Kỳ World Cup của công nghệ

HUY ĐĂNG 23/11/2022 17:33 GMT+7

TTCT - Chủ nhà Qatar có thể gây ra nhiều tranh cãi trong quá trình chạy đua đăng cai, những vấn đề liên quan đến nhân quyền, hay một lịch thi đấu khác thường nhất lịch sử, nhưng World Cup 2022 hứa hẹn cũng là giải bóng đá với công nghệ tối tân nhất từ trước tới nay.

Kỳ World Cup của công nghệ - Ảnh 1.

Đây sẽ là kỳ World Cup có lịch thi đấu khác thường nhất trong lịch sử. Ảnh: Reuters

Để tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới này, quốc gia Trung Đông chỉ có không đầy 3 triệu dân đã chi ra số tiền kỷ lục: 220 tỉ USD.

Trọng tài robot

Món nổi bật nhất trong đại tiệc công nghệ mà nước chủ nhà Qatar hứa hẹn có lẽ là hệ thống hỗ trợ trọng tài, với công nghệ việt vị bán tự động (SAOT) và quả bóng Al Rihla. 

SAOT có thể coi là phiên bản nâng cao của VAR, gồm 12 camera bao quanh sân đấu. Các camera này thu thập được tối đa 29 điểm dữ liệu về mỗi cầu thủ, với tần suất 50 lần/giây.

Quả bóng Al Rihla, phiên bản bóng tối tân nhất hiện nay với lớp da polyurethane giúp tăng cường tốc độ và chuyển hướng dễ dàng, còn bao gồm thêm bộ phận cảm biến bên trong. 

Bộ phận này hợp cùng SAOT tạo thành hệ thống trọng tài robot được chờ đợi là sẽ hết sức nhạy bén và chính xác khi bắt việt vị và xác định các tình huống bóng có qua vạch vôi chưa. 

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thu thập và xử lý dữ liệu trong vòng 20 giây, rồi gửi dữ liệu cho tổ trọng tài trong phòng điều khiển để ra quyết định.

Hệ thống VAR được áp dụng rộng rãi nhiều năm qua hiện cần hơn 1 phút để xử lý dữ liệu, tức với trọng tài robot thế hệ mới, thời gian chỉ còn 1/3. 

Hệ thống này vì vậy được trông đợi không chỉ giúp trọng tài ra quyết định chuẩn xác hơn, mà còn giúp trận đấu bớt bị "xé lẻ" vì thời gian chờ quá lâu như với VAR. Nhiều người hâm mộ từng phàn nàn VAR giết chết cảm xúc bóng đá, họ có thể sẽ hài lòng hơn với trọng tài robot.

FIFA cho biết hệ thống này đã được thử nghiệm thành công ở Cup Ả Rập 2021 và FIFA Club World Cup 2021. Đến World Cup, loạt ảnh dữ liệu do SAOT và bộ cảm biến trong bóng Al Rihla ghi nhận sẽ còn được trình chiếu ngay trên sân vận động, giúp khán giả ngoài tận hưởng cảm giác sôi động của sân bóng còn cảm thấy thoải mái như "ngồi nhà xem tivi".

Kỳ World Cup của công nghệ - Ảnh 2.

Những điểm dữ liệu mà camera sẽ thu thập trong công nghệ chống việt vị. Ảnh: FIFA

Hệ thống làm mát

FIFA phải dời World Cup 2022 về cuối năm để tránh cái nóng gay gắt của mùa hè Qatar, nhưng kể cả như vậy, khoảng nhiệt độ 20-28oC giai đoạn tháng 11-12 ở quốc gia Trung Đông này vẫn làm khó các cầu thủ. Nước chủ nhà vì vậy phải nỗ lực đưa các sân vận động vào điều kiện khoảng 18-22oC.

Giáo sư Saud Abdulaziz Abdul Ghani của Đại học Kỹ thuật Qatar là người phụ trách nhiệm vụ này. 

Lấy cảm hứng từ hoạt động của máy lạnh trong xe hơi, giáo sư Saud xây dựng một hệ thống làm mát sân vận động kết hợp giữa vật liệu cách nhiệt và hệ thống "làm mát có mục tiêu". 

Không khí được làm mát đi vào qua các cửa gió trên khán đài và vòi phun lớn trên sân. Không khí ấm sau đó được hút trở lại, làm mát, lọc và đẩy ra ngoài.

Sân Khalifa (sân duy nhất không phải xây mới của Qatar ở World Cup 2022) là nơi đầu tiên lắp đặt hệ thống này. Quá trình cải tạo bao gồm xây thêm một mái che, bảo vệ khán đài khỏi ánh nắng mặt trời.

Do bảy sân còn lại của World Cup 2022 được xây dựng sau khi dự án làm mát tiến hành, giáo sư Saud đã cung cấp giải pháp riêng cho từng sân, được thử nghiệm trước để xem phản ứng với gió ở các tốc độ khác nhau như thế nào.

Chính vì phức tạp như vậy, chi phí cho việc xây sân ở World Cup 2022 ngốn khoản kinh phí lên đến gần 10 tỉ USD. Bù lại, giáo sư Saud cho biết loại công nghệ này thân thiện môi trường hơn 40% so với kỹ thuật hiện có, nên các sân bóng chỉ cần làm mát trước khi trận đấu diễn ra hai giờ, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể

Sân vận động đa năng

Trong tám sân của World Cup 2022, Ras Abu Aboud vào loại nhỏ nhất với sức chứa chỉ khoảng 40.000 người. Nhưng đó cũng là sân đặc biệt nhất, với biệt danh "sân 974", ý chỉ số lượng container được tái chế trong quá trình xây dựng, cũng là mã số điện thoại quốc tế của nước chủ nhà Qatar.

Các sân vận động "có thể tháo dỡ" từ lâu đã là xu hướng trong xây dựng các công trình thể thao, nhằm tiết kiệm chi phí bảo trì và tránh lãng phí. Nhưng sân 974 sẽ trở thành sân đấu thể thao có thể tháo dỡ hoàn toàn đầu tiên trong lịch sử World Cup. 

Theo kế hoạch của nước chủ nhà, sau World Cup, sân vận động này có thể được tháo dỡ và tặng cho một quốc gia châu Phi.

FIFA tuyên bố đây sẽ là hình mẫu cho việc xây sân vận động trong tương lai, hướng đến sự đa năng, tiện dụng và tiết kiệm. 

Còn Lusail, sân trung tâm của World Cup 2022 (sức chứa 80.000 chỗ), sẽ được thu gọn lại còn sức chứa 40.000 chỗ. Một phần khán đài được tháo gỡ, phần đất trống sẽ được chuyển đổi trở thành không gian công cộng như trường học, siêu thị, hạ tầng thể thao khác, phòng khám… ■

Tiện ích cho người khuyết tật

Bên cạnh hàng loạt tiện nghi cho cầu thủ và khán giả, nước chủ nhà cũng đặc biệt quan tâm đến những CĐV khuyết tật. Họ sắp xếp các phòng xem cảm biến dành cho CĐV gặp vấn đề thị giác hoặc sa sút trí tuệ.

Những căn phòng này có công cụ chuyên biệt, tạo ra hình ảnh trực quan, giúp người theo dõi duy trì sự tập trung trong môi trường yên tĩnh.

Loại phòng đặc biệt này được xây ở ba sân Lusail, Al Bayt và Education City, nơi diễn ra nhiều trận đấu ở các bảng C, E, H và vòng đấu loại trực tiếp.

Thêm vào đó còn có Bonocle, dự án chữ nổi giải trí với mục tiêu giúp người khiếm thị tiếp cận các nội dung số. Với dự án này, người khiếm thị hứa hẹn sẽ được tiếp cận World Cup theo một cách bình thường và sôi nổi nhất có thể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận