nhà em nắng vàng rực rỡ, mà tim em buồn, em ngắm nhìn thành phố. Tại sao anh lại ra đi?". Sau đó, giai điệu ấy được chế lại hồi España 1982, khi tuyển Ý vô địch: "Khi Espana vừa kết thúc xong, đội Ý thành công. Em có biết không Paolo Rossi là vua phá lưới, từ xa sút vào, thủ môn ngã nhào, bóng vào trúng lưới...".

World Cup trong dòng chảy âm nhạc - Ảnh 1.

Thực sự, ở năm 1982, FIFA vẫn chưa có ý niệm về việc cần phải có một bài hát chính thức cho vòng chung kết. Còn Porque te vas nổi lên dịp World Cup năm ấy chỉ vì nó đang là một bản hit được nhiều cổ động viên yêu mến. Họ hát trên khán đài như bài hát cổ động, rồi được các nhà đài chọn mỗi khi phát sóng các nội dung liên quan tới World Cup. Xem riết thành quen, nên nhiều người lầm nhớ rằng nó là ca khúc chính thức của World Cup 1982.

Phải tới tận Italia 1990, FIFA mới lựa chọn bài hát chính thức cho sự kiện và Un’estate Italiana, với cảm xúc mãnh liệt của nó, với cái man mác bàng bạc của một lằn ranh mỏng tang như tia ánh sáng giữa thành và bại, đã khiến khán giả bị khuất phục. Un’estate Italiana mang đúng chất của nền âm nhạc Ý: duy giai điệu, duy mỹ của một dân tộc hát hay và hay hát.

Sức mạnh hoài niệm của Un’estate Italiana đủ để đè bẹp mọi ca khúc chính thức của các kỳ World Cup nối tiếp, nhất là trong tâm trí của những người thuộc thế hệ sinh ra từ thập niên 1970 trở về trước. Nó được xem là thước đo, một chuẩn mực, và các ca khúc về sau không được ưu ái bằng, bất chấp chúng vẫn là các tác phẩm tốt.

World Cup trong dòng chảy âm nhạc - Ảnh 2.

Ca sĩ Gianna Nannini-người đã cùng Edoardo Bennato mang bài Un’estate Italiana bùng cháy tới World Cup 1990 (Ảnh: Del Spiegel)

8 năm sau Italia 1990, một khái niệm mới đã xuất hiện bên cạnh khái niệm ca khúc chính thức (official song), đó là những bài "tụng ca chính thức" (official anthem). Nó giống như "quốc ca" của bóng đá, trong khi đó, bài hát chính thức (official song) lại như bài hát quốc dân của sự kiện. 

Ở Coupe du Monde - France 1998, tụng ca lép vế hoàn toàn so với bài hát chính thức. La Cour des Grands của Youssou N'Dour và Axelle Red lặng lẽ khép lại, nhưng La Copa de la Vida, một ca khúc pop của Ricky Martin, lại vang lên khắp nơi đúng tinh thần một bản hit với những ca từ bốc cháy "Here we go! Ale, ale, ale! Go, go, go! Ale, ale, ale! Tonight's the night we're gonna celebrate!The cup of life! Ale, ale, ale!".

Ở thời điểm ấy, âm nhạc Latin đang bứt phá mạnh mẽ trên bảng xếp hạng với những cái tên đình đám như Santana, Enrique Iglesias, Jennifer Lopez, Marc Anthony... Đó là lý do bản La Copa de la Vida dễ thắng thế. Nó bắt đúng hơi thở thời đại. Và nó cũng đánh dấu một sự dịch chuyển rất mạnh nếu so sánh với thời kỳ của Un’estate Italiana. Đó chính là âm nhạc trong World Cup cũng được chuyển hướng theo tinh thần thời đại của nó để chuyển từ duy giai điệu sang thứ âm nhạc đề cao sức hút của tiết tấu.

Thứ âm nhạc đề cao sức hút của tiết tấu có thể khiến ta dễ đi đến một nhận xét "hồ đồ" rằng nó phục vụ tiệc tùng, nhảy múa nên sẽ không ở lâu trong lòng như những giai phẩm kiểu Un’estate Italiana. Nhưng không phải. Waka, Waka (This time for Africa) của Shakira tại World Cup 2010 Nam Phi vẫn còn sống đến hôm nay. 

World Cup trong dòng chảy âm nhạc - Ảnh 3.

Ca sĩ Shakira.

Tình cờ cách đây chục hôm, tôi thấy cậu con trai 7 tuổi của mình say sưa hát một đoạn của bản này. Ngạc nhiên, tôi hỏi và nhận được câu trả lời: "Con coi trong một quảng cáo về bóng đá". Điều đó có nghĩa là Waka, Waka đã bắt vào tai cậu bé rồi ở lại. Và tôi tin, con mình không phải là đứa trẻ duy nhất ấn tượng với Waka, Waka - một bản duy tiết tấu đậm âm hưởng châu Phi với những ca từ mạnh mẽ tuyệt đẹp: "Anh, người chiến binh tài ba, trận đánh do anh chọn. Hiên ngang đứng lên, phủi bụi trên người, trở lại yên cương. Anh nơi tiền tuyến, mọi người dõi trông. Ngày một tới gần, trận chiến bất phân. Nỗi lo lớn dần, anh thấy trong lòng. Nhưng anh có cả, hãy tin nơi mình. Khi anh ngã xuống, lập tức đứng lên. Khi anh ngã xuống, lập tức đứng lên. Tsamina mina zangalewa (bạn từ đâu đến), vì đây là Phi châu đất mẹ).

Và ở World Cup 2014 và 2018, dù văn hóa của hai nước đăng cai khác biệt rất xa (Brazil và Nga) nhưng âm nhạc vẫn rất gần. Vẫn là thứ âm nhạc trọng tiết tấu, với We Are One (Ole Ola) của Pitbull và Live It Up của Nicky Jam, Will Smith & Era Istrefi nhưng đã là thứ tiết tấu cập nhật hơn rất nhiều. Hơi hướm của các đại vũ trường ngoài sân vận động với những DJ thời thượng thấm đẫm trong hai ca khúc có âm hưởng Latin nội tại. Mạch âm nhạc ấy nối dài tới tận 2022 này, ở Qatar, nhưng với một ấn tượng mạnh mẽ hơn nhiều.

World Cup trong dòng chảy âm nhạc - Ảnh 4.

"Mùi" reggaeton phảng phất trong Hayya Hayya (Better Together) của Trinidad Cardona, Davido và Aisha giao thoa với R&B khiến ca khúc này đậm tính hiện đại, rõ ràng là được định hướng cho gu thẩm mỹ của những người ở độ tuổi 20 - 30, những người mà mấy năm rồi từng bị cuốn vào những bản ghi âm kiểu Despacito của ca sĩ Luis Fonsi.

Nhưng nếu đứng một mình, Hayya, hayya có lẽ rồi cũng sẽ trôi đi như bao ca khúc chính thức đã từng. Cái được của âm nhạc ở World Cup 2022 này không nằm ở một ca khúc bắt kịp hơi thở thời đại ấy. Qatar 2022 là lần đầu tiên một soundtrack âm nhạc World Cup được giới thiệu với bốn bản có kết nối chặt chẽ với nhau về tiết tấu, màu sắc, không khí, tốc độ... 

Sau Hayya, hayyaArhbo (bài hát của Ozuna và RedOne) vẫn giữ cái "sắc" reggae ấy. Tiếp đó là Light the Sky (Nora Fatehi, Balqees, Rahma Riad, Manal & RedOne trình diễn), và bắt đầu ở bản này, âm hưởng Trung Đông đậm nét dần. Kết thúc là Tukoh Taka (Maluma, Myriam Fares, và Nicki Minaj hát), được gọi là "FIFA Fan Fest Anthem" (tụng ca chính thức của CĐV FIFA World Cup), một bản đậm chất hiphop và rất có khả năng sẽ trở nên thời thượng ở các vũ trường sau này.

Ngoài bốn bản ghi âm kể trên, cũng có những người hâm mộ nói rằng Dreamers (với phần biểu diễn của Jung Kook - thành viên trẻ nhất của nhóm BTS lừng danh) cũng là một phần trong soundtrack này của World Cup 2022. Phần biểu diễn của anh, với điệp khúc dễ chịu "Chúng ta những người dám ước mơ/Chúng ta làm được, vì lòng tin tưởng không ngờ/Chúng ta, những người dám ước mơ/ Chúng ta làm được, vì lòng tin tưởng không ngờ/Đây những con người, một lòng đam mê/Đây những con người, dám mơ tưởng cao vời), khiến ta thấy rõ ràng ở Qatar lần này, FIFA đã có một đột phá thực sự về âm nhạc cho World Cup.

World Cup trong dòng chảy âm nhạc - Ảnh 5.

Ca sĩ Jung kook - BTS.

Với một anthem và ba (hoặc bốn) ca khúc chính thức (official song), World Cup 2022 đã bước ra ngoài lối mòn thông thường khi tung ra một dự án âm nhạc có ý niệm rõ rệt. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, bằng ca từ, bằng thang âm, bằng tiết tấu, chủ nhà đã đưa ra một thông điệp rất rõ rằng "Qatar trong thế giới" hay "từ thế giới quy tụ về Qatar". Màu sắc âm nhạc đương đại, có xu hướng world music hiện đại, có sự hòa hợp giữa Tây với Đông trong sự xuất hiện của đặc trưng Ả Rập phối rất nhịp nhàng với các giá trị Âu - Mỹ.

Quan trọng hơn thế là sự thống nhất về màu sắc âm nhạc, khi thứ thịnh hành nhất nhiều năm qua là hiphop đã nắm vai trò chủ đạo. Thêm vào đó, với sự góp mặt của những nghệ sĩ từ Bắc Mỹ cho tới Đông Á, từ Caribe cho tới vùng Vịnh, rõ ràng tham vọng điểm nhấn hòa bình đã được nêu bật. Nó đủ sức nặng để phủ lấp mọi thuyết âm mưu, mọi cáo buộc vô căn cứ và mọi kỳ thị lố bịch.

Bóng đã lăn, âm nhạc đã vang xa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận