Cần bao nhiêu tiền để xây bóng đá?

HUY ĐĂNG 30/11/2022 11:31 GMT+7

TTCT - Trải qua ròng rã 20 năm trời phát triển bài bản cùng hàng tỉ USD được đầu tư, nhưng rồi ngay trong trận đấu mở màn World Cup 2022, bóng đá Qatar nhận ra họ vẫn còn kém "đẳng cấp World Cup" thực thụ một khoảng cách không nhỏ.


Cần bao nhiêu tiền để xây bóng đá? - Ảnh 1.

Là ngôi sao được đào tạo mẫu mực của Qatar nhưng Almoez Ali (số 19) vẫn còn kém khá xa đẳng cấp World Cup. Ảnh: REUTERS

Qatar bị thế giới lên án rất nhiều về quá trình đăng cai World Cup 2022, nhưng giấc mơ bóng đá của họ lại hoàn toàn trong sáng.

Rời con đường tắt

"Mô hình bong bóng" là cách gọi mà làng bóng đá dành cho Trung Quốc bởi cách phát triển bóng đá ngắn hạn. Họ đổ tiền ồ ạt cho cấp độ CLB, những mong giúp nền bóng đá hùng cường bằng cách đem về nhiều ngôi sao ngoại. Kết quả từ lâu đã được đoán trước. Đến một lúc nào đó, dòng tiền không thể chảy mãi và các CLB, rồi cả giải đấu, sụp đổ.

Trước Trung Quốc là Nga, và sau đó là Qatar cũng bị làng túc cầu nhìn nhận với ánh mắt thiếu thiện cảm như vậy. Những năm 1990 - 2000, bóng đá Qatar quay cuồng trong phong trào tuyển chọn HLV ngoại quốc. 

Một thời gian dài, Qatar nỗ lực cộng tác với các chiến lược gia đến từ Brazil với mơ ước "Selecao hóa" nền bóng đá của mình. Rồi sau đó, họ lại liên tục chạy theo những vị thuyền trưởng danh tiếng châu Âu.

Ngay sau World Cup 2002, Qatar "cướp" Philippe Troussier (người Pháp) của Nhật Bản. Nhưng rồi Troussier thất bại, Qatar chuyển sang Bruno Metsu (Pháp) - người đưa Senegal vào đến tứ kết World Cup 2002. Metsu cũng thất bại, Qatar lại mời về Milovan Rajevac (Serbia) - người giúp Ghana vào tứ kết World Cup 2010, để rồi Rajevac cũng sớm phải ra đi.

Ngoài mời HLV danh tiếng, bóng đá Qatar cũng trải thảm đón hàng loạt siêu sao như Gabriel Batistuta, Pep Guardiola, hay Frank Le Boef, trở thành địa điểm dưỡng già lý tưởng cho những danh thủ qua thời đỉnh cao. 

Tất nhiên cũng không thể thiếu việc nhập tịch cầu thủ. Không ít tuyển thủ quốc gia Qatar những năm đó là người gốc Phi.

Thật ra loay hoay với HLV ngoại, nhập tịch cầu thủ, hay nhập khẩu các ngôi sao châu Âu về giải vô địch trong nước là điều mà hầu hết các nền bóng đá đang phát triển đều làm, và hầu hết đều sa vào những vết xe đổ như nhau. Nhưng Qatar không chỉ muốn đi đường tắt.

Giấc mơ Aspire

Năm 2004, họ thành lập Học viện Aspire cùng một dự án bóng đá vĩ đại. Dự án bóng đá trẻ tốn kém nhất, và cũng dài hơi nhất thế giới. Qatar đã chi ra 1,3 tỉ USD để xây dựng học viện bóng đá tối tân này, chưa bao gồm kinh phí hoạt động.

Học viện Aspire thực sự là một kỳ công. Đầu tiên, Qatar xây dựng một khu phức hợp thể thao khổng lồ: Aspire Zone, sẽ là đại bản doanh của nền thể thao quốc gia. Kế đến, họ liên kết với những CLB châu Âu từ thấp đến cao, từ Sporting đến cả Barca hùng mạnh. 

Riêng Học viện Aspire sở hữu 2 đội bóng Cultural Leonesa ở Tây Ban Nha và KAS Eupen ở Bỉ. Các HLV của Aspire được tuyển chọn kỹ càng, một phần lớn đến từ lò đào tạo trứ danh La Masia của Barca. HLV tuyển quốc gia của họ - ông Felix Sanchez (Tây Ban Nha) từng làm việc cho La Masia trước khi đến Aspire năm 2006.

Bước quan trọng nhất trong "giấc mơ Aspire" là quá trình tuyển trạch. Năm 2014, tờ New York Times cho biết tổng số trẻ em được các tuyển trạch viên Aspire để mắt đến lên đến 3,5 triệu, từ khắp mọi miền thế giới (Việt Nam cũng từng có cầu thủ nhí được Aspire tuyển chọn). 

Hầu hết các em đến từ châu Phi, trong độ tuổi 7-14, được học viện lo toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt, chương trình giáo dục, và còn mang về cho gia đình khoản phí lót tay 5.000 USD.

Với một dự án bóng đá vô tiền khoáng hậu đến vậy, Qatar tự tin nói không với nhập tịch cầu thủ. "Chúng tôi không nhập tịch, chúng tôi không ngu ngốc như vậy", ông Andreas Bleicher, giám đốc điều hành Học viện Aspire, nói khi được cánh báo chí hỏi về vấn đề này.

Trên thực tế, Qatar đã ngừng nhập tịch cầu thủ từ khoảng một thập niên trước. Khoảng 2/3 các tuyển thủ của họ hiện xuất thân từ Học viện Aspire và đều dưới 26 tuổi. Cũng có một số ít cầu thủ được đào tạo bài bản không xuất thân từ những gia đình bản địa. 

Như Akdram Afif có cha người Tanzania và mẹ người Yemen, hay Almoez Ali vốn sinh ra ở Sudan. Nhưng đây là những trường hợp "nhập tịch tự nhiên", khi cha mẹ họ sang Qatar sinh sống và làm việc từ khi họ còn nhỏ. Bassam Al-Rawi (gốc Iraq) gần như là tuyển thủ duy nhất đến Qatar từ nước ngoài theo dự án Aspire.

Bất chấp một số chỉ trích rằng Aspire thực chất là một chiến dịch "săn người" - nhập tịch cầu thủ giỏi từ khi họ còn nhỏ, kế hoạch bóng đá trẻ của Qatar ưu tiên sử dụng nội lực. 

Họ mang về nhiều cầu thủ trẻ từ nước ngoài không nhằm mục đích tìm kiếm nhân tài, mà chủ yếu để mở rộng hệ thống cầu thủ trẻ của mình, tăng tính cọ xát, tạo nên tính cạnh tranh cần thiết... Với một quốc gia chưa đầy 3 triệu dân, Qatar không còn cách nào khác.

Về cấp độ giải vô địch quốc gia, Qatar cũng không đi vào vết xe đổ của Trung Quốc. Suốt nhiều năm trời, họ duy trì mô hình giải đấu ở mức vừa phải, và nói không với việc đổ tiền mang về các siêu sao. 

Qatar kiên trì chờ đợi lứa cầu thủ đầu tiên trưởng thành từ Aspire để hướng đến giấc mơ World Cup. Chức vô địch châu Á 2019 là quả ngọt đầu tiên.

Nhưng bất chấp những bước phát triển hết sức bài bản xuyên suốt hai thập niên, bóng đá Qatar chung quy vẫn chưa đạt đến trình độ World Cup. Chỉ hai ngày sau trận khai mạc của nước chủ nhà, Saudi Arabia - một nền bóng đá Tây Á khác - đã thắng tưng bừng Argentina hùng mạnh. Đó là những cú địa chấn, nhưng chỉ được tạo ra bởi những nền bóng đá đẳng cấp thực sự.

Cần một nền văn hóa bóng đá

Vậy bóng đá Qatar còn phải làm những gì, và phải đầu tư bao nhiêu tiền? Câu trả lời có lẽ chỉ có với thời gian. Trong số 32 quốc gia dự World Cup 2022, Qatar có dân số ít nhất - chỉ 2,9 triệu người. 

Càng ít người thì càng ít lựa chọn. Xứ Wales, Thụy Sĩ không trội hơn Qatar về dân số, nhưng họ có những nền bóng đá rất lâu đời.

Khi nhận xét về việc Trung Quốc đổ tiền cho các học viện, ông Simon Chadwick, giáo sư chuyên ngành thể thao Á - Âu, nhận định: "Trung Quốc còn thiếu một nền văn hóa bóng đá, khi các gia đình hằng tuần đưa con đến sân bóng, và dù CLB của họ xuống hạng, họ vẫn không thay đổi thói quen đó".

Những mô hình bóng đá lâu đời và bền vững phải được xây như một kim tự tháp, với các CLB ở dưới đáy lên đến hàng trăm, thậm chí là cả ngàn. 

Đơn cử như hệ thống bóng đá Nhật Bản, dưới ba hạng đấu chuyên nghiệp là hơn 150 CLB thuộc hai hạng hạn bán chuyên J4 và J5, rồi hàng trăm CLB khác ở các hạng nghiệp dư J6 và J7. Qatar hiện mới có hai hạng đấu chuyên nghiệp, và khoảng 50 CLB bán chuyên.

Với một gia tài ít ỏi như vậy, Qatar vẫn còn một chặng đường dài để thực sự vươn lên đẳng cấp World Cup. Những gì đang diễn ra ở World Cup 2022 cho thấy ngay cả hàng tỉ USD và khoảng thời gian 10-20 năm cũng chưa thể giải quyết những vấn đề đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận